Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu

Ngày 30/07/2024, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam. Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về EUDR và thảo luận về kết quả rà soát, đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

EUDR có hiệu lực từ ngày 29/06/2023, trong đó có quy định, các sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường châu Âu phải có thể truy xuất được nguồn gốc, không phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Các công ty lớn hơn nhập khẩu các mặt hàng này vào châu Âu phải tuân thủ EUDR từ ngày 30/12/2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải tuân thủ từ ngày ngày 30/06/2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bên liên quan tại Việt Nam đã chủ động thích ứng với EUDR thông qua xây dựng và ban hành Khung kế hoạch hành động nhằm tuân thủ quy định này. Khung kế hoạch này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định. Hội thảo nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình thực hiện EUDR, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê và gỗ, đồng thời cung cấp những thông tin thực tế hỗ trợ cho các kế hoạch hành động theo các yêu cầu của EUDR.

Ông Patrick Haverman – Phó Đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, cho biết: Những phát hiện của đánh giá độ sẵn sàng sẽ cung cấp thông tin cho các chiến lược và hành động đảm bảo rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia đi đầu trong sản xuất bền vững và không gây mất rừng. Ông cũng nhấn mạnh rằng, trước hết, việc chia sẻ dữ liệu và bản đồ là điều cần thiết. Cần thiết lập các giao thức rõ ràng về cách Chính phủ sẽ chia sẻ dữ liệu và bản đồ với các bên, bao gồm các nền tảng sẽ được sử dụng và các loại dữ liệu có thể được chia sẻ. Đồng thời cần phát triển các phương pháp phân tích định nghĩa rừng, không mất rừng và phân tích rủi ro…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia. Theo đó, hệ thống mã nông hộ quốc gia của Peru bao gồm các điểm GPS cho hơn 2 triệu nông dân đã đăng ký với mục tiêu thu thập 500.000 định vị đa giác vào tháng 12/2024 cho các nhà sản xuất cà phê và ca cao. Nông dân sử dụng ứng dụng tự mô tả để thêm thông tin về quyền sử dụng đất, năm trồng và dữ liệu sản xuất, hỗ trợ các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong tương lai. Nền tảng quốc gia SatuData của Indonesia cung cấp nhiều bản đồ sử dụng đất và sự thay đổi của đất, được liên kết với một trang web truy xuất nguồn gốc mới cho dầu cọ, giúp các bên truy cập dữ liệu và phương pháp này cho mục đích giải trình. Bờ Biển Ngà và Ghana đều đã thiết lập các hệ thống truy xuất nguồn gốc ca cao quốc gia với mã nông hộ và định vị đa giác các vườn ca cao, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, dịch vụ khuyến nông và kiểm tra tuân thủ thông qua thông tin chuỗi lưu ký được số hóa.

Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông của Việt Nam” (gọi tắt là dự án iLandscape) do Liên minh châu Âu tài trợ.

VH

Phát triển nhân lực là yếu tố then chốt thu hút đầu tư ngành bán dẫn

Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (CNC) kết hợp với các viện trường, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn vào đầu tư.
Thông tin trên được ông Trần Đắc Trung, Phó Ban quản lý Khu CNC chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” ngày 30/7/2024, tại Hà Nội.
Ông Trần Đắc Trung cho biết, CNC và công nghiệp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba nhà gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Trần Đắc Trung phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Trần Đắc Trung, trong thời gian tới, Khu CNC sẽ xây dựng danh mục các dự án hạ tầng xã hội cần thiết để thu hút, đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC… Các đơn vị này sẽ tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đặt công nghiệp bán dẫn là 1 trong 9 ngành mũi nhọn phát triển, theo đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, VKIST sẽ tập trung  đào tạo nhân lực và xây dựng trang thiết bị cho phòng nghiên cứu vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam. VKIST cũng có kế hoạch hợp tác với công ty Accretech (Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và hệ thống đo lường chính xác để xây dựng phòng nghiên cứu.
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra Tọa đàm về thế mạnh, cơ hội, thách thức của Khu CNC; vai trò, nhiệm vụ của Ban Quản lý/doanh nghiệp/viện nghiên cứu/trường đại học trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Khu CNC; những định hướng phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Khu CNC.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm chia sẻ thế mạnh, cơ hội, thách thức trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” dự báo cần khoảng 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Trên thực tế, qua khảo sát các trường đại học lớn của Việt Nam cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Do vậy, thời gian tới, các chương trình đào tạo của Việt Nam cần được đa dạng hóa, chú trọng nâng cao, chuyển đổi và liên thông; việc hợp tác đào tạo quốc tế cần được triển khai bài bản, hiệu quả, có trọng tâm; xây dựng nguồn nhân lực phải đi đôi với xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và dựa trên thế mạnh và lộ trình phát triển của Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, có 3 thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: Đào tạo số lượng lớn cho một ngành công nghiệp; thời gian đào tạo ngắn bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có cơ hội trong 3 năm là tối đa; và nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu, nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài.
Theo TS. Lê Trường Tùng, trường Đại học FPT năm 2024 dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu liên quan đến thiết kế vi mạch. Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Công bố khung Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024

PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số song được thay đổi cách tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu để thuận lợi cho các địa phương.

Thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại hội thảo sáng 1/8. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) hiện là bộ chỉ số duy nhất tổng hợp và đa ngành phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế. Thứ trưởng cho hay khi PII 2023 công bố, nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn và chưa thực sự khai thác được bộ chỉ số này.

Theo ông Minh, việc xếp hạng PII không phải chỉ quan tâm về thứ hạng, mà thông qua các chỉ số về thể chế, con người, môi trường kinh doanh, nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được các điều kiện nào giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra các địa phương vẫn tập trung mạnh phát triển kinh tế dựa trên sản xuất, chưa có nhiều hoạt động khai thác phát triển dựa trên khoa học công nghệ.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu khai mạc hội thảo sáng 1/8. Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc hội thảo sáng 1/8. Ảnh: TTTT

Để giúp các địa phương khai thác hiệu quả bộ chỉ số này, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo cung cấp thông tin, làm rõ cách khai thác kết quả, cách tính toán, hướng dẫn cách thu thập, khai thác dữ liệu, đặc biệt tài liệu minh chứng phục vụ tính toán chỉ số.

“Từ thành công của PII 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn các UBND tỉnh có điều chỉnh, nhận thức nhằm phát huy thực sự bộ chỉ số trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý điều hành cho mỗi địa phương”, ông nói.

Khung chỉ số PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số thành phần, thiết kế hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra (7 trụ cột). Trong đó các dữ liệu được thu thập từ địa phương là 13 chỉ số, đồng thời sử dụng kết quả từ các bộ chỉ số khác như cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết cấu trúc và tiêu chí về khung chỉ số gần như giữ nguyên “dựa theo lời khuyên từ chuyên gia quốc tế”. Tuy nhiên bộ chỉ số có thay đổi một số tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu.

Cụ thể, ở trụ cột thể chế, liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được bổ sung thêm lĩnh vực chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Ở trụ cột vốn con người và nghiên cứu phát triển, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cũng có thay đổi bằng cách tính điểm trung bình 5 môn thi, bổ sung thêm lĩnh vực nhân văn bên cạnh kỹ thuật, khoa học. Hay các chỉ số về tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hay nguồn nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển cũng được bổ sung số liệu từ Tổng cục thống kê, Bộ ngành liên quan thay vì chỉ địa phương cung cấp như trước.

PII 2024 cũng tìm các chỉ số mới trong cách đánh giá để phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển như hạ tầng chung, quản trị môi trường, trình độ phát triển doanh nghiệp như giữa các địa phương có chênh lệch về số lượng doanh nghiệp chế biến chế tạo với doanh nghiệp dịch vụ. Theo ông Hưng, việc điều chỉnh bổ sung này dựa trên góp ý xếp hạng hiện tại còn thiên về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp mà chưa chú trọng các chỉ số dịch vụ, văn hóa. “Bộ chỉ số cũng điều chỉnh liên quan đến số đơn đăng ký và chỉ dẫn địa lý bằng việc xem xét cả số đơn đã nộp thay vì chỉ lấy số lượng đơn đã cấp”, ông nêu.

Đại biểu đơn vị Sở khoa học và Công nghệ địa phương tham dự hội thảo. Ảnh: Xuân Bình

Đại biểu đơn vị Sở khoa học và Công nghệ địa phương tham dự hội thảo. Ảnh: Xuân Bình

Tại hội thảo, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ cũng thảo luận về phương pháp, tiêu chí tính toán về tỷ lệ doanh nghiệp, chỉ số về sở hữu trí tuệ hay tính toán theo chỉ số tương đương… đồng thời được hướng dẫn thu thập và cung cấp dữ liệu, tài liệu minh chứng.

Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, các địa phương cần lưu ý trong thu thập dữ liệu, cung cấp tài liệu minh chứng đầy đủ về chỉ số. Ông mong muốn việc tiếp cận bộ chỉ số theo cách xếp hạng ranking (thứ hạng) được chuyển sang cách xếp hạng rating (xếp hạng theo đánh giá cấp độ sao) để thấy hiện trạng của từng địa phương, qua đó so sánh được với các địa phương khác.

Một hội thảo nội dung tương tự cũng được tổ chức tại TP HCM vào ngày 8-9/8.

Năm 2023, lần đầu tiên bộ chỉ số được Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên toàn quốc. Bộ chỉ số hướng đến cung cấp bộ công cụ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, cũng như cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.

Ở lần xếp hạng đầu tiên, trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (xếp hạng 1), TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).

Như Quỳnh

Sửa đổi toàn diện Luật KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST trong thời gian tới

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sửa đổi sẽ thiết kế đầy đủ, toàn diện các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà còn thực sự chú trọng hơn tới các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong thực tiễn. Không phân biệt đối xử công – tư, khuyến khích, thúc đẩy để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phóng viên của Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN đã có buổi trao đổi với  Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy về các nội dung liên quan đến Luật KH&CN sửa đổi.

Sửa đổi Luật KH&CN theo kịp xu hướng chung của thế giới

Bối cảnh hiện tại đặt ra những thách thức gì đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN thưa Thứ trưởng?

Luật KH&CN 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy KH&CN trong giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của KH&CN và sự bùng nổ của công nghệ số. Những thay đổi này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN đã nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia thu nhập cao. Cùng với đó, khái niệm “nghiên cứu, phát triển” đã dần được thay thế bằng “nghiên cứu phát triển và ĐMST”. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động này không chỉ diễn ra tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà còn phổ biến trong các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN, đặc biệt là DN tư nhân thậm chí đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để tạo nền tảng cho các phát minh và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, trong 10 năm qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, các nội dung này cần được thể chế hóa kịp thời vào trong Luật.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Luật KH&CN sửa đổi sẽ thiết kế đầy đủ, toàn diện các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Luật KH&CN 2013 sẽ được đổi tên thành Luật KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, các quy định về ĐMST đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật KH&CN 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ. Vậy, Dự thảo luật mới sẽ quy định về nội dung ĐMST như thế nào, và liệu có một chính sách riêng biệt về ĐMST trong Luật không?

Khái niệm ĐMST đã được định nghĩa trong Luật KH&CN 2013, và cũng có thể xuất hiện trong một số luật khác. Tuy nhiên, nội hàm đầy đủ của ĐMST cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.

Để thúc đẩy hoạt động ĐMST, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và DN. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác. Ví dụ như các quỹ đầu tư tài chính, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trung gian, các dịch vụ tài chính, các tổ chức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt ĐMST.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ, ĐMST còn yêu cầu phải thay đổi quy trình quản lý, sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ việc mua sắm dây chuyền máy móc công nghệ mới mà không thay đổi các yếu tố khác sẽ không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Hoạt động ĐMST cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh.

Trên thế giới, đã hình thành một phong trào về ĐMST, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống ĐMST quốc gia, hệ thống ĐMST ngành và các mô hình kết nối khác. Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó DN đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng KH&CN, hoạt động ĐMST còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.

Luật KH&CN lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong DN, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai…, cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST.

Tăng cường nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST

Con người đóng vai trò then chốt và quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chiến lược KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Vậy, Luật KH&CN sửa đổi sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để tăng cường nguồn nhân lực NC&PT, nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược này?

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, để phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST, số lượng cán bộ NC&PT cần đạt khoảng 12 người/vạn dân. Để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao mức đầu tư xã hội, cần phải thực hiện các cải cách toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động NC&PT vào trong Luật.

Để tăng cường đầu tư cho KH&CN, các quốc gia phát triển đã tìm cách nâng cao tỷ lệ đầu tư từ xã hội. Thông thường, tỷ lệ đầu tư từ nhà nước sẽ giảm từ mức 100% xuống còn khoảng 30%, và  tỷ lệ đầu tư từ xã hội sẽ tăng lên khoảng 70%.

Trong Luật KH&CN chúng tôi dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội nhằm mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/vạn dân. Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, DN và khu vực tư nhân vào KH&CN. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ NC&PT trong các DN.

Vì vậy, Luật KH&CN lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với DN.

Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn.

Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, Luật KH&CN cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động NC&PT của toàn xã hội vào trong Luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.

Việc sửa đổi Luật KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó DN là trung tâm và viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vậy, những chính sách nào sẽ được đề xuất trong Luật sửa đổi sắp tới để hỗ trợ các đối tượng này?

Xin nhấn mạnh rằng trong các đề xuất sửa đổi Luật KH&CN, chúng tôi đã đề xuất các nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH&CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động, và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học.

Ví dụ, chúng ta cần có những chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ KH&CN; cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm xuất sắc về KH&CN, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo.

Rạng Đông là một doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí sau thuế để đầu tư cho R&D.

Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các DN do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động ĐMST từ DN đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.

Chúng ta cũng khuyến khích thành lập các DN khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những DN này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Đồng bộ các quy định của Luật với các chính sách tài chính hiện hành

Ngoài vấn đề về quỹ, cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN hiện còn nhiều bất cập và chưa phù hợp giữa quy định của Luật KH&CN với pháp luật về tài chính, bao gồm các lĩnh vực như đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công. Vậy, Bộ đã đề xuất những giải pháp gì để giải quyết các bất cập này?

Chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống pháp luật, bao gồm rất nhiều luật liên quan, không chỉ giới hạn trong Luật KH&CN. Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống cũng như chưa khuyến khích được các DN đầu tư vào KH&CN. Nguyên nhân là do vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa pháp luật về KH&CN và pháp luật về tài chính.

Việc đầu tiên cần giải quyết là làm thế nào để đồng bộ các quy định của Luật KH&CN với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này.

Vấn đề thứ hai là, khi đã có đầu tư và nguồn lực, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, thông thoáng và nhanh chóng. Để đạt được điều này, ngành KH&CN cần phải sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ KH&CN, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính…

Thêm vào đó, cần phải điều chỉnh các quy định về mua sắm và đấu thầu khi sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ, bao gồm cả kinh phí đầu tư công của Nhà nước và kinh phí của DN.

Đặc biệt, cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề mới, công nghệ lõi, và thậm chí mua các kết quả nghiên cứu và sáng chế từ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho DN để họ có thể sử dụng và phát triển.

Một vấn đề quan trọng khác là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN thông qua các biện pháp cụ thể như: tập huấn, đào tạo nhân lực về chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ. Đồng thời, cần đưa các nhà khoa học vào DN để hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Hiện nay, việc tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu như tư tài chính và nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn. Các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, với việc thu chi và báo cáo thường xuyên. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực KH&CN thường có nhiều rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Nhận định này khá là phù hợp, đặc biệt khi xã hội và đất nước ngày càng phát triển. Những vấn đề mới phát sinh không thể được giải quyết ngay lập tức mà cần sự đồng thuận từ tất cả các lĩnh vực. Do đó, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động KH&CN với những yêu cầu này. Đây là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực hiện thường xuyên.

Ví dụ về vấn đề quản lý tài sản công, cần chia sẻ quan điểm rằng kinh phí nhà nước đầu tư cho kết quả KH&CN nên được xem là nguồn đầu tư lâu dài. Thay vì yêu cầu thanh toán ngay, nên giao kinh phí cho các đơn vị chủ trì và đơn vị sản xuất để họ có thể đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Khi các đơn vị này tạo ra việc làm và đóng thuế cho Nhà nước, chúng ta sẽ thu hồi nguồn vốn qua thuế và tái đầu tư cho hoạt động KH&CN. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan KH&CN và cơ quan tài chính để hiểu nhau và phối hợp hiệu quả.

Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung trong Luật các quy định về nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quy định về miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện đầy đủ quy định nhưng không đi đến các kết quả đã định trước hay bổ sung cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu…

Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật KH&CN cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động KH,CN&ĐMST.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Phát triển nhân lực bán dẫn hút ‘ông lớn’ vào Khu CNC Hòa Lạc

Khu công nghệ cao Hòa Lạc kết hợp với các viện trường, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn vào đầu tư.

Thông tin được ông Trần Đắc Trung, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP) nói tại hội thảo phát triển nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, chiều 30/7. Theo ông Trung, công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư. Sắp tới HHTP dự kiến thu hút một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch…

Ông cho rằng, ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối ba nhà gồm nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. “Hoạt động này đang được HHTP tập trung triển khai”, ông Trung nói.

Phó ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Phó ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hường

Ông Trung cho biết, trong năm nay và sang năm, HHTP xây dựng danh mục thu hút các dự án hạ tầng xã hội cần thiết đáp ứng nhu cầu của chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, doanh nghiệp làm việc, học tập. Nơi đây cũng là trụ sở của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VKIST, NIC… Các đơn vị này cũng tham gia vào việc kết nối, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế.

VKIST – đơn vị hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc đặt công nghiệp bán dẫn là một trong 9 ngành mũi nhọn phát triển. Theo đại diện VKIST trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc, sẽ đào tạo nhân lực, xây dựng phòng thí nghiệm cho nghiên cứu vi mạch tại Việt Nam. Việc xây dựng phòng thí nghiệm tại VKIST dự kiến sẽ hợp tác cùng công ty Accretech đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và hệ thống đo lường chính xác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) tham quan triển lãm sản phẩm vi mạch tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở tại Khu CNC Hòa Lạc hồi tháng 4/2023. Ảnh:Tùng Đinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) tham quan triển lãm sản phẩm vi mạch tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở tại Khu CNC Hòa Lạc hồi tháng 4/2023. Ảnh:Tùng Đinh

Lãnh đạo HHTP xác định luôn đồng hành và chia sẻ với các viện trường, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, đặc biệt trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển nhân lực bán dẫn phục vụ sự phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc và các doanh nghiệp trong đơn vị. “Điều này tạo sức lan tỏa, sự dẫn dắt trong phát triển nhân lực bán dẫn cho TP Hà Nội và cả nước”, ông nói.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trung cho biết thêm, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi, trong đó với những dự án đầu tư quy mô lớn (tổng vốn đầu tư trên 4000 tỷ đồng) được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm thay vì 15 năm như trước đây cùng với các cơ chế về hạ tầng xã hội. Luật Thủ đô được thông qua cũng có thêm nhiều ưu đãi khác giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, HHTP đang phối hợp ngành điện lực hoàn thiện trung tâm điều phối điện giúp ổn định điện áp, đảm bảo điện sạch. Về kết nối ba nhà, theo ông Trung nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách vừa để đảm bảo việc quản lý vừa thúc đẩy trường viện và doanh nghiệp. Nhà nước cũng đóng vai trò điều phối, kết nối các nhà còn lại không để phát triển rời rạc, chồng chéo, tạo ra mạng lưới đủ mạnh.

Lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc kỳ vọng với lợi thế có nhiều doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động sẽ tập hợp thành công, cùng phát triển những sản phẩm mang tầm quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

Thành lập năm 1998, Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có 108 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD, quy mô lao động khoảng 25.000 người.

Vĩnh Hà

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam” (Báo cáo).

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã giới thiệu về Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam”. Báo cáo đã hệ thống hóa và làm rõ một số khái niệm cơ bản, khung phân tích về thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV; nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV, rút ra bài học cho Việt Nam; phân tích thực trạng thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam; đề xuất định hướng giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng chủ biên Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” phát biểu tại Hội thảo.

Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ

Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV là bất kỳ hoạt động nào của doanh nghiệp hướng đến giảm tác hại đến môi trường, đưa doanh nghiệp đến sản xuất các hàng hóa thân thiện với môi trường hơn như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả khả năng tái chế các sản phẩm qua sử dụng hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Hoạt động đổi mới sáng tạo xanh có thể bao gồm đổi mới thiết bị, sản phẩm, quy trình, chính sách và các dự án theo hướng xanh.

Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị; giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn, quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm… Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh… Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường. Phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều DNNVV thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có. Do hàm lượng công nghệ trong các DNNVV còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản). Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều.

Sự đồng hành của Nhà nước

Nhóm nghiên cứu Báo cáo cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành. Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho DNNVV phát triển và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận được cao nhất. Những chính sách về thuế, phí đã tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh nguồn vốn tài chính từ ngân sách nhà nước, việc thực hiện các giải pháp chính sách tài chính thúc đẩy DNNVV đổi mới sáng tạo xanh đã thu hút, huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp. Nhiều địa phương cũng huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế… để tổ chức các chương trình, các cuộc thi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các DNNVV đổi mới sáng tạo xanh.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong nhóm giải pháp chính sách phi tài chính, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, quảng bá, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ. Khía cạnh, tiêu chí “xanh” đang trở thành những điểm nhấn quan trọng trong nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại nhiều địa phương, khía cạnh “xanh” và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên bản địa đã được đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đã có các chương trình, sáng kiến về mô hình phát triển xanh, huy động sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình đào tạo, tập huấn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Hạn chế và khuyến nghị chính sách

Phân tích về những hạn chế của hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng, Báo cáo khẳng định: hệ thống còn chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý. Chẳng hạn như chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng. Các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, hướng đến tiêu dùng xanh còn chưa thực sự đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất. Tín dụng xanh chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh còn ít. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh ở hầu hết các địa phương thường tập trung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa quan tâm đúng mức đến thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chính những doanh nghiệp đang hoạt động.

Để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam, Báo cáo khuyến nghị như:

Một là, cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp.

Hai là, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và các công cụ chính sách khác.

Bà là, xây dựng chương trình hỗ trợ DNNVV thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, chuyển đổi xanh. Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay, cần đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong các DNNVV hiện đang hoạt động, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển, đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây là một cách hiệu quả để củng cố sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng dựa trên những ý tưởng và sáng kiến mới.

VVH

Việt Nam tạo hành lang pháp lý đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân

Hoạt động cấp phép, kiểm soát nguồn sử dụng bức xạ được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành, giúp quản lý và thúc đẩy ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả.

Thông tin được nêu tại hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 6 do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội tổ chức ngày 30-31/7. Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hội nghị là dịp để đánh giá thực trạng quản lý nhà nước và đề xuất các giải pháp để Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho sự phát triển bền vững của hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ kỷ niệm sáng 30/7. Ảnh: TTTT

Bộ trưởng phát biểu tại sự kiện sáng 30/7. Ảnh: TTTT

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải cho biết, những năm gần đây các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, thiết bị bức xạ công nghệ cao được ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và tài nguyên môi trường, xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân gồm hoạt động cấp phép, thanh tra, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng, bảo đảm an toàn, phát triển bền vững, hiệu quả.

Đến tháng 12/2023 Việt Nam có 2.025 cơ sở tiến hành công việc bức xạ (không bao gồm X-quang chẩn đoán y tế) đang hoạt động, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 63,5%, y tế khoảng 5,8%, nghiên cứu và đào tạo 4,3% và lĩnh vực khác 26,3%. Thống kê nguồn phóng xạ đang sử dụng là 4.229, trong đó 4% trong y tế, 12% trong nghiên cứu đào tạo.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho hay, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện cấp phép vận hành thiết bị chiếu xạ (gia tốc, thiết bị xạ trị sử dụng nguồn phóng xạ), sản xuất phóng xạ. “Số lượng hồ sơ cấp phép tăng trung bình khoảng 10-15% mỗi năm”, ông nói.

Chia sẻ thực tế sử dụng nguồn bức xạ, bà Phan Thị Quý Trúc, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết địa phương hiện có 783 cơ sở y tế được cấp phép, trong đó có hơn 2.000 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế (như máy X-quang tổng hợp, thiết bị đo loãng xương). Địa phương có 420 thiết bị bức xạ ứng dụng chủ yếu trong trong máy X-quang, thiết bị PET/CT và máy gia tốc. Nguồn bức xạ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như thiết bị như máy xạ trị suất liều cao, thiết bị khử trùng máu trong y tế; thiết bị đo mực chất lỏng, mảng nhựa thép hay ứng dụng trong phân tích sắc ký khí dùng trong công nghiệp…

Lính phòng hóa diễn tập tẩy xạ vật thể nhiễm bẩn phóng xạ và khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn nơi xảy ra sự cố tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Lính phòng hóa diễn tập tẩy xạ vật thể nhiễm bẩn phóng xạ và khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn nơi xảy ra sự cố tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ như kỹ thuật hoạt động hỗ trợ cơ quan quản lý về an toàn bức xạ, quản lý liều chiếu xạ trong y tế…

Trong ngày mai, các nhà quản lý, chuyên gia sẽ thảo luận về chủ đề “An ninh hạt nhân – Phóng xạ môi trường và Ứng phó sự cố”.

Như Quỳnh

Giống lúa TBR225 kháng bạc lá mang lại hiệu quả sản xuất cao

Giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá (KBL) được tạo ra bằng phương pháp lai, chuyển gen KBL Xa7 vào giống TBR225. Giống lúa TBR225 KBL đã khắc phục được nhược điểm của giống lúa cũ và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Mô hình sản xuất TBR225 KBL tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Giống lúa thuần TBR225 có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của các địa phương trên cả nước. Năng suất ước đạt từ 70 đến 75 tạ/ha và có thể đạt từ 85 đến 90 tạ/ha khi được thâm canh tốt. Giống lúa này có thể cấy được cả 2 vụ, chất lượng gạo trong, cơm mềm dẻo, đậm đà, ngon miệng và có mùi thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. TBR225 đã thể hiện nhiều ưu thế vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất lúa bình quân của cả nước và tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, vào năm 2015, giống lúa TBR225 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia. Tuy nhiên, giống lúa này có nhược điểm là dễ nhiễm bệnh bạc lá (BBL) khá nặng vào vụ mùa, gây nhiều rủi ro trong canh tác. Trước thực trạng này và nhằm duy trì, phát triển một giống lúa tốt trong sản xuất, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã lai chuyển thành công gen KBL Xa7 vào giống lúa TBR225.

Giống lúa TBR225 KBL được tạo ra bằng phương pháp lai, chuyển gen KBL vào giống TBR225. Nhờ vậy, giống lúa TBR225 KBL vẫn giữ nguyên được các đặc tính tốt của giống TBR225 như: năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng thích ứng rộng… nhưng khắc phục được nhược điểm của giống TBR225 là kháng BBL. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống và kỹ thuật thâm canh cho giống lúa TBR225 KBL, đã xác định được thời vụ gieo trồng, phương thức làm mạ, bón phân và mật độ cấy khuyến cáo cho sản xuất. Các quy trình thâm canh được nông dân áp dụng rộng rãi, giúp tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

PT

Giải pháp tối ưu cho vận hành hồ chứa và phòng chống thiên tai

Trước thực tế biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và tình hình thời tiết mưa lũ bất thường, việc nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn là rất cần thiết. Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), trực thuộc Công ty Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn (Hệ thống) để đáp ứng nhu cầu vận hành các hồ chứa và phòng chống thiên tai. Hệ thống này giúp tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng nguồn nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hồ chứa Đăk Mi3 (tỉnh Quảng Nam) – một trong những hồ chứa được cung cấp bản tin dự báo trong Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn của CEFD. Nguồn: CEFD

Cấu trúc của Hệ thống và công nghệ sử dụng

Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn của CEFD được xây dựng dựa trên nền tảng các công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo tính chính xác trong việc dự báo thời tiết và thủy văn. Cấu trúc hệ thống bao gồm 3 phần chính: hệ thống dự báo khí tượng, hệ thống dự báo thủy văn và công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Hệ thống dự báo khí tượng

Hệ thống dự báo khí tượng là một trong những thành phần quan trọng nhất, được xây dựng dựa trên các công nghệ, mô hình khí tượng tiên tiến. Hệ thống này có khả năng cung cấp thông tin dự báo chi tiết và chính xác các yếu tố thời tiết như lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, gió, giúp các nhà quản lý có thể chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện thời tiết sắp tới.

Một trong những phương pháp quan trọng được sử dụng là phân tích hình thế Synop (quan sát tổng thể), giúp đánh giá và dự báo các hiện tượng thời tiết lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn. Phương pháp này giúp nắm bắt các thay đổi lớn trong khí quyển và đưa ra cảnh báo sớm, từ đó giúp giảm thiểu tác động của thiên tai. Hệ thống dự báo khí tượng của CEFD tích hợp dữ liệu từ các hệ thống mô hình dự báo toàn cầu như ECMWF (của châu Âu) và GFS/CFS (của Hoa Kỳ). ECMWF là một trong những mô hình dự báo thời tiết toàn cầu với độ chính xác cao, GFS/CFS được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng khí tượng quốc tế. Việc kết hợp các nguồn dữ liệu này giúp hệ thống có thể đưa ra các dự báo chính xác và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng dữ liệu từ các nguồn quan trắc hiện đại như ảnh vệ tinh và radar. Ảnh vệ tinh cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các hiện tượng thời tiết trên diện rộng, giúp theo dõi và phân tích các thay đổi trong khí quyển một cách chi tiết. Dữ liệu radar, với khả năng quét và phát hiện mưa, bão, các hiện tượng khí tượng khác trong thời gian thực, giúp tăng cường độ chính xác của các bản tin dự báo, cảnh báo.

Nhờ sự kết hợp của các công nghệ và nguồn dữ liệu tiên tiến này, Hệ thống của CEFD đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, ứng phó với các tình huống thiên tai phức tạp.

Hệ thống dự báo thủy văn

Hệ thống dự báo thủy văn của CEFD sử dụng các công cụ mô hình thủy văn tiên tiến để mô phỏng, dự báo dòng chảy. Một trong những mô hình chính được sử dụng là SWAT (Soil and Water Assessment Tool). SWAT cung cấp các thông tin về dòng chảy, chất lượng nước hỗ trợ việc quản lý tài nguyên nước một cách bền vững. Một số mô hình thủy văn phân bố khác là WFLOW, MARINE được sử dụng để mô phỏng dòng chảy trên các lưu vực sông có sự phân hóa cao về các yếu tố mặt đệm. Các mô hình này có khả năng mô phỏng chi tiết các quá trình thủy văn, giúp dự báo chính xác hơn cho các lưu vực này. Hệ thống cũng sử dụng các mô hình tập trung phổ biến tại Việt Nam như mô hình NAM, HEC-HMS, TANK. Đây là những công cụ dự báo thủy văn mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi trong dự báo, quản lý tài nguyên nước. Các mô hình này có ưu điểm về tốc độ mô phỏng, lượng thông tin đầu vào ít, do đó phù hợp với các bài toán mô phỏng, dự báo lũ, các lưu vực sông nhỏ, ít số liệu.

Để mô phỏng dòng chảy và lũ lụt trong sông và kênh rạch, Hệ thống sử dụng các mô hình thủy động lực học 1-2D như HEC-RAS, MIKE 11, MIKE 21… Các mô hình này giúp dự báo chính xác dòng chảy, mực nước, mức độ ngập lụt, cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả.

Hệ thống công cụ tích hợp hỗ trợ ra quyết định

Để tối ưu hóa thời gian chuẩn bị bản tin, đảm bảo việc tuân thủ các quy trình dự báo, cung cấp thông tin hỗ trợ dự báo viên ra quyết định, ngoài việc liên kết các nguồn số liệu, kết quả từ các mô hình khí tượng, thủy văn, Hệ thống đã tích hợp công nghệ máy học (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI). Các mô hình như LSTM (Long Short-Term Memory – Bộ nhớ ngắn dài) đã được áp dụng để dự báo dòng chảy trên một số lưu vực giúp tăng cường độ chính xác của dự báo.

Ngoài ra, Hệ thống cũng đã tích hợp các kỹ thuật đồng hóa dữ liệu, cụ thể là phương pháp lọc Kalman kép, để tích hợp dữ liệu quan trắc thời gian thực với mô hình dự báo. Công nghệ này giúp cải thiện đáng kể độ chính xác của các dự báo hạn cực ngắn và hạn ngắn.

Để đảm bảo tính chủ động của công tác dự báo, đặc biệt các khu vực thiếu mạng lưới trạm quan trắc, Hệ thống cho phép tích hợp dữ liệu quan trắc vệ tinh, các sản phẩm từ viễn thám. Các nguồn dữ liệu này cung cấp các thông tin quan trọng về tình hình thời tiết và thủy văn từ không gian, bổ sung cho dữ liệu quan trắc mặt đất và cải thiện độ chính xác của các mô hình dự báo.

Kết quả vận hành của Hệ thống

Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn của CEFD đã chính thức đi vào vận hành liên tục từ ngày 15/05/2023. Đội ngũ chuyên gia của CEFD trực 24/7 để thực hiện các quy trình dự báo và giải quyết các yêu cầu phát sinh. Máy chủ của hệ thống đặt tại CEFD, đảm bảo tính bảo mật và an toàn về thông tin, dữ liệu của đối tác.

Trong thời gian vận hành hơn 1 năm, Hệ thống đã nhận được sự tin tưởng từ nhiều nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trên cả nước. Một số dự án tiêu biểu mà Hệ thống đã hỗ trợ bao gồm: Hồ Đắk Mi (4, 4B, 4C), Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Sông Chảy 3, Nhạn Hạc… Nhờ vào Hệ thống của CEFD, các hồ chứa đã vận hành một cách hiệu quả hơn, giúp tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng nguồn nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ thiên tai. Hệ thống đã đem lại nhiều lợi ích rõ rệt, cải thiện khả năng dự báo lũ, tối ưu hóa vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho các công trình và người dân vùng ảnh hưởng.

Các ứng dụng thực tiễn của Hệ thống bao gồm: dự báo, cảnh báo lũ sớm, quản lý nguồn nước, hỗ trợ vận hành hồ chứa. Hệ thống cung cấp thông tin dự báo chính xác về tình hình mưa lũ, dòng chảy, giúp các cơ quan chức năng và cộng đồng có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, Hệ thống hỗ trợ việc quản lý và phân phối nguồn nước một cách hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn khô hạn hoặc thừa nước. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện, thủy lợi mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng và nông nghiệp.

Vũ Hưng

Bảo đảm an toàn, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT); cơ quan pháp quy hạt nhân – đầu mối quốc gia trong hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân…
Sáng ngày 30/7/2024, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục ATBXHN long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (30/7/1994 – 30/7/2024).
Tham  dự lễ kỷ niệm có ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái; nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến; Lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ KH&CN; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về ATBXHN ở trung ương và địa phương; chuyên gia trong lĩnh vực NLNT; đại biểu quốc tế (chuyên gia IAEA, chuyên gia Bộ Năng lượng Hoa Kỳ)…
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.
Cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 30/7/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban An toàn bức xạ và hạt nhân trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN), tiền thân của Cục ATBXHN hiện nay. Lịch sử 30 năm của Cục ATBXHN trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 1994-2003: thành lập Ban ATBXHN; giai đoạn 2 từ 2003-2008: Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân được thành lập; giai đoạn 3 từ 2008-nay: Cục An toàn và Kiểm soát bức xạ, hạt nhân được đổi tên thành Cục ATBXHN.
Trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết, trong 30 năm qua, công tác quản lý nhà nước về ATBXHN đã có những bước phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn, an ninh cho sự phát triển bền vững của hoạt động ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình ở nước ta. Cục ATBXHN đã trở thành cơ quan pháp quy hạt nhân ngang tầm khu vực, giúp Bộ KH&CN thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đồng thời là cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế về NLNT mà Việt Nam là thành viên.
Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đặc biệt trong giai đoạn mà KH&CN nói chung và KH&CN hạt nhân nói riêng đang có sự phát triển rất nhanh, mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về mất an toàn,an ninh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng hơn nữa của tập thể lãnh đạo và cán bộ Cục; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN; sự phối hơp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ; sự hợp tác chặt chẽ với IAEA và các đối tác quốc tế.
Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải bày tỏ, Cục ATBXHN sẽ tiếp tục phấn đấu và cũng tin tưởng sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, trước mắt là chủ trì sửa đổi Luật NLNT; phối hợp với các đơn vị quản lý của Bộ trong triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân (CNST).
Phát biểu chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 30 ngày thành lập Cục ATBXHN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến toàn thể các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục ATBXHN – những người đã nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của Cục. Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương những kết quả Cục đạt được trong thời gian qua. Cục đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong phát triển ứng dụng NLNT.
Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Luật NLNT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn do Cục ATBXHN được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc xây dựng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh, thúc đẩy phát triển ứng dụng NLNT, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong hơn 15 năm qua. Hiện nay, Cục ATBXHN tiếp tục được tập thể Lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao nhiệm vụ đánh giá việc triển khai Luật NLNT năm 2008 để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật này.
Công tác cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT trong việc quản lý các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân. Qua đó, các hoạt động ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp… được triển khai có hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đồng thời, Cục ATBXHN đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép khi triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ trên hệ thống công nghệ thông tin kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và Hệ thống dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng với công tác cấp phép, công tác thanh tra chuyên ngành ATBXHN ngày càng phát huy vai trò then chốt trong chu trình quản lý nhà nước, đồng thời, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về NLNT trong thời gian qua.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn trong nước, trong 30 năm qua, Cục ATBXHN cũng thực hiện tốt vai trò Cơ quan pháp quy hạt nhân – đầu mối quốc gia trong hợp tác với IAEA và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam là thành viên. Cục cũng là cơ quan thường trực của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, tập thể Cục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo hơn nữa vượt qua mọi khó khăn, thách thức để ứng dụng NLNT đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước, phát huy truyền thống tốt đẹp và đạt nhiều thành công hơn nữa.
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Bộ Tư ệnh Cảnh vệ (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) và đại diện Ban An ninh hạt nhân (IAEA), Văn phòng An ninh nguồn phóng xạ (Bộ Năng lượng Hoa Kỳ), đại diện thế hệ lãnh đạo và cán bộ Ban/Cục cũng có phát biểu chào mừng gửi đến tập thể Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Cục ATBXHN.
Các đại diện trong nước và quốc tế chúc mừng Cục ATBXHN nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Bà Elena Buglova, Trưởng Ban An ninh hạt nhân, IAEA đã chúc mừng Cục ATBXHN nhân kỷ niệm 30 năm thành lập. Bà cũng ghi nhận những đóng góp của Cục trong việc tăng cường năng lực an ninh hạt nhân trên toàn cầu đồng thời nhấn mạnh và khích lệ mối quan hệ hợp tác lâu dài của Chính phủ Việt Nam, chủ yếu thông qua Cục ATBXHN, với IAEA đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.
Tại Lễ kỷ niệm đã diễn ra Lễ trao Cờ thi đua của Bộ KH&CN cho Cục ATBXHN, trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho phòng Cấp phép và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 7 tập thể, 11cá nhận đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về ATBXHN.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao Cờ thi đua của Bộ KH&CN cho Cục ATBXHN.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho phòng Cấp phép, Cục ATBXHN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 7 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về ATBXHN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 11cá nhận đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về ATBXHN.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân