‘Chương trình quốc gia cần đặt hàng nghiên cứu theo nhu cầu doanh nghiệp’

Chuyên gia đề xuất, các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, có thể nghiên cứu đặt hàng nhiệm vụ dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp để các đề tài mang tính thực tiễn, ứng dụng cao hơn.

Quan điểm được các chuyên gia, nhà quản lý nói tại hội thảo về đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia do Văn phòng phía Nam, Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm 6/12 tại TP HCM.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng phía Nam cho biết trong mô hình liên kết các nhà (nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước) đã hình thành tổ chức trung gian kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ. Thực tế các địa phương đã có những tổ chức kết nối, tuy nhiên, ông nhìn nhận các hoạt động diễn ra theo hình thức nhà khoa học giới thiệu công nghệ mình có.

Ông Cường đề xuất thay đổi cách thức theo hướng ngược lại. Doanh nghiệp sẽ đề cập nhu cầu, nhà khoa học nghe và nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp. “Doanh nghiệp khi giới thiệu nhu cầu, nhà khoa học với khả năng chuyên môn đương nhiên sẽ nắm bắt được và suy nghĩ hướng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu”, ông Cường nói. Các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia có thể nghiên cứu theo hướng này để đặt hàng, đề tài mang tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao hơn.Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo, chiều 6/12. Ảnh: Hà An

Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo, chiều 6/12. Ảnh: Hà An

Nhiều năm làm thư ký khoa học chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 – 2021, PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết các đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ, dù có khung chương trình, nhưng khi đề xuất nhiệm vụ, mỗi nhóm nghiên cứu lại có các giải pháp khác nhau. Ông lấy ví dụ, vấn đề sạt lở sông Tiền, sông Hậu, mỗi đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp riêng và khi kết hợp lại để giải quyết bài toán lớn tính khả thi không cao. Do đó, cần có một đơn vị trung gian đánh giá sự phù hợp của các giải pháp công nghệ.

Ngoài ra, các công nghệ cần đáp ứng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch mang tính định lượng, tính được điểm số cho từng giải pháp. Hội đồng đánh giá các nghiên cứu cần được yêu cầu tính trách nhiệm cao hơn. Hội đồng phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải bị xử lý nếu đề tài nghiên cứu không đạt kết quả, mục tiêu đặt ra.

Đồng tình, TS Phạm Ngọc Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững, cho rằng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn địa phương, doanh nghiệp. Để nâng cao tính thực tiễn, TS Minh đề xuất các đề tài có cùng mục tiêu giải quyết một vấn đề cụ thể cần được lồng ghép thực hiện bằng sự phối hợp các cơ quan quản lý, để cộng hưởng các nguồn lực tăng khả năng ứng dụng quy mô lớn.

Hà An/VnExpress

Carl H. June người ‘huấn luyện’ tế bào điều trị ung thư

Khi vợ mắc bệnh, bác sĩ Carl H. June nghiên cứu liệu pháp tiêm tế bào vào cơ thể để giệt tế bào ung thư, gần 30 năm sau ông được vinh danh bởi giải VinFuture 2024.Carl H. June nói về liệu pháp tế bào điều trị ung thư tại Hà Nội ngày 3/12.  Ảnh: Việt Hùng

Carl H. June nói về liệu pháp tế bào điều trị ung thư tại Hà Nội ngày 3/12. Ảnh: Việt Hùng

Carl H. June, 71 tuổi, hiện là bác sĩ, giáo sư về Liệu pháp Miễn dịch tại Khoa Y học, Bệnh lý và Thí nghiệm Y học thuộc Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania, Mỹ. Năm 2024 ông được vinh danh giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD Giải thưởng VinFuture 2024.

Chia sẻ với báo chí trong dịp đến Hà Nội nhận giải, ông nói “May mắn. Đó là một vinh dự lớn, một sự công nhận cho những nỗ lực đối với ông và các đồng nghiệp”.

Ông cùng các đồng nghiệp đóng góp lớn cho nền y học khi phát triển một trong những liệu pháp tế bào đầu tiên cho bệnh ung thư, CAR-T. Phương pháp này hiện đã được chấp thuận để điều trị cho người lớn mắc bệnh bạch cầu kinh dòng Lympho (CLL), bệnh đa u tủy xương, và trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL).

Ông giải thích liệu pháp tế bào CAR-T sử dụng trong điều trị ung thư tức là lấy máu từ bệnh nhân sau đó “huấn luyện” các tế bào máu này trong phòng thí nghiệm, để khi truyền lại cho bệnh nhân. Khi tiêm tế bào CAR-T vào cơ thể, chúng sẽ tìm thấy tế bào ung thư. Ngay sau đó, chúng làm hai việc: một là tiêu diệt tế bào ung thư, và hai là chúng phân chia thành hai tế bào con. Trung bình, tế bào T phân chia 1.000 lần trong cơ thể, biến cơ thể như một lò phản ứng sinh học. “Bệnh nhân đầu tiên chúng tôi điều trị vào năm 2010, 14 năm sau trong cơ thể anh ấy vẫn còn tế bào T. Bởi vậy, đây có thể coi là loại thuốc sống đầu tiên, chúng ở trong cơ thể bạn, bảo vệ bạn, đảm bảo các tế bào ung thư không quay trở lại”, ông nói.

Liệu pháp này lần đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA chấp thuận, có giá 400.000 USD, nhưng đây là phương pháp điều trị một lần. “Sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng tế bào CAR – T vẫn ở trong máu của bệnh nhân, bởi vậy, liệu pháp này khác so với các liệu pháp khác ở chỗ bạn tiếp tục dùng chúng nhưng chỉ phải trả tiền cho một lần. Một lần này giống như bạn được tiêm liều vắc vaccine vậy”, ông nói và cho biết tại Ấn Độ chi phí này hiện chỉ khoảng 50.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với ban đầu. Lý do sự phát triển của khoa học công nghệ cùng với tự động hóa làm mức chi phí rẻ hơn và ai cũng có thể tiếp cận được.Bác sĩ, nhà khoa học Carl H. June. Ảnh: Penn Medicine

Bác sĩ, nhà khoa học Carl H. June. Ảnh: Penn Medicine

June lớn lên trong một gia đình kỹ sư. Ông lớn lên và theo học trường y thuộc Học viện Y khoa Baylor, Houston, và được hải quân Mỹ chi trả. “Tôi rất hứng thú với các loại bệnh và sinh lý của con người và bắt đầu học các khóa sau đại học về miễn dịch tại trường y”, June chia sẻ trên tạp chí Leading Discoveries hồi tháng 1.

Năm 1983, hải quân Mỹ cử June đến Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson để học cách thực hiện cấy ghép tủy xương. Thời điểm này, Chiến tranh Lạnh vẫn đang diễn ra, và hải quân muốn ông mở một phòng khám cấy ghép tủy xương tại Bệnh viện Hải quân Bethesda để điều trị cho những người có thể bị thương do phóng xạ.

Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, hay Hutch, là một trong những trung tâm y học chuyển dịch chuyên dụng đầu tiên trên thế giới và là một trong những phòng khám tốt nhất chuyên cấy ghép tủy xương. Sau một năm ghép tủy xương cho bệnh nhân tại Hutch, June lao vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nỗ lực làm việc với những người cố vấn tại Hutch, ông đã học được cách điều khiển tế bào T, tế bào đóng vai trò quan trọng với hệ thống miễn dịch của cơ thể người, và công bố những nghiên cứu đầu tiên của mình.

Vào năm 1979, công nghệ kháng thể đơn dòng chỉ vừa mới ra đời và June bắt đầu tìm hiểu cách thức kháng thể hoạt động. Sinh học tế bào T vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và việc nuôi cấy tế bào T trong phòng thí nghiệm không hề đơn giản. Tuy nhiên, June cùng đồng nghiệp đã thành công tạo ra một trong những phương pháp đầu tiên để nuôi cấy và phát triển tế bào T bên ngoài cơ thể.

June trở lại Bethesda năm 1986 để mở một phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu Y khoa Hải quân, lần này tập trung vào bệnh truyền nhiễm. “Tôi không phải lo lắng về tài trợ. Thật tuyệt. Tôi làm việc liên tục. Từ bác sĩ y khoa, tôi chuyển thành ‘bác sĩ chuột’, ngày càng gặp gỡ với ít bệnh nhân hơn”, ông nói về việc thực hiện hàng loạt nghiên cứu với chuột trong phòng thí nghiệm.

June tiếp tục nghiên cứu về sinh học tế bào T, nhưng lần này, hải quân muốn ông tập trung vào việc xây dựng lại hệ miễn dịch của những người mắc virus gây suy giảm miễn dịch ở người loại 1 (HIV-1). Phương pháp của June là tăng cường tế bào T của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm bằng hệ thống nuôi cấy dựa trên kháng thể chống CD28 (một loại protein trên bề mặt tế bào T) mà ông và các đồng nghiệp đã phát triển trước đó. Sau khi tăng cường, tế bào T sẽ được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân để bổ sung cho những tế bào T bị HIV-1 tiêu diệt.

Năm 1992, tiến sĩ Bruce L. Levine gia nhập phòng thí nghiệm của June để làm việc trong các dự án bao gồm việc kích hoạt và phát triển tế bào T ở những người khỏe mạnh và dương tính với HIV. Họ đã tạo ra loại thuốc thử mới mà sau này làm nền móng cho công trình của June về liệu pháp tế bào CAR-T trong điều trị ung thư.

Một biến cố lớn xảy ra vào năm 1996, khi vợ June được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng. “Việc nghiên cứu ung thư trở thành ưu tiên hàng đầu của tôi khi đó”, ông kể lại. Làm việc với các nhà nghiên cứu ung thư từ Đại học Maryland và Đại học Chicago, phòng thí nghiệm của June đã tạo ra tế bào T từ chính cơ thể bệnh nhân để điều trị ung thư máu, nhưng ban đầu không có sự biến đổi gene CAR. Khi thử nghiệm lâm sàng, một trong những bệnh nhân được điều trị theo cách này đã thuyên giảm bệnh và thoát ung thư sau 20 năm. Nhưng không may, vợ June vẫn qua đời năm 2001 vì ung thư buồng trứng.

Sau khi rời hải quân vào năm 1996 để tập trung nghiên cứu ung thư, June chuyển đến Đại học Pennsylvania để lập ra chương trình miễn dịch học ở người, sản xuất tế bào T và tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Thời điểm đó, chỉ một số ít phòng thí nghiệm nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch, vốn không được coi là hướng đi hứa hẹn để điều trị ung thư, nhưng ông vẫn rất kiên trì.

Sau những thử nghiệm ban đầu, trong đó các tế bào T của bệnh nhân ung thư máu được nhân lên bằng kỹ thuật mà June và Levine đã phát triển, phòng thí nghiệm bắt đầu trích xuất tế bào T từ bệnh nhân ung thư, thay đổi gene của chúng để biểu hiện thụ thể kháng nguyên khảm (CAR) và nhân lên bên ngoài cơ thể.

Năm 2010, June, bác sĩ David L. Porter tại Đại học Pennsylvania cùng các cộng sự đã điều trị cho ba người lớn mắc bệnh bạch cầu kinh dòng lympho (CLL) bằng liệu pháp tế bào CAR-T nhắm mục tiêu CD19. Năm 2012, bác sĩ Stephan Grupp điều trị thành công cho bệnh nhân nhi đầu tiên mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) tại Bệnh viện Nhi Philadelphia.

Không lâu sau khi việc điều trị cho bệnh nhân trưởng thành được báo cáo, công ty dược Novartis đã xin cấp phép sở hữu trí tuệ cho tế bào CAR-T của phòng thí nghiệm June để sản xuất thương mại. “Đột nhiên, các công ty công nghệ sinh học rất quan tâm trong khi trước đây họ chưa từng như vậy. Giờ đây, có hàng trăm công ty đang phát triển tế bào CAR-T”, June nói.

Hiện tại, phòng thí nghiệm của June đang phát triển liệu pháp tế bào CAR-T cho khối u rắn. Ông cũng ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene mới để tăng hiệu quả của tế bào CAR-T. Phòng thí nghiệm của ông đang tập trung vào các thử nghiệm tế bào CAR-T cho bệnh ung thư tuyến tụy và buồng trứng – vốn nằm trong số những loại khối u khó điều trị nhất.

June rất lạc quan về tương lai của liệu pháp miễn dịch. “Đây là một thời điểm thú vị. Chúng ta có các công cụ có thể kết hợp với nhau để thu được liệu pháp miễn dịch tốt hơn nữa. Ý tưởng sử dụng hệ miễn dịch để điều trị ung thư đã tồn tại 100 năm trước nhưng thất bại vì chúng ta không hiểu cách khai thác. Giờ đây, có những tiến bộ nhanh chóng với những thay đổi lớn đang diễn ra, thúc đẩy lĩnh vực này tiến lên phía trước”, ông nói.

Ông cho biết đang có những hợp tác rất sôi động với cả châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và giờ là Việt Nam. “Chúng tôi có một liên minh giữa trường Đại học của tôi với các trường y tại Việt Nam, nơi các thử nghiệm đang được tiến hành”, ông nói và cho biết có thể trao đổi và đào tạo quốc tế theo cách đó.

Thu Thảo – Bảo Chi/VnExpress

Chủ nhân giải chính VinFuture: ‘AI sẽ mang lại lợi ích lớn nếu sử dụng có trách nhiệm’

Yoshua Bengio, nhà khoa học tiên phong về trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định công nghệ này sẽ tác động mạnh mẽ tới đời sống của con người nhưng chỉ mang lại lợi ích to lớn khi được dẫn dắt phù hợp, được sử dụng có trách nhiệm.Giáo sư Yoshua Bengio trong lễ trao giải tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

Giáo sư Yoshua Bengio trong lễ trao giải tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

Phát biểu trong lễ nhận giải chính VinFuture 2024 tối 6/12 tại Hà Nội GS Yoshua Bengio, 60 tuổi, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila cho biết ông bén duyên với AI từ khi vào đại học. Tại thời điểm đó, ông cùng các cộng sự của mình không nghĩ sẽ đạt được thành tựu như thế nào trên hành trình này, chỉ mong muốn hiểu được nguyên tắc đằng sau trí tuệ nhân tạo. Tại giải thưởng VinFuture, hội đồng khoa học ghi nhận ông đã có những nghiên cứu tiên phong về mạng thần kinh nhân tạo (nơ-ron) bao gồm những tiến bộ quan trọng trong học biểu diễn (representation learning) và các mô hình tạo sinh (generative models).

Nhà khoa học máy tính nổi tiếng Yoshua Bengio sinh tại Paris, Pháp, có cha là dược sĩ và mẹ là giáo viên. Gia đình ông chuyển tới Montreal, Canada khi ông còn nhỏ và ông trải phần lớn thời gian đầu đời ở đó. Bengio tỏ rõ niềm đam mê với toán và khoa học từ rất sớm. Cha mẹ ông khích lệ tính ham học hỏi và bồi dưỡng phát triển trí tuệ cho ông. Việc tiếp xúc sớm với thế giới khoa học và toán học định hình đáng kể con đường sự nghiệp tương lai của Bengio.

Quá trình giáo dục chính quy của Bengio bắt đầu ở trường Collège Stanislas tại Montreal, một trường học tư nhân ở Pháp nổi tiếng với chương trình học nặng. Tại đây, ông tỏ ra xuất sắc ở các môn toán và vật lý, thể hiện năng lực giải quyết vấn đề phức tạp và tư duy trừu tượng. Thành tích của ông ở những môn này thúc đẩy ông theo đuổi bằng cử nhân kỹ thuật điện ở Đại học McGill tại Montreal.

Ở Đại học McGill, niềm say mê với trí tuệ nhân tạo (AI) của Bengio bắt đầu bén rễ. Ông đặc biệt quan tâm tới tiềm năng của AI nhằm phỏng theo trí thông minh của con người và những ứng dụng trong các lĩnh vực đa dạng. Vì vậy, Bengio quyết định theo đuổi bằng thạc sĩ Khoa học máy tính ở Đại học Montreal, nơi ông tập trung vào học máy, một nhánh của AI bao gồm phát triển thuật toán cho phép máy tính học hỏi và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Bengio lấy bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở Đại học McGill. Tại đó, ông tìm hiểu sự phức tạp của học máy. Luận văn tiến sĩ mang tên “Learning Deep Architectures for AI” của ông đã đặt nền móng cho nghiên cứu trong tương lai về học sâu, một nhánh của học máy liên quan tới thuật toán lấy cảm hứng từ cấu trúc và chức năng của bộ não gọi là mạng thần kinh nhân tạo.

Sự nghiệp học hành của Bengio cung cấp nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp tương lai của ông như một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực AI. Đam mê toán học và khoa học được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ, kết hợp với đào tạo chính quy, trang bị cho ông những kỹ năng và tri thức cần thiết để tạo ra nhiều đóng góp to lớn cho lĩnh vực AI và học máy.

Sự ra đời của học sâu: những đóng góp ban đầu của Bengio

Học sâu, một nhánh của học máy, đã cách mạng hóa lĩnh vực AI trong thập kỷ qua. Những đóng góp ban đầu của Bengio cho học sâu giữ vai trò chủ chốt trong việc định hình lĩnh vực AI như chúng ta thấy ngày nay.

Nghiên cứu thời đầu của Bengio tập trung vào mạng thần kinh nhân tạo, một loại mô hình học máy lấy ý tưởng từ não người. Trong một bài báo hội thảo năm 1995, Bengio và đồng nghiệp đề xuất cách mới để huấn luyện mạng này bằng kỹ thuật mang tên lan truyền ngược. Phương pháp bao gồm điều chỉnh trọng số của mạng dựa trên sai số dự đoán. Nghiên cứu của Bengio về lan truyền ngược cho phép phát triển mạng thần kinh ngày càng mạnh và phức tạp hơn.

Ngoài nghiên cứu về lan truyền ngược, Bengio còn có nhiều đóng góp trong phát triển kỹ thuật học không giám sát. Trong một bài báo năm 2003, ông giới thiệu khái niệm tiền huấn luyện không giám sát phân theo lớp, phương pháp giúp mạng thần kinh học hỏi dữ liệu hữu ích mà không cần ví dụ dán nhãn. Đây là một đột phá lớn trong lĩnh vực, tạo điều kiện cho huấn luyện mạng thần kinh sâu, trước đây từng được cho là không thể huấn luyện do vấn đề độ dốc biến mất.

Nghiên cứu của Bengio cũng đóng vai trò chủ chốt trong phát triển mạng thần kinh hồi quy (RNN), loại mạng thần kinh được thiết kế để xử lý dữ liệu chuỗi. Trong một nghiên cứu năm 1997, Bengio và đồng nghiệp giới thiệu loại RNN mới gọi là mạng Bộ nhớ ngắn – dài hạn (LSTM). Mạng LSTM bao gồm cơ chế nhớ và quên thông tin theo thời gian, từ sau đó trở thành công cụ tiêu chuẩn trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Một đóng góp to lớn khác của Bengio đối với học sâu là nghiên cứu về mô hình sản sinh dữ liệu mới. Trong bài báo năm 2014, ông giới thiệu khái niệm Mạng đối nghịch tạo sinh (GAN), loại mạng có thể sản sinh dữ liệu mới giống dữ liệu huấn luyện. GAN từ sau đó được dùng trong hàng loạt ứng dụng rộng rãi, từ tạo ra hình ảnh thực tới tổng hợp giọng nói.Yoshua Bengio đang là giáo sư ở Đại học Montréal. Ảnh: CBC

Yoshua Bengio đang là giáo sư ở Đại học Montréal. Ảnh: CBC

Vai trò của Bengio trong thành lập Viện nghiên cứu thuật toán Montreal

Bengio đóng vai trò mấu chốt trong việc thành lập Viện nghiên cứu thuật toán Montreal (MILA). Kỳ vọng của ông đối với MILA là tạo ra một trung tâm nghiên cứu và đổi mới AI, tăng cường cộng tác giữa giới học giả và khối công nghiệp. Bengio không chỉ là người thúc đẩy phía sau ý tưởng mà còn chịu trách nhiệm đảm bảo ngân sách. Danh tiếng và sự gắn bó với cộng đồng AI của ông giúp thu hút những nhà nghiên cứu hàng đầu và sinh viên tới viện,

Nghiên cứu thời đầu của Bengio tập trung vào các khía cạnh lý thuyết của AI, nhấn mạnh đặc biệt vào mạng thần kinh. Trong một bài báo hội thảo năm 1995, Bengio và đồng nghiệp đề xuất thuật toán học hỏi mới dành cho mạng thần kinh nhiều lớp, đặt nền móng cho sự phát triển của học sâu. Thuật toán này dựa trên khái niệm lan truyền ngược, huấn luyện mạng thần kinh thông qua điều chỉnh trọng lượng của những kết nối giữa neuron để ứng phó với lỗi trong đầu ra của mạng.

Vào đầu thập niên 2000, Bengio chuyển trọng tâm sang ứng dụng thực tiễn của AI. Ông là một trong những người đầu tiên nhận thấy tiềm năng sử dụng lượng dữ liệu lớn để huấn luyện mạng thần kinh sâu, khái niệm trụ cột của AI hiện đại. Trong một bài báo công bố năm 2003, Bengio và đồng nghiệp chứng minh các cấu trúc sâu có thể được huấn luyện hiệu quả, sử dụng tập dữ liệu lớn, mở đường cho phát triển hệ thống AI mạnh có thể nhận dạng mô hình trong lượng dữ liệu khổng lồ.

Nghiên cứu của Bengio cũng ảnh hưởng to lớn tới lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), một nhánh của AI tập trung vào tương tác giữa máy tính và ngôn ngữ con người. Năm 2011, Bengio và đồng nghiệp giới thiệu mô hình biểu đạt ngôn ngữ mới, gọi là mô hình ngôn ngữ mạng thần kinh, sử dụng mạng thần kinh để dự đoán xác suất của một từ dựa trên ngữ cảnh. Từ sau đó, mô hình này được ứng dụng rộng rãi trong NLP, dẫn tới những cải tiến lớn trong nhiệm vụ như dịch máy và nhận dạng giọng nói.

Trong vài năm gần đây, Bengio chú ý tới tác động về mặt đạo đức của AI. Ông ủng hộ phát triển hệ thống AI một cách rõ ràng, minh bạch và công bằng. Ông kêu gọi điều phối AI nhiều hơn để tránh sử dụng sai trái. Theo Bengio, AI nên được dùng để làm lợi cho xã hội.

Dự đoán của Bengio về tương lai của AI

Bengio đưa ra một số dự đoán về tương lai của AI. Một trong số đó là AI sẽ tiếp tục tiến hóa thành dạng trí tuệ tổng quát hơn, trái với xu hướng hiện nay ở các hệ thống AI chuyên dụng. Bengio tin rằng tương lai của AI nằm ở hệ thống có thể hiểu và học hỏi từ thế giới theo cách tương tự con người thay vì huấn luyện cho những nhiệm vụ cụ thể. Theo ông, bước tiếp theo trong phát triển AI là hệ thống có thể học hỏi để hiểu về thế giới thông qua học không giám sát. Hệ thống AI sẽ nhận biết những mô hình và đưa ra dự đoán mà không cần được lập trình để làm vậy. Bengio cũng dự đoán AI sẽ được tích hợp nhiều hơn vào đời sống hàng ngày nhưng cần thực hiện theo cách thức tôn trọng những giá trị đạo đức.

Ngoài dự đoán, Bengio hy vọng AI sẽ được sử dụng để giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất trên thế giới như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng. Ông tin chắc AI có tiềm năng cách mạng hóa nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe tới giáo dục.

An Khang – Minh Thư/VnExpress

Nhà khoa học VinFuture 2024 giới thiệu các giải pháp chống đột quỵ

Theo các nhà khoa học quốc tế nên tối giản phác đồ điều trị, sử dụng thuốc 3 trong 1 hoặc kết hợp các loại thuốc liều thấp nhằm giảm nguy cơ đột quỵ.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, tọa đàm “Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ” diễn ra ngày 5/12 với sự tham gia của nhiều giáo sư hàng đầu thế giới.

Tại đây, GS. Valery Feigin – Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand đánh giá Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao top đầu thế giới và cao gấp bốn lần so với New Zealand.

Thuốc điều trị “nhiều bệnh trong một” là một trong những phương pháp đang được nghiên cứu để cải thiện hiệu quả của việc kiểm soát huyết áp, nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, căn bệnh khiến 10 triệu người tử vong mỗi năm trên toàn cầu.

Để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, ngoài việc người bệnh phải có trách nhiệm với sức khỏe, bác sĩ cũng cần những phương pháp tiếp cận tích cực để thúc đẩy hợp tác điều trị. Giáo sư đề xuất một giải pháp đơn giản, đã được chứng minh hiệu quả là tối giản quá hướng dẫn y tế. Khi phác đồ được gói gọn trong một trang giấy, được trình bày mạch lạc, dễ hiểu, người bệnh sẽ tuân thủ phác đồ dễ dàng hơn.GS. Feigin chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Vinfuture

GS. Feigin chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Vinfuture

Bên cạnh đó, bác sĩ nên nghiên cứu kết hợp 2-3 loại thuốc liều thấp vào nhau để người bệnh không phải uống quá nhiều loại cùng lúc, gây khó khăn cho việc ghi nhớ cách sử dụng, làm cản trở tâm lý.

GS. Valery Feigin cũng giới thiệu ứng dụng thông minh do ông phát triển mang tên Stroke Riskometer, đã được dùng rộng rãi tại hơn 100 quốc gia. Ứng dụng đánh giá nguy cơ liên quan đến đột quỵ của mỗi cá nhân, từ đó, ngăn ngừa hiệu quả.

Các tính năng đáng chú ý của ứng dụng gồm: nhắc uống thuốc đúng giờ, cảnh báo yếu tố nguy cơ, thiết lập mục tiêu thay đổi lối sống và kiểm soát huyết áp, lời khuyên của chuyên gia…

GS. Alta Schutte – Trưởng khoa Y học Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y Đại học New South Wales (Australia) cũng chia sẻ, hiện, các phòng thí nghiệm đã tạo ra loại thuốc kết hợp chữa huyết áp và tiểu đường vào một viên thuốc duy nhất; tương lai, sẽ kết hợp ba loại thuốc vào một viên duy nhất.

Truyền thông thay đổi lối sống lành mạnh cũng là một trong những giải pháp cần thực hiện để người dân tự kiểm soát nguy cơ đột quỵ của bản thân. Các giáo sư khuyến nghị, ngoài việc vận động thể chất đều đặn, chế độ ăn thường nhật nên giảm muối và đường, đặc biệt với người trên 60 tuổi.

“Thay thế muối ăn thông thường bằng muối có tỷ lệ kali 26% sẽ giảm tỷ lệ đột quỵ và biến cố tim mạch”, GS. Schutte nói.GS. Alta Schutte mang tới tọa đàm khoa học VinFuture nhiều sáng kiến mới trong điều trị huyết áp và đột quỵ. Ảnh: Vinfuture

GS. Alta Schutte mang tới tọa đàm khoa học VinFuture nhiều sáng kiến mới trong điều trị huyết áp và đột quỵ. Ảnh: Vinfuture

Theo PGS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam thêm hơn 2.000 ca đột quỵ mới. Số lượng tử vong trong vòng 90 ngày vào khoảng 10%. Đột quỵ tại Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng tỷ lệ tử vong và mà còn ngày càng trẻ hóa.

Trên thế giới, trung bình mỗi năm có 10,8 triệu người tử vong, tương đương với gần 30.000 người tử vong mỗi ngày. Hơn 70% số ca đột quỵ có vấn đề về huyết áp. Đây là con số thống kê trong giai đoạn 10 năm từ 1990 đến 2019, tức nguyên nhân không liên quan tới đại dịch Covid-19.PGS. Mai Duy Tôn tại toạ đàm Những đổi mới trong chăm sóc sức khoẻ tim mạch và điều trị đột quỵ. Ảnh: Vinfuture

PGS. Mai Duy Tôn tại tọa đàm “Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ”. Ảnh: Vinfuture

Bà Alta Schutte nhận định, tăng huyết áp là vấn đề sức khỏe thường gặp trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc kiểm soát huyết áp của người dân đang không hiệu quả, ngay cả ở các quốc gia đang phát triển. Nước có tỷ lệ kiểm soát huyết áp cao nhất chỉ đạt 64%. Con số trung bình trên toàn cầu là 23% đối với nữ giới và 18% đối với nam giới.

Điều này đồng nghĩa với việc có đến 77% nữ giới và 82% nam giới không được kiểm soát tốt huyết áp. Ngay cả khi đã kiểm soát, không phải ai cũng chấp nhận đi điều trị và trong nhóm đi điều trị, không phải ai cũng điều trị hiệu quả.

GS. Schutte dẫn chứng, trong số các bệnh nhân huyết áp được điều trị, tỷ lệ chậm trễ trong điều chỉnh phác đồ lên đến 87%.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, GS. Schutte lý giải nhiều người bệnh cảm thấy căng thẳng với việc khám bệnh hay tái khám nên bỏ khám, bỏ thuốc. Bên cạnh đó, các kỹ thuật đo huyết áp được dùng phổ biến trong hệ thống y tế đã rất cũ, không đảm bảo tính chính xác cao.Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức quy tụ nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước. Ảnh: Vinfuture

Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức quy tụ nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước. Ảnh: Vinfuture

Một lý do quan trọng khác là các hướng dẫn y tế cho người bệnh quá dài dòng, khiến họ ngại không muốn đọc, đọc không kỹ, dẫn tới không tuân thủ phác đồ điều trị. Tỷ lệ người bệnh không tuân thủ điều trị cao đến mức, trung bình cứ hai người thì có một người không tuân thủ.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Ngọc Quang cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh không tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc rất cao. Nhiều người dùng thuốc một thời gian, thấy ổn định là bỏ, khi bệnh tái phát lại dùng thuốc. Do đó, bệnh không những không thuyết giảm mà còn có xu hướng tăng nặng.

Nhật Lệ/VnExpress

Dạ dày người có thể giãn nở lớn đến mức nào?

Dạ dày rỗng của người trưởng thành lớn tương đương lon nước 0,5 lít và có thể giãn nở bằng chai 2 lít, một số thậm chí đến 4 lít.Dạ dày có thể mở rộng gấp 4 lần khi ăn no. Ảnh: New York Post

Dạ dày có thể mở rộng gấp 4 lần khi ăn no. Ảnh: New York Post

Sau khi thưởng thức một bữa thịnh soạn, người ăn sẽ cảm thấy bụng lớn hơn và quần chật hơn trước. Vậy dạ dày có thể giãn nở tối đa bao nhiêu?

Dạ dày rỗng của người trưởng thành giống như chiếc túi gấp lớn tương đương lon nước 0,5 lít và trong bữa ăn, nó có thể phát triển đến kích thước của một chai nhựa 2 lít, theo Arthur Beyder, phó giáo sư y học và sinh lý học tại Bệnh viện Mayo Clinic.

“Nó sẽ mở rộng gấp 4 lần hoặc hơn”, Beyder nói. Với hầu hết người lớn, điều này đồng nghĩa, dạ dày có thể chứa 1 – 2 lít thức ăn và chất lỏng, tùy thuộc vào tuổi và kích thước cơ thể. Trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ ở những người ăn thi, dạ dày có thể giãn nở để chứa được 4 lít.

Nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Gastroenterology ghi nhận trường hợp một người ăn thi phải cấp cứu sau khi ăn quá nhiều đến mức dạ dày giãn lớn, chèn ép tụy và đẩy ruột sang một bên. Sau 5 ngày trong bệnh viện, người này đã có thể xì hơi và đi tiêu, nghĩa là đủ điều kiện xuất viện.

Việc ăn quá nhiều cũng thường xuyên xảy ra trong các bữa tiệc, khi bị căng thẳng hoặc mất tập trung do xem TV, theo Benjamin Levy, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Đại học Y khoa Chicago. “Họ bị phân tâm, và trước khi nhận ra, họ đã ăn quá nhiều”, ông nói.

Cơn đói do hormone ghrelin kích thích. Hormone này chủ yếu được tiết ra bởi dạ dày, ngoài ra còn có não, ruột non và tuyến tụy, theo trung tâm y tế Cleveland Clinic. Ghrelin được giải phóng khi dạ dày rỗng để cảnh báo não rằng đã đến lúc ăn.

Khi một người bắt đầu ăn, thức ăn sẽ đi xuống thực quản và vào dạ dày. Những nếp gấp gọi là ruga cho phép dạ dày mở rộng để chứa thức ăn và chất lỏng. Khi thức ăn đi vào, dạ dày tiết ra axit hydrochloric và các enzyme tiêu hóa. Cơ quan này cũng bắt đầu co bóp, nghiền thức ăn thành những mảnh nhỏ hơn để chất dinh dưỡng có thể được hấp thụ sau, trong ruột non.

Dạ dày cấu tạo từ cơ trơn, có thể thắt chặt và giữ các cơn co trong thời gian dài, ngay cả sau khi giãn ra. Điều này cho phép dạ dày tạo thêm không gian cho nhiều thức ăn hơn.

“Gần giống như dây chun, bạn kéo nó và nó sẽ bật lại”, Beyder nói. Điều này gọi là trương lực cơ, giúp kiểm soát mức căng dạ dày. Mức căng dạ dày được truyền đến não thông qua dây thần kinh phế vị, chạy từ ruột già đến não, theo Cleveland Clinic. Đây chỉ là một trong những cách thông báo độ no của dạ dày với não.

Ngoài ra, cũng có những thay đổi về hormone báo hiệu cho não khi nào nên ngừng ăn. Hormone ghrelin giảm, trong khi các hormone khác báo hiệu trạng thái no đến não và giảm cảm giác thèm ăn. Nếu ăn quá nhiều, người này có thể đã bỏ qua những tín hiệu đó, hoặc ăn nhanh đến mức các hormone chưa kịp báo hiệu cho não.

Bí quyết là ăn chậm lại, Levy cho biết. “Hãy ngồi đó và nói chuyện 15 phút trước khi quay lại để lấy thêm thức ăn”, ông nói. Dù dạ dày được thiết kế để giãn nở và chứa nhiều thức ăn, mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn nếu không ăn quá nhiều, Levy cho biết.

Nhưng nếu quá no, người ăn có thể làm một số việc để giảm bớt sự khó chịu. Đầu tiên là không nằm vì có thể gây trào ngược axit. Thay vào đó, Levy khuyên nên đi bộ. Hành động này giúp kích thích tiêu hóa và kích thích thức ăn đi qua hệ tiêu hóa.

Thu Thảo (Theo Live Science)/VnExpress

Pin kim cương có thể tồn tại hàng nghìn năm

Một nhóm nghiên cứu ở Anh tạo ra pin kim cương carbon-14 có thể cung cấp điện an toàn với độ bền cao lên tới hàng nghìn năm.Mẫu vật pin kim cương sử dụng carbon-14. Ảnh: Đại học Bristol

Mẫu vật pin kim cương sử dụng carbon-14. Ảnh: Đại học Bristol

Các nhà khoa học đến từ Đại học Bristol và Cơ quan năng lượng nguyên tử Anh (UKAEA) phát triển thành công pin kim cương carbon-14 đầu tiên trên thế giới. Nguồn năng lượng cách mạng hóa này có khả năng cung cấp điện cho thiết bị trong hàng nghìn năm, mang đến giải pháp bền vững và hiệu quả cho một loạt ứng dụng đa dạng, Interesting Engineering hôm 5/12 đưa tin.

Pin kim cương carbon-14 tận dụng phân rã phóng xạ của carbon-14, đồng vị phóng xạ sử dụng phổ biến trong xác định niên đại hiện vật, để sản xuất điện. Được bao bọc trong kim cương, một trong những vật liệu cứng nhất hiện nay, mẫu pin mới sẽ thu thập phóng xạ an toàn nhằm tạo ra điện.

Carbon-14 phát ra phóng xạ tầm ngắn, được hấp thụ bởi vỏ bọc kim cương, đảm bảo an toàn trong khi sản xuất lượng điện thấp. Pin này hoạt động tương tự pin quang điện, nhưng thay vì biến đổi ánh sáng thành điện, nó sử dụng electron di chuyển nhanh từ phân rã phóng xạ. Kết quả là một nguồn điện lâu dài và đáng tin cậy với tuổi thọ ấn tượng. Do carbon-14 có chu kỳ bán rã 5.700 năm, pin vẫn giữ được một nửa lượng điện ngay cả sau hàng nghìn năm.

Sarah Clark, giám đốc Chu kỳ nhiên liệu tritium ở UKAEA, nhấn mạnh độ bền vững và an toàn của phát minh. “Pin kim cương đem đến cách an toàn và bền vững để cung cấp điện liên tục ở cấp microwatt. Chúng là công nghệ mới nổi sử dụng kim cương nhân tạo để bao bọc lượng carbon-14 nhỏ”, Clark cho biết.

Một trong những đặc điểm hứa hẹn nhất của pin kim cương carbon-14 là tính linh hoạt. Loại pin này có thể sử dụng trong một loạt môi trường và thiết bị mà nguồn điện thông thường là bất khả thi. Pin kim cương tương thích sinh học có thể cách mạng hóa lĩnh vực y tế thông qua cung cấp điện cho thiết bị cấy ghép như máy điều hòa nhịp tim, máy trợ thính và thiết bị dùng cho mắt. Khác với pin truyền thống cần thay thế thường xuyên, pin kim cương có thể hoạt động hàng thập kỷ, giúp giảm bớt sự khó chịu và nguy cơ phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ngoài ra, mẫu pin mới rất lý tưởng cho nhiệm vụ trong không gian và địa điểm xa xôi trên Trái Đất. Chúng có thể cung cấp điện cho tàu vũ trụ, vệ tinh, thậm chí thẻ theo dõi bằng tần số vô tuyến, giảm chi phí và kéo dài tuổi thọ hoạt động.

Carbon-14 sử dụng trong pin được khai thác từ khối than chì, phụ phẩm ở lò phản ứng phân hạch hạt nhân. Thông qua tận dụng vật liệu, công nghệ giúp giảm chất thải phóng xạ đồng thời tạo ra nguồn năng lượng hữu ích. Anh sở hữu gần 95.000 tấn khối than chì. Quá trình sản xuất bao gồm sử dụng một giàn kết bám plasma, thiết bị chuyên dụng do Đại học Bristol và UKAEA cộng tác phát triển để phát triển cấu trúc kim cương. Phương pháp không chỉ cung cấp khả năng sử dụng chất thải phóng xạ mà còn giảm bớt chi phí và thách thức đối với lưu trữ an toàn.

An Khang (Theo Interesting Engineering)/VnExpress

AI có thể giúp tối ưu hóa silicon tạo vật liệu mới cho pin mặt trời

Các nhà khoa học cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tìm ra vật liệu tương lai tối ưu cho pin mặt trời từ việc kết hợp silicon với một vật liệu khác.

Thông tin được nêu tại tọa đàm “Vật liệu cho tương lai bền vững” tổ chức trong Tuần lễ khoa học công nghệ của Quỹ VinFuture 2024 sáng 4/12 tại Hà Nội.

GS Martin Green, Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại Đại học New South Wales (Australia), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho rằng công nghệ sử dụng trong chế tạo pin mặt trời thập kỷ vừa qua đã thay đổi rất nhiều. Hiệu suất các tấm panel đã tăng từ 16% lên 21,6%. Các công nghệ chế tạo pin mặt trời đã phát triển nhanh với 4 dạng chính là: Topcon, HJT, IBC, Perc.GS Martin Green nói về những thay đổi trong công nghệ phát triển pin mặt trời sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

GS Martin Green nói về những thay đổi trong công nghệ phát triển pin mặt trời sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

GS Martin Green là tác giả đồng sở hữu giải chính VinFuture 2023 giá 3 triệu USD (tương đương 73 tỷ đồng), cho phát minh đột phá, tạo nền tảng cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion. Theo ông với pin mặt trời silicon là vật liệu nền tảng đáng tin cậy, phổ biến, hiệu quả.

Trong một thập kỷ qua, giá pin mặt trời đã giảm mạnh, từ 1 USD/W năm 2009 xuống còn 0,10 USD/W hiện nay. Hiệu suất các tấm pin cũng tăng từ 16% lên 21,6%, nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như TOPcon, HJT, IBC và PERC. “Khi nhu cầu năng lượng toàn cầu đạt 1 terawatt (TW) trong năm tới, silicon vẫn giữ vai trò chủ chốt nhờ khả năng đáp ứng sản phẩm sản xuất với chi phí thấp”, ông nói.

Tuy silicon là vật liệu ưu việt, nhưng để đạt được hiệu suất cao hơn, cần tìm cách kết hợp với các vật liệu khác. Theo GS Green, việc xếp chồng các lớp vật liệu như perovskite, có thể nâng cao hiệu suất từ 30% lên 40%. Tuy nhiên, vật liệu kết hợp phải đáp ứng các yêu cầu: có sẵn, không độc hại và tương thích với silicon.Giáo sư Marina Freitag trong phiên tọa đàm sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

Giáo sư Marina Freitag trong phiên tọa đàm sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

Giáo sư Marina Freitag, Nhà nghiên cứu của Royal Society (URF) tại Đại học Newcastle, Anh, cho rằng khi phát triển vật liệu mới, có khả năng thích ứng nhưng chúng cũng có sự thay đổi theo thời gian.

Bà gợi ý kết hợp perovskite – là vật liệu tiềm năng có hiệu suất tương đương silicon và khả năng tái sinh tốt. Việc kết hợp perovskite với silicon không chỉ giảm tới 80% lượng silicon cần sử dụng mà còn tăng hiệu quả sản xuất và giảm đáng kể lượng phát thải CO2 cũng như diện tích đất nông nghiệp cần thiết cho các hệ thống pin mặt trời.

Còn GS Sir Richard Henry Friend, Đại học Cambridge, Anh, khuyến nghị chuyển đổi từ bạc sang các loại kim loại phổ biến hơn như đồng trong sản xuất pin mặt trời. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào kim loại quý và đảm bảo nguồn vững chắc.

Ông cho biết tại một đại học ở HongKong đã ứng dụng AI giúp cắt giảm thời gian trong quá trình mô phỏng máy tính về vật liệu, sắp xếp các lớp khác nhau lên silicon, đưa ra các định hướng nghiên cứu rất tiết kiệm thời gian, tạo ra đường tắt trong nghiên cứu vật liệu. “Tôi ủng hộ vai trò AI trong nghiên cứu”, ông nói.Các nhà khoa học trong phiên thảo luận sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

Các nhà khoa học trong phiên thảo luận sáng 4/12. Ảnh: Việt Hùng

Tương lai năng lượng mặt trời không chỉ nằm ở việc cải tiến vật liệu mà còn ở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). AI mô phỏng, sàng lọc sản phẩm vật liệu và quy trình sản xuất tối ưu hóa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Mỹ lưu ý, AI cần đi đôi với cân nhắc về năng lượng sử dụng, trung tâm dữ liệu. Việc chuẩn hóa dữ liệu và cải thiện chất lượng đầu vào thông tin cũng rất cần thiết để AI phát huy hiệu quả.

Theo GS Martin Green, việc phát triển vật liệu mới cho pin mặt trời là yếu tố then chốt để thúc đẩy ứng dụng năng lượng mặt trời trên quy mô lớn, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai năng lượng sạch. “Cuộc cách mạng năng lượng thứ ba có thể là một cuộc cách mạng năng lượng mặt trời, với những vật liệu mới có khả năng chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng với hiệu suất cao và chi phí thấp chưa từng có”, ông nói.

Nhật Minh/VnExpress

‘AI giúp chẩn đoán mẫu bệnh như công nghiệp lắp ráp ôtô’

Với bệnh nhân ung thư vú nếu theo cách truyền thống muốn xét nghiệm tế bào ung thư thường phải làm nhiều lần, nhưng khi ứng dụng AI có thể thực hiện hàng ngàn mẫu trong thời gian ngắn.

Thông tin được GS Đỗ Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois nói tại tọa đàm “Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế” chiều 4/12 tại Hà Nội. Đây là phiên tọa đàm thứ hai thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.GS Đỗ Ngọc Minh trình bày tham luận tại tọa đàm chiều 4/12. Ảnh: Việt Hùng

GS Đỗ Ngọc Minh trình bày tham luận tại tọa đàm chiều 4/12. Ảnh: Việt Hùng

Theo GS Minh hiện nay trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú, phương pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ mô ung thư. Tuy nhiên, thách thức lớn của bác sĩ là đảm bảo không để lại tế bào ung thư trong cơ thể mà không loại bỏ quá nhiều mô lành.

Phương pháp truyền thống là lấy mẫu mô sau phẫu thuật và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư đã bị tiêu diệt chưa. Quá trình này mất nhiều thời gian và bệnh nhân phải nằm trên bàn mổ rất lâu. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần quay lại để phẫu thuật bổ sung nhằm loại bỏ hoàn toàn mô ung thư, gây đau đớn và tốn kém.

Từ thực tế này, GS Minh và nhóm nghiên cứu kết hợp kính hiển vi quang học theo thời gian thực và mô hình trí tuệ nhân tạo, giúp phân tích 5.000 hình ảnh mô bệnh học mỗi giây. Đây được coi là công cụ giúp rà quét các hình ảnh giúp bác sĩ đưa ra quyết định nhanh chóng liệu ca phẫu thuật có tiếp tục, hay bác sĩ cần kiểm tra kỹ hơn.

“Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng về việc tiếp tục hoặc dừng phẫu thuật”, GS Minh nói. Điều này giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn do quá trình phẫu thuật và công sức đi lại bệnh viện nhiều lần.Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về triển khai AI trong thực tế. Ảnh: Thành Kiều

Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về triển khai AI trong thực tế. Ảnh: Thành Kiều

Một ví dụ khác trong điều trị ung thư chính xác, bác sĩ thường lấy mẫu mô từ bệnh nhân ung thư để nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Sau đó hàng nghìn mô hình được thử nghiệm để nghiên cứu và theo dõi quá trình điều trị thuốc. Cách này giúp bác sĩ tìm ra phác đồ kết hợp thuốc tối ưu.

Theo GS Minh, để làm điều này, cần có cách tiếp cận hệ thống bài bản trong việc chiết tách khối u, mẫu mô, tế bào. Quá trình nghiên cứu các mô hình khối u được ví như dây chuyền sản xuất ôtô với hệ thống robot. “Dây chuyền” này được giám sát bằng lượng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ sở giúp bác sĩ dự đoán được các vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị, đánh giá chiều hướng phát triển của khối u, từ đó điều chỉnh, nâng cao hiệu quả điều trị.GS Yann Lecun cho rằng AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới. Ảnh: Thành Kiều

GS Yann Lecun cho rằng AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới. Ảnh: Thành Kiều

Theo GS Yann Lecun, Đại học New York và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, Mỹ, “AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới”. “Chúng ta nên tận dụng cho các cơ hội và không nên sợ hãi”, ông nói.

Còn TS Xuedong David Huang, Giám đốc công nghệ của Zoom Video Communications (Mỹ) nhìn nhận AI đang mang lại nhiều lợi ích cho con người. Nhiều công ty chip đang kiếm được nhiều tiền từ AI. Các công ty lớn như Meta, Microsoft… đã phát triển nhiều phần mềm làm việc bằng AI ứng dụng trong y tế, giáo dục đều được thay đổi và mang lại hiệu quả tài chính.

“AI có thể giúp có hàng trăm nhà phát triển trẻ tuổi, startup nhỏ khác, tạo sân chơi công bằng, phát hiện ý tưởng mới… là điều tạo nên khác biệt”, TS Xuedong David Huang nói.

Vĩnh Hà/VnExpress

Nafosted: Phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam

Nafosted: Phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam

Từ khi Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 có hiệu lực, việc triển khai các hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam. Quỹ đã khẳng định là một mô hình quản lý ngân sách dành cho KH&CN tiên tiến, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được quy định tại Điều 60 Luật KH&CN năm 2013. Theo quy định tại Nghị định số 23/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2014/NĐ-CP, Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ KH&CN. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Hoạt động hỗ trợ, tài trợ của Quỹ là không hoàn lại. Về ngân sách hoạt động, Quỹ được ngân sách nhà nước cấp kinh phí để tài trợ, hỗ trợ, cho vay, chi hoạt động quản lý của Quỹ và được bổ sung hằng năm để bảo đảm kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm ít nhất 500 tỷ đồng. Với việc cấp kinh phí cho Quỹ bằng lệnh chi, nguồn kinh phí được cấp bổ sung kịp thời và số dư trong năm tài chính được chuyển nguồn sang năm tiếp theo, tổ chức hoạt động theo mô hình cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học tiên tiến tại các nước phát triển (gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ và các Hội đồng khoa học) đã giúp Quỹ chủ động tổ chức tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo các định hướng phát triển kinh tế – xã hội và Chiến lược phát triển KH&CN. Quỹ đã khẳng định là một mô hình quản lý ngân sách dành cho KH&CN tiên tiến, tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế1.

Từ khi Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực, việc triển khai các hoạt động của Quỹ đã mang lại có những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Tạo lập môi trường nghiên cứu lành mạnh, thuận lợi, thu hút các nhà khoa học có năng lực thực sự cần sự hỗ trợ, tài trợ: Mô hình tổ chức và cách triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ thuận lợi cho các nhà khoa học khi đăng ký đề nghị Quỹ tài trợ, hỗ trợ. Hầu hết các nhà khoa học thực sự có năng lực, cần sự hỗ trợ của Quỹ đăng ký tham gia các trương trình của Quỹ đều được tài trợ, hỗ trợ. Như vậy, có thể thấy tác động đầu tiên của Quỹ là sự kích thích nghiên cứu khoa học mạnh mẽ cho cá nhân các nhà khoa học cũng như các đơn vị nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các chương trình của Quỹ cũng giúp các tổ chức KH&CN nhìn nhận, đánh giá lại lực lượng nghiên cứu của mình một cách đúng mức, vì kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu Quỹ tài trợ phản ánh trung thực năng lực chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu. Các nhà khoa học tham gia các chương trình của Quỹ đạt được kết quả xuất sắc, được Quỹ tôn vinh, ghi nhận cũng làm tăng vị thế của tổ chức KH&CN nơi nhà khoa học công tác. Các chương trình của Quỹ đã dần trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ thường xuyên, quan trọng, giúp tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản và phát triển nguồn lực trong các lĩnh vực KH&CN.

Góp tỷ trọng lớn trong số lượng, chất lượng công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, đóng góp trực tiếp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược khoa học và công nghệ; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, nghiên cứu hướng ứng dụng: Trong giai đoạn 2014-2023, các chương trình tài trợ, hỗ trợ (đặc biệt là chương trình nghiên cứu cơ bản) được triển khai với phù hợp quy mô và chất lượng phát triển nguồn nhân lực KH&CN tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Các nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện được khối lượng lớn các sản phẩm khoa học (công trình công bố trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trình bày tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước, sách chuyên khảo, sáng chế…). Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh, nâng cao rõ rệt vị trí xếp hạng của khoa học Việt Nam trên thế giới. Năm 2009, Việt Nam công bố 1.768 bài báo khoa học, xếp thứ 65 trên thế giới. Đến năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí 45, vào Top 50 thế giới với 18.551 bài báo được công bố, năm 2022 là 18.587 bài báo và năm 2023 là 19.406 bài báo. Số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình trên 20% mỗi năm2. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, xếp thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Malaysia) về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII gắn với công bố khoa học quốc tế (chỉ số số lượng công bố khoa học quốc tế trên 01 tỷ đô la Mỹ tính theo sức mua tương đương).

Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, rất nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắt khe, có tính cạnh tranh cao để được đăng tải trên những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới3. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của các cường quốc về KH&CN, trao đổi học thuật tại các hội thảo khoa học quốc tế uy tín ở nước ngoài và tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam với sự góp mặt của các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Kết quả tài trợ của Quỹ có đóng góp quan trọng trong cải thiện bộ chỉ số đầu ra về tri thức KH&CN trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và bộ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) theo đánh giá của Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), góp phần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.

Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, hình thành nhiều tập thể khoa học mạnh đạt trình độ quốc tế: Thông qua hoạt động tài trợ hằng năm (khoảng 300 nhiệm vụ KH&CN mới, hơn 12.000 lượt nhà khoa học) giúp số lượng lớn các nhà khoa học tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, có chất lượng, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Trong chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, trung bình mỗi đề tài có đào tạo một nghiên cứu sinh gắn với công bố quốc tế uy tín, góp phần quan trọng đưa công tác đào tạo nhân lực trình độ cao của Việt Nam đi vào thực chất, hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia cũng góp phần hỗ trợ đáng kể cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ; hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng giải quyết vấn đề trọng yếu quốc gia (các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ hướng tới hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, giúp phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của Viện Hàn lâm KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội).

Công Thường/VJST

 

1Hằng năm, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ, hỗ trợ thực hiện khoảng 300-400 đề tài nghiên cứu cơ bản, 30-50 đề tài nghiên cứu hướng ứng dụng, 100-200 hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Mỗi năm có khoảng 1.500-2.000 nhà khoa học ở 200-300 trường đại học, viện nghiên cứu được tạo điều kiện thực hiện các nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với nhà khoa học trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam.

Sản phẩm đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tài trợ mỗi năm có trên 1.000 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục Web of Science (trung bình chiếm ~50% công bố khoa học quốc tế của Việt Nam là sản phẩm các nhiệm vụ từ ngân sách nhà nước), tạo ra xu thế công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam hơn 10 năm qua, thúc đẩy tăng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) gắn với công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, tăng vị trí xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

– Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao: Tăng số lượng nhà khoa học có năng lực chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia và tương đương và có công bố khoa học quốc tế; gia tăng nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN tại hệ thống viện nghiên cứu – trường đại học tham gia giải quyết nhiệm vụ KH&CN tại các doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam (nhiều chủ nhiệm nhiệm vụ do Quỹ tài trợ đã chủ trì nhiệm vụ KH&CN của Viettel, Phenikka, Rạng Đông, VinGroup).

– Đóng góp quan trọng trong thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học, Chương trình phát triển vật lý đến năm 2025, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025; thực hiện một số mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.

2Nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus.

3Tính đến thời điểm tháng 11/2022, tổng số lượt trích dẫn các bài báo quốc tế (WoS) do Quỹ tài trợ đạt 81.500 lượt, H index của các công bố quốc tế do Quỹ tài trợ là 79, số lượt trích dẫn trung bình của các công bố này khá tương đồng với các công bố quốc tế do Việt Nam tài trợ nhưng còn khiêm tốn so với các công bố quốc tế có địa chỉ Việt Nam được tài trợ từ các nguồn khác (nước ngoài hoặc không xác định).

Học sinh làm robot cào muối

Hai học sinh lớp 12 tại Bạc Liêu chế tạo robot hoạt động bằng pin mặt trời, tự động cào, vun muối thành luống năng suất bằng ba nông dân.

Sản phẩm của Cao Kim Ngân và Phan Kim Cương, học sinh lớp 12 trường THPT Giá Rai, TX Giá Rai.

Kim Ngân cho biết, trong một lần đi ngang qua cánh đồng muối, thấy người dân thu hoạch bằng cách cào tay dưới trời nắng gắt, Ngân nảy ra ý tưởng làm một sản phẩm tự động hóa để họ đỡ vất vả hơn. Từ tháng 10/2023 Ngân cùng Cương lên bản thiết kế và bắt đầu chế tạo robot cào muối.

Robot có khung sườn là vật liệu inox, chạy bằng bánh xe có khả năng di chuyển bốn hướng. Mũi trước robot có các lưỡi cắt chạy bằng động cơ điện với nhiệm vụ phá lớp kết tủa của muối trên ruộng. Muối sau khi phá được bàn cào đẩy, vun thành luống. Khi robot di chuyển chạm bờ ruộng, bộ phận cảm biến truyền tín hiệu đến hệ thống xi lanh điện nâng hạ robot để bánh xe chuyển làn sang luống khác. Robot sử dụng pin năng lượng mặt trời. Tấm pin diện tích 1m2 có thể cung cấp đủ năng lượng hoạt động trong một ngày. Ngoài ra, robot có bình ắc quy dự phòng khi năng lượng chính hoạt động không ổn định.

Nhóm tạo môi trường ruộng muối trong nhà để robot vận hành thử nghiệm. Sau 5 lần thử, với diện tích khoảng 5m2, trong 25 giây, robot có thể hoàn thành công việc. Lượng muối cào được gần như sạch hoàn toàn. Lần sót nhiều nhất khoảng 2,6 kg, tức khoảng 2,6% tổng khối lượng muối. Theo tính toán của nhóm trong một giờ robot có thể cào được khoảng 13,7 tấn muối. So với làm thủ công đạt khoảng 4,5 tấn muối trong một giờ (năng suất gấp 3 lần nông dân làm thủ công).

Theo Phan Kim Cương, quá trình chế tạo, thử nghiệm robot khó khăn nhất là khâu ý tưởng và thiết kế. Nhóm phải đi thực tế nhiều lần ở ruộng muối để tìm được phương án thiết kế robot phù hợp nhất. Ngoài ra, Cương đánh giá thực tế tại ruộng, bề mặt luôn có độ ẩm cao và xung quanh rất nhiều muối, có thể ảnh hưởng hoạt động các thiết bị điện tử. Do đó trong thiết kế, nhóm bố trí các mạch điều khiển đặt cao, nằm xa lớp muối nhất có thể. “Đặc điểm nghề làm muối ở nơi em sống thường vào các tháng mùa khô, nhiều nắng bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4. Thời gian còn lại có thể tận dụng để vệ sinh, tra dầu, bảo trì robot cho vụ mới”, Cương nói.

Giá sản phẩm nhóm dự kiến khoảng 4 – 5 triệu đồng. Theo Cương, chi phí lớn nhất cho robot là bộ phận năng lượng, pin dự trữ, còn các thiết kế cơ khí, mạch điện có giá thành rẻ hơn. Thời gian tới, nhóm tiếp tục cải tiến sản phẩm phù hợp hơn theo yêu cầu của diêm dân.Hệ thống dao cắt phá tảng muối và cào thành luống robot. Ảnh: NVCC

Hệ thống dao cắt phá tảng muối và cào thành luống robot. Ảnh: NVCC

Thầy Cao Văn Lến, Giáo viên Vật lý, trường THPT Giá Rai, cho biết nghiên cứu của nhóm có tính ứng dụng cao, mang giá trị nhân văn. Tuy nhiên, ông cho rằng robot của nhóm mới ở dạng mô hình, chưa có điều kiện thử nghiệm trên ruộng muối thật để đánh giá quá trình vận hành và khả năng xảy ra sự cố.

Thầy Lến gợi ý, để ứng dụng thực tế nhóm cần thiết kế công suất động cơ, pin dự trữ để phù hợp với quy mô ruộng muối và giúp thiết bị hoạt động bền bỉ hơn. Về phương thức di chuyển, nhóm có thể thay thế sang dạng bánh xích giúp robot hoạt động vững chắc hơn vì trên ruộng vốn có độ ẩm, nếu sử dụng bánh xe truyền thống khả năng ngã đổ cao hơn.

Robot cào muối sử dụng năng lượng mặt trời do nhóm chế tạo đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2024. Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị tổ chức.

Hà An/VnExpress