31 giải pháp, sản phẩm được sàng lọc bởi Ban giám khảo và bình chọn của độc giả từ vòng loại, bước vào chung kết cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025
Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest – CSC) 2025 do VnExpress tổ chức đã bước qua vòng loại với 199 hồ sơ lựa chọn từ 280 bài thi gửi về. Trong hai tuần (từ ngày 1-14/4) 199 bài thi nhận được tổng số 25.000 lượt bình chọn. 31 bài thi được Hội đồng giám khảo lựa chọn cùng với điểm bình chọn bước tiếp vào vòng chung kết.
31 hồ sơ gồm:
1. Nghiên cứu quy trình chuyển hóa tro bay từ nhà máy nhiệt điện thành chế phẩm hữu cơ cải tạo đất
Dự án của Đỗ Hữu Cao Minh, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) đưa ra giải pháp sáng tạo để biến đổi tro bay – một trong những chất thải công nghiệp phổ biến và khó xử lý – thành nguồn tài nguyên hữu ích cho nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế, giảm áp lực lên môi trường.
2. Trạm lắp ráp thông minh
“Smart Workstation – operator 4.0” là trạm lắp ráp thông minh tùy biến theo nhân trắc học, tích hợp giám sát thao tác và hỗ trợ đào tạo phục vụ cải tiến nâng cao hiệu suất làm việc cho công nhân. Hệ thống do nhóm sinh viên chuyên ngành Quản lý kỹ thuật công nghiệp – Khoa Máy tàu biển – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát triển, nhằm hỗ trợ quá trình lắp ráp thủ công thông qua tích hợp các thành phần công nghệ như camera Kinect, phần mềm xử lý hình ảnh và thiết bị trình chiếu.
3. Ứng dụng dung môi eutectic sâu vào sản xuất chitosan từ vỏ tôm lột xác
Nghiên cứu tập trung tận dụng nguồn phế phẩm vỏ tôm lột xác từ quá trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng để thu hồi và sản xuất chitosan, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của ngành thủy sản. Dự án do nhóm sinh viên trường Đại học Công Thương TP HCM thực hiện, đang phối hợp với Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam để triển khai và tiến hành sản xuất thử nghiệm tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
4. Nilon Biomass Energy
Nhóm sinh viên Đại học Công thương, Kinh tế, Bách khoa TP HCM, Vin Uni và Cao đẳng Conestoga (Canada) nghiên cứu sử dụng vỏ tỏi và vỏ hành làm nguyên liệu chính cho viên nén sinh khối, than nướng, và viên xua đuổi côn trùng.
5. Vaccine đa epitope
Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM phát triển vaccine đa epitope nhằm điều trị ung thư phổi, sử dụng các phương pháp tin sinh học và miễn dịch học.
6. Công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải
Dây chuyền “Xử lý và tái chế pin mặt trời” của 5RTECH. Ảnh: Nhóm cung cấp
Dây chuyền “Xử lý và tái chế pin mặt trời” của doanh nghiệp 5RTECH được thiết kế để tối ưu hóa quy trình xử lý tấm pin hết hạn, giúp giảm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng tái chế. Nhờ quy trình tái chế tự động và cơ chế xử lý thông minh, hệ thống giúp thu hồi hiệu quả vật liệu có thể tái chế, hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường và tạo ra nguồn nguyên liệu tái sử dụng cho ngành công nghiệp.
7. Màng sinh học theo dõi độ tươi của thực phẩm
Màng sinh học từ chitosan và poly vinylalcohol là giải pháp của nhóm nghiên cứu Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang. Sản phẩm màng sinh học cảm biến màu sắc theo dõi độ tươi của thực phẩm giúp phát hiện nhanh về hàm lượng các chất phát sinh trong thời gian bảo quản khác nhau.
8. UAV hỗ trợ trinh sát biển phát hiện dòng chảy xa bờ và ao xoáy
Nhóm URLAB tại trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển thiết bị bay không người lái dựa trên sự kết hợp của các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý hình ảnh, định vị toàn cầu (GPS) và cảm biến môi trường, ứng dụng trinh sát biển.
UAV hỗ trợ trinh sát biển. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
9. Nghiên cứu quy trình xử lý khí CO2 từ khí thải đốt than bằng vi khuẩn lam Spirulina platensis
Nhóm sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát triển một quy trình xử tận dụng Spirulina platensis để xử lý CO2 từ khí thải đốt than quy mô hộ gia đình và sản xuất chất điều hòa sinh trưởng.
10. Nghiên cứu về tác động của công nghệ cắt hủy nhiệt bằng laser lên vi môi trường khối u nguyên bào thần kinh ở trẻ em
Việc nghiên cứu tính ứng dụng và tối ưu hóa giải pháp cắt hủy nhiệt giúp đa dạng hóa các phác đồ điều trị của các bệnh nhân nhi, hướng đến cá nhân hóa phác đồ điều trị, tối ưu hóa hóa trị và miễn dịch trị liệu, giảm tác dụng phụ và các biến chứng dài hạn. Dự án do Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng thực hiện.
11. Nghiên cứu chế tạo hệ thu hồi nước đa tầng sử dụng năng lượng xanh phục vụ cư dân vùng biển đảo
Tác giả Nguyễn Minh Hoàng cùng cộng sự tại Khoa Vật lý – Lý sinh, Học viện Quân Y, phát triển hệ thống tận dụng năng lượng mặt trời và gió để cung cấp nguồn nước sạch ổn định với hiệu suất hơn 1,2 lít/m²/giờ phù hợp cho các hộ gia đình khu vực đảo xa.
12. ClearWater Tech
Nhóm sinh viên và giảng viên Bộ môn Khởi nghiệp – Trường Đại học FPT Cần Thơ phát triển hệ thống lọc nước ClearWater Tech với chức năng loại bỏ phèn (sắt), giảm độ mặn.
13. Thiết bị lọc khí thông minh ứng dụng IoT và hệ thống tự động hóa
Nhóm Science, trường THCS THPT Trần Quốc Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát triển thiết bị lọc không khí sử dụng công nghệ cảm biến thông minh, có thể đo lường chất lượng không khí theo thời gian thực và tự động điều chỉnh hiệu suất lọc.
14. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khử ion điện dung trong xử lý nước thải có kim loại nặng tại nồng độ cao
Dự án hướng đến việc xử lý hiệu quả nước thải công nghiệp (đặc biệt là nước thải điện mạ) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân và hệ sinh thái, do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM triển khai.
15. Nghiên cứu xây dựng quy trình hóa tách một số kim loại trong pin năng lượng mặt trời
Hình ảnh về các thí nghiệm công nghệ tái chế của nhóm GenZ Xanh. Ảnh: Nhóm cung cấp
Nhóm GenZ Xanh đưa ra giải pháp công nghệ tái chế và thu hồi vật liệu từ pin năng lượng mặt trời, giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên không tái tạo.
16. Chiết xuất màng sinh học cellulose chứa lignin từ thân cây chuối
Dự án của Trường THCS&THPT Nam Thái Sơn, tỉnh Kiên Giang, sử dụng thân chuối để chiết xuất cellulose/lignin ứng dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giải quyết phế thải từ thân cây chuối.
17. VNSmartHealth
Hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cộng đồng miền núi, vùng sâu vùng xa, giúp cung cấp chẩn đoán chính xác và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật. Điểm đổi mới nổi bật là khả năng hoạt động offline, cho phép chẩn đoán và xử lý dữ liệu ngay trên thiết bị di động mà không cần kết nối internet liên tục.
18. PROACTIVE THREAT HUNTING sử dụng AI
Phần mềm do Trung tâm An ninh mạng QTSC (QTSC CyberSec) thiết kế nhằm bảo vệ hạ tầng số thiết yếu cho cộng đồng. Phần mềm này góp phần giữ cho các dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, bảo vệ các ứng dụng web quan trọng như cổng dịch vụ công, thông tin an sinh xã hội và hệ thống y tế số – những nền tảng mà người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, dựa vào để tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
19. Bộ pin sạc Lithium-ion thay thế pin dùng một lần cho máy điện châm
Nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương đưa ra giải pháp công nghệ pin sạc Lithium-ion được thiết kế phù hợp với các máy điện châm hiện có tại bệnh viện, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rác thải điện tử.
Bộ pin sạc Lithium-ion. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
20. Công nghệ sản xuất NetZero Pallet
Pallet làm từ vỏ dừa polymer hóa giúp hấp thụ và lưu trữ Carbon, thay thế cho pallet gỗ, nhựa và kim loại truyền thống do công ty CP Veritas Việt Nam phát triển.
21. Xây dựng app mobile về đánh giá chất lượng không khí từ hoạt động đốt hở sinh khối
Tác giả Đào Thị Thu Hương (Văn Lâm, Hưng Yên) phát triển ứng dụng sử dụng AI và học máy để phân tích và dự báo tình trạng ô nhiễm không khí, từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa và cảnh báo hiệu quả.
22. Công nghệ máy hàn đinh neo
Tác giả Trần Văn An và nhóm kỹ sư nghiên cứu của Nam Vượng (Bắc Ninh) phát triển máy hàn đinh neo RSN7 công nghệ Inverter góp phần phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và sản xuất kết cấu thép. Giải pháp được ứng dụng trong nhiều công trình trọng điểm Cầu Thăng Long (Hà Nội), các cầu vượt thép nội đô Hà Nội và TP HCM; Nhà máy Samsung (Bắc Ninh, Thái Nguyên), LG Hải Phòng, VinFast Hải Phòng.
Máy hàn đinh neo RSN7. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
23. ScrapBike
Hệ thống quản lý thu gom phế liệu dựa trên AI mang lại giá trị thiết thực cho xã hội bằng cách tối ưu hoá quy trình và cải thiện hiệu quả quản lý chất thải. Dự án do nhóm sinh viên và giảng viên thuộc khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công Thương TP HCM triển khai.
24. Giải pháp ẩn danh dữ liệu tối ưu
Giải pháp của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công Thương TP HCM (HUIT) đề xuất kết hợp hai thuật toán metaheuristic tiên tiến là ARO và APO để tối ưu hóa quá trình ẩn danh hóa dữ liệu. Đây là một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, tận dụng các đặc tính vượt trội của từng thuật toán. Giải pháp phù hợp để triển khai trong bối cảnh dữ liệu lớn, có thể áp dụng tại Việt Nam trong các lĩnh vực đòi hỏi tính bảo mật dữ liệu cao như y tế, tài chính, thương mại điện tử.
25. Cải tiến và số hoá phiếu theo dõi chăm sóc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh
Dự án xây dựng bảng mã hoá nhận định, theo dõi, can thiệp và chẩn đoán điều dưỡng. Số hoá các nội dung đã xây dựng trên phần mềm bệnh án điện tử, giúp giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên y tế.
26. Bộ điều khiển tưới thông minh tích hợp giọng nói và ứng dụng Edge AI
Hệ thống Edge AI có thể nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt, giúp người nông dân dễ dàng thao tác và điều khiển thiết bị mà không cần sử dụng giao diện phức tạp. Sản phẩm do các sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thực hiện.
27. Trung tâm du lịch nông nghiệp thông minh (Smart Agri-Tourism Hub)
Mô hình Smart Agri-Tourism Hub tối ưu hóa giúp phát triển kinh tế bền vững cho bà con nông dân và doanh nghiệp thông qua việc xây dựng mô hình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nông nghiệp.
28. Chế tạo vật liệu xây dựng không nung từ tro xỉ Biomass
Tác giả Ngô Thanh Phong cùng cộng sự nhóm SMART-IUH chế tạo sản phẩm vật liệu xây dựng tái chế tro xỉ biomass đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ bê tông geopolymer. Sản phẩm góp phần giải quyết nhu cầu về vật liệu xây dựng không nung cũng như tái chế nguồn tro xỉ biomass thành vật liệu xây dựng hữu ích.
29. Bộ sản phẩm sáng tạo 3D-ORI LAND
Trương Trần Hữu Lộc, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, đưa ra bộ sản phẩm Blind box (hộp mù) đồ thủ công tự làm với nguyên liệu tái chế thân thiện.
Sản phẩm thủ công của nhóm Ori Land. Ảnh: Nhóm cung cấp
30. Máy đa năng khuấy từ – lắc ống nghiệm – quay ly tâm
Thiết bị tích hợp ba tính năng dùng trong các thí nghiệm liên quan cần khuấy tự động, lắc ống nghiệm và quay ly tâm ống nghiệm. Dự án do thạc sĩ Nguyễn Văn Linh, Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, phát triển.
31. Chế phẩm sinh học BIO ECOS
Sản phẩm màng phủ sinh học được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sản phẩm sử dụng để bảo quản trái cây, giúp kéo dài thời gian sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng đời sống bà con vùng khó khăn.
>>>Bình chọn tại đây
31 dự án sẽ bước vào chung kết, tiếp tục bình chọn (từ 15/4 đến 6/5) và thuyết trình trước Hội đồng giám khảo. Ở vòng này, điểm căn cứ xếp hạng các sản phẩm đoạt giải với tỷ lệ 20% bình chọn và 80% đánh giá của Ban giám khảo.
Đây là năm thứ 4 báo VnExpress tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Khoa học nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hướng tới các nhà khoa học chuyên nghiệp, nhóm tác giả không chuyên và doanh nghiệp.
31 hồ sơ vào chung kết Sáng kiến Khoa học 2025 – Báo VnExpress