Lần đầu ghi nhận thực vật không diệp lục ở Khu bảo tồn Xuân Liên

Các nhà khoa học Việt Nam và Nga phát hiện loài Thismia papillata – được coi là thực vật không có diệp lục duy nhất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Kết quả có được từ chuyến khảo sát sinh thái và đa dạng sinh học của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Trường Đại học Tổng hợp Moscow (Nga) cùng với các nhà học Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Nghiên cứu công bố học trên tạp chí Phytotaxa hồi tháng 6.

Thông thường, các loài thực vật có diệp lục tự tổng hợp dinh dưỡng thông qua quá trình quang hợp. Ngược lại, hầu hết các loài thực vật không có diệp lục (thực vật dị dưỡng) phải sử dụng dinh dưỡng nhờ vào việc cộng sinh với một số loài nấm trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Loài Thismia papillata được phát hiện thuộc chi Tiết mi (Thismia), họ Tiết mi (Thismiaceae). Các nhà khoa học chỉ phát hiện một mẫu duy nhất, được ghi nhận lần đầu tiên có phân bố ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ở độ cao 800 m so với mực nước biển.Loài Thismia papillata là thực vật không diệp lục duy nhất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ảnh: Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga

Loài Thismia papillata là thực vật không diệp lục duy nhất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ảnh: Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga

Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện mới loài thực vật dị dưỡng không có diệp lục tại Khu bảo tồn Xuân Liên cho thấy, đây là một trong những nơi có giá trị đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn để phát huy giá trị đa dạng sinh học, sinh thái và môi trường của khu vực này.

Thismia papillata là loài thân thảo rất nhỏ sống dị dưỡng cộng sinh với nấm. Thân của chúng hơi mọng, rễ dạng sợi, sống trên cạn và ưa ẩm vừa phải. Khi nở hoa, cành dài khoảng 1 mm, mang một bông hoa duy nhất ở đầu cuối được bao quanh bởi ba lá bắc. Lá nhỏ, mọc so le hay mọc đối, bị suy thoái thành dạng vảy hình tam giác hoặc hình trứng, có độ nhẵn, dài 2 mm và không có diệp lục. Lá bắc rời có màu trắng nhạt, hình trứng ngược, dài 4,0-4,9 mm, bám chặt vào đế hoa. Hoa lưỡng tính, màu trắng nhạt, dài khoảng 13 mm, hình chén ngược hơi nghiêng, mặt ngoài có các nốt nhú nổi rõ, ở giữa uốn cong khoảng 90°.

Các nhị hoa liên kết lại thành một ống uốn cong hình chiếc ủng, noãn dưới gồm nhiều ô. Hoa nở vào tháng 10. Loài Thismia papillata có đặc điểm khác biệt nhất so với các loài khác trong chi Thismia là hình thái các phần phụ của bao hoa bên ngoài và bên trong. Các bao hoa bên trong hợp nhất thành dạng mũ, các phần phụ của các bao hoa bên ngoài dài 15 mm, các phần phụ của các bao hoa bên trong dài 9 mm.

Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 109 loài thuộc chi Tiết mi trên toàn thế giới, hầu hết các loài phân bố từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, đến vùng ôn đới Australia và châu Mỹ. Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định được 6 loài thuộc chi Tiết mi. Điều đặc biệt, cả 6 loài này đều phân bố từ Quảng Trị trở vào.

Vĩnh Hà/VnExpress

Việt Nam nghiên cứu, giải mã công nghệ hướng mục tiêu Net Zero

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình khoa học công nghệ Net Zero nhằm tạo ra các giải pháp đột phá, chuyển giao công nghệ xanh, hướng đến nền kinh tế xanh.

Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại buổi công bố Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam (Chương trình khoa học công nghệ Net Zero, mã số KC.16/24 -30) tổ chức sáng 12/12.

Bộ trưởng kỳ vọng Chương trình là nền tảng, tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần. Ông mong muốn các Viện trưởng, doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ cùng nghiên cứu, giải mã, ứng dụng các công nghệ mới, chung tay để nghiên cứu đề xuất các chính sách thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bộ trưởng cho biết, Chương trình khoa học công nghệ Net Zero là một trong những chương trình hành động mang tính kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc hình thành ngay một Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ trực tiếp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTTT

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính. Thứ nhất, khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Theo ông Linh, mặc dù Chính phủ có các khuôn khổ pháp lý, quy định chung để triển khai giảm phát thải. Tuy nhiên, cần thiết có các đề xuất chính sách mang tính cụ thể hơn như việc xây dựng các tiêu chuẩn cho quá trình đánh giá công nghệ xanh, sạch.

Thứ hai, các nghiên cứu hướng đến đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phối hợp tổ chức quốc tế, nhà khoa học Việt ở nước ngoài đề xuất các giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo ông Linh, hiện chưa có một tổ chức đủ năng lực, được công nhận quốc tế làm chứng nhận kiểm kê khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất, góp phần thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, chương trình đặt hàng đề xuất xây dựng các năng lực kiểm kê khí nhà kính.

Thứ ba, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng, giải mã, chuyển giao công nghệ; các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, năng lượng mới, vật liệu mới… Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon. Điều này góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng.

Theo ông Linh, Chương trình khoa học công nghệ Net Zero sẽ cùng song hành với gần 20 chương trình khoa học công nghệ quốc gia khác do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ các mục tiêu Chương trình KC.16/24-30, sáng 12/12. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ các mục tiêu Chương trình KC.16/24-30, sáng 12/12. Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh yêu cầu Ban Chủ nhiệm và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu có trọng tâm, xác định các nhiệm vụ ưu tiên có tính đột phá trong việc giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ cần được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và có tính ứng dụng cao.

Ông cũng đề nghị các tổ chức nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, tổ chức quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ mang tính liên ngành, liên vùng, nhiệm vụ hợp tác quốc tế… Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng thực tiễn.

Vĩnh Hà

Nền tảng số giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG

Nền tảng mã nguồn mở chạy trên website giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG thông qua việc trả lời khoảng 100 câu hỏi để xây dựng Báo cáo phát triển bền vững.

Nền tảng công nghệ Synesgy giúp doanh nghiệp Việt thực hành ESG do Crif D&B Việt Nam (thuộc Tập đoàn Crif toàn cầu) công bố sáng 12/12 tại TP HCM. Synesgy sử dụng 28 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt do các kỹ sư tại Việt Nam thiết kế. ESG (Environmental, Social, and Governance) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp.

Theo bà Trương Bội Ân, Quản lý phát triển bền vững, Crif D&B Việt Nam, hiện thị trường chưa có nền tảng tiếng Việt có khả năng tổng hợp dữ liệu phục vụ thực hành ESG, áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Synesgy là nền tảng mã nguồn mở, chạy trực tiếp trên website được công nhận và thực hiện theo khung tiêu chuẩn của Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) – tổ chức chuyên cung cấp các khuôn khổ cho phát triển bền vững.Giao diện nền tảng Synesgy trên website. Ảnh chụp màn hình

Giao diện nền tảng Synesgy trên website.

Theo bà Ân, Synesgy được sử dụng bằng phương pháp đưa ra bộ câu hỏi gồm gần 100 câu, riêng với doanh nghiệp SME số câu hỏi khoảng 60. Tùy theo loại hình, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nền tảng sẽ đưa ra câu hỏi phù hợp cho 36 lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp sẽ được cấp tài khoản, đăng nhập bằng email họ đăng ký và cung cấp dữ liệu theo nguyên tắc có định lượng và định tính về các hoạt động liên quan ESG như xử lý nước thải, quản lý năng lượng, phát thải khí nhà kính… Ngoài ra doanh nghiệp cũng được thu thập dữ liệu về hoạt động xã hội, đóng góp của họ cho phát triển bền vững. Về quản trị, doanh nghiệp được thu thập dữ liệu về chiến lược, tầm nhìn của lãnh đạo về thực hành ESC…

Đại diện Crif D&B Việt Nam cho biết, để giám sát các dữ liệu mang tính định lượng, doanh nghiệp phải cung cấp căn cứ cho số liệu họ trả lời. Ví dụ, khi cung cấp dữ liệu về điện năng tiêu thụ, doanh nghiệp phải có hình ảnh hóa đơn điện làm minh chứng dữ liệu cung cấp là đúng. Hệ thống sẽ tổng hợp các trường thông tin được khai báo, xuất ra báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp theo khung tiêu chí của GRI. Hệ thống sẽ phân tích khuyến nghị doanh nghiệp đưa ra lộ trình thực hành ở mức độ cao hơn, cải thiện các chỉ số còn thấp. Theo bà Ân, các chứng nhận về thực hành ESG với chỉ số cụ thể sẽ được cấp trực tuyến nếu doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và có giá trị trong một năm.Các chuyên gia chia sẻ chủ đề phát triển bền vững tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Các chuyên gia chia sẻ chủ đề phát triển bền vững tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Ông Văn Anh, Đại diện công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn, cho rằng nền tảng này rất thiết thực với doanh nghiệp mong muốn thực hành ESG. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các tiêu chí ESG doanh nghiệp cần thời gian thực hiện theo lộ trình từng bước. Nên dữ liệu cung cấp lên nền tảng phải làm nhiều lần cho mỗi lần xuất báo cáo phát triển bền vững, gây tốn chi phí. Ông kiến nghị cần ấn định thời gian làm báo cáo định kỳ để doanh nghiệp thực hiện với chi phí tối ưu nhất.

Khái niệm về ESG ra đời vào đầu những năm 2000, gắn liền với sự phát triển của các phong trào đầu tư có trách nhiệm và quan tâm đến bền vững. ESG được xem như yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Hà An

Việt Nam xây dựng bộ quy tắc quản trị trí tuệ nhân tạo

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy xác định, Việt Nam dù đi sau về phát triển công nghệ nhưng đã tiên phong về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) khi xây dựng bộ quy tắc về AI.

Dự thảo nguyên tắc và một số hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam đang được xây dựng và lấy ý kiến chuyên gia. Tại buổi hội thảo góp ý dự thảo do trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức sáng 12/12 Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết dự án xây dựng quy tắc AI được phát triển từ năm 2023 trong bối cảnh Việt Nam còn mơ hồ về khái niệm này.

Sau một năm bộ quy tắc được hoàn thiện với các hướng dẫn đi kèm. “Bộ quy tắc sẽ tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển AI có trách nhiệm và đáng tin cậy”, Thứ trưởng Duy nói.Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo ngày 12/12. Ảnh: BTC

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo ngày 12/12. Ảnh: Nhật Minh

Đại diện chương trình Aus4Innovation, TS Kim Wimbush, cho biết Aus4Innovation đã đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo đến 2030, trong đó nổi bật là dự án xây dựng bộ nguyên tắc AI có trách nhiệm. Mục tiêu đảm bảo AI tại Việt Nam được phát triển dựa trên các nguyên tắc trách nhiệm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và mang lại lợi ích chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu, dự án được thực hiện từ tháng 10/2023 đến 10/2024 với sự tham gia của nhóm chuyên gia từ Đại học Luật, ĐHQGHN. Bộ quy tắc được xây dựng dưới dạng “luật mềm”, mang tính linh hoạt nhưng “đủ sức sống để đưa ra các thảo luận chính sách, đảm bảo sự phát triển AI đáng tin cậy, đủ lợi ích lâu dài”, PGS Quế Anh nói.

Bộ quy tắc bao gồm 7 nguyên tắc và hướng dẫn: bền vững, an toàn, bảo mật; bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; minh bạch và giải thích được; công bằng; tôn trọng quyền tự chủ, quyền tự quyết của cá nhân; trách nhiệm giải trình; cơ chế xử lý phản hồi, khiếu nại và khắc phục thỏa đáng.

Trong đó nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân tập trung vào khía cạnh pháp luật, PGS Quế Anh nói. AI thuật toán có thể thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân không chỉ để cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn cho nhiều mục tiêu khác, yêu cầu phải được kiểm soát chặt chẽ.

Nguyên tắc minh bạch và giải thích: nguyên tắc này hướng dẫn tăng cường độ tin cậy giữa các liên kết bên trong, đồng thời hỗ trợ quản trị nội bộ.

Nguyên tắc công bằng: bảo vệ người dùng đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ AI, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ và tự động quyết định: ngăn chặn sự phụ thuộc vào AI hoặc sử dụng AI để thao túng quyết định của người khác, đồng thời bảo vệ các giá trị truyền thống và đạo đức.

Nguyên tắc đảm nhiệm giải trình: xác định rõ trách nhiệm của con người trong từng giai đoạn của hệ thống vòng đời AI.

Nguyên tắc cơ chế xử lý phản hồi và khiếu nại: cung cấp kênh cho người dùng phản hồi, yêu cầu xem xét lại quy trình vận hành và kết quả đầu ra của hệ thống AI.

Với mỗi nguyên tắc nói trên đều có các hướng dẫn cụ thể cho cả 3 đối tượng áp dụng gồm: nhà phát triển, nhà triển khai và người dùng cuối.PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh chia sẻ về các nguyên tắc trong phát triển AI. Ảnh: BTC

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh chia sẻ về các nguyên tắc trong phát triển AI. Ảnh: Nhật Minh

TS Nguyễn Bích Thảo, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, bộ nguyên tắc lấy giá trị con người làm trung tâm, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – đạo đức – xã hội truyền thống Việt Nam, đồng thời hài hòa giữa đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro.

Tuy nhiên, một số đại biểu tại hội thảo lưu ý cần tránh chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành. Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đề xuất dự thảo phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tạo cơ sở pháp lý rõ ràng sau khi có luật Công nghiệp công nghệ số.

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng nên duy trì bộ quy tắc dưới dạng “quy định phần mềm” để linh hoạt áp dụng và tránh trở thành rào cản pháp lý trong giai đoạn đầu triển khai.

Các chuyên gia nhận định việc hoàn thiện quy tắc không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong quản lý AI mà còn mở ra cơ hội để công nghệ này đóng góp tích cực vào những lĩnh vực quan trọng của quốc gia.

Nhật Minh

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

“Hợp tác quốc tế (HTQT) về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cần hướng đến mục tiêu là thông qua các chương trình, dự án HTQT để thu hút được vốn nước ngoài, công nghệ cao, công nghệ nguồn, nguồn chất xám khoa học thế giới về Việt Nam; từng bước xuất khẩu công nghệ và hàng hóa công nghệ Việt Nam ra nước ngoài và thực hiện được trách nhiệm với KH&CN quốc tế”.
Thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại “Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới” do Vụ HTQT, Bộ KH&CN đã tổ chức ngày 10/12/2024.
Thành tựu hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong HTQT về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN được giao đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Chính phủ, đề xuất và thúc đẩy quá trình này. Qua đó, nhiều giải pháp KH&CN mang tính đột phá từ những cường quốc trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia… đã được chuyển giao về Việt Nam. Nhiều tri thức KH&CN mới được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu – triển khai trong nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
HTQT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã và đang góp phần đáng kể vào việc tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, đặc biệt góp phần giải quyết các vấn đề KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Với sự phát triển cả về quy mô, hình thức và nội dung, Bộ KH&CN đã thiết lập quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 150 điều ước quốc tế và 80 thỏa thuận quốc tế, trong đó gần 110 điều ước và 40 thỏa thuận còn hiệu lực.
Bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế, hợp tác đa phương với nhiều tổ chức quan trọng như ASEAN, APEC, WIPO, IAEA, UN, UNESCO, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Hoạt động HTQT được triển khai tích cực nhằm tranh thủ tri thức, kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ đầu tư, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nước.
Trong những năm qua, hình thức HTQT về KH,CN&ĐMST của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất. Từ việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác, mở rộng quan hệ theo “chiều rộng”, nước ta dần tiến tới giai đoạn triển khai cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung trong các cam kết, thỏa thuận trên theo “chiều sâu”. Từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, Việt Nam đã tiến tới triển khai những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia nước đối tác.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hợp tác về KH&CN có mặt ở tất cả các địa bàn trọng điểm về KH&CN của thế giới; duy trì được mối quan hệ với đối tác; từng bước mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học có uy tín, gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài; tư vấn kịp thời đối với các chính sách lớn, đột phá trong nước…
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã xác định rõ vai trò then chốt của KH,CN&ĐMST, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Theo đó, hợp tác và hội nhập quốc tế được coi là giải pháp quan trọng để nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH,CN&ĐMST của đất nước.
Trong giai đoạn mới, với nhiều thách thức, đặc điểm tình hình mới, nhằm triển khai tốt công tác hợp tác và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt trong bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng và sửa đổi các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hợp tác và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hiệp định và thỏa thuận hợp tác về KH,CN&ĐMST, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, phát triển ngành Halal, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi công tác HTQT và cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai chương trình ngoại giao kinh tế để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2024-2026.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động HTQT trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua phát triển KH&CN đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Thúc đẩy HTQT để tăng cường tiềm lực KH&CN là một trong những hướng đi nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ KH&CN cho biết, Bộ KH&CN tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận hợp tác với các quốc gia, thường xuyên tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về KH&CN và tham gia các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, IAEA, UNESCO. Bộ KH&CN cũng chủ trì các hội nghị, hội thảo quốc tế, mở rộng hợp tác, tiếp cận công nghệ mới và tăng cường giao lưu khoa học. Đồng thời, đã vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ KH&CN báo cáo về hoạt động HTQT của Bộ KH&CN tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi có tính thời đại, tạo cơ hội lớn cho các quốc gia ASEAN trong việc đẩy mạnh KH,CN&ĐMST. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang chuyển hướng sang khu vực ASEAN, mở ra cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là động lực quan trọng cho các đột phá phát triển mà còn mang đến những thách thức lớn cần vượt qua.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, HTQT về KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA yêu cầu Việt Nam cải thiện công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định xuất xứ. Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ĐMST và phát triển các ngành công nghệ cao như sản xuất sạch và bền vững.
Tại Hội thảo, các diễn giả, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, trao đổi, thảo luận, đề xuất về những yêu cầu đặt ra đối với HTQT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bài học áp dụng cho hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong bối cảnh mới, lắng nghe về kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng, quản lý, thực hiện nhiệm vụ KH&CN… để từ đó có thêm thông tin phục vụ việc tham mưu, đề xuất phương hướng thúc đẩy HTQT về KH,CN&ĐMST.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Phát triển nguồn dữ liệu AI có chủ quyền từ giáo dục

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng Việt Nam có 20 triệu sinh viên, học viên – một nguồn dữ liệu phong phú để nghiên cứu, phát triển AI trong giáo dục và phát triển thành nguồn dữ liệu có chủ quyền của Việt Nam.

Thông tin Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học – AI4Edu 2024”, tổ chức sáng 11/12 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Duy nhìn nhận, năm 2018 cả thế giới đều nghĩ AI là nhánh nghiên cứu sâu, nhưng chỉ 2-3 năm sau có sự bùng nổ với sự góp mặt của các tập đoàn, các doanh nghiệp. Trong bối cảnh phát triển đó việc đặt vấn đề AI trong giáo dục là phù hợp và đây là không gian tiềm năng. “Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta đưa AI vào giáo dục và phát triển thành nguồn dữ liệu có chủ quyền của Việt Nam”, Thứ trưởng Duy nói.

AI có chủ quyền bao gồm cả cơ sở hạ tầng vật lý (mô hình nền tảng có chủ quyền, mô hình ngôn ngữ lớn được phát triển bởi dữ liệu, ngôn ngữ địa phương).Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Minh

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

TS Lê Đức Trọng, trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), cho rằng AI không còn chỉ là xu hướng tương lai mà đã có thể xác định vai trò trong hỗ trợ học tập. Trong đó có các ngành học tập trung vào việc thiết kế, viết và duy trì các phần mềm và hệ thống máy tính như lập trình.

Ông đề xuất các chương trình đào tạo nên được điều chỉnh chuẩn đầu ra theo các nhóm sử dụng. “Cần tiếp cận mở để sinh viên sử dụng công cụ AI nâng cao hiệu quả học tập”, TS Trọng nói.

TS Lương Ngọc Hoàng, trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP HCM), cho biết ứng dụng AI trong quản trị đại học đã trở thành một định hướng chiến lược, góp phần chuyển đổi số, phát triển các mô hình đại học trực tuyến (MOOC) và đại học chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các thách thức lớn như thiếu đồng bộ về hạ tầng kết nối, thiếu nhân lực chuyên môn và nguy cơ bảo mật dữ liệu. “Cần cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực chuyên môn và điều chỉnh khung pháp lý để AI phát huy tối đa hiệu quả”, TS Hoàng đề xuất.TS Lương Ngọc Hoàng đề xuất cải thiện khung pháp lý để AI phát huy hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh

TS Lương Ngọc Hoàng đề xuất cải thiện khung pháp lý để AI phát huy hiệu quả. Ảnh: BTC

PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học CMC đề cập đến một ứng dụng thực tiễn khác của AI: hỗ trợ đào tạo. Đây là công cụ tự động hóa quy trình hỏi – đáp và quản lý thông tin trong các trường đại học, giúp học viên và sinh viên giải quyết 80-90% nhu cầu trao đổi thường xuyên mà vẫn đảm bảo chất lượng thông tin. Bởi AI được thiết lập với cơ chế kiểm soát, đảm bảo tính chính xác và phù hợp trong các câu trả lời. Tuy nhiên, PGS Quỳnh lưu ý rằng AI vẫn cần cải thiện tốc độ xử lý và cần có cơ chế quản lý lịch sử hội thoại để đảm bảo tính chính xác và đồng nhất trong câu trả lời.

Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng để tối ưu hóa tiềm năng của AI, các trường đại học Việt Nam cần đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân chất lượng cao. Việc ứng dụng AI không chỉ cải thiện hiệu quả học tập và quản trị mà còn mở ra các giải pháp giáo dục mang dấu ấn riêng của Việt Nam.

Nhật Minh/VnExpress

Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam hướng tới dữ liệu quốc tế

Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam giúp các công bố kết quả nghiên cứu trong nước trên hệ thống dữ liệu quốc tế như ACI, DOAJ, OAJI… hướng tới WoS, Scopus.

Thông tin được chia sẻ tại hội thảo 65 năm và những bước phát triển của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 10/12.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đánh giá qua quá trình phát triển đã khẳng định vị thế là một tạp chí khoa học đa ngành, liên ngành uy tín, hội nhập với khu vực và quốc tế. Tạp chí đã được chấp nhận tham gia một số cơ sở dữ liệu khu vực và quốc tế, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước ghi nhận và tính điểm tối đa khi quy đổi công trình xét học hàm giáo sư, phó giáo sư ở nhiều ngành, liên ngành.

Bộ trưởng tin tưởng, tạp chí sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đổi mới hơn nữa về nội dung và hình thức, mở rộng hợp tác quốc tế và không ngừng nâng cao chất lượng các bài báo khoa học. Đây sẽ là cầu nối đưa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước lan tỏa trên hệ thống dữ liệu quốc tế.Bộ trưởng phát biểu tại hội thảo chiều 10/12. Ảnh: Xuân Bình

Bộ trưởng phát biểu tại hội thảo chiều 10/12. Ảnh: Xuân Bình

Được thành lập năm 1959 với tên gọi ban đầu là Tin tức Hoạt động Khoa học, Tạp chí đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới, từ việc đổi tên thành Tạp chí Hoạt động Khoa học đến Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ một ấn phẩm nhỏ, nay Tạp chí đã trở thành diễn đàn khoa học uy tín, đóng góp quan trọng trong việc lan tỏa tri thức và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong cộng đồng.

Việc công bố các nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu quốc tế được Tạp chí thực hiện trên hai phiên bản C và D bằng tiếng Anh. Trong đó phiên bản C (VJSTE) tập trung vào các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường. Tạp chí bản C tham gia cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI) từ tháng 11 năm 2018, tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế CABI (Centre for Agriculture and Biosciences International) năm 2018, OAJI (Open Academic Journals Index) tháng 4 năm 2021. Tháng 1/2023, tạp chí vào cơ sở dữ liệu quốc tế DOAJ (Directory of Open Access Journals).

Hiện, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản C đã được 16 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 14 Hội đồng tính từ 1 đến 1,25 điểm.

Bản D (VMOST JOSSH) đăng tải các bài báo khoa học lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tạp chí bản D đã được 7 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tính điểm công trình khoa học. Hồi tháng 7, tạp chí bản D đã có mặt trong cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI).

Từ năm 2023, tạp chí bản C và bản D đã thực hiện quy trình xuất bản trực tuyến bằng hệ thống ScholarOne Manuscripts. Đây là hệ thống xuất bản quốc tế chuyên nghiệp nhất, được nhiều tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới sử dụng. Mỗi bài báo khoa học đều được đánh giá bởi ít nhất hai phản biện kín của Web of Science (WoS), được kiểm tra độ trùng lặp bằng phần mềm iThenticate. Các bài báo đều được gắn DOI khi xuất bản và đăng tải toàn văn dưới dạng full-text PDF. Tạp chí hướng đến mục tiêu xuất hiện trên các hệ thống uy tín như Web of Science và Scopus.

Ngoài ra tạp chí có hai bản tiếng Việt, với bản A giới thiệu các bài báo phục vụ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bản B công bố nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Bản này được 25 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 19 Hội đồng được tính điểm cao từ 0,75 đến 1 điểm.

Vĩnh Hà/VnExpress

10 nhà khoa học được vinh danh tại VinFuture 2024

Giải thưởng năm nay vinh danh 10 nhà khoa học nghiên cứu về mạng nơ-ron, học sâu, liệu pháp điều trị ung thư, vaccine dạng uống ngừa bệnh tả và vật liệu sinh học giúp cơ thể tự chữa lành.

Lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội tối 6/12. Giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó, giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng) trao cho 5 nhà khoa học. Ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá 500 nghìn USD (gần 13 tỷ đồng) dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và ba nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

5 nhà khoa học nhận giải chính

Giải thưởng chính VinFuture 2024 được trao cho 5 nhà khoa học: Yoshua Bengio, Geoffrey E. Hinton, Jen-Hsun Huang, Yann LeCun, và Fei-Fei Li vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Các nghiên cứu của họ đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó mà máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.

giai-chinh-vinfuture-173349797-9651-3310

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua) trao giải cho 3 trong số 5 nhà khoa học giải chính VinFuture 2024. Ảnh: Ngọc Thành

Trong đó GS Yoshua Bengio, 60 tuổi, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila tập trung nghiên cứu về mạng thần kinh nhân tạo (nơ-ron) bao gồm những tiến bộ quan trọng trong học biểu diễn (representation learning) và các mô hình tạo sinh (generative models).

Yoshua Bengio sinh tại Pháp, sau đó chuyển tới Canada. Ông có bằng thạc sĩ Khoa học máy tính ở Đại học Montreal và bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở Đại học McGill.

Những đóng góp của Giáo sư Bengio đã trở thành một phần thiết yếu trong các hệ thống học sâu hiện đại, đặc biệt là trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Công trình của ông đã tạo điều kiện để phát triển các công cụ như trợ lý ảo và công cụ dịch ngôn ngữ, cho phép hàng triệu người trên thế giới được tiếp cận với các công nghệ này. Các nghiên cứu của ông tiếp tục định hình các lĩnh vực liên quan đến học sâu từ việc chế tạo robot đến phát triển y học cá nhân hóa.Giáo sư Yoshua Bengio trong lễ trao giải tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

Giáo sư Yoshua Bengio trong lễ trao giải tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

GS Geoffrey Hinton, 77 tuổi, người Anh, là giáo sư tại Đại học Toronto, Canada. Ông được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất lịch sử trí tuệ nhân tạo (AI) – một nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã góp phần định hình tương lai của AI. Ông là chủ nhân giải Nobel Vật lý 2024.

Giải chính VinFuture 2024 ghi nhận ông với vai trò lãnh đạo và công trình nghiên cứu nền tảng của ông về kiến trúc mạng nơ-ron. Bài báo xuất bản năm 1986 của ông cùng với David Rumelhart và Ronald Williams đã cho thấy các biểu diễn phân tán trong mạng nơ-ron được huấn luyện bởi thuật toán lan truyền ngược. Phương pháp này đã trở thành công cụ tiêu chuẩn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và tạo ra các tiến bộ trong nhận diện hình ảnh và giọng nói.

Ông Jensen Huang, 61 tuổi, CEO Nvidia. Ông tốt nghiệp OSU, sau đó làm việc tại cả AMD và LSI Logic (hiện là Broadcom). Tại AMD, ông tham gia thiết kế bộ vi xử lý. Thời gian làm việc tại đây chỉ khoảng hơn một năm nhưng đã đặt nền móng cho thành công của ông trong tương lai. Sau đó, Huang được nhà sản xuất chất bán dẫn LSI Logic tuyển dụng. Tại đây, ông đảm nhận qua nhiều vị trí như kỹ thuật, marketing, cuối cùng là các vị trí quản lý. Ông lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Đại học Stanford năm 1992.

Jensen Huang thành lập Nvidia năm 1993. Ban đầu công ty tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nhằm mục đích hỗ trợ xử lý đồ họa và game, sau đó được tận dụng năng lực xử lý và dùng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có AI.gensen-1733498272-1733498289-9078-173349

Ông Jen-Hsun Huang, CEO Nvidia phát biểu sau khi nhận giải thưởng tối 6/12 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

VinFuture 2024 ghi nhận ông với vai trò lãnh đạo mang tầm nhìn chiến lược trong việc chuyển đổi các bộ xử lý đồ họa (GPUs) thành công cụ mạnh mẽ phục vụ cho học sâu và điện toán tăng tốc. Việc phát triển nền tảng CUDA (Compute Unified Device Architecture – Kiến trúc thiết bị tính toán hợp nhất) giúp lập trình GPU xử lý hiệu quả các yêu cầu tính toán khổng lồ của học sâu. Đột phá này đã cho phép huấn luyện nhanh chóng các mạng nơ-ron và khiến GPU trở thành công cụ thiết yếu trong việc nghiên cứu và phát triển AI trên toàn thế giới.

GS Yann LeCun, 64 tuổi, Phó Chủ tịch, Giám đốc Khoa học AI tại Meta, đồng thời là Giáo sư Silver tại Đại học New York, Mỹ. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về AI, học máy, thị giác máy tính, robot và khoa học thần kinh tính toán… Đặc biệt, ông đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập (CNN). CNN chính là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ do các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu, như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, AT&T… triển khai và được hàng tỷ người trên trái đất sử dụng được mỗi ngày.

VinFuture 2024 ghi nhận CNNs hiện đã trở thành tiêu chuẩn trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày, đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của các công nghệ như nhận diện khuôn mặt và xử lý hình ảnh y tế.GS Yann LeCun phát biểu khi nhận giải chính Vinfuture tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

GS Yann LeCun phát biểu khi nhận giải chính Vinfuture tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

Giáo sư Fei-Fei Li, 48 tuổi, Đại học Stanford, Mỹ được ghi nhận vì những đóng góp tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy tính và phát triển bộ dữ liệu ImageNet. Bà sinh tại Thành Đô, Trung Quốc, sau đó chuyển đến Mỹ khi mới 15 tuổi.

Bà học chuyên ngành vật lý, đồng thời học khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Princeton. Sự nghiệp học thuật của bà bắt đầu với vai trò là trợ lý giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và Đại học Princeton. Sau đó, bà gia nhập đội ngũ nhân viên tại Stanford vào năm 2009, trở thành phó giáo sư và giám đốc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford (SAIL).

Bà có hơn 300 bài báo được bình duyệt bao gồm cả AI, học máy, học sâu, thị giác máy tính và khoa học thần kinh nhận thức.

Công trình của GS Li là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của dữ liệu trong việc huấn luyện các hệ thống AI, ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông qua dữ liệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Bằng cách mở rộng giới hạn mà máy móc có thể quan sát và diễn giải, công trình của bà đã thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực thị giác máy tính và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

3 nhà khoa học nhận giải đặc biệt cho nghiên cứu các lĩnh vực mới

Giải đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho GS Zelig Eshhar, GS Carl H. June và GS Michel Sadelain vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị ung thư và các bệnh khác.Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain và bà Sharon Eshhar (con gái nhận giải thay cho GS. Zelig Eshhar) (từ trái qua) tại lễ trao giải tối 6/12. Ảnh:Ngọc Thành

Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain và bà Sharon Eshhar (con gái nhận giải thay cho GS. Zelig Eshhar) (từ trái qua) tại lễ trao giải tối 6/12. Ảnh:Ngọc Thành

Công trình đột phá của Giáo sư Zelig Eshhar, Viện Khoa học Weizmann và Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky, Israel, đã cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng cách phát triển liệu pháp tế bào CAR-T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Sự đổi mới này mang lại hy vọng cho các ứng dụng mới trong y học và mang lại các phương pháp điều trị với chi phí hợp lý cho người dân trên toàn thế giới.

Giáo sư Carl H. June, 71 tuổi, là bác sĩ, giáo sư về Liệu pháp Miễn dịch tại Khoa Y học, Bệnh lý và Thí nghiệm Y học thuộc Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania, Mỹ.

Ông cùng các đồng nghiệp đóng góp lớn cho nền y học khi phát triển một trong những liệu pháp tế bào đầu tiên cho bệnh ung thư, CAR-T. Phương pháp này hiện đã được chấp thuận để điều trị cho người lớn mắc bệnh bạch cầu kinh dòng Lympho (CLL), bệnh đa u tủy xương, và trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL).Carl H. June nói về liệu pháp tế bào điều trị ung thư tại Hà Nội ngày 3/12.  Ảnh: Việt Hùng

Carl H. June nói về liệu pháp tế bào điều trị ung thư tại Hà Nội ngày 3/12. Ảnh: Việt Hùng

GS Michel Sadelain, 64 tuổi, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ, đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR-T, giúp liệu pháp này điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Công trình tiên phong của họ đã dẫn đến sự phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho liệu pháp tế bào CAR-T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.

Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển

TS Firdausi Qadri, 73 tuổi, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh được vinh danh vì sự đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển.ts-banglades-1733494103-7592-1733494195.

GS Nguyễn Thục Quyên (phải) trao giải cho TS Firdausi Qadri. Ảnh: Ngọc Thành

Bà đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh tả vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDRB), TS Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vaccine sống giảm động lực của Việt Nam, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vaccine chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất.

Bà đã thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ

Giáo sư Kristi S. Anseth, 55 tuổi, Đại học Colorado Boulder, Mỹ đã có đóng góp tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh, nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ.Giáo sư Kristi S. Anseth nhận giải thưởng từ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Giáo sư Richard Henry Friend. Ảnh: Ngọc Thành

Giáo sư Kristi S. Anseth nhận giải thưởng từ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Giáo sư Richard Henry Friend. Ảnh: Ngọc Thành

Bà tiên phong phát triển các hệ thống nuôi cấy tế bào dựa trên vật liệu sinh học để giải mã các tín hiệu của chất nền ngoại bào (ECM) trong quá trình điều hòa sự phát triển, duy trì và tái tạo mô. Giáo sư Kristi S. Anseth đã thiết kế cấu trúc ECM nhân tạo nhằm mô phỏng môi trường vi mô đặc trưng của tế bào và mô trong không gian ba chiều. Các mô hình này có thể được tùy chỉnh để giúp các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu về các quá trình sinh học trong không gian 4 chiều.

Giáo sư Anseth tiến hành nghiên cứu cách các tế bào trao đổi thông tin với ECM, từ đó thiết kế các vật liệu sinh học có khả năng tái tạo mô, điều trị các trạng thái bệnh lý, cũng như sàng lọc thuốc. Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô.

Giải thưởng do Quỹ VinFuture được khởi xướng từ năm 2020 và trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Sau bốn mùa giải đã có 37 nhà khoa học được tôn vinh. Tổng giải thưởng trị giá 4,5 triệu USD, trong đó một giải chính 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt 500.000 USD mỗi giải, với 3 hạng mục: Nhà khoa học nữ, Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Bảo Chi/VnExpress

Phát triển bộ xử lý siêu mạnh đưa CEO Nvidia thắng giải khoa học triệu đô

Sự phát triển GPU thúc đẩy hàng loạt đột phá trong nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, phát triển hệ thống tự động, mang lại giải thưởng cao nhất VinFuture 2024 cho ông Jensen Huang – CEO Nvidia.

Giải thưởng chính VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD được trao cho 5 nhà khoa học: Yoshua Bengio, Geoffrey E. Hinton, Jen-Hsun Huang, Yann LeCun, và Fei-Fei Li vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu. Trong đó ông Huang với vai trò đồng sáng lập Nvidia, được ghi nhận với vai trò lãnh đạo mang tầm nhìn chiến lược, phát triển nền tảng CUDA (Compute Unified Device Architecture – Kiến trúc thiết bị tính toán hợp nhất) giúp lập trình GPU để xử lý hiệu quả các yêu cầu tính toán khổng lồ của học sâu.

Đột phá này đã cho phép huấn luyện nhanh chóng các mạng thần kinh nhân tạo (nơ-ron) và khiến GPU trở thành công cụ thiết yếu trong việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới. Sự lãnh đạo của ông đã thúc đẩy hàng loạt đột phá trong các lĩnh vực như nhận diện giọng nói tự động, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, robot, và phát triển hệ thống tự động.gensen-1733498272-1733498289-9078-173349

Ông Jensen Huang, CEO Nvidia phát biểu sau khi nhận giải thưởng VinFuture tối 6/12. Ảnh: Ngọc Thành

Thoạt nhìn, người ta rất dễ nhận định Jensen Huang như một CEO hãng công nghệ lớn điển hình. Tỷ phú này không mặc vest mà lựa chọn áo khoác da và áo polo giản dị giờ đã trở thành phong cách đặc trưng. Ông có thể truyền đạt cách hoạt động của một sản phẩm cực kỳ phức tạp sao cho bất kỳ ai cũng hiểu được.

Nhưng công ty mà ông đồng sáng lập, Nvidia, không trở thành một công ty nghìn tỷ USD bằng cách bán phần mềm có khả năng tăng quy mô và triển khai rộng rãi. Nvidia phát triển nhờ bán những phần cứng máy tính sáng tạo bậc nhất. Khi thế giới tiếp tục thay đổi với tốc độ ngày càng tăng, Nvidia đang củng cố vị thế là một trong những công ty quan trọng nhất của kỷ nguyên AI. Trong khi câu chuyện về Nvidia vô cùng hấp dẫn, cuộc đời và công việc của người đứng đầu công ty cũng thú vị không kém khi ông không ngừng theo đuổi sự đổi mới và tiến bộ, theo Quartr.Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải cho ông Jensen Huang. Ảnh: Ngọc Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải cho ông Jensen Huang. Ảnh: Ngọc Thành

Jensen Huang, tên khai sinh Jen-hsun Huang, sinh tại Đài Loan năm 1963. Tuổi thơ của ông là những lần chuyển nhà thường xuyên. Khi ông lên 5, gia đình rời Đài Loan và chuyển đến Thái Lan, nhưng không ở lại lâu.

Năm 1972, Huang cùng anh trai lên chuyến bay đến Tacoma, bang Washington, Mỹ, sống với chú. Cha mẹ vẫn ở lại, tiết kiệm tiền và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để đoàn tụ với con và bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau. Huang vô cùng biết ơn sự hy sinh và nỗ lực của cha mẹ và tôn vinh họ đã đặt nền tảng giúp ông đến với thành công.

Anh em nhà Huang sau đó đến Oneida, bang Kentucky, để học tiểu học và sống trong khu nhà dành cho sinh viên. Là người nhập cư với tiếng Anh bập bẹ, Huang gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập. Tuy nhiên, ông đã vượt qua tất cả, kể cả những vụ bắt nạt, và vẫn học giỏi. Dù thời gian ở Kentucky, rất khó khăn, ông tin rằng trải nghiệm tổng thể đã giúp mình trở thành người tốt hơn.

Sau đó, cha mẹ Huang cũng di cư và gia đình ông sống ở ngoại ô Portland, bang Oregon. Dù đôi khi gặp khó khăn trong việc kết nối với bạn trung học, ông vẫn học tập xuất sắc và có công việc đầu tiên tại một quán ăn địa phương. Sau này, khi đã là CEO một công ty nghìn tỷ USD, Huang vẫn tự hào vì quãng thời gian từ người rửa bát lên thành nhân viên phục vụ. Ông cho biết, thời gian làm việc tại đây đã định hình cách ông tiếp cận với công việc và stress, giúp ông làm việc tốt hơn dưới áp lực.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Huang quyết tâm theo đuổi con đường học vấn cao hơn. Ông ghi danh vào Đại học Bang Oregon (OSU) và lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện năm 1984. Ông là sinh viên xuất sắc tại OSU, và đây cũng là nơi ông gặp vợ tương lai của mình, Lori, cộng sự phòng thí nghiệm trong lớp kỹ thuật điện.

Sau khi tốt nghiệp OSU, Huang làm việc tại cả AMD và LSI Logic (hiện là Broadcom). Tại AMD, ông tham gia thiết kế bộ vi xử lý. Thời gian làm việc tại đây chỉ khoảng hơn một năm nhưng đã đặt nền móng cho thành công của ông trong tương lai. Sau đó, Huang được nhà sản xuất chất bán dẫn LSI Logic tuyển dụng. Tại đây, ông đảm nhận qua nhiều vị trí như kỹ thuật, marketing, cuối cùng là các vị trí quản lý. Trong thời gian làm việc ở LSI Logic, ông cũng học thạc sĩ vào những buổi tối và cuối tuần. Ông lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Đại học Stanford năm 1992.

Năm 1993, Huang cùng Chris Malachowsky và Curtis Priem, những người mang theo kinh nghiệm từ Sun Microsystems và IBM, thành lập công ty Nvidia với số vốn ban đầu là 40.000 USD. Nvidia xuất hiện vào thời điểm máy tính cá nhân (PC) chỉ mới phát triển và ngành công nghiệp bắt đầu hiểu được những gì bộ xử lý trung tâm (CPU) sẽ mang lại. Tuy nhiên, nhóm sáng lập Nvidia tin rằng CPU không phải giải pháp cho mọi vấn đề tính toán và hình dung ra tương lai của điện toán tăng tốc. Họ cho rằng nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, thế giới sẽ cần phần cứng chuyên dụng.

Sản phẩm họ phát triển để nắm bắt thị trường mới là Bộ xử lý đồ họa (GPU). Huang so sánh CPU như một người làm nhiều nghề, trong khi GPU là chuyên gia tập trung vào một nghề, giúp giải quyết những vấn đề phức tạp hơn mà CPU không thể xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, GPU nghe có vẻ đầy rủi ro vào thời điểm đó. Đây là loại sản phẩm hoàn toàn mới mà không có ứng dụng nào sẵn có trên thị trường, đòi hỏi chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn vào thời điểm mọi con mắt và vốn đầu tư đều đổ dồn vào CPU. Việc phát triển một sản phẩm bổ sung cho CPU với ứng dụng chính là trò chơi điện tử 3D có vẻ chắc chắn sẽ thất bại.

Một lần nữa, Huang tin vào tầm nhìn của mình và GPU dòng GeForce trình làng năm 1999. Sản phẩm đầu tiên, GeForce 256, nhắm đến các game thủ không quá nhạy cảm với giá và đang tìm kiếm những sản phẩm tốt nhất. GeForce sau đó trở thành sản phẩm chủ lực của Nvidia. Trước khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bùng nổ, công ty này được biết đến nhiều nhất với các GPU nhắm đến người đam mê trò chơi điện tử.

Năm 2007, Nvidia giới thiệu nền tảng tính toán song song CUDA. Nền tảng này cho phép nhà phát triển sử dụng GPU cho những tác vụ xử lý chung, vượt ra ngoài vai trò truyền thống trong việc kết xuất đồ họa. Sự chuyển đổi này ở GPU cho phép cải thiện hiệu suất đáng kể trong nhiều tác vụ tính toán so với CPU truyền thống.

CUDA đơn giản hóa lập trình GPU bằng cách cung cấp nền tảng mở rộng các ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn. Điều này đồng nghĩa, CUDA cho phép nhà phát triển sử dụng GPU cho nhiều tác vụ, bao gồm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, lập mô hình tài chính và quan trọng nhất là AI. Việc phát hành CUDA không gây chú ý quá lớn, nhưng vài năm sau, nó đã trở thành một sản phẩm đột phá của Nvidia.CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Nvidia

CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Nvidia

Đầu những năm 2010, AI kém xa so với ngày nay và không được các nhà khoa học máy tính ưa chuộng. Nhưng sau đó, mạng thần kinh nhân tạo bắt đầu có những tiến bộ đáng kể. Với GPU đã sửa đổi bằng CUDA, mạng thần kinh có thể được đào tạo nhanh hơn tới 100 lần so với CPU truyền thống.

Huang và các kỹ sư nhanh chóng hành động. Ông tin rằng mạng thần kinh sẽ cách mạng hóa xã hội và một lần nữa dốc toàn lực. Gần như chỉ sau một đêm, Nvidia chuyển từ doanh nghiệp đồ họa sang tập trung vào phần cứng cho các ứng dụng AI. Năm 2016, Huang tự tay bàn giao siêu máy tính AI đầu tiên cho OpenAI, và năm 2017, các nhà nghiên cứu bắt đầu phát triển thứ sau này trở thành ChatGPT.

Sau khi ChatGPT phát hành, sự quan tâm đến phần cứng Nvidia trở nên vô cùng lớn. “Có một cuộc chiến về AI đang diễn ra ngoài kia, và hiện tại, Nvidia là nhà phân phối vũ khí duy nhất”, Srini Pajjuri, quản lý tại công ty Raymond James, nhận định.

Nvidia không còn là công ty đứng trên bờ vực phá sản như trước đây, nhưng nếu có rắc rối ập đến, Huang cũng sẵn sàng. “Tôi từng phục vụ bàn. Tôi đã chuẩn bị cho nghịch cảnh”, ông chia sẻ.

Phát biểu trong buổi tối nhận giải tại Hà Nội, ông chia sẻ mong muốn hiểu được nguyên tắc đằng sau trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông cùng các cộng sự của mình không nghĩ sẽ đạt được thành tựu như thế nào trên hành trình này. Ông cho biết trí tuệ nhân tạo tác động mạnh mẽ tới đời sống của con người nhưng sẽ chỉ mang lại lợi ích to lớn khi được dẫn dắt phù hợp, được sử dụng có trách nhiệm.

Thu Thảo – Minh Thư/VnExpress

Firdausi Qadri – người hùng trong cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm

Chứng kiến người dân Bangladesh chết vì bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Firdausi Qadri tìm cách phát triển một loại vaccine bệnh tả đường uống (OCV) rẻ hơn và vaccine liên hợp thương hàn dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn.ts-banglades-1733494103-7592-1733494195.

GS Nguyễn Thục Quyên (phải) trao giải cho TS Firdausi Qadri. Ảnh: Ngọc Thành

Tiến sĩ Firdausi Qadri, 73 tuổi, được vinh danh giải đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD – Giải thưởng VinFtuture 2024 về những đóng góp sự đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển. Bà là một nhà miễn dịch học và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm người Bangladesh. Bà lấy bằng cử nhân ngành hóa sinh và bằng thạc sĩ ngành sinh học phân tử ở Đại học Dhaka trước khi chuyển tới Anh để học tiến sĩ ở Đại học Liverpool năm 1980. Dù có cơ hội ở lại Anh, bà quyết định quay trở lại Bangladesh để cống hiến cho quê hương.

Trong buổi chia sẻ với báo chí tại Hà Nội dịp nhận giải thưởng, Qadri dành nhiều thời gian để nói về người dân ở quê hương bà và sự khó khăn trong điều kiện y tế. Bà kể, dân số Bangladesh rất đông, khoảng 170 triệu người. Hàng năm có khoảng 79 – 80 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tả do thiếu nước sạch hoặc vệ sinh dịch tễ không đảm bảo.

Tiến sĩ Qadri bắt đầu làm việc ở Trung tâm nghiên cứu bệnh tiêu chảy quốc tế, Bangladesh (ICDDE,B) năm 1988. Bà bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn shigella gây bệnh lỵ và sơ ý khiến chính bản thân nhiễm Shigella dysenteriae. Sau đó, bà chuyển trọng tâm nghiên cứu sang bệnh tả và thương hàn, sử dụng các phương pháp hóa sinh, miễn dịch và phân tử nhằm hiểu rõ vi khuẩn gây ra những bệnh này và phát triển công cụ chẩn đoán.

Tiến sĩ Qadri bắt đầu nghiên cứu vi khuẩn shigella, vấn đề lớn khiến nhiều người đau đớn và tử vong đương thời. Sau này, bà chuyển sang nghiên cứu bệnh tả, một bệnh đặc hữu ở Bangladesh. Những người dân sống ở khu vực đông dân không có nước sạch, điều kiện vệ sinh kém và dân trí thấp dễ mắc bệnh này. Ở thời kỳ đó, rất ít thông tin có sẵn về những gì xảy ra khi một bệnh nhân mắc bệnh lỵ, tả và thương hàn.

Tiến sĩ Qadri tiến hành một thử nghiệm quan trọng với 240.000 người nhằm khám phá tính khả thi và hiệu quả của vaccine phòng bệnh tả đường uống quy mô lớn. Năm 2017, khi người tị nạn Rohingya từ Myanmar tới Dhaka, trại tập trung của họ nằm ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tả thuộc hàng cao nhất trong thành phố. Tiến sĩ Qadri dẫn đầu một nhóm chuyên gia trong suốt chương trình cấp phát vaccine hàng loạt nhằm ngăn chặn bùng phát bệnh tả. Đây là một phần trong nỗ lực chủng ngừa cho 1,2 triệu người có nguy cơ cao ở Dhaka.

Năm 2012, bà được trao giải Christophe Rodolfe Grand Prize. Bà sử dụng tiền thưởng để thành lập Viện phát triển khoa học và sáng kiến sức khỏe, khánh thành năm 2014 và tập trung vào rối loạn di truyền như hội chứng Down, bệnh Huntington, và suy giáp bẩm sinh. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu năm 2020, tiến sĩ Qadri là một trong những nhà khoa học chủ chốt điều phối công tác ứng phó với virus mới.

Năm 2021, tiến sĩ Qadri được trao giải Raman Magsaysay cho “đam mê và cống hiến cả đời cho nghiên cứu khoa học”. RMAF ghi nhận những đóng góp của tiến sĩ Qadri trong cuộc chiến chống bệnh tả và thương hàn, đặc biệt là vai trò của bà trong phát triển một loại vaccine bệnh tả đường uống (OCV) rẻ hơn và vaccine liên hợp thương hàn dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Theo RMAF, tiến sĩ Qadri hiện nay là tác giả của 490 bài báo xuất bản trên các tạp chí có sức ảnh hưởng lớn.

Bà cho biết trong tương lai, muốn tăng cường nhận thức của mọi người về các loại bệnh, đặc biệt là tập trung vào hai đối tượng phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ hiện có nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh, ví dụ như ung thư vú, ung thư buồng trứng…. Hiện nay nhiều quốc gia chưa có sẵn dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Do đó, tôi muốn tập trung nghiên cứu lĩnh vực này để cải thiện sức khỏe của trẻ em nhỏ và phụ nữ nói chung.

Bà cũng mong muốn ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo và tham gia vào lĩnh vực khoa học dù công việc này mất rất nhiều thời gian. Thường phụ nữ sẽ ngần ngại khi có gia đình. “Bản thân tôi có ba con nhưng vẫn có thể làm khoa học, vẫn có thể đạt được những thành công nhất định”, bà nói và muốn trở thành một hình mẫu để cổ vũ cho những người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

An Khang/VnExpress