Mở ra cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia

Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2024, Việt Nam và Australia ngày càng phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Chuyến thăm và làm việc tại Australia mới đây của Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã mở ra cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST.
Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia.
Tại buổi làm việc với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, bà Helen Wilson, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia bày tỏ sự cảm ơn và kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người đã luôn lãnh đạo, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Australia. Đồng thời, Bà cũng bày tỏ sự xúc động và chia buồn đối với người dân Việt Nam trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cảm ơn tình cảm của Chính phủ Australia đối với sự ra đi của Tổng Bí thư. Đồng thời, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của phía Bạn và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia trong thời gian qua.
Thứ trưởng đã trao đổi một số nội dung về Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành. Bộ KH&CN đang thực hiện một số nội dung trọng tâm ưu tiên hiện nay như: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KH,CN&ĐMST thông qua việc sửa đổi Luật KH&CN 2013 hướng tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử… Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu… cũng là một ưu tiên lớn của Bộ KH&CN. Để làm tốt nhiệm vụ này, Bộ KH&CN rất cần sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt các chuyên gia của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia trong việc hỗ trợ, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn có tính chứng thực cao, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tại buổi làm việc, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển KH&CN, những lĩnh vực định hướng ưu tiên của Chính phủ Australia (năng lượng tái tạo, các ngành sản xuất tiên tiến, công nghệ giảm phát thải, y tế phục vụ sức khoẻ cộng đồng…), những chính sách liên quan bảo vệ tài sản trí tuệ, thu hút sự tham gia và tài trợ của cộng đồng quốc tế (song phương và đa phương) đối với các dự án nghiên cứu…
Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia.
Trong thời gian qua, Chính phủ Australia đã thông qua nhiều chương trình hỗ trợ giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng, phát triển KH&CN và công nghệ số. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài Nguyên Australia tin tưởng và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp quản lý, triển khai hiệu quả các Chương trình hợp tác để phát triển, kết nối mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước, phục vụ thiết thực các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội bền vững dựa trên KH,CN&ĐMST cũng như thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Đoàn công tác của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài Nguyên Australia chụp ảnh kỷ niệm.
Tại buổi làm việc với Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC), Thứ trưởng Trần Hồng Thái đánh giá cao sự hợp tác của Hội đồng và bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp của Hội đồng dành cho Đoàn.
Đoàn công tác làm việc với ARC.
Thứ trưởng mong muốn Hội đồng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức, hoạt động tài trợ (xét và phê duyệt các đề xuất), mô hình quản lý tài chính (việc cấp tiền thực hiện nghiên cứu và giám sát), công tác kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu các đề tài KH&CN, công tác xử lý tài sản đề tài, định giá sản phẩm/tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu, vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu.
ARC đã chia sẻ cách thức hoạt động của Hội đồng; vai trò của Hội đồng trong tài trợ các nghiên cứu cơ bản; sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; quy trình xem xét, đánh giá, cấp kinh phí và quản lý nhiệm vụ KH&CN; sự kết nối giữa nhóm nghiên cứu cơ bản với các Bộ, ngành, doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu đạt hiệu quả cao.
Hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và đề xuất hướng hợp tác về hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới: đào tạo, trao đổi cán bộ/chuyên gia, xây dựng các dự án nghiên cứu chung, tăng cường hợp tác tài trợ nghiên cứu, sử dụng nguồn kinh phí Việt Nam, Australia và các nguồn tài trợ đa phương khác.
Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm với Hội đồng Nghiên cứu Australia. 
Tại buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã cảm ơn Đại sứ Phạm Hùng Tâm và các lãnh đạo, cán bộ Đại sứ quán đã tiếp đón Đoàn công tác của Bộ KH&CN. Chia sẻ với Đại sứ Phạm Hùng Tâm về chuyến công tác tại Australia lần này, Thứ trưởng cho biết, Đoàn đã làm việc với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, một số Trường Đại học lớn (RMIT, Monash, Melbourne), Hội đồng Nghiên cứu Australia, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Thànhh phố Melbourne… nhằm tạo cơ hội, thúc đẩy hợp tác KH,CN&ĐMST giữa Việt Nam và Australia.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Công tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm đã thông tin với Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác về tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là sau khi hai nước chính thức là Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ quán Việt Nam tại Úc sẽ luôn là cầu nối tích cực góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm.

Nguồn: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Phát hiện protein lớn nhất trong tự nhiên

Được mệnh danh là “Núi Everest” của protein, PKZILLA-1 được tìm thấy trong tế bào tảo biển, giúp tạo ra độc tố khiến cá chết hàng loạt.

Một tế bào tảo vàng (Prymnesium parvum). Ảnh: Greg Southard/Sở Công viên và Động vật hoang dã Texas

Một tế bào tảo vàng (Prymnesium parvum). Ảnh: Greg Southard/Sở Công viên và Động vật hoang dã Texas

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện protein lớn nhất từng ghi nhận trong lĩnh vực sinh học, Science Alert hôm 9/8 đưa tin. Mang tên PKZILLA-1, loại protein này nằm trong tảo vàng (Prymnesium parvum), sinh ra chất độc và đóng vai trò lớn gây chết cá khi tảo nở hoa. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science.

Được mệnh danh là “Núi Everest” của protein, PKZILLA-1 cấu tạo từ 45.212 axit amin, hơn khoảng 30.000 axit amin so với protein giữ kỷ lục trước đó, titin, có trong cơ bắp của người. Trong khi đó, protein kích thước trung bình hemoglobin chỉ gồm 574 axit amin. “Điều này đã mở rộng nhận thức của chúng ta về những gì sinh học có thể làm được”, nhà hóa học biển Bradley Moore từ Viện Hải dương học Scripps ở California, cho biết.

Tảo vàng có thể gây tổn thương chí mạng cho mang cá và các nhà khoa học đang cố gắng nghiên cứu cách sinh vật đơn bào tí hon này tạo ra những phân tử lớn phức tạp. Trong nghiên cứu mới, Moore cùng đồng nghiệp sử dụng những kỹ thuật phân tích gene tiên tiến để tìm hiểu cách tảo vàng tạo ra chất độc prymnesium.

Trong quá trình tìm hiểu, họ phát hiện hai gene lớn bất thường tạo ra PKZILLA-1 và PKZILLA-2 nhỏ hơn, sau đó phát hiện chính các protein này. Chúng chính là những enzyme giúp kích hoạt việc sản xuất độc tố prymnesin thông qua một quá trình phản ứng hóa học dài. “Chúng tôi đã xác định được các gene và phát hiện rằng để tạo ra những phân tử độc khổng lồ, loài tảo này sử dụng các gene khổng lồ”, Vikram Shende, chuyên gia tại Viện Hải dương học Scripps, cho biết.

Phát hiện mới hữu ích cho việc ngăn chặn những hiện tượng nở hoa có hại của tảo, bao gồm tảo vàng. Những loài tảo này hiện diện trên khắp thế giới và có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái dưới nước. Tảo là một phần quan trọng trong thế giới sinh vật biển, nhưng khi chúng hiện diện quá nhiều – thường do nước ấm lên hoặc ô nhiễm từ hoạt động của con người – hậu quả có thể rất nghiêm trọng, vì chất độc được thêm vào còn oxy bị hút ra khỏi nước.

Nhóm chuyên gia cho rằng phương pháp gene dùng trong nghiên cứu mới cũng có thể giúp xác định các chất độc từ loại tảo khác. Thêm vào đó, những cách tổng hợp chất mới được phát hiện có thể giúp phát triển thuốc và vật liệu mới. “Hiểu được cách thiên nhiên phát triển các phương pháp hóa học cho phép chúng ta áp dụng kiến thức này vào việc tạo ra những sản phẩm hữu ích, dù là thuốc chống ung thư mới hay một loại vải mới”, Moore giải thích.

Thu Thảo (Theo Science Alert)

AI4VN 2024 bàn giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Các xu hướng ứng dụng AI doanh nghiệp, y tế cũng như chuẩn bị hạ tầng AI Cloud… sẽ được thảo luận tại 4 workshop diễn ra sáng 23/8, thuộc khuôn khổ AI4VN 2024.

Workshop là sự kiện khởi động Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2024), tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Diễn ra từ 8h ngày 23/8, bốn phiên hội thảo (AI Workshop) nối tiếp với các diễn giả danh tiếng và chuyên gia trí tuệ nhân tạo đến từ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI.

Tham luận mở màn đến từ đại diện của Đại diện của UNESCO với bài trình bày: “Hợp tác quốc tế đảm bảo an toàn đối với trí tuệ nhân tạo”. Thời gian qua UNESCO đã đưa ra một bộ quy định về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, tập trung vào việc đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng theo cách tôn trọng quyền con người và thúc đẩy sự công bằng. Trong hợp tác với Việt Nam, tổ chức này cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ trong triển khai các khuyến nghị của UNESCO tại Việt Nam, đặc biệt là khuyến nghị đạo đức trong AI.

Ngay sau đó phiên đầu tiên với chủ đề “AI Automation – Tự động hóa và AI”, ông Lê Đăng Ngọc, Phó Giám đốc Khối Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Trung tâm Không gian mạng Viettel là diễn giả mở màn. Ông có bài trình bày về “Ứng dụng AI trong tự động hóa thay thế các tác vụ truyền thống của con người”.

Ông Lê Đăng Ngọc. Ảnh: NVCC

Ông Lê Đăng Ngọc. Ảnh: NVCC

Sau phần trình bày tham luận, diễn giả đến từ Heineken cũng có bài chia sẻ từ góc nhìn ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất.

Ở phiên thảo luận hai diễn giả đến từ doanh nghiệp cùng PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ các Khoa – Viện – Trường công nghệ thông tin – truyền thông (FISU) Việt Nam sẽ trao đổi về giải pháp “Nâng cao năng suất lao động với AI và tự động hóa”. Các diễn giả sẽ chỉ ra những ưu thế, khó khăn khi kết hợp tự động hóa và AI, đề ra giải pháp để khai thác thế mạnh của công nghệ này.

Phiên thứ hai có chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”. Ông Cao Vương, Chủ tịch HĐQT AIVA Group, sẽ chia sẻ về “Ứng dụng AI đột phá doanh số bán hàng và Marketing”.

Ông Cao Vương là nhà sáng lập AIVA Group – Giải pháp tiên phong về đào tạo và ứng dụng AI, đồng thời cũng là co-founder của Unica.vn, sàn khóa học online lớn nhất tại Việt Nam với gần 1 triệu học viên. Ông là chuyên gia đầu tiên giảng dạy về AI thực chiến với hơn 60.000 học viên trên khắp cả nước.

Ông Cao Vương. Ảnh: NVCC

Ông Cao Vương. Ảnh: NVCC

Sau ông Vương, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA, sẽ chia sẻ về “Ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp giúp tăng năng suất làm việc”.

Ông Lê Hồng Quang. Ảnh: NVCC

Ông Lê Hồng Quang. Ảnh: NVCC

Tại phiên này phần thảo luận sẽ có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành CNTT. GS Nguyễn Thanh Thủy cùng các diễn giả sẽ trao đổi về những cơ hội vàng cho doanh nghiệp khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Ở phiên thứ 3 với chủ đề “Data center và AI Cloud” có sự tham gia của các diễn giả đến từ FPT và Salesforce. Trong đó đại diện FCI sẽ nói về việc FPT đầu tư hạ tầng AI Cloud, tiến ra thị trường quốc tế như thế nào.

Sau phần tham luận, phiên panel sẽ bàn về chủ đề “Cú hích nào cho thị trường Data Center Việt Nam bứt phá?”. Các diễn giả sẽ cùng nhau phân tích, chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng lợi thế khi sẵn sàng cơ sở hạ tầng, đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất của đơn vị. Họ cũng chỉ ra những khó khăn, đề xuất chính sách từ trải nghiệm thực chiến của mình.

Trong phiên cuối cùng về “Ứng dụng AI trong lĩnh vực Y tế”, TS.BS Nguyễn Hải Tuấn – Cố vấn Tin Sinh học Thabis sẽ trình bày về “Ứng dụng AI trong phác đồ điều trị ung thư”.

Đại diện đến từ đơn vị đào tạo – PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có những phân tích ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực để kéo gần hơn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế khi ứng dụng AI trong y tế.

Theo các chuyên gia, AI có nhiều tiềm năng, song để ứng dụng vào thực tiễn thường gặp nhiều thách thức cần được giải quyết để đảm bảo chúng có thể mang lại lợi ích thực sự. Một trong số đó là vấn đề: Chất lượng dữ liệu; Độ tin cậy và chính xác; Chấp nhận của người dùng; Vấn đề đạo đức và pháp lý…

Khép lại phiên hội thảo buổi sáng là bài trình bày về “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam” đến từ đại diện Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

AI4VN 2024 có chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (Unlock the power of Generative AI”. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Chương trình gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards; hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Ngoài phiên chính của AI4VN (AI Summit) diễn ra chiều 23/8 có sự tham của của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức quốc tế, trong khuôn khổ AI4VN 2024, một triển lãm (AI Expo) gồm các gian hàng trình diễn các sản phẩm AI tiêu biểu của các doanh nghiệp, viện, trường… Khách tham dự có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm mới ứng dụng AI đang có trên thị trường Việt Nam.

Ban tổ chức cũng trao giải cho các sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo nổi bật (AI Awards 2024).

>>> Đăng ký tham dự chương trình tại đây.

Kham tham dự trải nghiệm sản phẩm tại AI4VN 2023. Ảnh: Trần Quỳnh

Kham tham dự trải nghiệm sản phẩm tại AI4VN 2023. Ảnh: Trần Quỳnh

Như Quỳnh

Sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời năng suất tăng 20%

Thấy công nghệ chế biến nước mắm sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả, anh Lê Văn Lợi đầu tư hơn 2 tỷ đồng triển khai.

Ngày đầu tháng 8, 15 bể chượp (bể muối nước mắm) được anh Lê Văn Lợi, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ muối đầy cá cơm. Khác với cách ướp truyền thống, anh sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động. Anh là người đầu tiên ở Quảng Nam áp dụng công nghệ này vào sản xuất nước mắm.

Anh Lê Văn Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Cát Trắng kiểm tra bể muối. Ảnh: Đắc Thành

Anh Lê Văn Lợi, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Cát Trắng kiểm tra bể muối. Ảnh: Đắc Thành

Sinh ra trong gia đình làm nước mắm truyền thống ở xã bãi ngang Tam Thanh hơn 100 năm. Thế hệ cha ông của anh Lợi cho cá vào bể sành, xứ, xi măng muối và thường xuyên phơi đảo. Sau 15 tháng muối để thu nước mắm người dân chiết lọc qua vải mất thời gian và không hợp vệ sinh.

Năm 2021, anh Lợi biết Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống.

Sau khi tìm hiểu, anh thành lập hợp tác xã Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Cát Trắng. Hợp tác xã được Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam giao thực hiện dự án “Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng dựng nông thôn mới”.

Ngoài hỗ trợ của nhà nước, anh Lợi đầu hơn 1 tỷ đồng mua sắm thiết bị và dây chuyền chiết lọc, đóng gói sản phẩm, còn kỹ thuật chế biến được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh chuyển giao.

Hệ thống muối cá rộng gần 1.000 m2 dựng lên trong vườn nhà. Cá cơm được đánh bắt từ biển về, anh trộn đều với muối cho vào bể ủ. So với cách muối truyền thống 3 cá một muối, với công nghệ này tỷ lệ bốn cá một muối. Tại mỗi bể được đấu nối hệ thống đường ống để nước mắm chảy tuần hoàn qua máy nước nóng duy trì 40 độ C bằng năng lượng mặt trời.

Cá cơm trộn đều với muối với bốn cá một muối. Ảnh: Đắc Thành

Cá cơm trộn đều với muối với bốn cá một muối. Ảnh: Đắc Thành

Quá trình muối, nước mắm chảy từ bể chứa qua hệ thống nước nóng liên tục. Việc này giúp gia tăng nhiệt độ đồng đều trong bể và tăng bề mặt tiếp xúc giữa hệ enzyme và các vi sinh vật với nguyên liệu cá muối trong bể. Chúng được đảo tự động mà không cần sức người. Hệ thống cấp nhiệt có tính ổn định cao, khắc phục được những khó khăn do thời tiết.

Chủ cơ sở cho biết, trước đây muối nước mắm cho vào thùng dung tích nhỏ và bịt nắp kín. Để nước mắm đều, thơm ngon người dân mở nắp phải quấy đảo thường xuyên giữa trời nắng. Cách này làm tốn công sức và không hợp vệ sinh, nhiều lúc côn trùng bay vào.

“Từ ngày áp dụng công nghệ này vào sản xuất tiện lợi rất nhiều. Chúng được quấy đảo tự động hoàn toàn khép kín không cần đến sức người. Quá trình sản xuất không phụ thuộc thời tiết, không phải mở nắp thùng để phơi nắng, không lo đậy nắp khi trời mưa”, anh Lợi nói, thêm rằng lượng cá muối trong rất lớn. Mỗi bể chứa hơn 2,5 tấn cá, trong khi muối thủ công mỗi bể được vài tạ cá.

Dây chuyền đóng gọi tự động được anh Lợi đầu tư. Ảnh: Đắc Thành

Dây chuyền đóng gói tự động được anh Lợi đầu tư. Ảnh: Đắc Thành

Theo anh Lợi, công nghệ mới giúp hợp tác xã tiết kiệm diện tích sản xuất, nhà xưởng, đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm và tác động đến môi trường như mùi đặc trưng của mắm. Quá trình muối được khép kín, không mở nắp bay hơi.

“So với truyền thống công nghệ này rút ngắn thời gian ủ muối. Phương pháp truyền thống 15-17 tháng mới thu nước mắm nhưng công nghệ này 8-10 tháng có thể thu, rút ngắn được gần nửa thời gian. Lượng nước mắm thu về tăng hơn 20% so với truyền thống và màu sắc đẹp hơn”, anh nói. Trung bình 1 tấn cá sản xuất được 750 lít nước mắm, trong khi với phương pháp truyền thống 1 tấn cá khoảng 650 lít nước mắm.

Ứng dụng công nghệ mới, mỗi năm anh Lợi thu hơn 20.000 lít, giá bán từ 80.000 – 110.000 đồng lít. Sản phẩm của hợp tác xã được công nhận OCOP 4 sao.

Đắc Thành

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kiểm tra tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và kiểm tra tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Long Khánh, ông Trần Chí Thành, Trưởng Ban Quản lý Dự án, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã báo cáo tình hình triển khai Dự án, như: lập nhiệm vụ quy hoạch 1/500; giám sát công tác  khảo sát; lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường…


Ông Trần Chí Thành, Trưởng Ban Quản lý Dự án báo cáo tình hình triển khai Dự án.

Ông Trần Chí Thành cho biết, hiện tại công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động khảo sát đã được triển khai đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch. Nhiệm vụ quy hoạch 1/500 đã được đơn vị tư vấn lập, đã lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, đang trong quá trình thẩm duyệt. Công tác khảo sát và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đang trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quá trình thẩm định và phê duyệt Dự án; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các công việc liên quan đến kế hoạch, tổ chức thực hiện Dự án…

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh cũng đã trình bày một số ý kiến liên quan đến Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân như: truyền thông về tính anh toàn của Dự án; xây dựng Trung tâm Truyền thông Dự án tại thành phố Long Khánh.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh, Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Báo Lao Động).

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn kiểm tra đã trao đổi với lãnh đạo địa phương về tính an toàn của Dự án, vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn hạt nhân. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp, chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn… Dự án hoàn thành sẽ định vị thành phố Long Khánh trở thành Trung tâm thứ 2 của Việt Nam sau thành phố Đà Lạt trong việc phát triển về lĩnh vực y khoa hạt nhân.

Trong thời gian thực hiện, Ban quản lý Dự án sẽ tổ chức đoàn thực nghiệm của thành phố Long Khánh và tỉnh Đồng Nai tham quan tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để có thêm thông tin về mức độ an toàn làm cơ sở để tổ chức thông tin tuyên truyền đến người dân địa phương.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Báo Lao Động).

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị Ban quản lý Dự án phối hợp với nhà thầu công binh đẩy nhanh tiến độ công tác rà phá bom mìn, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình làm việc; phối hợp chặt chẽ với nhà thầu chính và các thầu phụ chuẩn bị cho công tác khảo sát theo đúng quy định; Ban quản lý Dự án, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sớm hoàn thiện phương án thiết kế mặt bằng đảm bảo điều kiện lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị: Văn phòng Bộ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Vụ Năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án theo lộ trình đã ký trong Biên bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) theo đúng quy định pháp luật.

Sau buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã đi thực tế địa điểm xây dựng Dự án và công tác rà phá bom mìn.


Bộ KH&CN kiểm tra thực địa Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân tại thành phố Long Khánh, Đồng Nai.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Australia quyết tâm đẩy lùi dị ứng thực phẩm

Australia – nơi được mệnh danh là “thủ đô dị ứng của thế giới”, đã khởi động chương trình điều trị toàn quốc miễn phí đầu tiên trên thế giới dành cho trẻ em dị ứng đậu phộng (lạc). Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng sự dung nạp an toàn đối với loại hạt này để trẻ không cần phải lo lắng về khả năng xảy ra phản ứng đe dọa tính mạng.

Phương pháp điều trị miễn dịch qua đường miệng (OIT) như một lựa chọn để điều trị dị ứng thực phẩm ở trẻ em. Nó bao gồm việc tăng dần lượng thực phẩm gây dị ứng hàng ngày của trẻ dưới sự giám sát y tế cho đến khi đạt được “liều duy trì mục tiêu”. “Liều duy trì mục tiêu” có nghĩa là đối tượng sẽ tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng hàng ngày tại nhà như một phương pháp điều trị trong thời gian dài. Mục tiêu để làm cho cơ thể không phản ứng mạnh với chất gây dị ứng hoặc, trong kịch bản tốt nhất, là “không phản ứng kéo dài” hoặc thuyên giảm triệu chứng.

Quan trọng là, OIT không phải là phương pháp chữa bệnh, nó được thiết kế để giúp cơ thể trẻ quen dần với thực phẩm mà thông thường sẽ gây phản ứng dị ứng. Trong khi một số dị ứng thực phẩm sẽ tự hết khi trẻ 12 tháng tuổi, những dị ứng khác – đặc biệt là đậu phộng (lạc), hạt cây, vừng và hải sản – có xu hướng tồn tại suốt đời vì chúng ít có khả năng tự giải quyết một cách tự nhiên.

GS Kirsten Perrett – Giám đốc Trung tâm Dị ứng Quốc gia (NACE) Australia, người đứng đầu Chương trình ADAPT OIT cho biết, phương pháp điều trị miễn dịch qua đường miệng đang được triển khai trên toàn thế giới bằng các phương pháp khác nhau, làm cho việc đánh giá kết quả, bao gồm cả kết quả dài hạn cho trẻ em, gia đình và hệ thống y tế, trở nên khó khăn.

Lý giải về lý do tại sao Australia lại được chọn làm bối cảnh cho Chương trình này, GS Kirsten Perrett cho biết, Australia đang được đặt cho danh hiệu là “thủ đô dị ứng của thế giới”. Theo ước tính, cứ 10 trẻ em Australia thì có 1 trẻ phát hiện dị ứng thực phẩm trong những năm đầu đời, trong khi khoảng 6/100 trẻ có dị ứng thực phẩm khi 10 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em Australia không phải là duy nhất; đã có sự gia tăng dị ứng thực phẩm trên toàn thế giới. Nguyên nhân của sự gia tăng này chưa được biết chắc chắn. Các yếu tố đóng góp có thể bao gồm sự thay đổi trong chế độ ăn uống của mẹ và trẻ sơ sinh cũng như việc tăng cường vệ sinh làm giảm sự tiếp xúc với vi khuẩn “tốt” và do đó không cho phép hệ thống miễn dịch phát triển khả năng miễn dịch. Ở Australia, đặc biệt là sự thiếu hụt vitamin D ngày càng tăng đã được chứng minh có mối liên kết với dị ứng thực phẩm ở trẻ em.

NACE đã hợp tác với 10 bệnh viện nhi khoa trên 5 bang của Australia để khởi động đợt triển khai đầu tiên của Chương trình ADAPT OIT. Chương trình nhằm sử dụng OIT để xây dựng sự dung nạp an toàn của trẻ em đối với đậu phộng (lạc) và hy vọng đạt được sự thuyên giảm thay vì yêu cầu họ phải tránh hoàn toàn thực phẩm này. Nếu thành công, Chương trình sẽ có khả năng mở rộng ra nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân. Chương trình ADAPT OIT được tài trợ bởi Chính phủ Liên bang, miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi đã được chẩn đoán dị ứng đậu phộng (lạc) và đang được chăm sóc bởi một chuyên gia dị ứng tại một trong các bệnh viện tham gia. Trong vòng 2 năm, đối tượng tham gia sẽ tuân theo một lịch trình để sử dụng một liều lượng bột đậu phộng (lạc) nhất định. Phương pháp này được thực hiện tại nhà và kết hợp với các lần thăm khám định kỳ tại phòng khám dị ứng bệnh viện. Mặc dù OIT đậu phộng (lạc) đã được chứng minh là an toàn, tuy nhiên, khi tham gia chương trình, các đối tượng tham gia vẫn được lên kế hoạch để đối phó với việc sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng – và được cấp một bộ tiêm adrenaline (epinephrine). Cha mẹ của đối tượng tham gia sẽ được giáo dục toàn diện và có kết nối với một chuyên gia dị ứng trực tại bệnh viện.

GS Kirsten Perrett chia sẻ, sau khi được triển khai rộng rãi, những trẻ em này sau đó sẽ được theo dõi chăm sóc lâm sàng định kỳ trong ít nhất 12 tháng để giúp đánh giá tính chấp nhận được, an toàn và hiệu quả, chất lượng cuộc sống và kết quả dài hạn của Chương trình. Mục tiêu cuối cùng là việc thay đổi “quỹ đạo” của bệnh dị ứng để nhiều trẻ em có thể đi học mà không gặp phải nguy cơ bị dị ứng đậu phộng (lạc) đe dọa đến tính mạng.

Bác sỹ Tim Brettig – Chuyên gia dị ứng và miễn dịch nhi khoa và Lãnh đạo y tế của Chương trình ADAPT OIT cho biết, điều trị OIT sẽ mất khá nhiều thời gian, Chương trình này yêu cầu cam kết lâu dài từ các gia đình để cho trẻ uống hằng ngày bột đậu phộng (lạc) tại nhà cùng với các lần thăm khám định kỳ tại phòng khám dị ứng bệnh viện. Bác sỹ Tim Brettig nhấn mạnh, điều quan trọng cần nhớ là OIT không phải là phương pháp chữa trị, nhưng bằng cách tuân theo điều trị, nó có thể cải thiện khả năng hấp thụ an toàn một chất gây dị ứng thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như đậu phộng (lạc). Với những bậc cha mẹ tại Australia nghi ngờ con mình bị dị ứng đậu phộng (lạc), trước tiên nên đến gặp bác sỹ – người có thể giới thiệu trẻ đến một chuyên gia dị ứng tại một trong những bệnh viện tham gia Chương trình ADAPT OIT. Sau đó, khi dị ứng đã được xác nhận và trẻ đủ điều kiện, họ có thể được giới thiệu vào chương trình điều trị.

TXB (theo Newatlas)

Mật ong giúp men vi sinh tồn tại tốt hơn trong ruột

Ngày càng có nghiên cứu khẳng định những lợi ích về sức khỏe của men vi sinh. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện rằng, việc thêm một muỗng canh mật ong vào sữa chua có thể giúp men vi sinh tồn tại tốt hơn trong ruột. Đây là một sự kết hợp vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe.

Từ lâu, con đã có thói quen lên men thực phẩm và đồ uống (như kim chi, kombucha, bia…), trong đó, sữa chua là một trong những sản phẩm lên men phổ biến nhất trên thế giới, được tạo ra bằng cách lên men sữa với một loại vi khuẩn tốt, thường là Lactobacillus và Streptococcus. Sữa chua men vi sinh thì được bổ sung thêm các chủng vi sinh có lợi như Bifidobacterium animalis.

Có thể thấy rằng, việc hấp thụ men vi sinh không chỉ cải thiện tâm trạng mà còn có lợi cho sức khỏe đường ruột, đó cũng là lý do mật ong thường được thêm vào sữa chua. Để tìm hiểu sâu hơn, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Illinois Urbana-Champaign (Hoa Kỳ) đã thực hiện 2 nghiên cứu để kiểm tra tác động của mật ong lên hệ vi sinh vật đường ruột.

PGS.TS Hannah Holscher – Khoa Khoa học thực phẩm và dinh dưỡng Con người của Đại học Illinois (đồng tác giả của 2 nghiên cứu) cho biết, chúng tôi muốn tìm hiểu về sự kết hợp giữa sữa chua và mật ong, đây là một thói quen phổ biến trong chế độ ăn tại khu vực Địa Trung Hải và cách nó ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột.

Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học đã thêm 1 trong 4 loại mật ong được lấy từ cỏ linh lăng, kiều mạch, cỏ ba lá và hoa cam vào sữa chua thương mại có chứa B. animalis và kiểm tra xem chúng có giúp men vi sinh sống sót qua quá trình tiêu hóa hay không. Họ đã thêm 42 g mật ong vào 170 g sữa chua và cho hỗn hợp này tiếp xúc với các dung dịch trong phòng thí nghiệm mô phỏng quá trình tiêu hóa ở miệng, dạ dày và ruột. Các nhà khoa học phát hiện rằng, sữa chua với mật ong, đặc biệt là mật ong cỏ ba lá, đã giúp men vi sinh tồn tại tốt hơn trong giai đoạn tiêu hóa ở ruột. Kết quả này được kiểm chứng trong một nghiên cứu lâm sàng với 66 người tham gia. Những người này được chia thành 2 nhóm, nhóm đầu tiên ăn sữa chua thương mại có chứa B. animalis, trong khi nhóm thứ hai ăn cùng loại sữa chua đó nhưng có thêm mật ong cỏ ba lá. Sau 2 tuần, kết quả cho thấy mật ong giúp vi khuẩn có lợi tồn tại tốt hơn trong ruột. Đặc biệt, việc thêm mật ong vào sữa chua không ảnh hưởng đến thời gian tiêu hóa, tần suất đi vệ sinh, tâm trạng hay khả năng nhận thức của người tham gia, có thể do họ đều đã khỏe mạnh từ trước.

Một nghiên cứu khác với 36 người tham gia cũng cho thấy sự kết hợp giữa sữa chua và mật ong bảo vệ men vi sinh tốt, nhưng không có tác động đáng kể lên các yếu tố sức khỏe khác. PGS.TS Hannah Holscher cho biết, nhóm nghiên cứu nhận thấy khi thêm 1 muỗng canh mật ong vào sữa chua có thể hỗ trợ sự tồn tại của men vi sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mật ong là một loại đường bổ sung và việc kiểm soát lượng đường tiêu thụ là quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nhưng thêm một chút mật ong vào sữa chua không đường vẫn là một lựa chọn tuyệt vời cho thực đơn hàng ngày.

Xuân Bình

Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm 2024

Ngày 09/08/2024, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm 2024 nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác đồng hành chặt chẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông với cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm. Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho biết, tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), lần đầu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature based solutions – NbS) được đề cập trong quyết định bao trùm thì tại COP28, đây là điểm sáng được đánh giá cao và tập trung thảo luận bởi các chuyên gia, các tổ chức cũng như các doanh nghiệp. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên được xác định là công cụ hiệu quả chính nhằm giải quyết và thích ứng với cuộc khủng hoảng kép hiện tại là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Năm 2023, COP28 cũng đã công bố khoản tài trợ mới có giá trị lên tới 186,6 triệu USD dành cho các dự án/sáng kiến về thiên nhiên và khí hậu, với trọng tâm đặc biệt là phục hồi rừng, rừng ngập mặn, tài nguyên đất và đại dương. Đồng thời, trong tuyên bố chung của COP28 về việc mở rộng quy mô tài chính và đầu tư cho khí hậu và thiên nhiên, nguồn quỹ đầu tư cũng được yêu cầu sử dụng thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên, cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, từ đó sử dụng các nguồn lực, nguồn tài chính một cách hiệu quả, toàn diện, công bằng.

Tại Việt Nam, để triển khai cam kết COP26 và COP28, quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26 sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở đó, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức Tập huấn nhằm cung cấp thông tin về khái niệm các giải pháp dựa vào NbS và tiêu chuẩn toàn cầu về NbS; cập nhật về định hướng chiến lược, các chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan đến NbS và vai trò của doanh nghiệp; cập nhật các thông lệ tốt về NbS, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất kinh doanh, từ đó khuyến khích các cơ quan truyền thông tích cực quảng bá, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thực hiện NbS trong phát triển bền vững doanh nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi, đối thoại với các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan quản lý về những kiến nghị chính sách quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy NbS trong phát triển bền vững doanh nghiệp tại Việt Nam; tạo cơ hội cho các cơ quan thông tấn báo chí tham quan mô hình doanh nghiệp thực hiện NbS, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phong Vũ

Tổng biên tập Tạp chí npj Quantum Materials – Nature thăm và làm việc với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ngày 08/08/2024, GS Sang-Wook Cheong – Tổng biên tập Tạp chí npj Quantum Materials – Nature (Hoa Kỳ) và GS Phan Mạnh Hưởng – Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) đã đến thăm và làm việc với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Buổi làm việc là cơ hội quý để Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam lắng nghe những ý kiến, đánh giá của các nhà khoa học quốc tế về hiện trạng của bản Tạp chí tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật – Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering (VJSTE) cùng những gợi ý giá trị nhằm nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn của các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc với GS Sang-Wook Cheong và GS Phan Mạnh Hưởng.

Trong lời phát biểu chào mừng, TS Nguyễn Thị Hương Giang – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam trân trọng cảm ơn GS Sang-Wook Cheong đã dành thời gian đến thăm và làm việc với Tạp chí. TS Nguyễn Thị Hương Giang hy vọng, với những kinh nghiệm dẫn dắt và điều hành npj Quantum Materials, một trong những tạp chí danh tiếng của Nature, GS Sang-Wook Cheong sẽ có nhiều chia sẻ thiết thực và hiệu quả cho Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đặc biệt là Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering phát triển trở thành một trong những tạp chí quốc tế uy tín.

Tại buổi làm việc, GS Sang-Wook Cheong đánh giá cao những kết quả mà Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering đã đạt được trong thời gian vừa qua. Theo GS Sang-Wook Cheong, Tạp chí có một quy trình biên tập bài bản, chất lượng ngôn ngữ tiếng Anh tốt. Bên cạnh đó, là một tạp chí khoa học đa ngành và liên ngành nên Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering có một số lợi thế như: tính liên ngành của các chủ đề bài báo sẽ thu hút được đông đảo số lượng người đọc từ nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Số lượng các bài báo quốc tế nộp vào Tạp chí gần đây tăng lên đáng kể đã cho thấy sự quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế đối với tạp chí ngày càng tăng, GS Sang-Wook Cheong nhận định.

Đặc biệt, tại buổi làm việc, GS Sang-Wook Cheong nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tài trợ cho hoạt động của Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering. Đây là cơ sở để Tạp chí thực hiện việc truy cập mở, miễn phí cho tác giả và bạn đọc. Theo GS Sang-Wook Cheong, truy cập mở đang là xu hướng mà cộng đồng khoa học quốc tế hướng tới. Với việc thực hiện truy cập mở hoàn toàn như hiện nay, Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền khoa học không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn thế giới. Theo GS Sang-Wook Cheong, việc Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering sử dụng hệ thống nộp bài và phản biện quốc tế ScholarOne Manuscripts của Clarivate đã góp phần quan trọng cải thiện chất lượng phản biện, qua đó nâng cao chất lượng bài báo. Các phản biện trên hệ thống được lựa chọn đều là những nhà khoa học được đề xuất từ cơ sở dữ liệu của Web of Science.

Từ thực tiễn của Tạp chí, GS Sang-Wook Cheong cho rằng: bên cạnh việc tập trung vào những yếu tố như chỉ số ảnh hưởng, xếp hạng thứ bậc tạp chí…, Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering nên tập trung phát triển các chủ đề, lĩnh vực mang lại lợi ích cho quốc gia như: pin lithium, vật liệu mới, ứng dụng của vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, thử nghiệm lâm sàng của thuốc… Bên cạnh đó, Tạp chí cũng nên cân nhắc việc hợp tác với một nhà xuất bản quốc tế và sử dụng các dịch vụ quảng bá, đánh giá tạp chí của họ.

Đồng tình với những đánh giá và nhận xét của GS Sang-Wook Cheong, GS Phan Mạnh Hưởng đề xuất: Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering nên đầu tư quảng bá Tạp chí và các kết quả của những bài báo nổi bật, từ đó tăng tính nhận diện của Tạp chí trên thế giới. Đồng thời, GS Phan Mạnh Hưởng khẳng định việc luôn đồng hành và hỗ trợ Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering nâng cao chất lượng, hướng tới tham gia vào các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín.

TS Nguyễn Thị Hương Giang – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam  trao quà lưu niệm cho GS Sang-Wook Cheong cùng phu nhân (2 người đứng giữa)  và GS Phan Mạnh Hưởng (ngoài cùng, bên trái).

Kết thúc buổi làm việc, GS Sang-Wook Cheong và GS Phan Mạnh Hưởng bày tỏ sự tin tưởng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm và đồng lòng của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering sẽ ngày càng nâng cao chất lượng, sớm gia nhập các cơ sở dữ liệu uy tín của quốc tế.

npj Quantum Materials là một tạp chí truy cập mở của Nature (Hoa Kỳ), đăng tải các bài báo chất lượng cao trong lĩnh vực vật liệu lượng tử. Tạp chí npj Quantum Materials đã tham gia vào hơn 30 cơ sở dữ liệu uy tín trên thế giới, như: Web of Science, Scopus…

Bắc Lê – Quang Hưng

Drone nhẹ nhất thế giới chạy bằng năng lượng Mặt trời

Drone CoulombFly nhẹ hơn tờ giấy A4, sải cánh dài khoảng 20 cm và có thể bay trong thời gian dài.

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh phát triển thành công CoulombFly, phương tiện bay nhỏ và nhẹ nhất thế giới chạy bằng năng lượng mặt trời, Interesting Engineering hôm 18/7 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature.

CoulombFly chỉ nặng khoảng 4 gram, nhẹ hơn một tờ giấy A4 với sải cánh khoảng 20 cm, lớn tương đương bàn tay, nhỏ hơn 10 lần và nhẹ hơn 600 lần so với drone năng lượng mặt trời nhỏ nhất trước đây. Mẫu drone mới sử dụng pin mặt trời để sản xuất điện, tạo ra trường điện giữa các tấm tích điện trái dấu xếp thành hình tròn. Các điện tích trái dấu hoạt động như nam châm đẩy, tạo ra lực làm quay cánh quạt. Quá trình này tạo ra mô men xoắn, đưa drone bay lên khỏi mặt đất.

CoulombFly có hiệu suất nâng cao, đạt 30,7 gram mỗi watt và chỉ tiêu thụ 0,568 watt để bay trong không khí. Điều này cho phép nó bay liên tục dưới ánh sáng mặt trời tự nhiên.

CoulombFly chỉ nặng khoảng 4 gram, nhẹ hơn một tờ giấy A4.
CoulombFly chỉ nặng khoảng 4 gram, nhẹ hơn một tờ giấy A4.

Thời gian bay hạn chế là một thách thức lớn với các phương tiện bay siêu nhỏ, đặc biệt là những phương tiện nặng dưới 10 gram. Chúng thường có thời gian bay không quá 10 phút. Tuy nhiên, CoulombFly đã khắc phục được vấn đề này. Nhóm nghiên cứu cho biết, mỗi thành phần đều được thiết kế để cân bằng giữa hiệu quả và trọng lượng nhẹ, cho phép drone thực hiện các nhiệm vụ giám sát từ xa trong thời gian dài.

Trong chuyến bay thử nghiệm, ColumbFly cất cánh chỉ trong vòng 1 giây sau khi pin mặt trời tiếp xúc với ánh sáng. Hiện tại, nó có thể bay không cần dây nối trong 1 giờ ở độ cao 15 cm, mang theo 2 gram cảm biến hoặc bộ điều khiển nhỏ. Dù kết quả này nghe có vẻ khiêm tốn, nhóm chuyên gia tin rằng trong tương lai, những cải tiến về thiết kế sẽ nâng cao sức bền và sức chở của drone.

Các nhà khoa học đã đề xuất một số cải tiến, bao gồm tăng mô men xoắn của động cơ, tăng lực nâng của cánh quạt, tích hợp pin mặt trời vào các bộ phận cấu trúc và tăng hiệu suất của bộ biến đổi điện áp. Mẫu drone tí hon này có thể phục vụ cho công tác cứu trợ sau thảm họa, thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong không gian hẹp và thu thập thông tin.

Theo khoahoc.tv