Công bố các dự án được nhận tài trợ của IPP2 năm 2016

5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ nhận được khoản tài trợ giai đoạn 2 trị giá 100,000 Euro/dự án; ngoài ra, 10 dự án mới về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ được nhận các khoản tài trợ ban đầu của IPP2 trong năm 2016.
 
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, năm 2016, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tiếp tục tài trợ nâng cấp cho các dự án đổi mới sáng tạo đã được IPP2 lựa chọn hỗ trợ từ năm 2015 và tài trợ mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2016. Đây là cam kết và thông điệp mạnh mẽ của IPP2 trong việc góp phần tích cực cải thiện môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao vươn ra thị trường quốc tế. 
 
Sau quá trình đánh giá khắt khe đối với 22 dự án đã được nhận tài trợ ban đầu từ năm 2015, IPP2 đã lựa chọn 7 dự án xuất sắc nhất, trong đó có 5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp để tiếp tục tài trợ nâng cấp (với mức tài trợ tối đa là 100,000 Euro/dự án). Ông Lauri Laakso – Cố vấn trưởng Chương trình cho biết: “Ban đánh giá độc lập gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước đều thống nhất nhận định rằng các dự án doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được lựa chọn đã trình diễn được mô hình kinh doanh hiệu quả và năng lực liên kết nội nhóm mạnh, minh chứng được khả năng tăng trưởng cao, mở rộng thị trường cũng như tư duy kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp được lựa chọn là các dự án có kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng nhận tài trợ ban đầu, nhóm thực hiện dự án thực sự tâm huyết và cam kết mạnh mẽ, mô hình dự án có khả năng nhân rộng để tạo ảnh hưởng lớn hơn”. Đối với các dự án không được lựa chọn tài trợ tiếp trong đợt này, IPP2 sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ mềm khác như mời tham gia các hội thảo, diễn đàn và được tiếp cận mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình.
 
Đối với đợt kêu gọi tài trợ mới năm 2016 cho các dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, IPP2 nhận được 49 hồ sơ đề xuất tài trợ, trong đó có 39 hồ sơ hợp lệ được đưa vào vòng đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó, IPP2 đã lựa chọn được 10 dự án xuất sắc nhất để cung cấp tài trợ ban đầu với mức tối đa 50,000 Euro/dự án. Đây là các nhóm dự án liên danh thể hiện thành công tầm nhìn, năng lực và tính khả thi của dự án khi xác định và giải quyết trúng các nhu cầu khởi nghiệp ở Việt Nam; đưa ra được các cách tiếp cận mới, nhân tố mới hoặc sáng kiến mới nhằm đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên phạm vi quốc gia hoặc vùng miền địa phương.
 
“Năm 2015, IPP2 tập trung vào các hoạt động xây dựng năng lực và hợp tác đối tác quốc tế thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong năm 2016, IPP2 sẽ tiếp tục tài trợ bổ sung cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng cao, hỗ trợ các dự án liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đồng thời tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, IPP2 cũng chú trọng triển khai hoạt động hợp tác với các trường đại học và cơ sở giáo dục để đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy ở các trường”, bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình IPP2 chia sẻ.
 
Ban Quản lý IPP2 tổ chức họp báo nhân sự kiện FINAL DEMO DAY 
công bố khởi động các chương trình tài trợ của IPP2 năm 2016
 
Đánh giá về hiệu quả tài trợ của IPP2, Ông Nguyễn Hoàng Long – thành viên sáng lập của Hamona, dự án đã nhận được tài trợ ban đầu của IPP2 trong năm 2015 và được lựa chọn tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 nhấn mạnh: “Với khoản tài trợ bổ sung từ IPP2, chúng tôi sẽ sử dụng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, mở rộng các hoạt động marketing và tối ưu hoá quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Hamona". Là một doanh nhân khởi nghiệp đầy tham vọng với mục tiêu xây dựng một thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam với sản phẩm dừa tươi nguyên trái chiếm lĩnh thị trường quốc tế, Ông Long đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động đào tạo và cố vấn kinh doanh của IPP2 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đối mới Sáng tạo năm 2015, giúp phát triển tầm nhìn của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho các nhóm dự án. 
 
Chia sẻ về dự án Chương trình tăng tốc kinh doanh Catapult – dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mới được IPP2 lựa chọn tài trợ trong năm 2016, ông Pietro Karjalainen, Giám đốc điều hành Finnsea cho biết: “Khác với mô hình tăng tốc kinh doanh truyền thống, chúng tôi sẵn sàng đưa ra các chương trình được thiết kế theo nhu cầu nhằm tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu và mục tiêu khác nhau. Chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp riêng có nhằm kết hợp hài hòa giữa thông lệ đầu tư quốc tế với văn hóa kinh doanh của người Việt Nam”.
 
Thông tin cụ thể về Chương trình tài trợ của IPP2 và Danh sách các dự án được lựa chọn có thể xem trên trang thông tin điện tử của Chương trình: www.ipp.vn.
 
Nguồn:  IPP2

Hội thảo “Sử dụng RELAP/SCDAPSIM trong đào tạo ở các trường đại học”

Trong hai ngày 4-5/5/2016, Công ty ISS (Innovative System Software, Hoa kỳ) phối hợp với Viện Kỹ thuật hạt nhân và vật lý môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Đào tạo hạt nhân – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức hội thảo khoa học về sử dụng chương trình phân tích an toàn thủy nhiệt phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu.
 
Tham dự hội thảo có TS. Chris Allison, Giám đốc công ty ISS, các giảng viên và sinh viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các cán bộ nghiên cứu của Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện NLNTVN).
 
Trước khi thành lập công ty ISS, TS. Chris Allison đã có nhiều năm làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Idaho (INEEL), Hoa Kỳ và là một trong những người tham gia phát triển chương trình RELAP/SCDAPSIM. Chương trình RELAP/SCDAPSIM là một phần mềm phát triển cùng với SCDAP/RELAP (phần mềm do US NRC hỗ trợ phát triển). Về cơ bản, cả hai chương trình đều bao gồm phần phân tích hệ thống thủy nhiệt trong nhà máy điện hạt nhân (RELAP) và phần mô phỏng sự cố nghiêm trọng liên quan đến hư hỏng các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng (SCDAP).
 
TS. C. Allison đã trình bày một số thông tin chung về các nghiên cứu phát triển chương trình RELAP/SCDASIM với các cơ sở thực nghiệm kiểm chứng và xác thực (V&V) và các công cụ giao diện đồ họa hỗ trợ (GRAPE), một số kết quả áp dụng RELAP/SCDAPSIM cho lò VVER cũng được đề cập. Giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) Lê Bảo Trân có bài trình bày về xây dựng chương trình khung giảng dạy về cơ sở thủy nhiệt và áp dụng RELAP/SCDAPSIM trong đào tạo chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân. Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty ISS cũng đã có thỏa thuận cho phép sử dụng chương trình này trong công tác giảng dạy tại trường. Với cách tiếp cận này, Công ty ISS muốn đưa ra thông điệp về ưu điểm của chương trình RELAP/SCDAPSIM, không chỉ trong nghiên cứu mà còn rất hữu ích trong công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.
 
TS. Allison giới thiệu về chương trình RELAP/SCDAPSIM
 
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, trung tâm Đào tạo hạt nhân đã cung cấp các thông tin tổng quan về các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích an toàn thủy nhiệt sử dụng RELAP5 và RELAP/SCDAPSIM (phiên bản Mod3.2 do Viện NLNTVN mua từ ISS trong khuôn khổ đề tài nghị định thư do TS. Lê Văn Hồng làm chủ nhiệm). Với ba nhóm nghiên cứu chính sử dụng RELAP5 gồm các cán bộ Trung tâm Lò, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với việc phân tích các bài toán an toàn thủy nhiệt cho lò phản ứng nghiên cứu trong dự án chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt hợp tác với ANL, Hoa Kỳ. Các cán bộ thuộc Trung tâm An toàn hạt nhân với các nghiên cứu phân tích an toàn thủy nhiệt lò APR1400 (hợp tác nghị định thư KAERI-VAEI) và lò VVER. Các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Đào tạo hạt nhân cũng đang phối hợp với các cán bộ trong viện xây dựng các chương trình đào tạo sử dụng các chương trình tính toán vật lý – phân tích an toàn thủy nhiệt cho nhà máy điện hạt nhân.
 
Các cán bộ tham dự hội thảo cũng đã dành thời gian tìm hiểu và nghe giới thiệu về hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER-1200 (PC based Simulator) do IAEA tài trợ cho Việt Nam, hiện được lắp đặt tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân.
Giảng viên Đinh Văn Thìn đến từ Đại học điện lực cũng đã có bài trình bày giới thiệu một số kết quả nghiên cứu bước đầu sử dụng CFD trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước do Đại học điện lực chủ trì. 
 
Hội thảo và các báo cáo viên đã nhận được nhiều câu hỏi, thảo luận. TS. C. Allison, TS. Nguyễn Văn Thái (Đại học Bách khoa Hà Nội), TS. Đoàn Quang Tuyền, TS. Dương Thanh Tùng (cục ATBXHN) đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc định hướng xây dựng chương trình đào tạo sử dụng RELAP5 nói chung và RELAP/SCDAPSIM nói riêng, đặc biệt việc khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống mô phỏng lò VVER-1200 cho mục đích đào tạo và nghiên cứu.
 
Hội thảo với thời lượng chính dành cho các cán bộ trẻ có điều kiện trao đổi và cập nhật thông tin từ TS. Chris Allison. Thông qua hội thảo, các cán bộ phía Việt Nam có cơ hội trao đổi và tìm kiếm sự hợp tác, trao đổi kết quả nghiên cứu, giảng dạy để từng bước hình thành cộng đồng phân tích an toàn thủy nhiệt nói chung và sử dụng các chương trình tính toán như RELAP5 và CFD nói riêng tại Việt Nam./.
 
Nguồn:  Lê Đại Diễn, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện NLNTVN

Họp báo về Ngày hội STEM 2016

Sáng ngày 06/5/2016, tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Ngày hội STEM 2016 và những nội dung chính sẽ được tổ chức trong chương trình kéo dài hai ngày 14 – 15/5/2016.
 
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, phát biểu tại buổi họp báo
 
Ngày hội STEM là sự kiện do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Tạp chí Tia sáng, Học viện Sáng tạo S3, Học viện Khám phá, Vườn ươm Tài năng TALINPA, Công ty sách Long Minh và Trang trại Giáo dục (Edufarm) và trường THCS Trưng Vương tổ chức nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5.
 
 
Đây là lần thứ ba Ngày hội STEM được tổ chức tại Việt Nam, sau lần thứ nhất tổ chức vào tháng 5/2015 tại Hà Nội, và lần thứ hai tổ chức vào tháng 1/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh. Chuỗi sự kiện này được khởi xướng bởi Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN, có mục đích nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước châu Âu, châu Mỹ. STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics) là một cách tiếp cận mới trong dạy và học, trong đó chú trọng sự tích hợp liên môn, theo quan điểm học thông qua thực hành và sáng tạo.
 
Năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã khởi xướng Chương trình hành động "giáo dục vị sáng tạo" nhằm khuyến khích và truyền cảm hứng cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các bộ môn khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra sản phẩm là một nguồn nhân lực giàu trí tuệ, giàu tính chủ động, có đầu óc sáng tạo và linh hoạt cùng những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu rất cao của nước Mỹ trong các ngành công nghiệp và công nghệ mới, năm 2014, chính quyền Mỹ đã đầu tư tới 3,1 tỷ USD cho các chương trình giáo dục STEM riêng ở cấp liên bang.
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cách tiếp cận với các ngành khoa học và kỹ thuật trong giáo dục của chúng ta đơn thuần chỉ là học để giải bài tập trên giấy, mà không hướng các em vào trực tiếp giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực và sinh động trong đời sống hàng ngày. Dẫn tới việc nhiều em học các môn khoa học kỹ thuật chỉ để đối phó hay có thành tích cao nhất thời mà không có niềm đam mê thực sự.
 
Xuất phát từ thực trạng đó, Tạp chí Tia Sáng cùng những người quan tâm tới giáo dục STEM, đã khởi xướng chuỗi sự kiện Ngày hội STEM, nhằm giới thiệu những mô hình giáo dục STEM đa dạng, sinh động đến với các em học sinh, các bậc phụ huynh, các trường học, và các nhà quản lý giáo dục. Trong đó, đối tượng hướng đến đầu tiên của Ngày hội STEM chính là các em học sinh tiểu học, với mục tiêu gieo vào các em một tư duy học tập mới, một niềm đam mê dành cho khoa học kỹ thuật một cách sớm nhất.
 
Qua hai lần tổ chức Ngày hội STEM vừa qua, có thể thấy mỗi sự kiện đều thu hút sự chú ý, tham gia của hàng nghìn học sinh và phụ huynh, và đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Bộ KH&CN cùng nhiều cấp quản lý.
 
Ngày hội STEM tới đây có chủ đề Cỗ máy thời gian, là một cơ hội cho các em học sinh tham gia vào một chuyến du hành trải nghiệm các bước tiến, các sự kiện khoa học lớn xảy ra qua các thời kỳ lịch sử của nhân loại. Các bài học đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM.
 
Nội dung các lớp học được chia thành các thời kỳ của lịch sử khoa học của nhân loại, các em học sinh sẽ được trải nghiệm hết lịch sử khoa học nếu tham gia đầy đủ 7 lớp: 
• Khoa học thời tiền sử: Lửa
• Khoa học thời trung đại: Câu chuyện Từ trường và Nam châm
• Đọc sách như thế nào và bắn thử tên lửa nước
• Khoa học hiện đại: Hàng không
• Khoa học thời cận đại: Khám phá thế giới vi sinh
• Toán học và kiến trúc: Xây cầu gỗ
• Trang trại giáo dục Edufarm: Khoa học trong nông nghiệp
Bốn buổi trình diễn khoa học diễn ra vào giữa các ca với các khung giờ từ 9h30 – 10h30 và 15h00 – 16h00 với các chủ đề: Cỗ máy thời gian và Fun'Omega – Núi lửa thức giấc.
 
Ngoài ra, các em học sinh còn được chiêm ngưỡng các mô hình Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất, hình ảnh về Vũ trụ, các loại vệ tinh, tàu con thoi, trạm Hòa bình…, và các sản phẩm STEM đa dạng do các em học sinh trong CLB Khoa học của trường THCS Trưng Vương thực hiện.
 
Mỗi ngày sẽ có 4 thảo luận về các chủ đề: Giáo dục STEM; Xây dựng câu lạc bộ khoa học trong trường học; Xây dựng câu lạc bộ khoa học – STEM trong các trường làng; Khoa học và Công nghệ trong nông nghiệp – Tầm nhìn mới; Hệ thống các chương trình giáo dục STEM; Chương trình giảng dạy STEM cho phái nữ; STEM – Sử dụng vật liệu tái chế và hệ thống các câu lạc bộ trong trường học; Vai trò của bố mẹ trong việc thúc đẩy STEM trong nhà trường và xã hội.
 
Sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của 800 học sinh trong độ tuổi 6-12, cùng các bậc phụ huynh và giáo viên, trong đó có cả những đối tượng đến từ các địa phương ngoài Hà Nội.
 
Từ thành công của hai Ngày hội STEM trước, Ban Tổ chức Ngày hội STEM lần này tại Hà Nội hi vọng sự kiện sẽ tiếp tục đem niềm vui, niềm đam mê khoa học đến với nhiều em học sinh, đồng thời đem nhận thức mới đến với nhiều bậc phụ huynh và các quý thầy cô.
 
Qua đó, Ban Tổ chức mong rằng sự kiện sẽ góp phần từng bước đưa giáo dục STEM vào trong từng cơ sở giáo dục, hình thành những câu lạc bộ STEM trong các trường. Đến với Ngày hội STEM lần này, thông qua các buổi thảo luận, các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục sẽ có cơ hội trao đổi với các chuyên gia, các đơn vị từng có kinh nghiệm tổ chức STEM, và sẽ thấy rằng việc hình thành, phát triển các hoạt động STEM ở cơ sở, địa phương của mình là điều không hề khó khăn – STEM hoàn toàn có thể được triển khai một cách hiệu quả, giàu ý nghĩa ở mọi quy mô, điều kiện đặc thù khác nhau.
 
Ban Tổ chức đặt rất nhiều kỳ vọng ở các thầy, cô, những người sẽ cùng các em học sinh tiếp tục chinh phục, khám phá những trải nghiệm học tập mỗi ngày trên tinh thần, quan điểm giáo dục STEM, giúp duy trì ngọn lửa STEM trong các em và lan tỏa rộng khắp hơn nữa. Theo đó,chuỗi sự kiện Ngày hội STEM sẽ không chỉ được tổ chức ở Hà Nội và các thành phố lớn mà sẽ trở thành một mô hình được những người ủng hộ STEM chủ động triển khai trên nhiều địa phương của cả nước./.
 
Nguồn:  N.K.L (NASATI)

77 doanh nghiệp được lựa chọn trao Giải thưởng

77 doanh nghiệp này đã trải qua hai vòng đánh giá, thẩm định và sẽ được chính thức trao giải vào ngày 10/4 tới.
 
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo diễn ra vào sáng 22/3 tại Hà Nội. Theo đó Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á-Thái Bình Dương 2015 (GPEA) đã xác định được 80 doanh nghiệp (DN) trao giải, trong đó có 20 DN được trao Giải Vàng Chất lượng Quốc gia; 57 DN được trao giải Bạc và 3 DN được trao giải GPEA
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 311 QĐ-TTg về việc trao tặng giải thưởng cho 77 doanh nghiệp sau khi các đơn vị này đã trải qua 2 vòng đánh giá, thẩm định của Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh, thành phố và Hội đồng quốc gia gồm đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan.
 
Trong số này ba doanh nghiệp được GPEA trao giải gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam OSCVN và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Dược.
 
Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường – Chất lượng phát biểu tại buổi họp báo.
 
Năm 2015 là năm thứ 15 Việt Nam tham dự GPEA, tính đến nay đã có 37 lượt doanh nghiệp đạt Giải thưởng quốc tế này.
 
Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo, ông Trần Văn Vinh cho biết: "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng hằng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý chất lượng, tham gia tích cực cho phong trào năng suất, chất lượng tại địa phương và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Giải thưởng được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực giúp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia”.
 
Được biết năm 2016 giải thưởng sẽ có nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng, uy tín của giải thưởng. Chương trình Kỷ niệm 20 năm và lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á-Thái Bình Dương 2015 sẽ diễn ra lúc 10 giờ ngày 10/4 tại Hà Nội.
 
Phương Nguyên

Hàng loạt hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 20 năm Giải thưởng chất lượng quốc gia

Chuỗi sự kiện “20 năm Giải thưởng Chất lượng quốc gia 1996 – 2016” sẽ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 4/2016, bao gồm rất nhiều sự kiện.
 
Nhấn mạnh tại Lễ công bố chuỗi sự kiện “20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia” (1996-2016) tổ chức chiều 5/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: “20 năm qua, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (CLQG) đã mở ra một trang mới cho phong trào năng suất – chất lượng ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực vật chất – kỹ thuật của các doanh nghiệp (DN) trong tiến trình tăng cường sự hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước.
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại lễ công bố chuỗi sự kiện
 
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (tên gọi ban đầu của Giải thưởng CLQG) được thực hiện hàng năm nhằm xem xét, đánh giá và trao các giải thưởng cho những DN đạt những thành tích xuất sắc và thành tựu nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp đáng kể cho phong trào năng suất – chất lượng Việt Nam.
 
Năm 2016, Giải thưởng CLQG tròn 20 năm, nhân dịp này, chuỗi sự kiện “20 năm Giải thưởng CLQG" nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai hoạt động Giải thưởng trong thời gian qua. Đồng thời, tôn vinh những DN đoạt giải; cổ vũ các DN tiếp tục tham gia Giải thưởng trong thời gian tới để đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng suất chất lượng không chỉ trong đơn vị mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
 
Chuỗi sự kiện “20 năm Giải thưởng CLQG” được tổ chức từ tháng 1 đến 4/2016 bao gồm nhiều sự kiện như thành lập Diễn đàn nhà báo với Năng suất và Chất lượng, các hội thảo chuyên đề, trao Giải thưởng CLQG và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương…
 
 
Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng phát biểu tại buổi lễ công bố.
 
Theo ông Trần Văn Vinh, Giải thưởng có 7 tiêu chí, 33 hạng mục đánh giá theo hệ thống quản lý chất lượng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng. Trên cơ sở các tiêu chí này, doanh nghiệp tuân thủ làm sao cho hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa của nhà nước, doanh nghiệp có thể giảm giá thành, chi phí không cần thiết, góp phần là công cụ quan trọng để doanh nghiệp làm ra sản phẩm hàng hóa của chất lượng, sức cạnh tranh cao.
 
Giải thưởng được tiến hành ở 2 cấp: trung ương và địa phương. Doanh nghiệp phải đạt điểm tối thiểu từ 800 trở lên sau đó sẽ được chuyển hồ sơ lên để Hội đồng quốc gia tuyển chọn.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cũng cho biết, để kỷ niệm 20 năm của Giải thưởng sẽ có rất nhiều sự kiện diễn ra.
 
Đầu tiên là Lễ công bố Sự kiện 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhằm tổng kết 20 năm hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, thành lập Diễn đàn Nhà báo năng suất và chất lượng.
 
Sự kiện thứ hai là Hội thảo chuyên đề “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia – Một cách tiếp cận tổng thể hướng tới sự phát triển bền vững” do Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì với sự tham dự của các bộ, ngành, cơ quan, hội, hiệp hội, hội đồng giải thưởng, doanh nghiệp, cơ quan báo chí và chuyên gia. Dự kiến thời gian diễn ra sự kiện này là ngày 23/2/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Các diễn giả, báo cáo viên là các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực chất lượng.
 
Sự kiện thứ 3 là họp báo công bố kết quả trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương năm 2015, kế hoạch tổ chức lễ trao giải và lễ tôn vinh 20 doanh nghiệp đạt giải có những đóng góp tích cực cho hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trong 20 năm qua. Họp báo tổ chức ngày 24/3/2016 tại TP.HCM do Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì.
 
Sự kiện thứ tư là Chương trình “Giao lưu Lãnh đạo Nhà nước, bộ, ngành và doanh nhân”. Ở sự kiện này, sẽ tổ chức chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT và đại diện các doanh nghiệp được trao giải. Thời gian diễn ra sự kiện là từ 8h30 ngày 10/42016 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
 
Sự kiện thứ 5 là Truyền hình trực tiếp “Kỷ niệm 20 năm Truyền hình trực tiếp "Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia – Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương”. Thời gian từ 9h30 – 11h30 ngày 10/4/2016 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của Lãnh đạo Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội đồng quốc gia, Hội đồng sơ tuyển, doanh nghiệp đạt giải và cơ quan báo chí với khoảng 600 đại biểu.
 
Nội dung gồm Trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia cho 77 doanh nghiệp và trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – TBD cho 3 doanh nghiệp; Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Lễ tôn vinh 20 doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực cho 20 năm hoạt động Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Sự kiện được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.
 
Phú Sỹ

Thành lập Hội đồng KH&CN cấp quốc gia phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN cấp quốc gia do GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Chủ tịch, để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung. 
 
Nhằm phân tích nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, cho đến nay đã có sự vào cuộc của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất – địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản,…
 
Các chuyên gia đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích ngay từ ngày 07/4/2016 bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du,… để phân tích độc tố, bệnh dịch thuỷ sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước; số liệu về động đất từ ngày 06/4/2016 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra, số liệu về viễn thám từ ngày 01/4/2016 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang. Các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ. 
 
Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường, bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hoá học.
 
Buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với các Bộ, ngành liên quan về hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung ngày 26/4 (Ảnh: Ngũ Hiệp)
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan, kể cả huy động các nhà khoa học nước ngoài để nhanh chóng kết luận một cách khách quan, khoa học, độc lập nguyên nhân về sự cố môi trường nêu trên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&CN đã thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN cấp quốc gia do GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Chủ tịch, để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng nêu trên. 
 
Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển. 
 
Ngày 02/5/2016, thay mặt Hội đồng, GS.VS Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường.
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Hơn 12 ngàn tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2013, Việt Nam có 12,261 tiến sĩ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, chiếm 9% tổng số cán bộ nghiên cứu.
 
Theo thống kê này, số lượng tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học của Việt Nam vào năm 2013 tăng 760 người so với năm 2011 (11.501 tiến sĩ). Nghĩa là trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 380 tiến sĩ được đào tạo thuộc tất cả các ngành tham gia hoạt động nghiên cứu.
 
 
Cơ cấu cán bộ nghiên cứu theo trình độ và theo khu vực hoạt động
Con số này dường như khá khiêm tốn khi chỉ riêng Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, mỗi năm đã đào tạo 350 tiến sĩ.
 
Các con số thống kê được đưa ra trong sách Khoa học và Công Nghệ Việt Nam năm 2014 (xuất bản năm 2015) cũng cho biết, phần lớn cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ làm việc trong các cơ quan nhà nước. Số lượng này lên tới 11.411 người, chiếm 93%. Số lượng tiến sĩ làm việc tại các cơ quan ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài chỉ vọn vẹn 851 người.
 
Cuốn sách do Bộ KH&CN xuất bản cũng cho hay, số lượng tiến sĩ nghiên cứu khoa học tập trung chủ yếu tại các trường đại học, lên tới 7.959 người, chiếm 65%. Tiếp sau đó là khu vực các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) của nhà nước (3.367 người, chiếm gần 28%). Số lượng tiến sĩ làm công tác nghiên cứu trong các doanh nghiệp thấp nhất, chỉ 185 người.
 
 
Cơ cấu tỉ lệ cán bộ nghiên cứu theo trình độ Cán bộ nghiên cứu chia theo trình độ.
 
 
Cán bộ nghiên cứu chia theo trình độ.
 
"Mặc dù là lực lượng chính tham gia hoạt động nghiên cứu song số lượng tiến sĩ của khu vực viện, trung tâm nghiên cứu nhìn chung còn thấp. Điều này cho thấy cần có chính sách để sử dụng tốt hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu của khu vực đại học vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển", cuốn sách này nhận định.
 
Một con số thú vị khác được đưa ra trong sách này là số lượng cán bộ nghiên cứu chia theo các lĩnh vực. Theo đó, lĩnh vực có số lượng cán bộ nghiên cứu đông nhất là lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, chiếm tới 44.965 trong tổng số 128.998 (35%). Ngành thứ 2 là ngành khoa học xã hội 34.225 (26%). Nếu tính chung khoa học xã hội và khoa học nhân văn thì con số cán bộ nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội – nhân văn lên tới 41.687 (chiếm 32%).
 
Theo Vietnam Net

Hy vọng cho người bệnh tim nhờ ghép tim nhân tạo tại Nga

 
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: metrohospitalfaridabad.com)
 
Các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm thành công ca ghép tim nhân tạo trên động vật.
 
Những động vật được cấy ghép bộ phận này đã có thể duy trì được sự sống trong khoảng hai tuần. 
 
Thành công này đem lại hy vọng có thể cấy ghép tim nhân tạo cho người.
 
Các chuyên gia cho biết trong trường hợp người bệnh phải chờ đợi để tìm nguồn hiến tim phù hợp, trái tim nhân tạo được cấy ghép có thể giúp họ duy trì sự sống trong vòng 3-5 năm.
 
Trái tim nhân tạo được các nhà khoa học Nga chế tạo từ thép không gỉ, nhựa và titan. 
 
Trái tim này có trọng lượng khoảng 600 gram và hoạt động nhờ vào pin cơ động đi kèm được gắn vào thắt lưng của bệnh nhân, từ đó cho phép người bệnh duy trì cuộc sống gần như bình thường.
 
Các nghiên cứu cho biết mức giá của trái tim nhân tạo được bán tại nước ngoài là 250.000 – 300.000 USD, trong khi sản phẩm tương tự được sản xuất tại Nga ước tính sẽ rẻ hơn 10 lần. Mức giá hợp lý này thực sự mở ra cơ hội sống lớn cho những người mắc bệnh tim.
 
Theo kế hoạch, các nhà khoa học Nga sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong tháng Tư này và dự kiến sang năm 2017, họ sẽ công bố phát minh tim nhân tạo đặc biệt này, đồng thời triển khai việc cấy ghép tim nhân tạo lần đầu tiên trên người./
 
(TTXVN/VIETNAM+) 

Áp dụng thành công nội soi qua lỗ tự nhiên trị ung thư đại tràng

 
 
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
 
Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Trung ương Huế vừa nghiên cứu và áp dụng thành công phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên để điều trị ung thư đại trực tràng. 
Tiến sỹ Phạm Như Hiệp – đồng chủ nhiệm đề tài với phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Như Hiệp, tiến sỹ Hồ Hữu Thiện, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Anh Vũ – cho biết hiện chưa có trung tâm nào của Việt Nam công bố đã thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng hoàn toàn qua lỗ tự nhiên. 
 
Do vậy có thể nói bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên triển khai và đã làm chủ được kỹ thuật này. Bệnh viện đã báo cáo kết quả nghiên cứu trong nhiều hội thảo khoa học lớn trên thế giới và nhiều tác giả đã thừa nhận bệnh viện là đơn vị tiến hành với số lượng lớn nhất các trường hợp mổ cắt trực tràng qua lỗ hậu môn. 
 
Đối với các trường hợp cắt đại tràng hoàn toàn qua lỗ âm đạo cho bệnh nhân ung thư đại tràng, bệnh việni là nơi đầu tiên trên thế giới tiến hành kỹ thuật này. 
 
Phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên cắt đại trực tràng là phẫu thuật mà tất cả dụng cụ phẫu thuật được đưa qua lỗ hậu môn hoặc âm đạo để tiến hành phẫu tích, sau đó lấy bệnh phẩm và khâu nối đều qua duy nhất con đường này, khác với các kỹ thuật nội soi cắt đại trực tràng truyền thống khác là hầu hết các kênh thao tác đều tiến hành từ đường bụng. 
 
Ưu điểm của kỹ thuật là phẫu thuật ít xâm lấn, tận dụng các lỗ tự nhiên để đặt dụng cụ nên ít gây nên cảm giác đau cho bệnh nhân, bệnh nhân nhanh phục hồi hơn, trung tiện sau 1-2 ngày, trở lại với cuộc sống bình thường nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện do đó giảm được chi phí điều trị cho bệnh nhân, cũng như giảm được nguy cơ nhiễm trùng và thoát vị vết mổ. Có lợi thế về sẹo mổ thẩm mỹ đối với những bệnh nhân có nhu cầu. 
 
Kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh viện về phẫu thuật nội soi tiêu hóa trên toàn quốc. 
 
Nghiên cứu thành công sẽ mở ra một hướng phát triển mới là phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên trong điều trị ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu cũng sẽ giúp khẳng định xu hướng phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng qua lỗ tự nhiên là xu hướng hoàn toàn khả thi và hiệu quả trong điều trị ung thư đại trực tràng. 
 
Sự thành công của đề tài giúp khẳng định vị thế của nền y học Việt Nam đối với các nước trên thế giới. Người dân Việt Nam sẽ được thụ hưởng kỹ thuật mới, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp. 
 
Đây là 1 trong 6 công trình đã giành giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao giải trong năm 2016./. 
 
MINH NGUYỆT (TTXVN/VIETNAM+) 

Phát hiện cơ chế loại bỏ neuron thần kinh lão hóa

 
 
 
Đến tuổi dậy thì, bộ não chứa hầu như đầy đủ neuron thần kinh cho cả cuộc đời. Nhưng ở một vài khu vực, để tiếp tục phát triển các tế bào thần kinh mới, cần đến một số tế bào miễn dịch chuyên dụng giữ cho não an toàn bằng cách loại bỏ các tế bào chết hoặc rối loạn chức năng.
Các nhà khoa học ở viện Nghiên cứu sinh học Salk đã có phát hiện đáng ngạc nhiên về cơ chế loại bỏ tế bào thần kinh chết hoặc bị lão hóa, và xác định được điểm mấu chốt của cơ chế này. Công trình này đã được công bố trên tạp chí Nature ngày 6/4/2016.
 
“Chúng tôi phát hiện ra các thụ thể (receptors) trên các tế bào miễn dịch trong não rất cần thiết cho cả trạng thái khỏe mạnh và bị thương tổn. Các thụ thể có thể là mục tiêu điều trị tiềm năng cho chứng thoái hóa thần kinh hoặc rối loạn thần kinh do chứng viêm”, giáo sư sinh học Greg Lemke ở viện Salk cho biết.
 
Từ hai thập kỷ trước, phòng thí nghiệm Lemke đã phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch giải phóng ra các phân tử quan trọng được gọi là thụ thể TAM. Hai trong số các thụ thể TAM được đặt tên là Mer và Axl, giúp các tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào “thu gom rác” từ hơn 100 tỉ tế bào chết do cơ thể tạo ra mỗi ngày.
 
Trong nghiên cứu mới này, nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi Mer và Axl đã làm công việc tương tự trong não như thế nào. Các đại thực bào của hệ thống thần kinh trung ương được gọi là tiểu thần kinh đệm (microglia) chiếm khoảng 10 phần trăm của các tế bào trong não, nơi chúng phát hiện, phản ứng lại và tiêu diệt mầm bệnh. Các nhà nghiên cứu loại bỏ Axl và Mer thuộc tiểu thần kinh đệm ở những con chuột khỏe mạnh. Và họ rất ngạc nhiên rằng, sự thiếu hụt hai thụ thể này dẫn đến một lượng lớn tế bào bị chết, nhưng không phải ở tất cả các khu vực trong não bộ. Các tế bào chết chỉ được tìm thấy ở trong một số khu vực nhỏ – nơi sản xuất ra tế bào thần kinh mới.
 
Rất nhiều tế bào thần kinh ở người trưởng thành bị chết đi, nhưng ngay lập tức bị các tiểu thần kinh khu đệm “ăn” mất. “Rất khó để phát hiện ra một tế bào đơn lẻ bị chết ở não bộ bình thường, bởi vì nó thường bị tiểu thần kinh khu đệm phát hiện ra và xóa sổ ngay. Nhưng ở những vùng não của chuột bị xóa mất thụ thể Mer và Axl, chúng tôi phát hiện được rất nhiều tế bào chết”, Paqui G. Través, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết.
 
Phòng thí nghiệm Lemke đã thực hiện một loạt thí nghiệm về vai trò của thụ thể TAM đối với bệnh tật: theo dõi hoạt động của Mer và Axl trong mô hình bệnh Parkinson trên chuột. Bệnh này tạo ra một loại protein hiện diện trong hình thức di truyền bệnh tật – kết quả của việc não bị thoái hóa chậm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng Axl hoạt động mạnh trong môi trường này, tương tự các nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự gia tăng Axl là một chỉ số đáng tin cậy cho thấy có tình trạng viêm mô.
 
Nhưng các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi họ loại bỏ thụ thể Mer và Axl ra khỏi những con chuột bị Parkinson. Thay vì yếu đi so với những con chuột có tiểu thần kinh đệm bình thường, những con chuột này còn sống lâu hơn. Điều này xảy ra có thể do Axl và Mer nhắm tới, tiêu diệt tế bào mắc bệnh và bị rối loạn chức năng. Khi có bệnh, sẽ có nhiều tế bào thần kinh bị rối loạn chức năng hơn bình thường, và Axl cùng Mer có thể phá hủy quá nhiều tế bào thần kinh, nhằm đẩy nhanh quá trình tiêu diệt bệnh.
 
“Có vẻ như chúng ta có thể tác động vào tiến trình bệnh tật bằng cách điều chỉnh thụ thể Axl và Mer”, Lawrence Fourgeaud trong nhóm nghiên cứu cho biết.
 
Bảo Như lược dịch 
http://www.salk.edu/news-release/brain-guardians-remove-dying-neurons/