Sinh viên ngành xuất bản không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức về mặt chuyên môn mà còn được tận hưởng loạt hoạt động ngoại khóa hấp dẫn.

 

Sinh viên ngành xuất bản tận hưởng cuộc sống thời sinh viên sổi nổi. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Là cơ sở đào tạo báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ chú trọng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn luôn hướng đến các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh cho sinh viên.

Vừa học vừa trải nghiệm

Bà Vũ Thuỳ Dương, Trưởng khoa Xuất bản trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết mục tiêu chiến lược của Học viện hướng đến trở thành lựa chọn hàng đầu của người học về báo chí, xuất bản, truyền thông – nơi người học thực sự ở vị trí trung tâm của quá trình dạy học và nhận được những trải nghiệm tích cực.

Với riêng ngành xuất bản, cô cho biết các chương trình đào tạo ngày càng được cải tiến sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành cho sinh viên.

Nhiều sinh viên chuyên ngành Xuất bản đều cho rằng điểm thu hút các bạn khi học tập tại đây là sự sáng tạo, đổi mới khi các thầy cô liên tục lồng ghép các tiết lý thuyết cũng như thực hành vào mỗi bài giảng.

Đào Linh Chi sinh viên năm 4 hiện theo học chuyên ngành Biên tập xuất bản tại trường Học viện Báo chí và tuyên truyền đã có những chia sẻ rất đỗi chân thực về hành trình sinh viên với Tri thức – Znews.

cuoc song sinh vien anh 1
Các tiết học thường đi kèm với thực hành tạo hứng thú cho sinh viên. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Bản thân Chi đến với ngành Xuất bản như một cái duyên, sau khi học đến năm thứ tư khi đã cơ hội trải nghiệm rất nhiều các hoạt động tại Khoa khiến bạn ấy thêm yêu ngành xuất bản hơn, muốn cống hiến cho ngành.

Với Chi, đây là ngành học có rất nhiều môn học đa dạng và mới mẻ, cách tiếp cận môn học của sinh viên thường được các thầy cô giảng viên cập nhật và làm mới, đan xen cùng những hoạt động thực tế để các bạn sinh viên có thể thích thú tham gia thực hành, quan sát trực tiếp.

Chi cho biết: “Đối với các môn học chuyên ngành, sinh viên bọn em luôn được lồng ghép quá trình học tập cùng với các giờ thực hành trải nghiệm thực tế. Chúng em được thử làm ra những trang sách cổ bằng gốm, đất sét, giấy, tre nứa… giống thời xa xưa. Không chỉ vậy, trong quá trình học, bọn em đã có cơ hội thử triển khai các khâu như tổ chức bản thảo, làm dự án – kế hoạch truyền thông phát hành xuất bản phẩm, biên tập bản thảo”.

Hương Lam (sinh viên năm 4, chuyên ngành Biên tập xuất bản) cho biết trước kia không hề có ý định theo ngành xuất bản sau khi ra trường, tuy nhiên trải qua một quá trình gắn bó, trải nghiệm công việc của một nhân viên ngành xuất bản lại thấy hứng thú hơn rất nhiều.

Còn với Thu Hồng sinh viên năm cuối ngành Biên tập xuất bản cũng rất hào hứng khi nhắc đến trải nghiệm của bản thân khi không chỉ được dạy về kiến thức mà còn được thực hành ngay trong chính các môn học chuyên ngành.

“Khi học môn Biên tập sách văn học, chúng mình được đến Bảo tàng Văn học để tham quan, môn học Biên tập sách điện tử được tổ chức một buổi tham quan tại Trung tâm lưu trữ quốc gia. Ngoài ra, các môn học như Tổ chức bản thảo hay Biên tập sách lý luận em đã được tự mình trực tiếp thực hiện và làm ra một cuốn sách. Bọn em được trực tiếp tham gia quá trình làm ra một cuốn sách từ những bước đầu tin lên kế hoạch đề tài, biên tập bản thảo, thiết kế dàn trang,… cho đến khi in ấn”, Thu Hồng chia sẻ.

Tận hưởng cuộc sống năng động thời sinh viên

Khoa Xuất bản thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên như mở các chuyến tham quan tại bảo tàng văn học, trung tâm lưu trữ quốc gia, công ty sách, nhà xuất bản, các chuyến đi thực tế chính trị… đan xen trong các môn học chuyên ngành của sinh viên để các bạn có thể trải nghiệm và quan sát trực tiếp những quy trình tạo ra xuất bản phẩm và kết nối hoạt động giải trí với nhau.

Linh Chi cho biết đối với sinh viên năm ba và năm cuối sẽ được trực tiếp đến những đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, công ty Cổ phần Sách điện tử Waka… để trực tiếp quan sát và thực hành tại đó nhằm nâng cao khả năng làm nghề và trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân.

cuoc song sinh vien anh 2
Sinh viên Khoa Xuất bản được tham gia trải nghiệm tại nhiều đơn vị xuất bản khác nhau. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Trần Cao Nguyên đang học năm cuối chuyên ngành Xuất bản điện tử, một chàng trai mê đọc và thích làm sách điện tử. Nguyên cho biết mỗi nhóm nhỏ trong lớp sẽ được chia đến từng đơn vị do sắp xếp của giảng viên. Mỗi đơn vị sẽ có cách tổ chức và hoạt động khác nhau nên các bạn cũng sẽ được trải nghiệm những điều khác nhau.

“Em được phân đến Alpha Books, tại đây, em được tham gia vào khâu biên tập bản thảo, viết review về bản thảo, phản hồi thông tin khách hàng, trình bày bìa rồi quản lý Fanpage, viết content, marketing cho sách. Khoảng thời gian gần 1 tháng đấy em được học hỏi rất nhiều về nghề làm sách và thấy nó không nhàm chán như mình từng nghĩ”, Cao Nguyên tâm sự.

Quang Hưng (năm 4, chuyên ngành Xuất bản điện tử) là một người có sở thích thiết kế bìa sách, tranh minh họa. Được thực tập tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hưng đã rất vui mừng, háo hức khi có thể học hỏi thêm được nhiều kiến thức và có cơ hội để thử sức với công việc mang tính sáng tạo cao này.

Đối với sinh viên năm nhất và năm hai, khi còn đang học các môn lý luận cũng được Khoa tạo điều kiện cho đi tham quan các đơn vị làm sách, về thăm các địa phương, tham gia Câu lạc bộ Biên tập viên trẻ hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi làm podcast, thi sáng tác, thi thiết kế,… Sinh viên sẽ luôn có cơ hội để vừa học vừa trải nghiệm ngành xuất bản mà không lo thiếu đi sự chân thực.

cuoc song sinh vien anh 3
Các em sinh viên luôn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khoá để thôi thúc sự nhiệt huyết, năng động. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Bà Thuỳ Dương cho biết các hoạt động này sẽ giúp các bạn sinh viên kích hoạt được sự năng động, nhiệt huyết và đam mê cũng như giúp các bạn tiếp cận sớm và hiểu rõ được mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản. Đồng thời đây cũng là cách giúp các bạn xác định rõ ràng mức độ phù hợp của mình với ngành học ra sao, từ đó đưa ra định hướng phát triển sau này.

Các buổi tọa đàm, talkshow được tổ chức thường xuyên với những khách mời là các dịch giả, giám đốc đơn vị xuất bản hay nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đều đã có kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn cao và có thương hiệu nhất định thu hút đông đảo các bạn sinh viên theo dõi, tham dự và hưởng ứng nhiệt tình.

Khác với các bạn sinh viên hướng ngoại, Quang Hưng thích tham gia những buổi tọa đàm mà các thầy cô tổ chức hơn. Với Hưng, em thích cảm giác được ngồi lắng nghe, học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản để từ đó hiểu rõ bản thân mình thiếu gì và cần học hỏi thêm những kỹ năng nào khác. Những buổi chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong sự kiện đồng hành của Dạ Khúc Tháng Tư, anh Đặng Cao Cường – trưởng Ban Biên tập truyện tranh NXB Kim Đồng.

cuoc song sinh vien anh 4
Chương trình Dạ Khúc Tháng Tư thu hút đông đảo các bạn sinh viên trong Khoa tham dự. Ảnh: Fb Khoa Xuất bản.

Khác với Quang Hưng, Linh Chi lại thích tham gia các hoạt động sôi nổi như các sự kiện chào tân sinh viên, tuyển sinh, ngày hội sách… của Khoa hơn.

“Đối với em, Dạ Khúc Tháng Tư là hoạt động em thích thú, bỏ nhiều tâm huyết nhất. Đó có lẽ là một trong những quãng thời gian hoạt động đem lại nhiều kỷ niệm, trải nghiệm, kinh nghiệm và mang ý nghĩa lớn lao đối với em”, Linh Chi tâm sự

Linh Chi cho biết em là thành thành viên và đảm nhiệm vị trí Trưởng đội Mạng thuộc Ban Truyền Thông của sự kiện Dạ Khúc Tháng Tư năm 2022. Trong suốt quá trình làm việc, Chi đã có thể kết giao thêm rất nhiều mối quan hệ, cùng các bạn sinh viên khác tạo ra thành quả truyền thông đáng mong đợi, góp phần tạo nên thành công cho sự kiện hưởng ứng kỷ niệm ngày sách Việt Nam 21/4.

Nguồn: Znews.vn