Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất tại Hòa Lạc cũng hoàn thành, sẵn sàng nhận dữ liệu sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo.

Thông tin được PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chia sẻ với VnExpress ngày 5/3.

Kế hoạch phóng LOTUSat-1 vào tháng 2/2025 phải dời lại và chưa có lịch cụ thể, do tên lửa đẩy Epsilon-S phóng thử nghiệm không thành công hôm 26/11/2024.

“Phía Nhật Bản đang cân nhắc giữa việc tiếp tục sử dụng Epsilon-S sau khi khắc phục hoặc chuyển loại tên lửa khác”, PGS Tuấn nói. Ông cho biết VNSC đang phối hợp với các đối tác Nhật Bản xác định ngày phóng mới, đảm bảo vệ tinh hoạt động ổn định sau khi phóng trong thời gian sớm nhất.

Tại tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ngày 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước. Điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.

Các kỹ sư của Việt Nam tham gia chế tạo vệ tinh. Ảnh: VNSC

Một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của Việt Nam đã được cử đến Nhật Bản để theo dõi toàn bộ quá trình thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh trong môi trường giả lập, từ giai đoạn phóng đến hoạt động trong không gian. PGS Tuấn xác định đây là các khâu then chốt nhằm tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ, là cơ hội quý để VNSC tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn về sản xuất công nghiệp quy mô lớn và nâng cao kiến thức chuyên sâu.

Việc chế tạo LOTUSat-1 là một trong những bước đặt nền móng cho Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tiến tới tự chủ hơn trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Tại Việt Nam, hệ thống mặt đất được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm anten mặt đất đường kính 9,3 m để thu nhận tín hiệu, trung tâm điều khiển, vận hành vệ tinh và trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh. VNSC đã tiếp nhận công nghệ từ Nhật Bản để vận hành hệ thống này. Vệ tinh sẽ thực thi các nhiệm vụ được đặt hàng, trọng tâm trước mắt là các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Dữ liệu từ vệ tinh sẽ được xử lý nhanh chóng, cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ cơ quan chức năng và người dân ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc gia.

Vệ tinh LOTUSat-1 được chế tạo tại Nhật Bản. Ảnh: VNSC

ệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”. Dự án được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội từ tháng 9/2012, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.

LOTUSat- 1 có trọng lượng 600 kg, là vệ tinh công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Hồi tháng 11/2023 GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và GS Yamakawa Hiroshi, Chủ tịch Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã ký thỏa thuận thực hiện nghiên cứu khả thi trong hợp tác khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Theo hợp tác này, hai bên chia sẻ các kinh nghiệm vận hành khai thác vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo, kinh nghiệm vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và tìm phương án chia sẻ dữ liệu ảnh vệ tinh.

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ từ năm 2006. Dưới sự hỗ trợ của JAXA, các kỹ sư của VAST đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ “Made in Viet Nam” gồm PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon và đã được JAXA hỗ trợ phóng thành công vào quỹ đạo.

Bảo Chi

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam sẵn sàng lên quỹ đạo – Báo VnExpress

‘Việt Nam cần hợp tác quốc tế để phát triển AI, bán dẫn’

Các chuyên gia cho rằng việc hợp tác doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài có thể giúp tạo làn sóng đầu tư tại Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Việt Nam không tự mình phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI, mà cần có sự hợp tác với đối tác trong và ngoài nước”, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC Vũ Quốc Huy cho biết tại họp báo công bố Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025 (AISC 2025), chiều 24/2 ở Hà Nội.

Để phát triển công nghệ cao trong nước, theo ông, một mô hình tương đối thành công là đưa người Việt ra nước ngoài học tập và tích lũy kinh nghiệm, sau đó quay về khởi nghiệp hoặc đóng góp. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp lớn từ nước ngoài còn mang lại nhiều giá trị khác.

Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy (trái) và nhà sáng lập Aitomatic Christopher Nguyễn tại họp báo chiều 24/2. Ảnh: Nguyễn Trang

“Tập đoàn công nghệ lớn vào sẽ kéo theo chuỗi cung ứng của họ, từ đó tạo ra một cái sóng về đầu tư và sản xuất tại Việt Nam”, ông Huy nói. “Đó cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, người lao động, chuyên gia trong nước tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng về AI và bán dẫn với những công nghệ tiên tiến của thế giới”.

Theo Giám đốc NIC, trước tiềm năng đó, việc thu hút và giải ngân đầu tư nước ngoài là một trong những nhiệm vụ góp phần vào tăng trưởng hai con số mà Việt Nam đề ra.

Trước đó, tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu VGIC 2025 ngày 20-22/2 ở Singapore, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu AVSE Global, nhận định trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, “cần thiết phải có sự kết nối, hội tụ trí tuệ tập thể để tạo ra sức mạnh chung, cùng sáng tạo ra những giá trị cho Việt Nam”.


Cộng đồng chuyên gia công nghệ người Việt tụ họp tại sự kiện VGIC 2025 ở Singapore. Ảnh: AVSE

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ phát triển, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ; đồng thời xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại sự kiện ở Singapore, tiến sĩ Lê Quang Đạm, CEO công ty bán dẫn Marvell Technology Việt Nam, khẳng định đây là cơ hội “trăm năm có một” để bán dẫn Việt Nam phát triển. Ông cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “chính sách của Chính phủ, chương trình đào tạo của trường đại học và sự đồng lòng, cam kết từ phía các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước”.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt. Cơ hội này không tự đến, chúng ta phải tạo ra”, ông Đạm khẳng định. “Chúng ta có một chiến lược rõ ràng, có sự quan tâm từ Chính phủ và các kỹ sư người Việt hay gốc Việt, nhân tài trong ngành hay ngoài ngành, cũng cần đoàn kết lại để cùng nhau tạo ra giá trị cho đất nước”.

Là đơn vị đồng tổ chức sự kiện AISC 2025 vào tháng 3, ông Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic, đánh giá việc hợp tác quốc tế có thể mất 5-10, thậm chí 20 năm nữa mới nhìn thấy giá trị, nhưng việc triển khai là cần thiết.

Theo ông, một nền kinh tế cũng giống như một con người, có thể trải qua ba giai đoạn phát triển. Đầu tiên là đi làm công với giá rẻ; tiếp đến là nhân viên lành nghề được trả giá cao tương xứng với năng lực; và tiến tới tự mình làm chủ. Ông cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn hai. Khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giống như bên trung gian đưa các giá trị Việt Nam ra thế giới.

“Sự hợp tác quốc tế hôm nay có thể mang đến cơ hội cho Việt Nam tự bán sản phẩm ra thế giới mà không cần trung gian, từ đó tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Christopher Nguyễn nhận định.

Lưu Quý

‘Việt Nam cần hợp tác quốc tế để phát triển AI, bán dẫn’ – Báo VnExpress Công nghệ

Big Data – mỏ vàng mới của doanh nghiệp

Thế giới kinh doanh hiện nay không có chỗ cho những doanh nghiệp mù mờ về công nghệ thông tin, và những công ty nào chậm chạp đầu tư cho Big Data cũng chịu một số phận tương tự.

John Hall, Giám đốc điều hành (CEO) hãng Influence & Co. vừa có bài chia sẻ trên Forbes về tầm quan trọng của đầu tư vào công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) trong kỷ nguyên số.

Bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thông minh từng tìm thấy lợi ích trong việc kết nối, cập nhật thông tin từ hàng ngàn khách hàng hiện tại và tương lai. Họ có thể thiết kế một trang web tuyệt vời chỉ trong vài giờ và thu được lợi nhuận lớn thông qua các chiến lược truyền thông xã hội (social media).

Thế giới kinh doanh nay lại rúng động một lần nữa bởi trào lưu mới – Big Data, nơi không có chỗ cho những người chậm chân.

Trong kỷ nguyên số hóa, việc phân tích dữ liệu trở nên ngày càng quan trọng. Ảnh: Telegraph

 

Big data quan trọng như thế nào?

Big data là công nghệ thu thập thông tin quy mô lớn từ các website. Các doanh nghiệp thường vận dụng công cụ này nhằm phục vụ công việc dự đoán xu hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có, tạo ra sản phẩm mới hoặc tìm hiểu về hành vi khách hàng

Phân tích dữ liệu cũng có thể giúp các doanh nghiệp thích nghi, tạo ra nội dung website thu hút nhiều khách hàng hơn, có được cái nhìn sâu sắc vào hành vi mua hàng. Dữ liệu càng nhiều thì càng tốt cho công ty. Để làm được như vậy, doanh nghiệp nên cung cấp nội dung trên nhiều nền tảng social media, nhằm thu thập được nhiều thông tin từ những điểm tiếp xúc với khách hàng.

Bằng cách tìm hiểu qua hệ thống cơ sở dữ liệu, công ty có thể tạo ra nội dung có liên quan hơn với người đọc. Chính ý tương này đã giúp Craig Rayner – Giám đốc tuyển dụng hãng SEO.io thu hút nhân tài. Nhờ vào việc phân tích và tổng hợp những dữ liệu nội bộ phòng nhân sự, ông đã tạo ra những quảng cáo tuyển dụng hấp dẫn đối với người tìm việc.

Đào sâu vào khai thác dữ liệu

Các tập đoàn lớn thường có lợi thế tài chính trong việc thuê các nhà thống kê để thu thập, phân tích và báo cáo về dữ liệu người tiêu dùng. Trong khi đó, những công ty nhỏ cũng có thể dùng các công cụ miễn phí hoặc ít phí để thu thập thông tin có giá trị, qua đó hiểu biết chính xác hơn các hành vi mua của khách hàng:

Google Analytics: Đây là công cụ phân tích của Google nhằm đánh giá lưu lượng truy cập trang web của bạn và chỉ ra cách khách tìm hàng thấy trang web, thời gian họ ở lại trang, vị trí đăng nhập và nhiều thông tin khác

Facebook Insights: Công cụ này cho phép bạn biết mức độ thường xuyên các bài viết của bạn được chia sẻ cũng như địa điểm và thời gian chia sẻ.

Tweriod và Followerwonk: Các chương trình này cũng thu thập dữ liệu từ các phương tiện social media và có thể cung cấp thông tin về giới tính, vị trí và mức độ hoạt động của chủ tài khoản social media.

YouTube Analytics: Nếu công ty của bạn đang hoạt động trên YouTube, đây là công cụ tuyệt vời để khai thác thông tin về nhân khẩu học của những người xem video bạn và họ đang ở đâu.

Thấu hiểu ý nghĩa con số

Một khi bạn đang tiếp cận những điểm dữ liệu, đó cũng là lúc bạn phải sử dụng những con số này nhằm nâng cao doanh thu và lợi nhuận.

Bạn nên bắt đầu bằng cách xem lại nội dung của bạn, và tham chiếu chéo với dữ liệu về tuổi, giới tính, và vị trí nơi khách truy cập trang web của bạn. Để mắt tới những con số và dữ liệu này bằng cách thiết lập một bảng tính hay một mẫu phân tích khách hàng có sẵn. Dựa vào những thông tin về nhân khẩu học đã thu thập được này, bạn hãy thay đổi hoặc thiết kế ra những chiến lược quảng cáo mới nhắm nhóm khách hàng mục tiêu.

Ví dụ, nếu bạn phát hiện phần lớn cá nhân truy cập đang ở tuổi vị thành niên, trong khi nội dung nhắm tới lại là người ở độ tuổi trung niên thì nhất thiết phải thay đổi thông điệp để thu hút người dùng.

Bạn cũng có thể tăng cường xem xét những phản hồi từ người đọc nhằm thấu hiểu họ hơn. Kết hợp những phản hồi này với những dữ liệu đã thu thập được sẽ giúp bạn có cách tiếp cận phù hợp với mục tiêu khách hàng tiềm năng. Hãy xem xét những câu hỏi sau

– Những sản phẩm hoặc dịch vụ đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng hay chưa?

– Họ có sẵn sàng lặp lại hành vi mua hàng hay không?

– Làm thế nào để họ giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ này cho bạn bè?

Thiết lập chuẩn so sánh

Sau khi chọn được những “viên ngọc” trong “bãi rác dữ liệu”, hãy so sánh kết quả của bạn với những công ty lớn. Hãy xem xét:

– Mức độ bao phủ khu vực địa lý của người truy cập?

– Lý do tại sao số lượng truy cập lại tăng đột biến?

5 năm nữa, dữ liệu sẽ được sản xuất gấp gần 45 lần so với 5 năm trước đây. Với lượng dữ liệu khổng lồ này, doanh nghiệp không thể lờ đi trước cuộc cách mạng dữ liệu và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế thời kỹ thuật số. Những ông chủ doanh nghiệp thông minh sẽ tìm cách khai thác thông tin và biết cách vận dụng những công cụ phân tích cần thiết để biến một người dùng Facebook trở thành một khách hàng trọn đời.

Đức Anh (Theo Forbes)

Big Data – mỏ vàng mới của doanh nghiệp – Báo VnExpress Kinh doanh

Tại sao ngày nay bay đến Mặt Trăng lâu hơn 60 năm trước?

Các tàu Apollo của Mỹ (1962 – 1972) chỉ mất vài ngày để bay từ Trái Đất đến Mặt Trăng, nhưng hiện lên tới vài tháng.

Khoang phóng của trạm đổ bộ Eagle nhìn từ module chỉ huy Columbia của tàu Apollo 11 năm 1969. Ảnh: NASA

Đã 56 năm kể từ khi con người lần đầu tiên dạo bước trên Mặt Trăng và 66 năm kể từ khi diễn ra nhiệm vụ không chở người đầu tiên đến thiên thể này. Nhưng một điều nghe có vẻ kỳ lạ là hiện nay, hành trình đến Mặt Trăng lại tốn nhiều thời gian hơn so với hàng chục năm trước.

Nguyên nhân là các kỹ sư hàng không vũ trụ đã tìm ra những phương pháp mới mẻ, sáng tạo để di chuyển trong không gian mà không cần tốn nhiên liệu. Họ tận dụng trường hấp dẫn của các thiên thể để bay xa hơn với chi phí thấp hơn.

Điều này rất cần thiết vì Mặt Trăng cách Trái Đất trung bình khoảng 384.400 km, đồng nghĩa tàu vũ trụ phải tốn lượng lớn nhiên liệu nếu muốn tự bay đến đó. Thực tế, khoảng cách đến bề mặt Mặt Trăng không cố định vì quỹ đạo của vệ tinh tự nhiên này quanh Trái Đất không tròn hoàn toàn.

Ở cận điểm (perigee) – điểm gần Trái Đất nhất – Mặt Trăng cách khoảng 363.300 km, nhưng tại viễn điểm (apogee), khoảng cách này lên đến 405.500 km. Do đó, thời gian bay còn phụ thuộc vào vị trí của Mặt Trăng ở thời điểm phóng tàu.

Các tàu chở người trước đây thường mất khoảng 3 ngày để đến Mặt Trăng. Nhanh nhất là Apollo 8, mất hơn 69 giờ để vào quỹ đạo Mặt Trăng, trong khi Apollo 11 mất 75 giờ 50 phút và thêm một ngày nữa để đáp xuống bề mặt.

Mọi tàu Apollo đều di chuyển theo quỹ đạo chuyển tiếp “trực tiếp”, dựa vào lực hấp dẫn của cả Trái Đất lẫn Mặt Trăng và cần nhiều nhiên liệu để vượt qua khoảng cách giữa hai thiên thể này. Tuy nhiên, các nhiệm vụ gần đây hướng đến những hành tinh như sao Hỏa, sao Mộc, đã chứng minh lợi ích của việc bay theo tuyến đường vòng hơn nhằm tận dụng lực hấp dẫn của thiên thể khác, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu.

Tháng 9/2003, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sử dụng phương pháp này để phóng vệ tinh SMART-1, mất khoảng 13 tháng bay theo một quỹ đạo xoắn ốc quanh Trái Đất và đến Mặt Trăng với lượng nhiên liệu tối thiểu. Nhưng tàu chở người khó có thể đi theo tuyến đường quanh co như vậy, và thời gian thực tế để đến Mặt Trăng thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố – bao gồm mục đích của nhiệm vụ và loại tàu vũ trụ.

Ví dụ, nhiều tàu thăm dò được thiết kế để mở rộng biên giới khám phá không gian của con người và cần di chuyển nhanh nhất có thể để tới được những nơi xa chưa từng thấy. Tàu thăm dò New Horizons của NASA chỉ mất 9 giờ để bay qua Mặt Trăng vào năm 2006, đến đích cuối cùng là sao Diêm Vương sau 9 năm.

Nhiệm vụ đầu tiên đến Mặt Trăng cũng là một chuyến bay nhanh, với tàu Luna 1 của Liên Xô, phóng năm 1959, đến đó chỉ trong 34 giờ. Tuy nhiên, do một sai sót nhỏ, tàu không chở người này đã bỏ lỡ Mặt Trăng và trôi dạt trong không gian từ đó đến nay.

Trong khi đó, dù bay theo tuyến đường tương đối trực tiếp, tàu Mars Reconnaissance Orbiter của NASA vẫn mất khoảng 7 tháng mới đến được sao Hỏa, hành tinh cách Trái Đất trung bình 225 triệu km, xa hơn Mặt Trăng rất nhiều.

Mặt Trăng đang dần tách xa khỏi Trái Đất với tốc độ khoảng 2,5 cm mỗi năm. Vì vậy, trong tương lai, thời gian để đến vệ tinh tự nhiên này có thể dài hơn đáng kể so với hiện nay.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Tại sao ngày nay bay đến Mặt Trăng lâu hơn 60 năm trước? – Báo VnExpress

Hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy chip bán dẫn đầu tiên của Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cho phép hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn.

Hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất chip bán dẫn

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Với đa số đại biểu tán thành, Nghị quyết này đã góp phần đặt nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là việc hỗ trợ tài chính cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên.

Theo Nghị quyết, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.

Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.

Nghị quyết cũng quy định được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đó. Các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Trước đó, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Chiến lược đặt mục tiêu trong giai đoạn 1 (2024 – 2030) xây dựng 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ; giai đoạn 2 (2030-2040) là xây dựng được 2 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, đến giai đoạn 3 (2040-2050) xây dựng được 3 nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Mục tiêu này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn – một lĩnh vực mà hầu hết các nước đi sau, có điều kiện tương đồng với Việt Nam thường tập trung vào công đoạn hạ nguồn là đóng gói, kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Việt Nam đặt tham vọng tham gia vào các công đoạn bao gồm sản xuất chip bán dẫn.

Việc đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ với cơ chế hỗ trợ tài chính đặc biệt của Nhà nước không chỉ giúp Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất chip mà còn góp phần đào tạo nhân lực, phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn và đảm bảo an ninh quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.

Từng giải trình làm rõ một số nội dung về Nghị quyết thí điểm này trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này, trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhà máy sản xuất đầu tiên rất quan trọng cho nghiên cứu, cho chế thử các chip được thiết kế tại Việt Nam, rất quan trọng cho việc sản xuất các chip chuyên dùng của Việt Nam, nhất là quốc phòng, an ninh và rất quan trọng cho đào tạo nhân lực.

Nhà máy quy mô nhỏ này khoảng dưới 1 tỷ USD giống như 1 phòng Lab một phòng thí nghiệm hơn là 1 nhà máy, đáng nhẽ Nhà nước nên đầu tư toàn bộ, nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vận hành, nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư.

Đồng thời, doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ để đầu tư vào dự án, bởi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển thay vì kinh doanh thuần túy.

Các chuyên gia nhận định, để tránh trở thành một quốc gia chỉ gia công, Việt Nam cần làm chủ công nghệ bán dẫn và điện tử, tận dụng lợi thế địa chính trị và tập trung đầu tư vào hạ tầng điện, nước cùng với chính sách ưu đãi phù hợp.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, việc xây dựng một nhà máy chế tạo chip dù quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp có sự cố gián đoạn nguồn cung.

Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trong tương lai.

T.Giang

Hỗ trợ tài chính tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy chip bán dẫn đầu tiên

 

Đẩy mạnh thương mại hóa 5G để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh thương mại hóa 5G, phát triển mạng băng rộng tốc độ cao như động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chỉ thị 05 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Thủ tướng ký ban hành ngày 1/3, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động.

Một trong những nhiệm vụ được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ. Chỉ thị yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia sâu rộng, toàn diện trong tất cả ngành, lĩnh vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

“Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Đẩy mạnh đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao”, chỉ thị nêu.

Kỹ thuật viên trên một trạm 5G. Ảnh: Cao Hưng

Trước đó, trong Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ “hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế” và một trong những thành phần của hạ tầng số là hạ tầng viễn thông và Internet. Chiến lược đặt mục tiêu trong năm 2025, 100% tỉnh, thành phố, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay, có dịch vụ di động 5G.

Thực tế, từ tháng 10/2024, mạng 5G đã được Viettel triển khai ở 63 tỉnh thành, sau đó đến VNPT vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, số lượng trạm của các nhà mạng còn hạn chế ở mức vài nghìn, chưa đạt vùng phủ rộng như mạng 4G. Thống kê đến hết tháng 1, Viettel cho biết đã có 5,5 triệu người dùng mạng thế hệ mới.

Để tăng vùng phủ cho 5G, các nhà mạng ngoài việc sử dụng băng tần thấp như 700 MHz đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu giá, còn cần tăng số lượng trạm thu phát sóng.

Trước đó, Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ban hành ngày 19/2, đề cập việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G. Doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng 5G đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12 sẽ được hỗ trợ 15% chi phí thiết bị cho trạm.

Lưu Quý

Đẩy mạnh thương mại hóa 5G để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – Báo VnExpress Công nghệ

Quốc hội cho phép thí điểm đầu tư vệ tinh tầm thấp

Sáng 19/2, Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép thí điểm có kiểm soát đầu tư mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.

Đây là một trong những điểm đột phá quy định tại Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc thí điểm dựa trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Thường vụ Quốc hội cho biết hiện nay công nghệ vệ tinh tầm thấp chủ yếu do một số ít doanh nghiệp nước ngoài làm chủ và triển khai trên thế giới, như hệ thống Starlink của Tập đoàn SpaceX (Mỹ), hệ thống Kupier của Tập đoàn Amazon (Mỹ), hệ thống Oneweb của Công ty Oneweb (Anh).

Trong đó, lớn nhất là SpaceX đã cung cấp tại hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với lợi thế công nghệ, doanh nghiệp nước ngoài như SpaceX khi triển khai kinh doanh dịch vụ vệ tinh tại các quốc gia đều đề nghị được thực hiện mô hình đầu tư sở hữu 100% vốn nước ngoài. Trong khu vực ASEAN, một số quốc gia như Malaysia, Philippines, Indonesia cũng đã cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài triển khai đầu tư kinh doanh dịch vụ vệ tinh tầm thấp.

“GroundBreaker” là vệ tinh của SpaceX phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, hoạt động theo tiêu chuẩn 5G. Ảnh: Sateliot

Chính sách này cũng phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị là phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư triển khai dịch vụ vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, cần có chính sách nới lỏng điều kiện tiếp cận thị trường về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam sẽ góp phần mở rộng vùng phủ sóng Internet băng rộng, đặc biệt là ở vùng sâu, hải đảo, nơi hạ tầng viễn thông mặt đất còn hạn chế.

Chính sách này “đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ Internet; đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam, thu hút thêm đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và tạo thêm việc làm”.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết. Ảnh: Giang Huy

Nhà khoa học được tự quyết việc sử dụng công trình nghiên cứu

Nghị quyết quy định tài sản là kết quả của việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức nghiên cứu được theo dõi riêng tài sản, không hạch toán chung vào tài sản của tổ chức, không phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại, khấu hao, hao mòn tài sản.

Cơ quan nghiên cứu được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sử dụng tài sản không cần định giá trong việc cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới. Khi thực hiện nội dung này, cơ sở nghiên cứu không cần lập đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, họ được bán, chuyển nhượng tài sản; góp vốn bằng tài sản để liên doanh, liên kết có hình thành pháp nhân mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Thường vụ Quốc hội, quy định này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quy định về tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Về bản chất và theo thông lệ quốc tế, tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu được xem như một khoản tài trợ, không phải là khoản đầu tư trực tiếp và Nhà nước thực hiện phân chia lợi nhuận ngay.

Tất cả tài sản khi được thương mại hóa và mang lại lợi nhuận thì Nhà nước sẽ thu lại lợi ích thông qua việc thu thuế. Chính sách này giải quyết được sự chậm trễ của việc thực hiện các thủ tục hành chính và đặc biệt là khó khăn trong định giá tài sản.

Khoán chi, chấp nhận rủi ro trong phát triển khoa học

Theo Nghị quyết, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.

Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận.

Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ – khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định.

Người nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.

Ngoài các chính sách trên, Nghị quyết cũng bổ sung nhiều quy định gỡ vướng cho phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo như miễn giảm thuế với thu nhập từ hoạt động nghiên cứu khoa học; Nhà nước ưu tiên đầu tư về khoa học; phát triển nhanh hạ tầng 5G và cáp quang biển; xây dựng phòng thí nghiệm chip bán dẫn…

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội thông qua.

Sơn Hà VNexpress

Quốc hội cho phép thí điểm đầu tư vệ tinh tầm thấp – Báo VnExpress

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản thúc đẩy dự án phóng vệ tinh năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản thúc đẩy triển khai nhanh các hợp tác trọng điểm như dự án phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.

LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam dự kiến phóng lên quỹ đạo vào đầu năm 2025. Sau quá trình thử nghiệm vệ tinh, Chính phủ Nhật Bản sẽ bàn giao quyền quản lý cho Việt Nam vận hành trong 5 năm.

Tại tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ngày 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước. “Điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025”, Thủ tướng nói.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh: VNSC

Vệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”. Dự án được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội từ tháng 9/2012, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.

LOTUSat- 1 có trọng lượng 600 kg, là vệ tinh công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng. Dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây.

Để khai thác hiệu quả vệ tinh LOTUSat-1, hồi tháng 11/2023 GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và GS Yamakawa Hiroshi, Chủ tịch Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã ký thỏa thuận thực hiện nghiên cứu khả thi trong hợp tác khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Theo hợp tác này, hai bên chia sẻ các kinh nghiệm vận hành khai thác vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo, kinh nghiệm vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và tìm phương án chia sẻ dữ liệu ảnh vệ tinh.

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ từ năm 2006. Dưới sự hỗ trợ của JAXA, các kỹ sư của VAST đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ “Made in Viet Nam” gồm PicoDragon, Nano Dragon và MicroDragon và đã được JAXA hỗ trợ phóng thành công vào quỹ đạo.

Phương Dung

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản thúc đẩy dự án phóng vệ tinh năm 2025 – Báo VnExpress

1.000 chuyên gia, doanh nghiệp AI và bán dẫn sắp đến Việt Nam

Các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo từ Google, IBM, Intel, TSMC… sẽ tới Việt Nam dự hội nghị về AI và bán dẫn giữa tháng 3.

Tại họp báo công bố sự kiện Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025 (AISC 2025) chiều 24/2 ở Hà Nội, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết: “Hội nghị sẽ được tổ chức với sự đồng chủ trì của ông Eric Schmidt, cựu CEO Google, và quy tụ khoảng 1.000 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thế giới trong lĩnh vực AI và bán dẫn, nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi tri thức và định hướng phát triển công nghệ tại Việt Nam và khu vực”, ông Tâm nói.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại họp báo chiều 24/2. Ảnh: Giang Huy

AISC 2025 dự kiến diễn ra ngày 12-16/3 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Các tên tuổi lớn có mặt gồm Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell, cùng nhiều công ty công nghệ từ Thung lũng Silicon của Mỹ. Theo ban tổ chức, AISC 2025 tập trung vào các nội dung mới nhất và mang tính bước ngoặt của AI trong cách mạng hóa thiết kế và sản xuất chip, cùng tiềm năng của kiến trúc bán dẫn tiên tiến cho AI.

“AISC 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công nghệ, tập hợp những nhà đổi mới hàng đầu thế giới và giới thiệu những đột phá giao thao giữa AI và bán dẫn”, tiến sĩ Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic, đơn vị đồng tổ chức AISC 2025, nói.

Việt Nam sẵn sàng đón “đại bàng công nghệ”

Theo Thứ trưởng Tâm, Việt Nam đang ở giai đoạn “hết sức quan trọng”, khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó tiếp tục nhấn mạnh đây là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội.

Để triển khai Nghị quyết 57, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03 phê duyệt Chương trình hành động với 41 chỉ tiêu và 140 nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ được đưa ra là triển khai hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển, ứng dụng công nghệ, từ đó hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI và bán dẫn.

“Hội nghị sắp tới thể hiện sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc đón các ‘đại bàng công nghệ’ hàng đầu trên thế giới”, ông Tâm nói.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Trung, Phó giám đốc khối Công nghệ thông tin của VPBank, đối tác chiến lược của hội nghị, cho biết ngân hàng cũng đang ứng dụng AI vào mọi quy trình, từ phát triển sản phẩm đến nâng cao trải nghiệm khách hàng, và đạt được nhiều kết quả tích cực. “AI không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Đầu tư bài bản vào AI giúp Việt Nam nâng cao hiệu suất lao động, bứt phá trong các ngành trọng điểm như tài chính, y tế, sản xuất và logistics, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, xây dựng đội ngũ nhân tài và nâng cao vị thế quốc gia”, ông Trung nói. “Nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu”.

Ông Nguyễn Hồng Trung, Phó giám đốc khối Công nghệ thông tin, VPBank – đối tác chiến lược của hội nghị.

Theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC Vũ Quốc Huy, đây là “thời cơ vàng” để đẩy nhanh sự phát triển lĩnh vực AI và bán dẫn trong nước, cũng như nhân rộng mô hình hợp tác thành công với Nvidia. Trước đó, Việt Nam và Nvidia hợp tác đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI tại Việt Nam.

Ông Huy cho biết NIC đang triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển, ứng dụng công nghệ để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI và bán dẫn.

Dẫn báo cáo từ Bloomberg Intelligence, đại diện NIC cho biết thị trường bán dẫn toàn cầu đạt 500 tỷ USD vào cuối 2024, với AI đang dẫn dắt nền kinh tế số. Sự đột phá của mô hình AI mã nguồn mở như DeepSeek R1 tạo ra làn sóng chuyển đổi thị trường và thúc đẩy nhu cầu cấp thiết về giải pháp điện toán hiệu quả. Việc tích hợp AI vào thiết kế và sản xuất chip cũng đang thu hút những khoản đầu tư lớn, có thể định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp thông qua nâng cao hiệu suất và tạo cơ hội mới cho các trung tâm công nghệ đang phát triển trên toàn cầu.

Đứng trước xu hướng này, đại diện NIC nhấn mạnh Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội bằng chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm trợ cấp chi phí sản xuất chip và AI.

“Với nền tảng chính sách vững chắc, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, ngành công nghiệp bán dẫn và AI Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn tầm khu vực và thế giới”, ông Huy nói.

Lưu Quý Vnexpress

1.000 chuyên gia, doanh nghiệp AI và bán dẫn sắp đến Việt Nam – Báo VnExpress Công nghệ

Nvidia: Việt Nam cần hàng trăm nghìn kỹ sư AI

Theo đại diện Nvidia, Việt Nam đang thiếu nhân lực AI ở mọi cấp độ, cần hàng trăm nghìn kỹ sư trong lĩnh vực này trong ba năm tới.

“Hiện nay, phản ánh của thị trường cho thấy sự khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ và trong nhiều công đoạn”, ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp Nvidia Việt Nam, nhận định tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày 11/2 ở Hà Nội.

Giám đốc khách hàng doanh nghiệp Nvidia Việt Nam Vũ Mạnh Cường nói tại hội nghị. Ảnh: Lưu Quý

Theo ông Cường, Việt Nam thiếu kỹ sư trong nhiều công đoạn như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI. Ngoài ra, khi công nghệ này đi vào các chuyên ngành sẽ cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI như trong sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông.

“Việt Nam sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng ba năm tới”, ông nhận định.

Theo ông Cường, ngoài các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới, việc phát triển ngay trong nước cần được hỗ trợ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu, cần đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu”, ông nói.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lưu Quý

Theo ông, để làm được, đại học cần một “thỏi nam châm” để hút nghiên cứu, đó là các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, đây là thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.. Bộ trưởng đề xuất cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ đồng. “75.000 tỷ đồng của năm 2025 cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học”, ông đề xuất. “Làm liên tục việc này trong 5 năm sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học”.

Nvidia cho biết đang cung cấp chương trình học về Deep Learning với giáo trình, công cụ và tài nguyên xử lý đồ họa trên đám mây miễn phí cho các trường đại học sử dụng để đào tạo sinh viên theo các học phần như Machine learning/deep learning (học máy/học sâu), Data Science (khoa học dữ liệu), Largle Language Model (mô hình ngôn ngữ lớn).

Sau quá trình làm việc cùng trường đại học và doanh nghiệp trong nước, đại diện Nvidia đánh giá chương trình học “có thể phục vụ được tốt cả hai mục tiêu: Đào tạo số lượng lớn và đào tạo chuyên sâu”.

Ông Vũ Mạnh Cường đề xuất để đào tạo số lượng lớn và chất lượng cao, Việt Nam sẽ cần số lượng giảng viên có chất lượng cao và cần áp dụng phương thức cho người đi trước đào tạo người đi sau, cũng như kết hợp giữa phương pháp tự học và giáo viên hướng dẫn. Bên cạnh đào tạo đại trà cho sinh viên, việc bổ sung nhân lực có thể thực hiện bằng cách nâng cấp (upscaling), đào tạo lại (reskilling) nhân lực IT đang có cho các đơn vị.

Ngoài ra, ông cho rằng cần có chương trình hỗ trợ của nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn. “Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn”, ông nói.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đề xuất đầu tư phát triển nhân lực về AI cho Việt Nam. Đại diện Google cho biết sẽ tiếp tục cung cấp học bổng, chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng AI cho bất cứ cá nhân nào có đủ điều kiện, đồng thời cung cấp miễn phí Google WorkSpace, Classroom cho học sinh, giáo viên tiếp cận AI từ sớm.

Samsung cũng tài trợ phòng lab và trang bị hơn 700 máy tính cho các trường đại học nhằm cải thiện môi trường đào tạo công nghệ thông tin, hợp tác triển khai các dự án nghiên cứu, các cuộc thi lập trình dành cho sinh viên. “Trung tâm R&D Samsung Việt Nam sẽ nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua việc mở rộng và chuyên môn hóa chương trình hợp tác với các trường đại học trong hoạt động đào tạo nhân tài”, Tổng giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won, nói tại hội nghị.

Lưu Quý

Nvidia: Việt Nam cần hàng trăm nghìn kỹ sư AI – Báo VnExpress Công nghệ