Sẽ lồng ghép các chương trình khoa học và công nghệ

Ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lồng ghép việc xây dựng “Đề án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản”.
Việc lồng ghép được thực hiện theo Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ với việc xây dựng “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thức đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số”.

 

Theo đó, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 15 năm thực hiện Chương trình “ Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thức đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số”, làm cơ sở xác định mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Chương trình nói trên; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong quý II năm 2015.

Tin, ảnh: Mai Mai

 

 

 

Sinh viên Việt có bài nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Hóa học Mỹ

 

 

 

Sinh viên Phan Trí Hòa với công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Sinh viên Phan Trí Hòa, khoa Hóa học, trường ĐH KHTN-ĐHQGHN vừa được tạp chí Nano Letter danh tiếng của Hội Hóa học Hoa Kỳ đăng bài nghiên cứu khoa học. Hòa vừa tốt nghiệp xuất sắc hệ Cử nhân Khoa học Tài năng ngành Hóa học và nhận học bổng tiến sĩ tại ĐH Iowa.
Bài báo mà sinh viên Phan Trí Hòa được tạp chí Nano Letter của Hội Hóa học Hoa Kỳ, một tạp chí có danh tiếng với chỉ số ảnh hưởng (Impact factor) được đánh giá vào năm 2012 là 13.025 mang tên: “Nanovacuums: Nanoparticle Uptake and Differential Cellular Migration on a Carpet of Nanopartic”.

Để có thành tích nghiên cứu khoa học đạt tầm quốc tế này, Hòa đã có thời gian tích lũy nghiên cứu khoa học khá dài từ hệ cử nhân khoa học tài năng của trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội.

Hòa bắt đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3 đại học và đã đoạt nhiều giải thưởng cấp trường. Hòa thực hiện khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ bằng tiếng Anh với điểm 9.9/10 dành cho kết quả thực hiện và bảo vệ đề tài “Nghiên cứu chế tạo điện cực tiếp xúc rắn chọn lọc ion thủy ngân II” (Study on the fabrication of solid-contact ion selective electrodes for Hg(II)”).

Hội đồng chấm bảo vệ khóa luận của Hòa cho biết, đây là một đề tài khó và mới được nghiên cứu và phát triển trong thời gian gần đây. Từ bài khóa luận khoa học này, cho thấy sự sáng tạo, kiên trì và “dũng cảm” trong quá trình làm nghiên cứu khoa học.

Bởi, đề tài đề xuất quy trình chế tạo điện cực chọn lọc ion tiếp xúc rắn (solid-contact ion selective electrode – SCISE) với thiết kế nhỏ gọn, độ chính xác cao, đáp ứng nhanh và tiết kiệm chi phí nhằm xác định ion thủy ngân (II) trong môi trường nước. Với sự xuất hiện của SCISE, việc phân tích mẫu thực tại hiện trường trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn với độ nhạy tương đối tốt.

Đến nay, Hòa có 1 công bố khoa học ISI với hệ số ảnh hưởng 13.025 mà nhiều sinh viên, cán bộ làm khoa học mơ ước. Hòa vừa tốt nghiệp xuất sắc hệ Cử nhân Khoa học Tài năng ngành Hóa học và nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Iowa.

 

Xuất sắc nhận học bổng Tiến sĩ Đại học Iowa (Mỹ)

Kết quả học tập và nghiên cứu khoa học xuất sắc đã góp phần giúp Hòa giành được nhiều sự chú ý từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Sau những năm tháng học tập tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Phan Trí Hòa nhận được học bổng làm tiến sĩ tại Mỹ vào tháng 8/2014 tới.

Ngoài thành tích học tập đáng nể, Hòa còn rất năng động. Ngay từ lúc vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên học tập, Hòa đã là Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên, sau đó là Bí thư Chi đoàn K54 Tài năng Tiên tiến ngành Hóa học. Với lịch công tác Đoàn – Hội dày đặc nhưng Hòa luôn có kết quả học tập khiến bạn bè và thầy cô nể phục.

Hòa có kỹ năng tiếng Anh rất tốt, và giành Giải nhất cuộc thi Olymic tiếng Anh “Crack it” của Trường. Giỏi Tiếng Anh, thông minh, dí dỏm và phong thái tự tin khiến Hòa luôn được tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng trong thời sinh viên. Hòa được chọn là đại biểu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia chương trình “Japan Study Program” do MEXT tổ chức tại Nhật Bản năm 2012.

Tiếp đến Hòa được lựa chọn là một trong các sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia chương trình ASEAN Youth Exchange Program 2013: “ASEAN Youth & The Evolving Regional Architecture” tại Thái Lan.

Với tất cả nỗ lực phấn đấu của mình, năm 2013, Hòa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Nguồn tin: Dân trí

 

 

 

Phát động cuộc thi sáng chế năm 2014: “Sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày”

 
 
Ngày 4/8, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phát động cuộc thi “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”.

Cuộc thi nhằm khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo ra những công nghệ có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và chi phí thấp để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

Theo Ban tổ chức, mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, có giải pháp kỹ thuật đối tượng được bảo hộ sáng chế (sau đây gọi chung là “giải pháp kỹ thuật”) có thời điểm tạo ra hoặc lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam sau ngày 31/12/2008 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế năm 2013, đều có thể đăng ký tham dự Cuộc thi.

Tại lễ phát động cuộc thi, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết: “Mục đích của cuộc thi Sáng chế năm 2014 nhằm khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo ra những công nghệ có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và không cần nhiều chi phí, tiết kiệm để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.Chính vì lý do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo tổ chức Cuộc thi Sáng chế năm 2014 trên phạm vi toàn quốc”.

Ban tổ chức Cuộc thi trả lời các báo, đài

Giải thưởng của Cuộc thi gồm: 01 Giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, kèm theo huy chương và Giấy chứng nhận của WIPO; 01 Giải Nhì trị giá 50 triệu đồng, kèm theo huy chương và Giấy chứng nhận của WIPO; 01 Giải Ba trị giá 30 triệu đồng, kèm theo huy chương và Giấy chứng nhận của WIPO; và 12 Giải khuyến khích dành cho các giải pháp kỹ thuật được chọn vào Vòng chung khảo, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng, kèm theo Giấy chứng nhận của WIPO.

Vòng thi chung khảo và Lễ trao giải Cuộc thi dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11/2014. Ngoài ra, để hỗ trợ các tổ chức và các nhà sáng chế cá nhân trong việc hoàn thiện và đăng ký các giải pháp dự thi, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tổ chức 03 Hội thảo hướng dẫn dành cho các nhà sáng chế tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8/2014.

Thời hạn nhận hồ sơ dự thi sáng chế bắt đầu từ ngày 30/7/2014 đến hết ngày 30/9/2014.

Tin, ảnh: Hà Hồng

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật trao tặng tài liệu khoa học và công nghệ cho Trường Quản Lý khoa học và công nghệ

 

Ngày 31/7/2014 tại trường Quản lý khoa học và công nghệ đã diễn ra Lễ trao tặng sách của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cho nhà trường. Tham dự buổi lễ có ông Phạm Ngọc Khôi – Giám đốc Nhà xuất bản cùng các đồng chí đại diện của Nhà xuất bản. Về phía trường Quản lý Khoa học và Công nghệ, có TS. Vũ Trường Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cùng các đồng chí là trưởng các phòng, khoa, trung tâm.

 

Tại buổi lễ, đại diện Nhà xuất bản – ông Phạm Ngọc Khôi đã trao tặng 143 cuốn sách với 37 đầu sách và từ điển về lĩnh vực khoa học và công nghệ cho trường, góp phần bổ sung tài liệu cho thư viện trường, phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu của các cán bộ, giảng viên, học viên trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

“Nhà trường rất cảm động nhận được sự ủng hộ của Nhà xuất bản, rất mong quan hệ của hai đơn vị gắn kết chặt chẽ hơn trong việc xuất bản sách và giáo trình phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ…” Hiệu trưởng Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ  Vũ trường Sơn chia sẻ trong lúc đón nhận tài liệu KH&CN từ Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ Thuật.

Nhận thức toàn diện và sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ, qui luật vận động của giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”1.  Với nhận thức đó, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực (cán bộ) khoa học, công nghệ được xác định là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ, việc chủ động hợp tác giữa hai đơn vị đào tạo và xuất bản trong cùng Bộ Khoa học và Công nghệ là hết sức cần thiết, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý khoa học và công nghệ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Tiếp đó, hai đơn vị đã trao đổi định hướng hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới, Nhà xuất bản có thể phối hợp với nhà trường trong việc xuất bản bộ giáo trình của trường đang được triển khai, biên soạn, các nội dung chi tiết về làm việc sẽ được các đơn vị chức năng của hai đơn vị trực tiếp làm việc và bàn bạc cụ thể.

  1. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Điểm tin KH&CN từ ngày 26/7-1/8

Điểm tin KH&CN từ ngày 26/7-1/8
 
Em Hồ Văn Anh Kim và Nguyễn Hoàng Phi Long bên chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt của mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục; Thưởng 270 lần mức lương cơ sở nếu đạt giải về KHCN; …là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục

Chiều 29/7/2014, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoạii Giáo dục tiếp tục tư vấn, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ hết sức quan tâm và tạo điều kiện để Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục

Báo cáo Thủ tướng, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, qua 3 năm hoạt động, Hiện nay Viện nghiên cứu cao câp về toán đã thu hút được khoảng 80 đợt các giáo sư từ nước ngoài về giảng dạy, qua đó đã tạo cho sinh viên, học viên Việt Nam môi trường nghiên cứu, tiếp xúc với các nhà khoa học quốc tế.

Giáo sư Ngô Bảo Châu kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Bên cạnh đó, Nhóm đối thoại về giáo dục cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để thu hút các ý kiến đóng góp, đề xuất của các nhà khoa học Việt Nam hiện đang làm việc tại nước ngoài về các vấn đề liên quan đến giáo dục-đào tạo

Thưởng 270 lần mức lương cơ sở nếu đạt giải về KHCN

Ngày 30/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Theo Nghị định, có 4 giải thưởng về khoa học và công nghệ, bao gồm: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ…

Tác giả công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh được nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần, và tác giả được tặng giải thưởng nhà nước được nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phát huy chức năng giám định, tư vấn, phản biện xã hội

Đây là lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi là làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Trụ sở Chính phủ ngày 29/7.

Tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu cùng những kết quả mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật đạt được trong thời gian qua

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách cũng như chức năng giám định xã hội, tư vấn, phản biện xã hội trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Đồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học; quan tâm tới hoạt động lựa chọn, tôn vinh những trí thức, những nhà khoa học giỏi, có nhiều đóng góp cho khoa học-kỹ thuật, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Hội nghị khoa học quốc tế “Vật lý hạt hương vị

Báo Tuổi trẻ ngày 28/7 đưa thông tin Hội nghị khoa học quốc tế “Vật lý hạt hương vị. Hội nghị có 80 nhà khoa học, nghiên cứu vật lý từ 20 quốc gia dự hội nghị khoa học vật lý quốc tế với chủ đề “Vật lý hạt hương vị” khai mạc tại TP. Quy Nhơn ngày 28-7.

“Vật lý hạt hương vị” là lĩnh vực mới để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu sâu về tính chất của hạt Quarks, một trong những lĩnh vực mà Trung tâm tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu đang quan tâm. Hội nghị lần này là diễn đàn để các nhà khoa học thế giới và VN gặp gỡ, trao đổi, công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực này.

Khai mạc cuộc thi Hackaton Việt Nam 2014

Trong 2 ngày 1-2/8, tại Hà Nội, Fomation 8 và dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FRIST)” – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng 5DESIRE và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức Lễ khai mạc cuộc thi Hackaton Việt Nam 2014. Cuộc thi này được tổ chức tại 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh cuộc thi

Mục đích của cuộc thi là tìm kiếm những tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đưa đến cho họ những cơ hội được tiếp cận với những nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là ở thung lung Silicon…

Cuộc thi Hackaton Việt Nam được khởi động từ tháng 6/2014, thu hút được sự quan tâm của gần 1000 thí sinh là các kỹ sư và các nhà khoa học trẻ tài năng ở Việt Nam tham gia.

Học sinh trường làng chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt

Là thông bài viết nổi bật trên báo công an nhân dân ngày 29/7. Với niềm đam mê khoa học, 2 học sinh Hồ Văn Anh Kim và Nguyễn Hoàng Phi Long, Trường Trung học cơ sở Điền Hòa, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã chế tạo thành công một thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt.

Mới đây, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ VII- 2014, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời của hai em vinh dự đạt giải 3 và được Ban Tổ chức chọn tham dự kỳ thi KHKT toàn quốc diễn ra tại Hà Nội trong thời gian tới.

Sản xuất thành công nấm chân dài, một loại nấm có giá trị cao trên thị trường

Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng vừa cho biết, Trung tâm đã sản xuất thành công nấm chân dài, một loại nấm có giá trị cao trên thị trường.

Nấm chân dài có thân nấm lớn, tai to, trọng lượng trung bình là 0,4 kg/tai, thậm chí có tai nấm nặng gần 1kg. Nấm chân dài thích nghi ở môi trường khí hậu mát quanh năm, từ 22-28 độ C, với Đà Lạt là môi trường phù hợp nhất. Nấm có giá trị dinh dưỡng cao, giòn, ngọt, sử dụng đa dạng trong bữa ăn và hiện tại trên thị trường rất được ưa chuộng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất nấm chân dài cho hộ nông dân, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một loại nấm ăn chất lượng cao.

 

Hà Trang (Tổng hợp)

Sẽ thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN

Sẽ thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN
Sẽ thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN
Ngày 01/8, tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án “Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng an ninh và sản phẩm quốc gia”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, các đại biểu đến từ tổ chức, cơ quan và một số nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn có liên quan.

Được biết, dự án KH&CN được xây dựng trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành và bắt đầu thực hiện từ năm 2005. Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt 06 dự án KH&CN phục vụ chế tạo các thiết bị cho ngành xi măng, thủy điện, nhiệt điện, thiết bị điện, đóng tàu… Quá trình thực hiện dự án này đã tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, huy động được nguồn lực của các tổ chức tham gia thực hiện dự án, gắn kết quả nghiên cứu khoa học với sản phẩm được thương mại hoá, vấn đề hiện nay đang là điểm yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc xây dựng và quản lý các nhiệm vụ KH&CN.

Những kết quả của các dự án KH&CN đã có đóng góp tích cực cho các ngành, lĩnh vực trong những năm qua. Tiêu biểu như thông qua dự án về thiết bị điện cho đến nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất hầu hết các chủng loại máy biến áp đến500kV đảm bảo chất lượng và thay thế nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam trở thành nước đầu tiên của Đông Nam Á có khả năng chế tạo các máy biến áp công suất lớn.

Toàn cảnh Hội thảo

Thông qua dự án KH&CN về giàn khoan tự nâng, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động thiết kế, chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90mH2O, giàn khoan tự nâng thuộc nhóm khó chế tạo nhất trong các loại giàn khoan dầu khí và đưa Việt Nam vào danh sách số ít các nước trên thế giới có khả năng chế tạo giàn khoan dầu khí(hiện Khu vực Đông Nam Á chỉ có duy nhất Singapore có khả năng chế tạo).

Tuy nhiên, quá trình triển khai, các dự án gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ do phải áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành chung, chưa có những cơ chế đặc thù đối với loại hình này như cơ chế thuê chuyên gia, chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ, huy động nguồn lực, đào tạo…Đặc biệt, do những đặc thù khác biệt về cơ chế quản lý cho đến nay các dự án KH&CN phục vụ quốc phòng an ninh chưa triển khai được.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và góp ý kiến về tiêu chí đánh giá lựa chọn dự án KH&CN, cơ chế chính sách đặc thù, nội dung và lộ trình thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng an ninh và sản phẩm quốc gia.

Dựa trên các ý kiến góp ý của các Đại biểu tham dự Hội thảo, dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết

 

Khai mạc cuộc thi Hackathon Việt Nam 2014

Khai mạc cuộc thi Hackathon Việt Nam 2014
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ khai mạc
Trong 2 ngày 1-2/8, tại Hà Nội, Fomation 8 và dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FRIST)” – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng 5 DESIRE và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức Lễ khai mạc cuộc thi Hackathon Việt Nam 2014. Cuộc thi này được tổ chức tại 2 thành phó là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Mục đích của cuộc thi là tìm kiếm những tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đưa đến cho họ những cơ hội được tiếp cận với những nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là ở thung lung Silicon. Qua đó, các nhà tổ chức mong muốn góp phần thúc đẩy nền công nghệ ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư cũng như giới truyền thông đến lĩnh vực này.

Cuộc thi Hackaton Việt Nam được khởi động từ tháng 6/2014, thu hút được sự quan tâm của gần 1000 thí sinh là các kỹ sư và các nhà khoa học trẻ tài năng ở Việt Nam tham gia. Đây là lần đầu tiên Hackathon Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn. Bên cạnh đó, sự kiện lần này còn có sự tham gia của gần 20 cố vấn công nghệ quốc tế mà phần lớn là người Việt Nam ở nước ngoài, những người đang làm việc trực tiếp cho các công ty công nghệ có uy tín quốc tế hay vận hành doanh nghiệp công nghệ của riêng mình.

Toàn cảnh cuộc thi

Các đội và cá nhân tham gia dự thi sẽ cùng nhau viết các ứng dụng công nghệ thông tin. Hai đội có thành tích cao nhất ở hai thành phố sẽ nhận được nhiều giải thưởng bằng tiền mặt và một chuyến bay đến ở Mỹ để tham quan, gặp gỡ và phỏng vấn vào các công ty công nghệ nổi tiếng.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định:Hackathon Việt Nam được xem là nơi các bạn trẻ thể hiện sự đam mê sáng tạo của mình; phô diễn năng lực liên kết nhóm và đặc biệt là chứng minh được khả năng biến những đam mê sáng tạo thành sản phẩm cụ thể để tranh tài.Hackathon Việt Nam là nơi phát đi thông điệp với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam năng động, sáng tạo, và đang nỗ lực phát triển đất nước bằng tri thức, KH&CN. Vì vậy, Bộ KH&CN khẳng định sẽ đưa Hackathon Việt Nam trở thành một điểm hẹn cho cộng đồng sáng tạo trẻ trong nước được tranh tài, học hỏi, liên kết chặt chẽ với nhau và kết nối với thế giới.

Sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần doanh nhân và khát vọng khởi nghiệp của hàng triệu bạn trẻ quan tâm đến ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Tin, ảnh: Nhóm phóng viên

Ban hành Nghị định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN

Ban hành Nghị định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN
Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN
Ngày 30/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Theo Nghị định, có 4 giải thưởng về khoa học và công nghệ, bao gồm: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ…

Cuối cùng là giải thưởng của các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về khoa học và công nghệ được đặt ra để xét tặng cho tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Về điều kiện và tiêu chuẩn, riêng các công trình khoa học và công nghệ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh phải là những công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất một năm tính đến thời điểm tổ chức xét tặng.

Đó phải là những công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai, hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, làm chuyển biến nhận thức của xã hội, nâng cao dân trí.

Về quyền lợi của tác giả công trình, Nghị định quy định tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được nhận bằng chứng nhận giải thưởng.

Tác giả công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh được nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần, và tác giả được tặng giải thưởng nhà nước được nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng.

Đối với giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ, tác giả được nhận tiền thưởng không quá 100 lần mức lương cơ sở tại thời điểm có quyết định giải thưởng.

Tin và ảnh: Minh Châu

 

 

Tập huấn “Kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ”

Tập huấn “Kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ”
 

Hơn 80 học viên đến từ 18 đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ KH&CN đã tham dự lớp “Kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ” từ ngày 19-21/5, tại Hà Nội do Trường Quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức.

Mục tiêu của Lớp tập huấn “Kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ” nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ KH&CN. Nội dung của lớp học được thiết kế sát với yêu cầu công tác quản lý KH&CN và quản lý nhà nước về KH&CN. Trường Quản lý KH&CN đã phối hợp với vụ chức năng có liên quan, mời các giảng viên có kinh nghiệm xây dựng chương trình và biên soạn các bài giảng phù hợp với đối tượng tham gia.

Đồng thời, lớp tập huấn cũng là cơ hội tốt để các CBCCVC của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ KH&CN giao lưu, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn quản lý KH&CN, qua đó, nhằm tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ KH&CN.

Tin, ảnhQ.H

 

Hội nghị giao ban công tác Xuất bản 6 tháng đầu năm 2014

(Mic.gov.vn) – Ngày 24/7/2014, tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2014.  

 
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Bình, cùng Giám đốc, Tổng biên tập của 63 nhà xuất bản trên toàn quốc. 

Đánh giá tình hình hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm 2014, hội nghị nêu rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất bản trong thời gian qua; trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác xuất bản trong những tháng còn lại của năm 2014. 

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2014, các nhà xuất bản trên toàn quốc đã tiến hành đăng ký xuất bản trên 21.400 cuốn. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận hơn 20.900 cuốn (giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2013). Về lưu chiểu xuất bản phẩm, tính đến ngày 30/6/2014, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là hơn 12.900 cuốn với gần 193,600 triệu bản (giảm 0,6% về số cuốn, giảm 12% về số bản so với cùng kỳ năm 2013). Trong công tác kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, 6 tháng đầu năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 49 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung của 25 nhà xuất bản. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn xử lý, giải quyết 88 xuất bản phẩm vi phạm khác như: Vi phạm về thông tin ghi trên xuất bản phẩm, thực hiện sai so với xác nhận đăng ký xuất bản và vi phạm bản quyền tác giả…


Hội nghị cũng đã tập trung đánh giá về những hạn chế trong nội dung xuất bản phẩm, đặc biệt là những vấn đề liên quan nội dung chính trị, tư tưởng; xác định các yêu cầu đối với công tác chính trị, tư tưởng; công tác xây dựng Đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản; công tác kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật… Nhìn chung, những sai phạm trong các nội dung xuất bản phẩm chủ yếu là thuộc nhóm vi phạm sử dụng lô gô, hình ảnh minh họa, nhiều cuốn sách còn sai quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, sai tên người, địa danh, sự kiện lịch sử… Đối với những sai phạm đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiến hành xử lý với các hình thức nhắc nhở, yêu cầu tái bản sửa chữa; yêu cầu không nối bản; sửa chữa, đính chính lỗi chính tả; đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung… 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và những kết quả quan trọng mà toàn ngành cũng như hoạt động xuất bản đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông Kỷ lưu ý các đơn vị liên quan cần tập trung và sớm khắc phục các vấn đề bất cập, các mặt còn hạn chế, yếu kém, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý nội dung xuất bản phẩm trong quá trình liên doanh, liên kết. Vấn đề liên kết xuất bản tiếp tục có những dấu hiện đáng quan ngại, khá nhiều vụ việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản; công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản nhà xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới, ngày càng phức tạp của hoạt động xuất bản. 

Để thực hiện tốt công tác xuất bản trong những tháng còn lại của năm 2014, ông Nguyễn Thế Kỷ yêu cầu các nhà xuất bản, công ty in và phát hành tập trung thực hiện các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, các ngành, đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; khẳng định trên cả phương diện lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển trên biển Đông. Đồng thời, ngành xuất bản cần phát huy ưu điểm, thành tích; khắc phục hạn chế, khuyết điểm; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng… 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Kỷ cũng lưu ý, toàn ngành cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến xuất bản điện tử, vì đây là xu hướng tất yếu của xuất bản hiện đại, tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm của ngành như mô hình nhà xuất bản; chính sách thuế, giá thuê nhà, thuê đất của các nhà xuất bản, đơn vị in phát hành; tích cực đưa Quỹ hỗ trợ xuất bản vào hoạt động có hiệu quả; phối hợp triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. 

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị của các nhà xuất bản để có sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giúp nhà xuất bản vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị – kinh tế năm 2014. Trên cơ sở thực tế thực hiện nhiệm vụ xuất bản thời gian qua, các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất định hướng thông tin, đôn đốc các nhà xuất bản rà soát lại kế hoạch đề tài và kế hoạch xuất bản nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những đề tài phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, nhanh chóng bổ sung, cập nhật những đề tài mới đáp ứng yêu cầu cấp thiết đã và đang đặt ra./. 

 

 
Theo Võ Dung/TTXVN