ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH 20/03/2016 07:37
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập trong thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
Trí thức là người bắc nhịp cầu hội nhập
Với đặc trưng là lao động trí tuệ chuyên sâu, am hiểu, nhanh nhạy với các biến động của thời cuộc, người trí thức dù ở các vị trí công tác, ngành nghề khác nhau đều luôn khát khao và sẵn sàng đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Họ có lợi thế là những người đi tiên phong trong tư vấn, phản biện chính sách tham gia vào phát triển. Nhưng vị trí tiên phong đó không hẳn là đương nhiên, một khi họ không ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình hoặc tự trói mình trong những giáo điều bảo thủ, định kiến.
TS Phạm Văn Phúc đang trình bày trong buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: LV
Hiện nay, khi đất nước đứng trước những vận hội lớn để phát triển nhờ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới nhưng đi kèm với nó là thách thức không nhỏ, tâm huyết và trách nhiệm của trí thức lại càng cần được chú trọng.
Để phát triển kinh tế theo chiều sâu, tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững thì sức mạnh trí tuệ, nguồn lực chất xám của các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học phải được khai thác tốt. Đội ngũ này – với vốn kiến thức về kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế – có thể tham gia vào kiến tạo chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của đất nước. Trí thức với tư cách là những nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội, đề xuất các giải pháp, hoặc tham gia đóng góp, phản biện về chính sách kinh tế, cách thức nắm bắt lợi thế phát triển và loại trừ các rủi ro.
Hiện nay, trong sự tương thuộc của toàn cầu hóa, làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, tăng tiếng nói của quốc gia trên trường quốc tế là những vấn đề lớn mà người trí thức cần thể hiện vai trò tiên phong của mình. Trí thức với ưu thế là những người nhanh nhạy trong việc tiếp nhận cái mới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suy tư chiều sâu về thế và lợi, về mạnh và yếu của đất nước thì cần có đóng góp vào chiến lược phát triển, phải tham gia phản biện về chính sách, pháp luật, những vấn đề đặt ra về phương diện chính trị – xã hội, những vấn đề nóng bỏng của đất nước và thời đại.
Bên cạnh đó, đối mặt với tình trạng tha hóa về nhân cách, đạo đức, văn hóa của một bộ phận người dân do tác động của mặt trái toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, trí thức cần lên tiếng, tham gia giải quyết các vấn đề nổi cộm như sự xuống cấp của tình người, sự lên ngôi của đồng tiền, sự lừa lọc, trí trá, chộp giật mà không chú ý đến các hệ lụy con người và xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tri thức, KH&CN là đòn bẩy, là những lực đẩy tạo ra cú hích phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học có thể đóng vai trò to lớn trong việc học hỏi, chuyển giao những kinh nghiệm quốc tế. Sự giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đòi hỏi vốn tri thức chuyên sâu và năng lực ngoại ngữ bậc cao. Đóng góp vào các lĩnh vực này hơn ai hết là các trí thức, chuyên gia; trong đó, trí thức trẻ sẽ là người đi tiên phong.
Cách dấn thân của trí thức thời toàn cầu hóa
Con đường phát triển của quốc gia, dân tộc đòi hỏi phải có sự tham gia của giới tinh hoa. Thực tế cho thấy, những khi xuất hiện những nguy cơ đối với sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia, trí thức là người có tiếng nói trước tiên. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ XX đều có sự tham gia tích cực của đông đảo các thế hệ thanh niên trí thức. Họ vừa là người cầm súng, vừa là người cầm bút đánh giặc. Nhiều trí thức trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học đã gia nhập quân đội và nhiều người trong số đó đã hy sinh.
Trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, dòng chảy thông tin được coi là xa lộ, sự giao lưu, tiếp nhận tri thức nhân loại ngày càng nhiều, nhưng các áp lực từ bên ngoài cũng rất lớn, nên trí thức phải có sự bứt phá, dấn thân một cách chuyên nghiệp hơn. Những đòi hỏi của thời đại buộc trí thức có một thái độ mới, luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân cách và tài năng, đủ sức ứng phó với những đổi thay phức tạp đang diễn ra.
Thời gian qua, có nhiều trí thức là nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, luật sư đứng lên ứng cử vào Quốc hội với tư cách là những đại biểu độc lập. Điều này cho thấy, trí thức đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước trong bối cảnh mới.
Trí thức có được tâm thế này là nhờ xu thế dân chủ hóa trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, sự phát triển của kinh tế thị trường, sự định chế các quy tắc ứng xử theo khuôn khổ của luật chơi toàn cầu mang lại. Điều đáng ghi nhận là càng ngày càng có nhiều trí thức thể hiện tinh thần tự chủ, có tiếng nói trực tiếp và thẳng thắn trước những vấn đề bức bách của đất nước, của thời đại.
Trong các thời kỳ lịch sử, trí thức luôn có vai trò quan trọng. Trong suy nghĩ của người dân và các nhà quản lý thì các nhà khoa học nói riêng cũng như đội ngũ lao động trí tuệ nói chung luôn được vị nể, trân trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với trí thức trong tự do nghiên cứu, công bố các thành quả khoa học cũng như đãi ngộ.
Để trí thức có điều kiện, cơ hội tốt nhất tham gia sâu vào sự phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho họ cống hiến bằng việc ban hành các cơ chế minh bạch và thân thiện. Đối với việc trí thức ứng cử đại biểu Quốc hội, điều cần thiết là đảm bảo công bằng về cơ hội để những trí thức tài năng, tâm huyết, đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của cử tri có thể tham gia hoạch định chính sách phát triển ở tầm vĩ mô.
Để trí thức không đứng ngoài chính trị, ngoài lề của sự phát triển, ngoài việc tạo điều kiện để trí thức tham gia phát huy tài năng, đóng góp tri thức, sức sáng tạo vào các lĩnh vực phát triển cụ thể với tư cách là một người lao động, trí thức cần được tạo điều kiện nhiều hơn để phản biện, tư vấn chính sách về các vấn đề mà sự phát triển đang đặt ra. Nếu không được mài giũa khả năng và tinh thần phản biện, trí thức sẽ vô hình trung mất đi nguồn lực sáng tạo, nuôi mầm bức xúc và tâm lý bất tuân phục chính sách. Điều này về lâu dài sẽ giết chết năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức tinh hoa.
Có thể nói, công cuộc hội nhập quốc tế có thành công hay không tùy thuộc rất lớn vào sức mạnh của KH&CN, của sự phát triển văn hóa, giáo dục mà ở đó mức độ tham gia của tầng lớp trí thức có ý nghĩa rất quan trọng.
Để phát huy vai trò đó, trí thức cần sự lắng nghe chân thành, sự thấu hiểu của các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn. Đảng, Nhà nước cần thực sự tạo điều kiện tối ưu cho các nhà khoa học được đóng góp cao nhất vào sự phát triển qua các kênh khác nhau.
ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH