Trợ lý AI Việt chiến thắng tại sự kiện công nghệ hàng đầu châu Á

Nomi, trợ lý AI của công ty Việt Nam ADT Global, vượt qua 350 startup từ 60 nước để giành giải trong cuộc thi Supernova Pitch Competition tại sự kiện Gitex Asia 2025.

Supernova Pitch Competition là cuộc thi dành cho các công ty khởi nghiệp trong khuôn khổ Gitex Asia 2025 – sự kiện công nghệ và startup lớn nhất châu Á, diễn ra cuối tuần qua tại Singapore. Nomi, do công ty ADT Global có trụ sở ở Hà Nội phát triển, giành giải Nhất ở hạng mục Gitex Europe Award, trong đó chọn ra các sản phẩm xuất sắc tham dự Supernova 100 tại Gitex Europe 2025 diễn ra ở Đức giữa tháng 5.

“Việc giành giải thưởng Gitex Europe Award của Nomi là chất xúc tác, bệ phóng mở ra cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường châu Âu và toàn cầu”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhận định. “Điều này cũng mang đến thông điệp mạnh mẽ về năng lực công nghệ của Việt Nam, cho thấy công ty công nghệ Việt đủ khả năng tạo ra sản phẩm mang tính đổi mới, có thể cạnh tranh sòng phẳng và giành chiến thắng trên các sân khấu lớn ở tầm quốc tế, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số”.

Đại diện ADT Global cùng “tấm vé” dự Gitex Europe 2025 vào 21-23/5 sau chiến thắng tại Gitex Asia 2025. Ảnh: Linh Nguyễn

Nomi sử dụng AI để quản lý tài chính cá nhân thông minh, tự động ghi nhận chi tiêu và đưa ra lời khuyên, giúp người dùng đánh giá và tiết kiệm hiệu quả. Ông Phạm Tiến Huy, Giám đốc sản xuất của ADT Global cho biết Nomi ra đời sau 15 tháng nghiên cứu và phát triển. “Chúng tôi có đội ngũ có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, kết hợp các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hàng đầu”, ông Huy nói. “Tuy nhiên, xây dựng một hệ thống AI đủ thông minh để hiểu và phản hồi tự nhiên câu hỏi và yêu cầu của người dùng liên quan đến tài chính khá phức tạp, buộc chúng tôi phải liên tục thử nghiệm và cải tiến mô hình, đồng thời phải đảm bảo tính riêng tư”.

Nomi hiện ứng dụng GPT-4o và Gemini để xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hiểu ý định của người dùng và tạo phản hồi cá nhân hóa. Ông Huy cho biết thời gian tới, ứng dụng sẽ cải thiện khả năng dự đoán và gợi ý tài chính dựa trên hành vi, mục tiêu cá nhân, cũng như thêm tính năng phân tích, báo cáo tài chính và kết nối với các ngân hàng trong nước và quốc tế.

ADT Global được thành lập năm 2015, chuyên về công nghệ và giải pháp về AI, thực tế hỗn hợp (XR), bản sao số (Digital Twins), IoT cùng các ứng dụng 3D, 360 độ, web, ứng dụng di động và game.

Gitex Asia là một phần của Gitex Global – chuỗi sự kiện ra đời từ năm 1980 tại Dubai (UAE), với mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến định hình nền kinh tế quy mô toàn cầu. Tại đây, các bộ trưởng và quan chức có thể trình bày sáng kiến, dự án kỹ thuật số lớn trong năm, cũng như công bố quan hệ đối tác công nghệ khu vực công và tư nhân.

Gitex Asia 2025 ở Singapore quy tụ hơn 700 doanh nghiệp và startup công nghệ cùng hơn 250 nhà đầu tư từ hơn 60 quốc gia. Việt Nam tham gia thông qua sự chủ trì của NIC với gian hàng Vietnam Pavilion.

Gitex Asia 2026 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2026.

Bảo Lâm

Trợ lý AI Việt chiến thắng tại sự kiện công nghệ hàng đầu châu Á – Báo VnExpress

 

Chỉ có hợp tác toàn cầu mới giải quyết được bài toán phát triển xanh

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên trí tuệ” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025 vào sáng 17/4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chỉ có hợp tác toàn cầu thì mới giải quyết được bài toán phát triển xanh. Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh.

Cổng TTĐT Bộ KH&CN xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biều đề dẫn Phiên thảo luận “Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) sáng 17/4/2025

Phát triển xanh là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại. Lịch sử phát triển của con người từ trước đến nay cơ bản dựa trên tiêu thụ và làm cạn kiệt tài nguyên, và với tốc độ ngày một cao hơn. Trong khi tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, chất thải tạo ra đã làm ô nhiễm môi trường. Nhiều đến mức mà Mẹ thiên nhiên đã phải lên tiếng, có lúc đã nổi giận. Động đến Mẹ thiên nhiên là chúng ta đã động đến gốc của sự sống. Sự phát triển như vậy là thiếu bền vững. Sự phát triển như vậy là thiếu đạo đức. Sự phát triển như vậy là thiếu trách nhiệm với con cháu mình.

Người Việt Nam thường nói, có một thứ là vô hạn, đó là trí tuệ của một con người. Trí tuệ của hàng chục tỷ con người thì còn vô hạn hơn nữa. Nhưng trí tuệ con người lại đang nằm ngủ là chính. Nó chỉ được đánh thức khi có thách thức. Nếu thách thức là vô hạn thì trí tuệ con người mới trở thành vô hạn. Phát triển xanh và bền vững là một thách thức rất lớn của nhân loại. Vì thách thức này rất lớn nên trí tuệ con người sẽ được kích hoạt và cũng sẽ trở lên rất lớn để giải quyết thách thức này.

Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh và kinh tế số. Đây là những cam kết mạnh mẽ, tạo một áp lực lớn cho chính mình, để kích hoạt trí tuệ Việt Nam, tìm kiếm đổi mới sáng tạo toàn cầu để giải bài toán phát triển xanh của Việt Nam và nhân loại.

Quanh cảnh phiên thảo luận

Chuyển đổi xanh là một chặng đường dài. Bởi vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh và cân bằng bao gồm thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, công nghệ xanh, dữ liệu xanh và văn hóa xanh. Trong hệ sinh thái này, công nghệ xanh có vai trò quyết định.

Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng phải hướng vào phục vụ phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đã đưa bộ 3 này về chung một Bộ quản lý nhà nước. Coi KHCN, ĐMST và CĐS là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Về ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ mới. Với Việt Nam, các công nghệ đột phá có thể tạo ra sự thay đổi căn bản cho sự phát triển xanh của nhân loại là hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Các công nghệ số thế hệ mới tạo động lực cho chuyển đổi xanh là AI, IoT, Big Data, Chip bán dẫn. Đó đều là các công nghệ được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là các công nghệ chiến lược để ưu tiên phát triển.

Việt Nam coi AI là công nghệ cốt lõi nhất của CMCN lần thứ tư. CĐS của Việt Nam đang được chuyển thành chuyển đổi AI. Nhưng cách tiếp cận AI của Việt Nam là AI không thay thế con người mà chỉ tăng thêm quyền năng cho con người (Empower con người). AI giải phóng con người khỏi một số việc mà con người không giỏi (ví dụ như phải nhớ nhiều, phải xử lý nhiều dữ liệu), để con người làm tốt hơn những việc còn lại, những việc mà con người giỏi hơn (ví dụ những việc không có dữ liệu). AI là trợ lý giúp việc của con người, làm cho con người thông minh hơn. Đặc biệt, AI làm cho mọi hoạt động của con người thông minh hơn, tối ưu hơn và vì thế tiết kiệm tài nguyên hơn.

Suy luận ra tương lai dựa trên dữ liệu quá khứ thì AI giỏi hơn con người. Từ trước đến nay, cách mà con người suy luận ra tương lai đều dựa trên quá khứ. Nhưng quá khứ loài người đã quá lớn để con người có thể xử lý. AI xuất hiện đã giải quyết được vấn đề này. Nhưng suy luận tương lai dựa trên tưởng tượng về tương lai thì AI kém con người, vì không có dữ liệu gì cả. Vậy là từ nay, con người suy luận ra tương lai dựa trên quá khứ thì nhờ AI, còn dựa trên tưởng tượng tương lai thì con người sẽ tự làm. Do vậy, con người đi tới tương lai sẽ nhanh hơn so với trong quá khứ rất nhiều. Phát triển xanh là khai phá tương lai.

Trí tuệ nhân tạo rất thông minh, nhưng nếu con người không thông minh hơn, không thông minh hơn trong cách phát triển, thì các nguy cơ vẫn còn đó. Bởi vậy, trí tuệ nhân tạo phải giúp con người thông minh hơn, đây nên là yêu cầu số một với AI, cũng nên là yêu cầu số một để con người có thể phát triển một cách văn minh hơn, tức là phát triển xanh hơn, bền vững hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm tăng trưởng xanh với chủ đề “Sáng tạo nhỏ – Tác động lớn”

Về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Xanh và số là một cặp song sinh.

Muốn xanh thì phải số. Lên môi trường số, con người sẽ tiêu sài vật chất ít đi, tiết kiệm các tài nguyên. Các hoạt động trên môi trường số cũng sẽ hiệu quả hơn, vì phi vật chất, phi khoảng cách, phi trung gian và phi tiếp xúc. Việt Nam thúc đẩy CĐS một cách toàn dân và toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Muốn số thì phải xanh. CĐS thì phải xanh. Các trung tâm dữ liệu sẽ là hộ tiêu dùng điện lớn nhất trong tương lai. Vậy, CĐS phải dùng điện xanh, phải sử dụng điện năng hiệu quả. Các trung tâm dữ liệu mới của Việt Nam phải có hiệu suất sử dụng PUE dưới 1,3.

Về tiêu chuẩn xanh. Muốn chuyển đổi xanh thì phải có các tiêu chuẩn xanh. Tiêu chuẩn là dẫn dắt quốc gia, một quốc gia muốn hướng tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để hướng tới đó. Chuyển đổi xanh là vấn đề toàn cầu, chúng ta cần hợp tác về xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu.

Về sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, từ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, tri thức đến dữ liệu và vốn. Nhân loại hiện chưa sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Tái chế mới đạt khoảng 7,2%, lãng phí lương thực trên 30%, hiệu suất sử dụng điện năng mới đạt 30-40%, mới có 5% dữ liệu được phân tích và sử dụng có hiệu quả, mới có 2% tổng tài sản tài chính toàn cầu được đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh và bền vững.

Lời giải có thể là, dùng IoT để số hóa toàn bộ thế giới thực và AI để giám sát hiệu quả hoạt động của toàn bộ thế giới thực, từ đó, đánh giá và ra quyết định điều chỉnh thì con người sẽ sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn rất nhiều.

“Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh.”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Phát triển xanh và bền vững phải trở thành lối sống của từng người dân. Tiêu sài của nhân loại là tổng tiêu sài của gần 9 tỷ người. Lãng phí hay hiệu quả là do từng người dùng, và hàng ngày. Việc tuyên truyền hiệu quả nhất là phát triển một trợ lý ảo 24/7 có thể trả lời mọi vướng mắc và hướng dẫn người dân sống xanh và tiêu dùng xanh.

Chúng tôi kêu gọi hành động toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương, sáng tạo những mô hình hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh.

Chúng tôi đề xuất thành lập trang web để các quốc gia thuộc P4G, các tập đoàn, công ty có thể tiếp cận một cách thuận lợi và nhanh nhất thông tin về các công nghệ, kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh. Thành lập Mô hình đổi mới sáng tạo mở” trong các nước thành viên P4G để hình thành cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và các tập đoàn, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi xanh.

Tôi hy vọng, Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên trí tuệ” sẽ gợi mở nhiều hướng tiếp cận mới về phát triển xanh, sẽ tạo ra các cơ hội hợp tác toàn cầu. Bởi vì, chỉ có hợp tác toàn cầu thì mới giải quyết được bài toán phát triển xanh. Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh.

Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Chỉ có hợp tác toàn cầu mới giải quyết được bài toán phát triển xanh

Bức ảnh hé lộ thay đổi của Trái Đất sau 50 năm

Bức ảnh “Viên bi xanh” nổi tiếng chụp toàn bộ Trái Đất đã có nhiều thay đổi sau 50 năm dưới tác động của ấm lên toàn cầu.

Bức ảnh Viên bi xanh (trái, năm 1972) và sau 50 năm (phải, năm 2022). Ảnh: NASA

Ngày 7/12/1972, lần đầu tiên hình ảnh toàn bộ Trái Đất được tái hiện qua bức ảnh mang tên “Viên bi xanh”. Bức ảnh chụp bởi phi hành đoàn Apollo 17 khi họ bay vào không gian trong nhiệm vụ có người lái cuối cùng đến Mặt Trăng. Bức ảnh này đã thay đổi cách con người nhìn nhận Trái Đất, theo BBC.

Bức ảnh “Viên bi xanh” đầu tiên được phi hành đoàn chụp bằng máy ảnh cầm tay Hasselblad 500 EL với phim Kodak 70mm, từ khoảng cách 29.000 km, khi Mặt Trời chiếu sáng toàn địa cầu từ phía sau tàu Apollo 17. Hình ảnh cho thấy Trái Đất từ vùng biển Địa Trung Hải đến chỏm băng ở Nam Cực với nhiều đám mây lớn che phủ Nam bán cầu. Gần như toàn bộ đường bờ biển châu Phi có thể nhìn thấy rõ trong ảnh.

Vào ngày 7/12/2022, tròn 50 năm kể từ khi bức ảnh gốc ra đời, một bức ảnh “Viên bi xanh” mới đã được ghi lại bởi vệ tinh ở khoảng cách hàng triệu kilomet. Hình ảnh được chụp bởi máy ảnh Earth Polychromatic Imaging Camera (Epic) của NASA, có thể ghi hình từ 13 đến 22 lần mỗi ngày. Lần này, một bộ 12 bức ảnh được chụp cách nhau 15 phút, hé lộ những thay đổi rõ rệt trên bề mặt Trái Đất sau 50 năm ấm lên toàn cầu.

Khác biệt nổi bật nhất giữa hai bức ảnh sau 50 năm là sự giảm kích thước của dải băng Nam Cực. Sa mạc Sahara mở rộng, rừng nhiệt đới “thu hẹp” về phía nam. Nghiên cứu cho thấy mật độ cây che phủ tại khu vực Sahel giáp với sa mạc Sahara đang suy giảm đáng kể. Điều nổi trội có thể thấy trong bức ảnh mới là nạn chặt phá rừng và cây cối biến mất khi bề mặt Trái Đất chuyển từ màu xanh lá sang sa mạc hóa.

Một thay đổi khác nữa là hoạt động của con người trên bề mặt hành tinh. Dù không thể nhìn thấy trong những bức ảnh ban ngày của Trái Đất, các vệ tinh khác theo dõi ánh đèn xuất hiện vào ban đêm cho thấy sự mở rộng đô thị trên các lục địa cùng với hoạt động vận chuyển trên đại dương. Cháy rừng cũng lan rộng vào ban đêm với tần suất tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 năm qua.

Nhìn vào hai bức ảnh “Viên bi xanh” năm 1972 và 2022 xếp cạnh nhau, Nick Pepin, nhà khoa học khí hậu ở Đại học Portsmouth tại Anh, mô tả “bầu khí quyển hỗn loạn” của Trái Đất. Trong cả hai bức ảnh đều có những đám mây hình thành trên khu vực rừng nhiệt đới xanh tươi, chứng minh mối liên hệ không thể tách rời giữa rừng và mưa.

“Nếu nhìn vào Trung Phi, có thể thấy phần lớn đám mây, đặc biệt ở bức ảnh trước không đồng đều, hé lộ những cơn giông bão. Trong khi nếu đi xa hơn về phía Bắc và nhìn vào sa mạc Sahara, bạn có thể thấy không có đám mây nào”, Pepin nhận xét.

Jennifer Levasseur, quản lý ở Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian tại Washington DC, chỉ ra có “sự khác biệt cơ bản lớn” giữa hai bức ảnh. Một được chụp bởi con người và một chụp bởi vệ tinh. Điều đó không tạo ra cùng tác động. Levasseur đặt kỳ vọng những bức ảnh mang về từ nhiệm vụ Artemis II tới Mặt Trăng vào năm 2026.

An Khang

Bức ảnh hé lộ thay đổi của Trái Đất sau 50 năm – Báo VnExpress

Sạc đầy 100% có gây hại cho pin điện thoại?

Nhiều người thường sạc điện thoại qua đêm để bắt đầu ngày mới với 100% pin và các chuyên gia từ lâu đã khuyến cáo thói quen này làm giảm tuổi thọ cho pin.

Theo Chao-Yang Wang, Giám đốc Trung tâm Động cơ Điện hóa tại Đại học Bang Pennsylvania, nhận định trên đúng một phần. Ông lưu ý, nếu thường xuyên sạc điện thoại đến 100%, pin sẽ xuống cấp nhanh hơn 10-15% so với việc sạc ở mức thấp, ví dụ 90%.

Còn Dibakar Datta, phó giáo sư kỹ thuật công nghiệp và cơ khí tại Viện Công nghệ New Jersey, cho biết việc vẫn cắm sạc sau khi đầy khiến pin luôn ở mức điện áp cao, dẫn đến tình trạng “lão hóa hóa học”.

Theo HuffPost, sự xuống cấp này diễn ra chậm và pin điện thoại hiện khá bền, nên người dùng không cần quá lo lắng. “Pin có khả năng tồn tại lâu hơn những thành phần khác của điện thoại”, ông Wang nói. Người dùng có thể cần một smartphone mới vì những lý do khác như chất lượng camera giảm hoặc màn hình vỡ trước khi pin hỏng.

“Tất cả phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người và sự tiện lợi. Nếu có một ngày quan trọng, bạn nên sạc 100% để có nhiều năng lượng cho thời gian sử dụng lâu hơn”, ông Wang giải thích.

Sạc điện thoại 80% thay vì 100% giúp kéo dài tuổi thọ pin. Ảnh: Selby

Nếu phải di chuyển nhiều trong ngày và cần smartphone dẫn đường, người dùng nên sạc đầy trước khi ra ngoài. Nhưng nếu ở nhà cả ngày và không quá phụ thuộc vào điện thoại, chỉ nên sạc đến 85%.

Trong khi đó, Dibakar Datta khuyến cáo không nên thường xuyên để pin xuống 0% vì có thể gây hại cho khả năng duy trì mức pin của điện thoại. Giữ pin trong khoảng 20-80% là lý tưởng, nên người dùng có thể bắt đầu cắm sạc ở mức khoảng 20%.

Để bảo vệ tốt hơn, pin cũng nên được giữ ở nhiệt độ phù hợp. “Tôi nghĩ pin có lẽ ‘sợ’ nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng. Thiệt hại trong những điều kiện khắc nghiệt như thế có lẽ lớn hơn việc sạc đến 100% ở nhiệt độ bình thường”, ông Wang nói.

Nhiều smartphone được thiết kế để thay đổi tốc độ sạc tùy theo thời tiết và màn hình đôi khi xuất hiện thông báo điện thoại quá nóng nên không thể sạc. Lý tưởng nhất, điện thoại nên được đặt trong nhiệt độ phòng.

Các chuyên gia cũng khuyên không nên dùng sạc nhanh thường xuyên. “Sạc chậm tốt hơn vì sạc quá nhanh tạo ra nhiệt và có thể làm pin giảm tuổi thọ theo thời gian”, Datta giải thích.

Đa số smartphone cung cấp thông tin về tình trạng pin trong phần cài đặt. Người dùng cũng có thể nhờ đến chuyên viên tại các cửa hàng để kiểm tra thông tin này và nên thay pin nếu “sức khỏe” pin ở mức dưới 80%.

Thu Thảo (Theo Huffpost)

Sạc đầy 100% có gây hại cho pin điện thoại? – Báo VnExpress

Việt Nam tiến tới chỉ còn mạng 4G và 5G

Mạng 2G sẽ tắt hoàn toàn sau khi người dùng chuyển sang thiết bị hỗ trợ cuộc gọi thoại VoLTE, tiến tới dừng mạng 3G và từ năm 2028 chỉ còn mạng 4G trở lên.

Nhà mạng Viettel bắt đầu gửi tin nhắn đến những thuê bao đang sử dụng thiết bị đời cũ, khuyến nghị nâng cấp lên thiết bị hỗ trợ VoLTE. Người chủ động nâng cấp trong giai đoạn này sẽ được hỗ trợ phút gọi hoặc trợ giá khi mua máy.

Đây là động thái tiếp theo của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm thúc đẩy người dùng đổi sang thiết bị không cần mạng 2G/3G, sau chiến dịch loại bỏ máy 2G Only năm ngoái.

Một người sử dụng điện thoại “cục gạch” trước ngày tắt sóng 2G, tháng 10/2024. Ảnh: Lưu Quý

VoLTE (Voice over LTE) cho phép thực hiện cuộc gọi thoại qua mạng 4G LTE, thay vì mạng 2G hoặc 3G. Công nghệ này được giới thiệu mang đến cuộc gọi có chất lượng âm thanh tốt hơn, kết nối nhanh và ổn định hơn, đồng thời người dùng có thể vừa gọi điện vừa dùng mạng 4G để truy cập Internet. Nếu không hỗ trợ VoLTE, người dùng sẽ gặp hiện tượng khi thực hiện cuộc gọi, điện thoại có thể bị đưa về chế độ 2G hoặc 3G.

Việc vẫn tồn tại trên thị trường thiết bị không hỗ trợ VoLTE là nguyên nhân các nhà mạng dù đã ngừng cung cấp dịch vụ 2G vẫn chưa thể tắt sóng hoàn toàn.

Tại sự kiện của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu GSMA tuần trước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Viễn thông – Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết mạng 2G tại Việt Nam hiện vẫn cần duy trì nhằm hỗ trợ cho thiết bị đầu cuối chưa có công nghệ VoLTE, cũng như phục vụ một số dịch vụ IoT băng thông hẹp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có biện pháp thúc đẩy người dùng chuyển sang kết nối Internet băng thông rộng.

“Năm 2028, chúng tôi sẽ dừng cả công nghệ 3G. Lúc đó Việt Nam chỉ còn 4G và 5G”, ông Nhã nói.

Theo lộ trình, mạng 2G sẽ được tắt hoàn toàn vào tháng 9/2026. Dù còn hơn một năm, đại diện một nhà mạng cho biết việc thúc đẩy nâng cấp máy hỗ trợ VoLTE từ bây giờ nhằm tránh tình trạng người dùng bị động hoặc chờ đến những ngày cuối mới nâng cấp, dẫn tới nguy cơ mất liên lạc, tình trạng từng xảy ra khi ngừng hỗ trợ máy 2G Only năm ngoái.

Hiện chưa có thống kê về số máy không hỗ trợ VoLTE trên thị trường. Thực tế gần một năm qua, thiết bị này không còn được nhập vào Việt Nam, chỉ tồn tại dưới dạng máy đời cũ hoặc đã qua sử dụng. Theo quy định từ ngày 1/7/2024, điện thoại di động sử dụng công nghệ E-Utra (4G) được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ tính năng thoại VoLTE.

Việc dừng dịch vụ 2G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang mạng 4G, đưa người dân lên môi trường số, tận hưởng dịch vụ tiên tiến như thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Việc này cũng giúp giảm tải cho nhà mạng, từ đó sẵn sàng hạ tầng, nhân lực cho các công nghệ mạng thế hệ mới như 5G, 6G.

Lưu Quý

Việt Nam tiến tới chỉ còn mạng 4G và 5G – Báo VnExpress

Loa báo chuyển tiền nở rộ tại Việt Nam

“Đã nhận 60.000 đồng”, âm thanh vang lên trong cửa hàng, người khách cất điện thoại và rời đi, còn bà Hòa tiếp tục gói đồ, không cần mở smartphone kiểm tra giao dịch.

Kể từ khi trang bị bộ loa thông báo giao dịch cho quầy thực phẩm cách đây ba tháng, việc nghe số tiền về tài khoản đã trở thành thói quen của bà Hòa (Hà Đông, Hà Nội) thay vì phải mở điện thoại kiểm tra hoặc yêu cầu người mua cho xem màn hình chuyển khoản.

Loa thông báo nhận tiền chuyển khoản tại một cửa hàng thực phẩm ở Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Bà Hòa, hơn 60 tuổi, bán thực phẩm 20 năm nay trong một khu chợ ở Hà Đông. Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người muốn chuyển khoản khi mua hàng. Tự nhận chưa thông thạo công nghệ, bà thường “nhận tiền bằng niềm tin”, vì không đủ thời gian kiểm tra từng giao dịch, trừ số tiền lớn. Có những lần khách chuyển thiếu, thậm chí quên, nhưng đến cuối ngày thống kê bà mới nhận ra.

“Tiếng chuông báo giúp tôi không còn phải loay hoay với cái điện thoại. Giờ cứ nghe loa báo tiền về mới yên tâm”, bà Hòa nói. “Khách đôi khi phải đợi thêm vài giây, nhưng họ cũng dần quen”.

Hơn một năm trước, khi thủ đoạn tạo bill chuyển khoản giả nở rộ, cửa hàng tạp hóa của Huỳnh Minh (Thủ Đức, TP HCM) cũng trở thành nạn nhân. Sau một lần khách báo chuyển tiền và rời đi nhưng không thấy tiền về, anh rút kinh nghiệm, kiểm tra từng giao dịch rồi mới đưa hàng. “Việc này đôi khi bất tiện hoặc khiến khách khó chịu, Nhưng mỗi ngày gặp hàng trăm khách, vẫn phải cẩn thận”, anh cho hay.

Đầu năm, khi nhân viên tư vấn của một ngân hàng đề nghị lắp loa báo tiền, anh lập tức đồng ý. Với cửa hàng rộng, hai quầy thanh toán ở hai khu tạp hóa và thực phẩm, loa giúp tiết kiệm thời gian, không cần hỏi lại khách, đồng thời tránh rủi ro nhầm lẫn, lừa đảo. “Thật tiếc vì không biết thiết bị này sớm hơn”, anh Minh nói.

Loa thông báo nhận tiền chuyển khoản, gọi là loa báo tiền, xuất hiện ở Việt Nam được khoảng một năm và nở rộ từ đầu 2025. Sản phẩm về cơ bản là một loa nhỏ, kết nối mạng qua wifi hoặc 4G/5G, cùng phần mềm quản lý hoặc phần mềm của ví điện tử. Một số tích hợp thêm màn hình LED hiển thị số tiền, hoặc có chỗ gắn mã QR. Khi xác định một giao dịch thành công trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, thiết bị sẽ nhận thông tin và phát ra loa.

Người dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm này, đến từ các ngân hàng như MBank, Techcombank, ứng dụng tài chính như MoMo, Vnpay, 9Pay, hay nhà cung cấp dịch vụ bán hàng, với giá vài trăm nghìn đồng. Một số đơn vị cung cấp thiết bị miễn phí, nhưng tính phí thuê bao hàng tháng dưới 10.000 đồng. Giải pháp sáng tạo này được nhiều hộ kinh doanh nhỏ lựa chọn, vừa tăng tính chuyên nghiệp, vừa giúp họ tiếp cận chuyển đổi số theo cách gần gũi và dễ dàng.

Một mẫu loa báo tiền tích hợp màn hình hiển thị QR. Ảnh: Bá Mạnh

Theo ông Phan Bá Mạnh, nhà phát triển ứng dụng quản lý bán hàng và cung cấp loa báo tiền cho một số ngân hàng, thiết bị giúp giải quyết nhiều bài toán trong việc chuyển tiền online, nhất là với nhóm tiểu thương.

“Việt Nam có hàng triệu tiểu thương. Mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, khiến việc bị lừa đảo giả mạo chuyển khoản trở thành một nỗi lo với họ, đặc biệt những người lớn tuổi hoặc chưa có nhiều hiểu biết về công nghệ”, ông Mạnh nói. “Thiết bị thông báo mỗi khi nhận tiền giống như trợ lý giúp giải quyết nỗi lo đó”.

Ông Mạnh cho biết giải pháp này phổ biến ở một số nước phát triển, nhưng mới xuất hiện tại Việt Nam trong xu hướng thanh toán không tiền mặt và nhanh chóng được tin dùng. Một số ngân hàng gần đây cũng tích hợp trực tiếp giải pháp tương tự vào ứng dụng.

MoMo, một trong những bên đầu tiên cung cấp loa báo tiền tại Việt Nam, cho biết ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tế của chủ cửa hàng và hộ kinh doanh nhỏ: cần xác nhận thanh toán thành công, trong khi bận bán hàng và không tiện kiểm tra điện thoại. Việc kiểm tra hoặc chụp lại màn hình chuyển khoản không chỉ làm gián đoạn quá trình phục vụ, mà còn tiềm ẩn rủi ro sai sót, nguy cơ gian lận từ hình ảnh giả mạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem một chiếc loa báo chuyển khoản tại gian hàng của MoMo trong sự kiện P4G 2025. Ảnh: Như Ý

Theo các chuyên gia, thiết bị nhỏ gọn này đáp ứng nhu cầu của một nhóm người dùng, dễ sử dụng, phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt đi sâu vào cuộc sống. Điều này cũng cho thấy chuyển đổi số không nhất thiết phải là những giải pháp đầu tư lớn và thay đổi mô hình vận hành.

Thống kê giữa 2024 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy giá trị thanh toán không tiền mặt đã gấp 23 lần GDP. Còn theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 do Visa thực hiện, thời gian trung bình một người Việt không chi tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần 4 lần so với 2022. 62% người được hỏi có thanh toán bằng QR, trung bình quét mã 16,2 lần một tháng, cao hơn dùng thẻ (12-13 lần mỗi tháng).

Bên cạnh lợi ích về tính tiện dụng, an toàn, loa thông báo còn hạn chế như chất lượng loa ở mức trung bình, hoặc có độ bền không cao, kết nối chập chờn, thông báo có độ trễ. Một số ứng dụng thiết lập nội dung dài, khi nhiều người chuyển tiền cùng lúc có thể khiến việc thông báo mất nhiều thời gian. Chuyên gia khuyến cáo người dùng nên chọn giải pháp từ các đơn vị có thể hỗ trợ lâu dài và đảm bảo về tính bảo mật.

Lưu Quý

Loa báo chuyển tiền nở rộ tại Việt Nam – Báo VnExpress

Google hé lộ cách đảm bảo kết quả tìm kiếm ‘luôn sẵn sàng’

Google cho biết ưu tiên của họ là đảm bảo công cụ tìm kiếm “luôn sẵn sàng”, dù người dùng tra tỷ số của trận đấu đang diễn ra, hay cập nhập tình hình cơn bão.

“Google Search đã có nhiều thay đổi thời gian qua, nhưng có hai yếu tố không đổi từ đầu, là tốc độ và độ tin cậy”, Google mở đầu bài viết trên blog ngày 17/4.

Theo đại diện hãng, Google Search phải “sẵn sàng khi bạn cần”, dù kiểm tra tỷ số hay tìm kiếm thông tin mới nhất về sự kiện đang diễn ra. Hệ thống máy chủ luôn chuẩn bị cho kịch bản lưu lượng truy cập tăng đột biến.

Tìm kiếm thông minh trên Google Search. Ảnh: PCMag

Để thực hiện điều này, Google xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ tìm kiếm ở quy mô toàn cầu, với các trung tâm dữ liệu có thể xử lý hàng tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày. Google ước tính người dùng sẽ cần thực hiện 150.000 lượt tìm kiếm mới gặp phải một lỗi liên quan đến máy chủ của công ty. Nếu một người tìm 10 lần mỗi ngày, họ có thể sử dụng công cụ tới 40 năm mà không gặp trục trặc.

“Hệ thống được thiết kế để xử lý nhu cầu khổng lồ và hoạt động dưới áp lực cao, ngay cả khi phải đối mặt với sự gia tăng đột biến không lường trước”, Google cho hay. “Chuyên gia của chúng tôi liên tục đánh giá các ‘tín hiệu’ từ người dùng để phân tích, xác định điểm yếu trong hệ thống và xây dựng biện pháp giảm thiểu”.

Bên cạnh đó, Google cũng nhấn mạnh về tốc độ. Công ty đánh giá trong thế giới của “sự thỏa mãn tức thời” hiện nay, sự chậm trễ có thể khiến người dùng rời nền tảng. Do đó, công cụ tìm kiếm phải đạt tốc độ truy vấn cao nhất có thể.

Yếu tố tốc độ giúp khả năng tìm kiếm trên Google không có đối thủ. Công ty cho biết trong hai năm qua, những cải tiến về độ trễ giúp người dùng tiết kiệm hơn một triệu giờ mỗi ngày. AI dự kiến giúp khả năng truy vấn đạt tốc độ cao hơn nữa. Chẳng hạn, AI Overviews, bản tóm tắt ở đầu trang kết quả của Google Search, đã hoạt động từ năm ngoái tại hơn 100 quốc gia với hơn một tỷ người dùng. Dù vậy, chức năng này cũng đang vướng vào kiện tụng.

Theo Android Headline, khi ra mắt năm 1998, Google tạo nên một cuộc cách mạng. Thay vì chỉ quét nội dung, công cụ còn xem xét các nguồn liên kết đến một website, đánh giá mức độ liên quan và phù hợp. Đột phá này giúp Google vượt trội mọi công cụ trước đó trong việc truy xuất kết quả. Trong 25 năm, Google Search thống trị mảng tìm kiếm trên Internet, đồng thời ít gặp sự cố nghiêm trọng.

Google vẫn làm chủ thị trường, nhưng tỷ lệ bắt đầu giảm dần. Dữ liệu khảo sát của công ty phân tích Evercore cho thấy, thị phần Google chiếm 78% vào tháng 12/2024, giảm so với mức 80% hồi tháng 6 cùng năm. Thay đổi một vài điểm phần trăm không quá lớn. Tuy nhiên, các công cụ tìm kiếm bằng AI như ChatGPT hay Grok được cho là yếu tố khiến lượng người dùng Google Search giảm. Theo Evercore, 5% số người được hỏi đã sử dụng ChatGPT để tìm thông tin trên mạng vào tháng 12/2024, trong khi trước đó 6 tháng chỉ là 1%.

Ngoài ra, việc thống trị thị trường tìm kiếm cũng khiến Google bị cáo buộc độc quyền. Hồi tháng 8/2024, công ty nhận phán quyết từ tòa án quận ở Washington DC về độc quyền tìm kiếm trực tuyến. Phiên xét xử sẽ được thực hiện tuần tới, trong đó Google có thể đối mặt với lệnh bán trình duyệt Chrome và phải đưa ra các biện pháp khác để chấm dứt sự thống trị của mình. Ngày 17/4, tòa án Mỹ cũng kết luận Google đã xây dựng “quyền lực độc quyền” bất hợp pháp và chi phối thị trường quảng cáo trực tuyến.

Bảo Lâm tổng hợp

Google hé lộ cách đảm bảo kết quả tìm kiếm ‘luôn sẵn sàng’ – Báo VnExpress

Tim Cook giúp Apple thoát đòn thuế của Trump thế nào

Mối quan hệ giữa Tim Cook và Tổng thống Mỹ Donald Trump cộng với chiến lược mềm dẻo giúp Apple chưa bị ảnh hưởng trước chính sách thuế mới.

Ngày 11/4, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) thông báo miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, cũng như máy móc để sản xuất bán dẫn, pin mặt trời. Ngày 13/4, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng các sản phẩm này “đang dịch chuyển sang một mức thuế khác”.

Theo Reuters, dù có thể vẫn bị áp thuế khác, diễn biến mới có lợi cho các hãng công nghệ, đặc biệt là Apple vốn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nước ngoài.

Ông Donald Trump tham quan nhà máy Apple ở Austin, Texas vào tháng 12/2019. Ảnh: Reuters

Dẫn hai nguồn tin nội bộ, Washington Post cho biết CEO Apple Tim Cook đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick từ tuần trước để trao đổi về tác động tiềm tàng của thuế quan đối với giá iPhone. Ông cũng nói chuyện với một số quan chức cấp cao khác tại Nhà Trắng về vấn đề này.

Khác với các CEO công nghệ khác, Cook không chỉ trích công khai Tổng thống Mỹ trên truyền thông về chính sách thuế đối ứng mới. Thay vào đó, ông chọn gặp gỡ riêng.

Trước đó, theo Bloomberg, thuế đối ứng của ông Trump khiến nhiều lãnh đạo công nghệ không ngồi yên. Một số CEO như Jensen Huang của Nvidia, Sundar Pichai của Google và Tim Cook của Apple đã tới Nhà Trắng và Mar-a-Lago để tìm cách hạn chế tác động. Washington Post mô tả chính sách mới “gây ra một cơn sốt vận động hành lang” ở Washington, khi các công ty chạy đua để giảm các thiệt hại tài chính tiềm tàng.

Kết quả là chính quyền Trump đồng ý ngồi lại với các công ty, nhưng Tổng thống Mỹ được cho là ghét sự “miễn trừ”, vì làm suy yếu tầm quan trọng của chính sách thuế mới. Khoảng một tuần sau, thuế mới được tạm hoãn với đồ điện tử. Dù không được miễn trừ hoàn toàn, giới quan sát đánh giá Apple và một số công ty đã giành được chiến thắng đáng kể về thuế quan.

Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai phủ nhận chính quyền “thực hiện bất kỳ ưu đãi cụ thể nào cho Tim Cook và Apple”. Tuy nhiên, nói với báo giới đầu tuần này, ông Trump cho biết: “Gần đây tôi đã nói chuyện với Tim Cook. Tôi đã giúp ông ấy và toàn bộ ngành đó. Tôi không muốn làm tổn thương ai cả”.

“Tim có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống. Ông ấy rất thận trọng vì rõ ràng ông ấy phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với Mỹ”, Wilbur Ross, cựu bộ trưởng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhận xét.

Theo Ross, Cook “rất được kính trọng” vì không phải người hay than vãn, giúp ông có được thiện cảm của Tổng thống Mỹ. “Tôi không ngạc nhiên khi những đề xuất của ông ấy được đón nhận nồng nhiệt”, Ross nói thêm.

Ông Trump và Cook có mối quan hệ thân thiết, được đánh giá là “nguồn gốc thực sự của sự ghen tị và noi theo trong giới kinh doanh”. Trong nhiệm kỳ đầu, cả hai dùng bữa tối riêng, sau đó ông Trump đồng ý cắt giảm thuế đối với Trung Quốc sau khi Cook trực tiếp yêu cầu.

Đầu tháng này, Washington Post dẫn lời của một người tham dự buổi trao tặng một triệu USD cho quỹ nhậm chức Tổng thống cuối năm ngoái, rằng ông Trump đã hỏi nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen nghĩ gì về Cook. Andreessen trả lời ông rất ấn tượng với khả năng lãnh đạo của CEO Apple. Trump đồng ý và nói ông cũng đánh giá cao cách Tim Cook gặp ông trực tiếp mà không cần trung gian.

Kể từ khi lệnh miễn trừ thuế được công bố, cổ phiếu Apple phục hồi 7% giá trị. Theo ước tính của công ty tài chính Wedbush Securities, mức thuế 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến Apple phải tính phí hơn 2.000 USD cho iPhone Pro. Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại Wedbush Securities, nói với CNN rằng mức giá thậm chí có thể tăng lên 3.500 USD nếu được sản xuất tại Mỹ thay vì 1.000 USD như hiện tại.

Bảo Lâm tổng hợp

Tim Cook giúp Apple thoát đòn thuế của Trump thế nào – Báo VnExpress

Trung Quốc tích hợp AI vào vận hành cảng tự động

Các cảng biển lớn dọc bờ biển Trung Quốc đang đẩy mạnh tích hợp AI và công nghệ tự động giúp tăng cường hiệu suất xử lý và tốc độ bốc dỡ hàng hóa.

Bến Nansha ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: VCG

Tại một bến cảng ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cần cẩu tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dỡ hàng từ tàu, trong khi xe không người lái di chuyển chính xác giữa các vũng tàu đậu. Đây là cuộc cách mạng cảng tự động đang diễn ra ở Trung Quốc. Bến Nansha giai đoạn IV tại Quảng Châu, hoàn thành vào tháng 11/2024, là một trong 52 cảng tự động hoàn toàn của Trung Quốc tính đến cuối năm 2024, theo Bộ Giao thông Vận tải.

52 cảng này trải dài theo bờ biển Trung Quốc, từ vịnh Bột Hải đến đồng bằng sông Dương Tử và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macao, tạo thành mạng lưới hàng đầu thế giới về quy mô, hiệu suất và công nghệ. “Trước đây, người điều khiển cần cẩu làm việc trong cabin cao 40 m, cố gắng nhìn thấy những container bên dưới”, ông Yang Xuan, người vận hành kỳ cựu tại cảng Quảng Châu cho biết. “Bây giờ, chúng tôi làm việc trong phòng điều khiển thông minh cách tàu hàng trăm mét, với hiệu suất và độ an toàn cao hơn nhiều”.

Bến này tích hợp các công nghệ tiên tiến bao gồm hệ thống định vị Bắc Đẩu, liên lạc 5G, lái xe tự động và AI. Xe dẫn đường thông minh tự động tính toán lộ trình tối ưu, trong khi thuật toán thông minh điều phối toàn bộ thiết bị bốc dỡ. Thành tựu này đang thay đổi năng suất. Tại tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, bến tự động của cảng Thanh Đảo lập kỷ lục thế giới thứ 11 về tốc độ bốc dỡ vào tháng 12 năm ngoái, mỗi cần cẩu xử lý trung bình 60,6 container mỗi giờ, hơn gấp đôi so với các bến truyền thống (khoảng 25 – 28 container mỗi giờ).

Hợp tác giữa các cảng tự động đã cải thiện đáng kể hiệu quả vận chuyển. Tuyến vận chuyển “FAST” giữa Thượng Hải và Quảng Châu giúp giảm 65% chi phí chở hàng so với vận tải đường bộ. Sự phát triển nhanh chóng của công cuộc tự động hóa cảng biển ở Trung Quốc dựa vào các hệ thống phát triển nội địa. Theo một báo cáo về các bến container tự động toàn cầu năm 2024, hệ thống vận hành bến của Trung Quốc đã hoàn thiện từ năm 1997 khi phiên bản đầu tiên trong nước được giới thiệu.

Hệ thống n-TOS của cảng Ninh Ba – Chu Sơn tối ưu hóa hoạt động qua việc lên kế hoạch bãi thông minh và xếp hàng tự động, trong khi hệ thống iTOS của Cảng Thượng Hải tinh giản hoạt động tàu thuyền. Những cải tiến này cho phép các cảng lớn hoàn thành nâng cấp tự động hóa toàn diện. Nhiều cảng trên khắp Trung Quốc cũng ngày càng tích hợp giải pháp AI. Vào tháng 3 năm nay, công ty Sinotrans South China Co., Ltd ra mắt trợ lý AI sử dụng mô hình ngôn ngữ của DeepSeek, cho phép khách hàng thực hiện truy vấn về trạng thái giao hàng bằng ngôn ngữ đơn giản.

“Dù hỏi về kế hoạch neo đậu, di chuyển container hay tiến độ bốc hàng, khách hàng đều nhận được phản hồi nhanh chóng và chính xác thông qua các câu lệnh đơn giản”, ông Ye Zengjian, kỹ sư hỗ trợ tại công ty cho biết.

An Khang (Theo CGTN)

Trung Quốc tích hợp AI vào vận hành cảng tự động – Báo VnExpress

Động đất Myanmar có tốc độ siêu thanh, tạo ‘vết sẹo’ 400 km

Trận động đất mạnh ở miền trung Myanmar cuối tháng 3 tạo ra một trong những vết nứt vỡ bề mặt lớn nhất từng ghi nhận trên toàn cầu.

Lãnh đạo Myanmar kiểm tra đoạn đường bị nứt gãy ở Naypyitaw sau trận động đất ngày 28/3. Ảnh: AP

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra gần Mandalay, Myanmar, hôm 28/3 gây thiệt hại nghiêm trọng trên khắp đất nước và các khu vực lân cận, bao gồm cả Thái Lan. Hơn 5.000 người được xác nhận đã thiệt mạng. Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa chấn Mỹ diễn ra ngày 14 – 18/4, các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới chia sẻ những phát hiện sơ bộ về hoạt động đứt gãy, rung chấn và tác động đến cơ sở hạ tầng của trận động đất này.

Myanmar nằm trong khu vực có hoạt động kiến tạo mạnh, nơi các mảng Ấn Độ và Âu – Á va chạm. Trận động đất tháng 3 đã làm nứt vỡ hơn 400 km của đứt gãy Sagaing – đường đứt gãy trượt ngang khổng lồ dài hơn 1.200 km chạy qua miền trung Myanmar – theo nhà địa chấn học Susan Hough từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Đây là một trong những vết nứt vỡ bề mặt lớn nhất từng ghi nhận trên toàn cầu, theo nhà nghiên cứu Nadine Reitman từ USGS. Đứt gãy Sagaing đã tạo ra vài trận động đất với độ lớn từ 6 trở lên trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, đoạn này của đường đứt gãy chưa trải qua trận động đất nào có độ lớn trên 7 kể từ năm 1839.

“Vết sẹo” 400 km phát triển ở mức “siêu trượt” (supershear) – nứt vỡ nhanh hơn tốc độ âm thanh – dù khởi đầu chậm, điều thường thấy ở các trận động đất trượt ngang lớn, theo nhà khoa học Zhigang Peng từ Viện Công nghệ Georgia. Peng lưu ý rằng thống kê động đất ở Thái Lan và các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc cho thấy sự gia tăng đáng kể hoạt động địa chấn sau trận động đất. Điều này thể hiện tác động quy mô lớn mà ứng suất động từ trận động đất chính ở Myanmar gây ra.

Trận động đất gây rung chấn mạnh lan rộng hơn 100 km từ đứt gãy tại Mandalay, Sagaing, Nay Pyi Taw, Bago, Shan và các địa điểm khác, theo Hough. Bà cho biết thêm, Cơ quan Khí tượng và Thủy văn tại Nay Pyi Taw, nơi vận hành mạng lưới địa chấn quốc gia của Myanmar, đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ rung chấn.

Bản đồ rung chấn từ trận động đất do chuyên gia Chung-Han Chan từ Đại học Trung ương Quốc gia Đài Loan phân tích cho thấy, các khu vực bị phân cắt bởi vết nứt vỡ có thể đã chịu thiệt hại vượt quá mức 8 theo Thang đo Mercalli – rung chấn gây khó khăn khi đứng, làm dịch chuyển đồ nội thất nặng và gây hư hại cho những cấu trúc không chống động đất.

Trận động đất hôm 28/3 cũng là một “bài kiểm tra” về công nghệ ứng phó với thiên tai. Hình ảnh vệ tinh giúp nhà nghiên cứu Xuechun Li tại Đại học Johns Hopkins cùng đồng nghiệp lập bản đồ chi tiết với quy mô toàn thành phố về ảnh hưởng của động đất tại Mandalay chỉ trong vài ngày. Điều này cho thấy công nghệ của nhóm nghiên cứu rất hữu ích trong việc đánh giá nhanh chóng thiệt hại sau thảm họa.

Động đất Myanmar cũng đánh dấu lần đầu tiên một trận động đất lớn được phát hiện nhờ sử dụng một mạng lưới cáp viễn thông dưới biển đã chuyển đổi thành hơn 100 cảm biến địa chấn, theo báo cáo của chuyên gia Mikael Mazur từ Nokia Bell Labs tại hội nghị.

Thu Thảo (Theo SciTechDaily)

Động đất Myanmar có tốc độ siêu thanh, tạo ‘vết sẹo’ 400 km – Báo VnExpress