Việt – Nga mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tại Điện Kremlin, tối 10/5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước về khoa học công nghệ.

Trước lãnh đạo hai nước, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Valery Nikolaevich Falkov đã trao đổi Thỏa thuận hợp tác về tổ chức tuyển chọn dự án nghiên cứu khoa học chung giai đoạn 2025-2035. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy toàn diện các chương trình hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu khoa học trong 10 năm tới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Valery Nikolaevich Falkov trao Thỏa thuận hợp tác về tổ chức tuyển chọn dự án nghiên cứu khoa học chung. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Valery Nikolaevich Falkov trao Thỏa thuận hợp tác về tổ chức tuyển chọn dự án nghiên cứu khoa học chung. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng, hai bên đã thảo luận cụ thể về việc triển khai và mở rộng các chương trình hợp tác nghiên cứu chung. Hai Bộ sẽ thiết lập cơ chế kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học của hai nước. Các nhóm công tác chung của hai Bộ cũng được thành lập để hỗ trợ các viện, trường và doanh nghiệp công nghệ xây dựng dự án hợp tác.

Nhân dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Hai bên sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Phát huy các tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, Việt Nam và Liên bang Nga thống nhất dành ưu tiên sử dụng nguồn lực để mở rộng các chương trình hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Trọng Đạt

Việt – Nga mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo – Báo VnExpress

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu san lấp biển mở rộng Côn Đảo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu phương án san lấp biển mở rộng Côn Đảo, tạo dư địa phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Thông tin được nêu trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, do Văn phòng Chính phủ công bố ngày 9/5.

Thủ tướng yêu cầu địa phương sớm xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo, trong đó nhấn mạnh vai trò của đảo tiền tiêu đặc biệt quan trọng về an ninh – quốc phòng. Côn Đảo cần khai thác các thế mạnh về kinh tế biển, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đảo, hướng tới trở thành điểm đến tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Thủ tướng đề nghị quy hoạch phát triển Côn Đảo theo định hướng nhanh, bền vững, sáng – xanh – sạch – đẹp – hiện đại, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền đặc khu và cơ chế đặc thù phù hợp. Việc này cần tham khảo, rà soát các nội dung trong Nghị quyết năm 2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM, để từ đó xây dựng cơ chế phát triển Côn Đảo “thông thoáng nhưng có quản lý, kiểm soát”.

Cảng tàu khách Côn Đảo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng TàuCảng tàu khách Côn Đảo. Ảnh: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu phương án kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo nhằm đáp ứng điều kiện tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong tương lai. Bên cạnh đó, Công viên nghĩa trang Hàng Keo và Hàng Dương cần được quy hoạch bài bản để trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chính phủ cũng khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược triển khai những dự án động lực, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng – an ninh tại khu vực đảo. Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Thủ tướng yêu cầu địa phương tích cực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như dầu khí, dịch vụ, du lịch, nhằm tạo bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương.

Cách đất liền Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 185 km, Côn Đảo gồm 16 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên khoảng 76 km2, dân số 12.000 người. Những năm qua, địa phương có những bước phát triển đáng kể, hạ tầng được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và hỗ trợ ngành du lịch – lĩnh vực mũi nhọn của huyện cùng với việc bảo vệ di tích lịch sử.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, các huyện đảo, thành phố đảo sau sáp nhập sẽ chuyển thành 13 đặc khu, gồm: Phú Quốc và Thổ Châu (Kiên Giang); Vân Đồn và Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng); Trường Sa (Khánh Hòa); Hoàng Sa (TP Đà Nẵng); Phú Quý (Bình Thuận); Kiên Hải (Kiên Giang); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Vũ Tuân

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu san lấp biển mở rộng Côn Đảo-VNExpress

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh từ ngày mai

Từ ngày 10/5, mỗi kWh điện có giá hơn 2.204,7 đồng áp dụng, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại họp báo chiều 9/5, EVN thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10/2024.

Giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo Nghị định 72 của Chính phủ. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Gần nhất giá điện được điều chỉnh vào 11/10/2024, duy trì từ đó cho đến nay. Như vậy, sau 8 tháng giá mới được thay đổi và đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 10/5:

Giá cũ (đồng/kWh) Bậc Mức sử dụng Giá mới (đồng/kWh) Tiền điện tăng (đồng/tháng)
1.893 1 0-50 kWh 1.984 4.550
1.956 2 51-100 kWh 2.050 9.250
2.271 3 101-200 kWh 2.380 20.150
2.860 4 201-300 kWh 2.998 33.950
3.197 5 301-400 kWh 3.350 49.250
3.302 6 401 kWh trở lên 3.460 65.050

Theo số liệu đánh giá của Cục Thống kê, việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI 2025 tăng khoảng 0,09%.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết mức tăng lần này được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp. Theo tính toán của EVN, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm 4.350-62.150 đồng một tháng.

Hộ nghèo vẫn được hỗ trợ bằng tiền tương ứng 30 kWh, tương đương 59.520 đồng một tháng. Hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương, với điều kiện dùng ít hơn 50 kWh gần 56.800 đồng một tháng (chưa gồm thuế VAT). Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách, giúp đảm bảo an sinh xã hội.

Quyết định tăng giá lần này được đưa ra trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm ngoái, tập đoàn này cân bằng tài chính và có lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Song 2 năm trước đó, họ lỗ tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng từ bán điện. Khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo trong 5 năm (2019-2023).

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm 2024, tổng chi phí sản xuất 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Năm nay, nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng khoảng 12,2%, tương ứng tổng sản lượng điện toàn hệ thống thêm 33,6 tỷ kWh so với 2024. Theo ông Lâm, sản lượng điện tăng thêm chủ yếu từ nguồn giá thành cao. Cụ thể, thủy điện với giá thấp không còn nhiều dư địa, chỉ cung cấp được khoảng 25% nhu cầu. Còn lại 75% sản lượng đến từ các nguồn điện giá cao như điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo…

Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ diễn biến khó lường, tăng cao thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, vốn chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện, theo Phó tổng giám đốc EVN.

Phương Dung

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh từ ngày mai – Báo VnExpress Kinh doanh

Startup tham vọng xây dựng mạng blockchain Make in Viet Nam

Startup 1Matrix cho biết sẽ phát triển các dịch vụ công, tài chính, xác thực, truy xuất nguồn gốc trên mạng blockchain của người Việt.

1Matrix ra đời thông qua sự hợp tác giữa One Mount, Techcombank cùng các đối tác. One Mount là một trong những doanh nghiệp nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giữa tháng 1. Khi đó, Tổng giám đốc One Mount Nguyễn Thị Dịu cho biết công ty dự kiến đầu tư 200-500 triệu USD để xây hạ tầng chuỗi khối Make in Viet Nam. Mạng blockchain layer 1 này được thiết kế với cơ chế vận hành khai thác, tương tác và liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối tại Việt Nam nhằm phục vụ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ số trên mọi lĩnh vực.

“Nhiều mạng blockchain quốc tế thuê lập trình viên, tổ chức sự kiện tại Việt Nam và phát token cho chính người Việt. Vậy sao chưa có mạng blockchain do người Việt tự thiết kế, vận hành và đưa vào ứng dụng thực tế?”, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch 1Matrix, đặt vấn đề trong buổi ra mắt công ty ngày 6/5.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ nắm giữ vai trò chủ tịch 1Matrix. Ảnh: VBA

Lý giải sự cần thiết của mạng blockchain Việt, ông Trung cho rằng điều này xuất phát từ nhu cầu của thị trường, khi Việt Nam là quốc gia có chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của hai công ty thống kê Chainalysis và Triple-A, Việt Nam nằm trong top ba toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, với hơn 17 triệu người sở hữu năm 2024. Trong ba năm, từ 2022 đến 2024, mỗi năm hơn 100 tỷ USD dòng vốn từ tài sản mã hóa chảy vào Việt Nam.

Nhắc đến blockchain, theo ông Trung, “Việt Nam có khoảng trống về chủ quyền công nghệ rất lớn”. Ông lý giải, các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, xác thực, truy xuất nguồn gốc, văn bản… đều có thể ứng dụng blockchain, nhưng chưa thể thực hiện vì các mạng blockchain gốc chủ yếu từ nước ngoài, phụ thuộc vào hạ tầng đám mây ở những nơi khác.

Trong bối cảnh đó, “việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số, xã hội số, mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế”, Chủ tịch 1Matrix nhấn mạnh.

Theo ông, Việt Nam từng có một số mạng blockchain layer 1, nhưng chưa phát triển như kỳ vọng. Do vậy, 1Matrix mong muốn xây dựng mạng blockchain Make in Viet Nam hoàn toàn mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Trên vai trò kiến trúc sư trưởng, ông Trung cho biết mạng blockchain này sẽ là hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng sổ cái phân tán cho Việt Nam. “Tên chính thức của mạng sẽ do chính cộng đồng đặt”, ông nói.

Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà sáng lập FPT, sự xuất hiện của công nghệ blockchain là cầu nối hiện thực hóa hai mong muốn: vừa tập trung để quản lý hiệu quả, vừa phân tán để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.

Ủng hộ tham vọng phát triển mạng blockchain Make in Viet Nam, ông cho rằng chỉ có những dự án lớn mới tập hợp được tài năng. “Phải có nhà máy thủy điện Hòa Bình sau đó mới có đội ngũ xây dựng nhà máy thủy điện ở khắp nơi. Phải có cầu Thăng Long sau đó mới có những cây cầu khác”, ông nói. “Chúng ta đang thiếu những dự án lớn trong ngành công nghệ thông tin. Đây là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện tài năng”.

Trọng Đạt

Startup tham vọng xây dựng mạng blockchain Make in Viet Nam – Báo VnExpress

‘Nhà nước chỉ đánh giá kết quả nghiên cứu, không xem xét cách làm’

Chính phủ đề xuất trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học, Nhà nước chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà không can thiệp vào quy trình thực hiện.

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Chính phủ trình Quốc hội sáng 6/5, trong đó nêu chủ trương trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả hoạt động chuyên môn, xây dựng bộ máy và chi tiêu theo cơ chế khoán.

Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào phương pháp thực hiện. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu. Trong trường hợp dự án không đạt kết quả mong đợi, các tổ chức nghiên cứu sẽ không còn chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trước đó lý giải dù chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, dự án cụ thể, hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể tổ chức và chương trình nghiên cứu. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí phát triển, ngược lại tổ chức kém hiệu quả có thể bị cắt giảm nguồn lực hoặc giải thể.

Bộ trưởng cho rằng giao tự chủ không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm, mà nhằm tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro thúc đẩy nhà khoa học theo đuổi vấn đề thách thức, tạo đột phá khoa học. Nghiên cứu không đạt mục tiêu vẫn mang lại bài học, tránh sai lầm hoặc mở hướng đi mới. Cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với kinh phí đảm bảo phân bổ tài chính hợp lý, thúc đẩy nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng tình rằng việc thiếu quy định rõ về cơ chế chấp nhận rủi ro và độ trễ đang là điểm nghẽn của hoạt động khoa học. Tuy nhiên, một số thành viên ủy ban đề nghị làm rõ cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học đối với thiệt hại cho Nhà nước và cộng đồng. Ủy ban cũng lưu ý phân biệt rõ giữa rủi ro khách quan với lỗi chủ quan và vi phạm đạo đức nghiên cứu.

Nhà khoa học được hưởng lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Dự luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bổ sung quy định về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trao quyền sở hữu và tự quyết cho cơ sở nghiên cứu đối với thành quả và tài sản hình thành từ hoạt động này. Đặc biệt, người trực tiếp nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa, đồng thời được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ban soạn thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản và chia lợi nhuận thương mại hóa cho nhân lực trong nước. Nhà nước cũng chú trọng thu hút chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bằng ưu đãi lương, tạo thuận lợi về giấy phép lao động và thị thực để tham gia các nhiệm vụ khoa học trọng điểm.

Dự luật bổ sung nguyên tắc và tiêu chí xác định nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó xây dựng cơ chế thu hút và đãi ngộ phù hợp.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường vào ngày 13/5 và dự kiến thông qua trong đợt họp thứ hai của kỳ họp.

Sơn Hà

‘Nhà nước chỉ đánh giá kết quả nghiên cứu, không xem xét cách làm’ – Báo VnExpress

Xóa 30 triệu dữ liệu cá nhân thu thập sai quy định

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã yêu cầu xóa thông tin 30 triệu dữ liệu cá nhân bị thu thập sai quy định để thực hiện cuộc gọi, tin nhắn rác.

Nội dung trên được nêu trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 9. Về việc thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân, thực hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ đã xử phạt ba doanh nghiệp tài chính với tổng số tiền 430 triệu đồng. Bộ cũng kiểm tra việc chấp hành quy định về chống cuộc gọi rác thông qua dịch vụ điện thoại cố định tại các doanh nghiệp gồm CMC, VNPT, Viettel, FPT, VTC Digital, GTel, Hà Nội Telecom.

Từ 2023, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các nhà mạng đối soát, bảo đảm sim di động có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, trong hơn 125 triệu thuê bao được đối soát, cơ quan chức năng đã chuẩn hóa 11 triệu, chặn 6 triệu.

Hiện Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã triển khai yêu cầu đối soát, xác thực thông tin của người sử dụng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi kích hoạt. Các doanh nghiệp viễn thông di động cũng thực hiện biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu tin nhắn, cuộc gọi rác. Trong đó, năm 2024, trung bình mỗi tháng đã chặn hơn 50.000 số có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác.

Thông tin cá nhân trên thẻ căn cước được trích xuất trên thiết bị của cơ quan chức năng. Ảnh: Hoàng Phong

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá vẫn còn tồn tại các sim có thông tin thuê bao đúng quy định nhưng không chính chủ. Các sim này có thể bị sử dụng cho hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh trách nhiệm khi bị cơ quan điều tra phát hiện.

Để khắc phục, Bộ cho biết đang đẩy mạnh thanh, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông, nếu phát hiện sim có thông tin không đúng quy định sẽ xử lý và yêu cầu dừng phát triển thuê bao. Bộ cũng phối hợp Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng và xử lý các vi phạm về sim rác, tin nhắn, cuộc gọi rác.

Nghị định 163/2024 yêu cầu tất cả thuê bao viễn thông chỉ được đăng ký sau khi có thông tin được xác thực đảm bảo trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chủ thuê bao phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng số thuê bao đã giao kết. Người dân có trách nhiệm chủ động rà soát, đảm bảo sim chính chủ và thông tin cá nhân đang không bị sử dụng để kích hoạt cho sim họ không sở hữu.

Sơn Hà

Xóa 30 triệu dữ liệu cá nhân thu thập sai quy định – Báo VnExpress

Cách công nghệ giúp Mật nghị Hồng y ‘siêu bảo mật’

Cắt sóng điện thoại, dùng thiết bị gây nhiễu tín hiệu giúp đảm bảo “bí mật tuyệt đối” cho Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng.

133 hồng y từ khắp thế giới đã có mặt ở Rome, tập trung tại Nhà nguyện Sistine để dự mật nghị từ ngày 7/5.

Trong nhiều thế kỷ, người lãnh đạo Giáo hội Công giáo sẽ được chọn trong cuộc họp siêu bảo mật, gọi là “conclave”, có nghĩa “có chìa khóa” trong tiếng La-tinh, phản ánh các hồng y bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài cho đến khi tìm ra giáo hoàng mới. Họ bị cô lập bên trong Nhà nguyện, tuyên thệ tuân thủ “bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn” – một quy trình phức tạp có từ thời Trung cổ.

Các hồng y trong thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 2/5. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ở thế giới hiện đại, sự phổ biến và đa dạng của hệ thống liên lạc có thể phá vỡ “bí mật tuyệt đối”. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra để ngăn chặn, nhất là sau sự cố năm 2005, khi một hồng y người Đức tiết lộ thông tin về cuộc bầu chọn qua tin nhắn, trước khi có thông báo chính thức.

Cắt sóng điện thoại, Internet

“Toàn bộ tín hiệu di động trên lãnh thổ Vatican sẽ bị vô hiệu hóa từ 15h ngày 7/5. Sóng điện thoại sẽ được khôi phục sau khi mật nghị công bố kết quả bầu tân giáo hoàng”, Văn phòng Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành Vatican ngày 5/5 thông báo.

Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni sau đó cho biết sóng điện thoại sẽ không bị cắt tại khu vực Quảng trường Thánh Peter ở trung tâm Tòa Thánh, nơi hàng nghìn tín đồ dự kiến tập trung để chờ thông báo về người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Năm 2013, trong mật nghị bầu Giáo hoàng Francis, các thiết bị chặn tín hiệu lần đầu được lắp đặt để ngăn cuộc gọi, tin nhắn, việc truy cập Internet. Theo CNN, khi đó, ngay cả thợ điện, thợ sửa nước hay người vận hành thang máy làm trong Nhà nguyện Sistine suốt mật nghị cũng phải cam kết giữ bí mật.

“Họ đều tuyên thệ và sẽ phục vụ toàn thời gian, nghỉ qua đêm tại Vatican, không được liên lạc với gia đình”, theo thông báo trên Vaticanstate.

Dùng thiết bị nhiễu sóng

Reuters đưa tin, khi bầu Giáo hoàng năm 2013, Nhà nguyện Sistine được trải một lớp “sàn giả” đè lên nền gạch lát. Lớp này chứa hệ thống gây nhiễu điện tử để chặn mọi tín hiệu phát ra từ nhà nguyện. Mục sư Thomas Rosica thuộc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh Vatican sau đó bác bỏ. Thay vào đó, ông nói thiết bị gây nhiễu được lắp đặt ở khu vực cao trên tường “như một tấm khiên trên máy bay”.

Dù vậy, theo NPR, Vatican được cho là sẽ sử dụng hệ thống nhiễu sóng lót thảm cho Mật nghị Hồng y ngày 7/5. “Sàn đang được lắp tại Nhà nguyện Sistine, có công nghệ chặn điện thoại di động đặc biệt để giữ thông tin giữa bên trong và bên ngoài”, trang này cho biết. Phía Vatican không đưa ra bình luận.

Cũng năm 2013, Vatican lần đầu trang bị hệ thống quét thông minh, cho phép tự động phát hiện thiết bị nghe lén, đảm bảo không có micro, camera ẩn nào xuất hiện. Một lồng Faraday ngăn sóng điện từ cũng được lắp quanh Nhà nguyện để chặn tín hiệu, theo La Stampa.

Trước đó, năm 1996, cựu Giáo hoàng John Paul II ban hành luật cấm thiết bị điện tử, radio, báo, tivi và máy ghi âm. Một bộ phận làm nhiệm vụ “kiểm tra cẩn thận và chặt chẽ” với “những cá nhân đáng tin cậy có năng lực kỹ thuật”, đảm bảo không có thiết bị được lắp đặt bí mật để ghi âm và truyền ra bên ngoài trong mật nghị.

Bên cạnh đó, Vatican yêu cầu các hồng y, người phục vụ… tuyên thệ bí mật, “thề không sử dụng bất kỳ loại máy phát, thu hoặc thiết bị chụp ảnh nào” ngay cả sau khi bầu ra giáo hoàng mới, trừ khi được cấp “quyền hạn đặc biệt và sự cho phép rõ ràng”.

Cấm thiết bị bay không người lái

Theo Corriere della Sera, chính quyền Italy đã triển khai hệ thống chống máy bay không người lái, “sẵn sàng vô hiệu hóa” bất kỳ thiết bị nào có thể xuất hiện trên bầu trời Rome, chủ yếu phục vụ cho lễ tang Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, hệ thống được cho là cũng được duy trì để phục vụ Mật nghị Hồng y.

Bảo Lâm tổng hợp

Cách công nghệ giúp Mật nghị Hồng y ‘siêu bảo mật’ – Báo VnExpress

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân

Trung Quốc có 102 lò phản ứng hạt nhân gồm loại đang hoạt động, đang xây và đã được phê duyệt xây, tổng công suất lắp đặt 113 triệu kW.

Đây là lần đầu tiên nước này đứng đầu thế giới về tổng quy mô điện hạt nhân, theo Báo cáo Phát triển Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc năm 2025 của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) hôm 27/4. Tuy nhiên, về số lò phản ứng đang hoạt động, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với 94 lò, trong khi đất nước tỷ dân chỉ có 58 lò.

Nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở huyện Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Hu Yuwei/GT

Trong năm 2024, sản lượng điện hạt nhân tích lũy của Trung Quốc đạt 444,7 tỷ kWh, chiếm 4,72% tổng sản lượng điện cả nước và đứng thứ hai toàn cầu. Lượng khí thải CO2 giảm hàng năm khoảng 334 triệu tấn.

Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có 28 lò phản ứng đang xây dựng. Công suất lắp đặt các lò đang xây của nước này đã dẫn đầu thế giới 18 năm liên tiếp. Theo báo cáo của CNEA, với tốc độ xây hiện tại, công suất lắp đặt các lò đang hoạt động của Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới trước năm 2030.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nội địa hóa 100% các thiết bị chính của điện hạt nhân và đảm bảo kiểm soát độc lập những công nghệ thành phần quan trọng. Số lượng thiết bị chính do nội địa sản xuất được bàn giao trong năm đạt 114 bộ, gấp đôi năm 2023.

Cao Shudong, Phó chủ tịch điều hành CNEA, cho biết quá trình nghiên cứu và phát triển độc lập của Trung Quốc tiếp tục đạt những đột phá mới. Tổ máy số một của Guohe One, một dự án khoa học và công nghệ quốc gia lớn, đã hoàn thành và đi vào hoạt động, trong khi dự án Linglong One dự kiến hoàn thành và hoạt động vào năm 2026.

Báo cáo hôm 27/4 cũng cho biết, Trung Quốc liên tục tiến bộ về hợp tác quốc tế, bao gồm tăng cường trao đổi và phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mở cửa 12 cơ sở nghiên cứu và nền tảng thí nghiệm cho thế giới. Hợp tác về điện hạt nhân với Nga, Pháp và những quốc gia khác cũng sâu rộng hơn.

Chịu ảnh hưởng từ những yếu tố như biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và nhu cầu điện tăng cao do xây nhiều trung tâm dữ liệu, ngành điện hạt nhân toàn cầu đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo Dong Baotong, người đứng đầu Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, điện hạt nhân của nước này đã bước vào giai đoạn đỉnh của quá trình xây dựng quy mô lớn và cần đảm bảo các lò phản ứng hoạt động an toàn.

Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược dài hạn về phát triển điện hạt nhân từ năm 2011. Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Trung Quốc thuộc Cơ quan Cải cách và phát triển kinh tế (NDRC), để đạt mục tiêu trung hòa carbon, nước này phải nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng lên 28%. Con số này năm 2022 chỉ là 5%. Điều này đồng nghĩa công suất hạt nhân tại đây phải đạt 554 GW vào 2050.

Thu Thảo (Theo Global Times, Interesting Engineering)

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân – Báo VnExpress

Hôm nay Quốc hội bàn chính sách đột phá phát triển khoa học công nghệ

Sáng 6/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với nhiều chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân làm khoa học.

Theo dự thảo tờ trình, một trong những mục tiêu lớn của dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Tư duy đột phá này được kỳ vọng tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Để làm được điều này, ngân sách nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ ngân sách để làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.

Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra và mức độ đóng góp thực chất. Đồng thời, nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng, ngày 5/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, đi kèm với yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.

Tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập do kết quả nghiên cứu mang lại và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cách đây ba tuần, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nói việc chấp nhận rủi ro không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý mà là tạo điều kiện để các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, mang tính đột phá. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí, trong khi những đơn vị kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Bên cạnh các nội dung trên, dự án Luật cũng chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc điều chỉnh nhu cầu nghiên cứu cơ bản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tạo sự gắn kết giữa các loại hình nghiên cứu và tăng tỷ trọng nghiên cứu có tác động vào thực tiễn.

Dự thảo không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: đào tạo – nghiên cứu – đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và đổi mới sáng tạo bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu sẽ nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Buổi chiều, các đại biểu về tổ thảo luận ba dự án Luật gồm: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Sơn Hà

Hôm nay Quốc hội bàn chính sách đột phá phát triển khoa học công nghệ – Báo VnExpress

TSMC công bố tiến trình sản xuất chip 1,4 nm

Quy trình vi xử lý 1,4 nm của TSMC sẽ bắt đầu sản xuất từ năm 2028 với nhiều nâng cấp so với tiến trình 2 nm hiện tại.

TSMC mới đây công bố công nghệ 1,4 nm trên các dòng vi xử lý sẽ được sử dụng trong sản phẩm tương lai của các gã khổng lồ công nghệ như Nvidia, Apple, AMD. Trước đó, Samsung từng giới thiệu các cải tiến trong xưởng đúc của hãng nhằm phục vụ cho các nút của quy trình 4 nm, 2 nm và 1,4 nm vào tháng 6/2024.

Quy trình A14 1,4 nm của TSMC sẽ giảm 30% mức tiêu thụ điện năng, đồng thời vẫn tăng hiệu suất khoảng 15% so với 2 nm – công nghệ phải tới cuối năm nay mới đi vào sản xuất.

Công ty có danh sách khách hàng lớn đa dạng nên dòng chip 1,4 nm có thể sẽ được dùng cho iPhone 19, GPU Nvidia, chip AMD. TSMC cho biết mật độ logic tăng 20%, cho phép tăng hiệu suất so với quy trình 2 nm. So với quy trình 3 nm hiện tại của TSMC, quy trình 1,4 nm về cơ bản nhanh hơn tới 30% và hiệu quả hơn 60%.

Vi xử lý tiến trình 2 nm của TSMC. Ảnh: TSMC

Các thay đổi trong tiến trình sản xuất vi xử lý sẽ chưa lập tức tác động đến thị trường tiêu dùng. iPhone 17 ra mắt năm nay dự kiến vẫn dùng nút N3P mới nhất (3 nm) cho dòng chip A của Apple. Vì vậy, ngay cả việc chuyển sang chip 2 nm cũng cần tới vài năm nữa mới phổ biến trên thị trường. Điện thoại sử dụng chip 1,4 nm nhiều khả năng phải tới năm 2030 mới được áp dụng rộng rãi.

Trong khi các tin tức đầu tiên về tiến trình 1,4 nm được hé lộ thì 2 nm vẫn là tâm điểm cuộc đua giữa các nhà sản xuất vi xử lý. Theo Phonearena, TSMC được cho là đã “kín” đơn chip 2 nm. Bên cạnh Apple, nhiều khách hàng lớn khác đều đã ký hợp đồng sản xuất chip sử dụng tiến trình này vào năm 2026, gồm cả các công ty chip di động, máy tính và chip AI như AMD, Nvidia, MediaTek và Qualcomm.

Trong khi đó, Samsung Foundry được cho đã gặp vấn đề liên quan đến sản xuất chip vài năm qua trên tiến trình 4 nm, 3 nm và sắp tới là 2 nm. Theo tài khoản NaverYeux1122– người được đánh giá là “thân cận” với chuỗi cung ứng, năng suất chip 4 nm của Samsung Foundry tệ đến mức khi sản xuất Snapdragon 8 Gen 1, công ty không đáp ứng được, buộc Qualcomm phải chuyển hợp đồng sang TSMC.

Cuộc đua chip 2 nm hiện có sự tham gia của một tên tuổi mới: Rapidus của Nhật Bản. Theo Digitimes, công ty đang được chính phủ Nhật hợp tác với Mỹ hỗ trợ sản xuất chip 2 nm bằng công nghệ của IBM.

Theo ArsTechnica, dựa trên thị phần sản xuất bán dẫn, TSMC vẫn là cái tên không thể thay thế trong ít nhất nửa thập kỷ tới. Tuy nhiên, Samsung Foundry và Intel vẫn có cơ hội ở thị trường nếu có giá thành cạnh tranh trong bối cảnh các tập đoàn tìm cách giảm phụ thuộc vào TSMC. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến địa chính trị tại đảo Đài Loan cũng có thể giúp Samsung và Intel hưởng lợi.

Hoài Anh

TSMC công bố tiến trình sản xuất chip 1,4 nm – Báo VnExpress