Bộ KH&CN ưu tiên, bố trí nguồn lực để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO

Đối với hoạt động của Tiểu ban khoa học tự nhiên và các tiểu ban chuyên môn, trong đó có tiểu ban Công viên địa chất toàn cầu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ưu tiên, bố trí nguồn lực, lồng ghép hỗ trợ hoạt động thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO.
Ngày 9/9/2024 tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có buổi tiếp và làm việc với bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên.
Toàn cảnh buổi tiếp.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng chào mừng và cảm ơn Bà Lidia Brito và Đoàn đã tới thăm, làm việc với Bộ KH&CN nhân dịp tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng chia sẻ với Đoàn công tác về tiềm lực và thành tựu nổi bật của KH&CN Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, hành lang pháp lý về KH&CN của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một số văn bản rất quan trọng trong đó có Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đến năm 2030, trong đó xác định rõ vai trò then chốt của KH,CN&ĐMST, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trong giai đoạn gần đây, với sự hỗ trợ của UNESCO, hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn và sự phối hợp công tác giữa các Tiểu ban chuyên môn, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đạt một số thành tích nổi bật như với 11 Khu dự trữ sinh quyển, 03 Công viên địa chất toàn cầu được chỉ định và 02 Trung tâm dạng 2 về Toán và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO được thành lập, góp phần giải quyết các thách thức để phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái KH,CN&ĐMST, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và khẳng định vai trò thành viên tích cực của Việt Nam trong các chương trình khoa học tự nhiên của UNESCO.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia quan tâm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động nhằm phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Việt Nam đánh giá cao Mạng lưới Công viên địa chất của từng quốc gia và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu luôn được triển khai với sự hiện diện và hỗ trợ mang tính xây dựng của UNESCO.
Đối với hoạt động của Tiểu ban khoa học tự nhiên và các tiểu ban chuyên môn, trong đó có tiểu ban Công viên địa chất toàn cầu, Bộ KH&CN đã ưu tiên, bố trí nguồn lực, lồng ghép hỗ trợ hoạt động thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 để tăng cường hợp tác quốc tế với UNESCO, hưởng ứng và bám sát các chương trình, sáng kiến của UNESCO về khoa học tự nhiên, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, tăng sự hiện diện của Việt Nam tại các hoạt động do UNESCO tổ chức.
Bộ trưởng cảm ơn Bà Lidia Brito cũng như UNESCO đã luôn quan tâm, chia sẻ, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH,CN&ĐMST với Việt Nam đồng thời mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ và các hướng dẫn từ UNESCO trong công tác quản lý và phát huy các Công viên địa chất toàn cầu.
Bộ KH&CN cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và các nguồn lực cho các tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, trong đó có Tiểu ban Công viên Địa chất toàn cầu Việt Nam và các công viên địa chất toàn cầu.
Bà Lidia Brito bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN và chúc mừng Việt Nam đã có 4 Công viên địa chất, trong đó Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu ngày 8/9/2024 vừa qua.
Bà Lidia Brito chia sẻ, trong ban khoa học tự nhiên của UNESCO có di sản thủy văn mà ở Việt Nam chưa có di sản này. Đây là di sản chú trọng đến các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên để có thể phục hồi các hệ sinh thái như hệ sinh thái ở bờ sông, các hồ, các khu đất ngập mặn để tăng khả năng sử dụng nước sạch, nguồn dự trữ nước sạch,  sự đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái cũng như giảm thiểu sự mất cân bằng sinh học… Bên cạnh đó, UNESCO cũng có một chương trình trọng tâm chú trọng sự tham gia của cộng đồng người dân tộc thiểu số, qua đó nhằm nâng cao kiến thức của người bản địa trong các giải pháp cũng như trong các chương trình về biến đổi khí hậu.
UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Bộ KH&CN để thúc đẩy vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển bền vững, trong các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Đồng thời mong muốn tăng cường năng lực khoa học không chỉ ở Bộ KH&CN mà ở các bộ/ban/ngành khác nhằm tìm ra sáng kiến để có thể đưa ngoại giao khoa học vào trong các chương trình nghị sự giữa các bên”, bà Lidia Brito nhấn mạnh.
Bà Lidia Brito cho biết thêm, UNESCO sẽ luôn đồng hành cùng với Bộ và các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để có thể tận dụng được các di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh bằng một lộ trình với những hành động cụ thể. Theo bà Lidia Brito, thúc đẩy ĐMST tại các khu di sản này sẽ là cơ hội mang lại lợi ích cho người dân địa phương và đây cũng là một trong những nội dung hướng tới cam kết đã được nêu trong biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Cỗ máy giống nhện nước khai thác năng lượng sóng

Nguyên mẫu máy phát điện M4 dài 24 m và rộng gần 10 m sẽ nổi trên mặt nước và sản xuất điện từ những gợn sóng.Máy phát điện M4 dự kiến bắt đầu hoạt động cuối tháng 9. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Biển

Máy phát điện M4 dự kiến bắt đầu hoạt động cuối tháng 9. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Biển

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Biển thuộc Đại học Tây Australia (UWA) triển khai Dự án Trình diễn Năng lượng Sóng với việc phát triển cỗ máy Đa thân Đa chế độ Neo đậu (M4). Nguyên mẫu máy phát điện từ sóng này vừa trình làng tuần trước và dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 9, New Atlas hôm 9/9 đưa tin.

Bằng cách khai thác tài nguyên sóng mạnh mẽ và ổn định dọc theo bờ biển Albany, dự án hướng đến khám phá tiềm năng đa dạng hóa kinh tế địa phương và phát triển nền công nghiệp không phát thải trong tương lai. “M4 được thiết kế để khai thác sức mạnh sóng và bằng cách công khai dữ liệu của mình, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở cả cấp địa phương lẫn toàn cầu”, giáo sư Christophe Gaudin, giám đốc Viện Đại dương và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Biển thuộc UWA, cho biết.

M4 trông giống như một con nhện trên mặt nước. Nó sẽ hoạt động trong 6 tháng tại vịnh King George, thành phố cảng Albany. Sau thử nghiệm, một phiên bản lớn hơn sẽ được chế tạo và triển khai ngoài biển khơi.

Nguyên mẫu M4 dài 24 m và rộng gần 10 m – xấp xỉ chiều dài của một con sóng trung bình trong vịnh King George. Cỗ máy gồm một khung thép có bản lề được nâng lên bằng 4 phao nổi. Nhờ thiết kế bản lề, chuyển động xoay góc của khung khi có sóng sẽ tạo ra điện với mọi dao động của nước xung quanh.

M4 đạt công suất tối đa 10 kW, không lớn so với kích thước của nó. Nguyên mẫu Waveswing nhỏ gọn hơn đáng kể do công ty AWS Energy tại Scotland phát triển có công suất tối đa lên tới 80 kW. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu sẽ nắm được thêm nhiều thông tin từ quá trình thử nghiệm. M4 sẽ cần cải tiến thêm và vượt qua những thách thức khi hoạt động dưới nước như bị ăn mòn, bám bẩn sinh học do tảo và hà, hư hỏng do những mảnh vụn mà sóng biển cuốn theo.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

Thép không gỉ có thành phần gì đặc biệt?

Thành phần hóa học đặc biệt trong thép không gỉ tạo ra lớp bảo vệ trên bề mặt của nó, ngăn oxy tiếp xúc với sắt và gây han gỉ.

Thép không gỉ có nhiều ứng dụng trong ngành thực phẩm, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: WordPress

Thép không gỉ có nhiều ứng dụng trong ngành thực phẩm, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: WordPress

Thành phần hóa học của thép không gỉ ngăn oxy trong không khí và môi trường tiếp xúc với sắt trong thép, qua đó chặn phản ứng oxy hóa có hại. Thép thường han gỉ khi sắt phản ứng với oxy, hình thành oxit sắt. Dù gỉ sắt không gây hại cho con người, nó có thể ăn mòn sắt khiến vật liệu kém an toàn và xấu hơn.

Thép thường là hợp kim chứa 99% sắt và khoảng 0,2 – 1% carbon, trong khi thép không gỉ thường chứa khoảng 62 – 75% sắt, 1% carbon, và hơn 10,5% crom. Thép không gỉ cũng chứa vài phần trăm nickel, giúp vật liệu bền và dễ xử lý hơn.

Crom đóng vai trò chủ chốt giúp chống han gỉ ở thép không gỉ, theo nhà khoa học vật liệu Tim Collins, tổng thư ký của Worldstainless, tổ chức phi lợi nhuận ở Bỉ cộng tác với Hiệp hội thép thế giới. Crom phản ứng với oxy trong môi trường, cả trong không khí và dưới nước, tạo ra lớp oxit crom (Cr2O3) thụ động trên bề mặt kim loại. Lớp này ngăn oxy tiếp xúc với sắt trong thép và tạo ra gỉ sắt, Collins giải thích.

Lớp thụ động trên thép không gỉ chỉ dày vài nanomet và không thể nhìn thấy. Lớp oxit crom cũng tự lành nếu bị phá hủy. Nó trơ, không phản ứng hóa học với hợp chất khác và không rò rỉ ra bên ngoài, do đó thép không gỉ rất phù hợp với sản xuất thực phẩm, phẫu thuật và nhiều ứng dụng khác.

Thép không gỉ được phát triển vào năm năm 1912 bởi chuyên gia luyện kim người Anh Harry Brearle khi nghiên cứu hợp kim thép để ngăn ăn mòn trong nòng súng. Brearley tạo ra một hợp kim từ sắt, carbon, crom và nickel nhưng nó không phù hợp với nòng súng nên ông vứt ra sau nhà. Sau vài tuần, Brearley nhận thấy hợp kim trong sân không bị han gỉ nên phát triển vật liệu và giới thiệu sản phẩm vào năm 1915.

Theo Collins, thép không gỉ hiện nay chiếm khoảng 4% thép sử dụng trên khắp thế giới mỗi năm, gần 2 tỷ tấn. Nhưng sản xuất thép không gỉ rất phức tạp và tốn kém, gấp 3 – 5 lần chi phí sản xuất của thép thường và bao gồm thành phần kim loại đặc biệt trong hợp kim (như molybdenum để ứng dụng dưới nước) khiến nó càng đắt hơn. Kết quả là phần lớn ứng dụng cần thép sử dụng thép thường hoặc thép carbon.

An Khang (Theo Live Science)

Kỹ sư Việt mê công nghệ từ trường

Rời công ty Nhật lương hơn 2.000 USD, kỹ sư Lê Trung Hiếu, tự nghiên cứu các thiết bị ứng dụng công nghệ từ trường xử lý cặn đường ống, làm nước dưỡng hoa.

Tốt nghiệp ngành điện tử, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm 2002, anh Lê Trung Hiếu, 47 tuổi, đảm nhiệm công việc trưởng bộ phận quản trị thiết bị cho công ty sản xuất đồ uống của Nhật tại Việt Nam. Hơn 10 năm làm ở công ty, anh Hiếu nhiều lần gặp các đối tác từ Nhật, Hà Lan sang tiếp thị máy xử lý cáu cặn đường ống, nồi hơi trên dây chuyền sản xuất bằng công nghệ từ trường. Phương pháp này sẽ thay thế dùng hóa chất vốn chiếm khoảng 5% chi phí vận hành nhà máy.

Suy nghĩ “vì sao nước ngoài làm được mình lại không?”, anh bắt tay nghiên cứu tạo ra thiết bị xử lý cáu cặn “made in Việt Nam”. Sau hơn một năm nghiên cứu, thiết kế hỏng hàng chục mạch điện PCB, anh mới tìm được tần số, dòng điện và cường độ từ trường phù hợp cho thiết bị.

Cuối tháng 10 năm 2016, khi hoàn thiện mạch điện, anh mua vôi bột về cho chạy thử qua đường ống mô hình. Màu đục của nước chạy qua đường ống có quấn từ trường, chuyển thành nước trong, khiến anh Hiếu nhảy lên vì sung sướng.Kỹ sư Lê Trung Hiếu (giữa) giới thiệu sản phẩm xử lý cáu cặn trên ống nước ở một triển lãm tại TP HCM năm 2020. Ảnh: NVCC

Kỹ sư Lê Trung Hiếu (cà vạt đỏ) giới thiệu sản phẩm xử lý cáu cặn trên ống nước ở một triển lãm tại TP HCM năm 2020. Ảnh: NVCC

Nguyên lý hoạt động thiết bị xử lý cáu cặn là tạo ra một trường cảm ứng điện từ khi quấn dây trên đường ống nước với tần số thay đổi liên tục. Khi đó, điện từ trường trong lòng ống sẽ cung cấp năng lượng để phân tách các phân tử nước, giải phóng các electron, khiến các chất gây cáu cặn trong nước sẽ kết tủa, không bám dính trên bề mặt ống nên không gây cặn mới mà theo dòng nước đẩy ra ngoài. Thiết bị khi hoạt động cũng làm cáu cặn, gỉ sét hình thành trước đó trên đường ống mềm hơn, bong tróc và bị nước cuốn đi. Từ các thử nghiệm, anh Hiếu đánh giá, sóng điện từ hình tam giác có khả năng xử lý nước tốt nhất vì sóng này biến thiên làm cho liên kết hydro trong nước bị tách ra dễ dàng nhất.

Anh cho biết, thực tế công nghệ này được một số quốc gia thương mại hóa từ lâu. Song, anh muốn tạo một sản phẩm của người Việt Nam, thuận lợi hơn trong lắp đặt bảo trì khi khách có nhu cầu. Ngoài ra, thiết bị của anh có thể điều chỉnh các thông số kỹ thuật để phù hợp xử lý cáu cặn trong các điều kiện môi trường khác nhau.

Sản phẩm anh chế tạo có công suất tiêu thụ điện tương đương một bóng đèn ngủ, trong khi thiết bị ngoại nhập tiêu tốn điện cao hơn, tương đương chiếc quạt máy. Có công nghệ trong tay, anh quyết định nghỉ việc công ty Nhật với mức lương hơn 2.000 USD để khởi nghiệp.

Đến nay, anh đã chế tạo và lắp đặt gần 10.000 thiết bị xử lý cáu cặn đường ống bằng từ trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, mỗi thiết bị có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy công suất. “Quãng thời gian làm việc tại doanh nghiệp giúp tôi nhìn ra cơ hội thị trường cho thiết bị này”, anh Hiếu nói. Hồi tháng 9/2023, anh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích với phương pháp và thiết bị xử lý nước ngăn ngừa cáu cặn sử dụng công nghệ điện từ trường.Lắp đặt và kiểm tra hoạt động hệ thống xử lý cáu cặn ống nước bằng từ trường tại một nhà máy năm 2019. Ảnh: NVCC

Lắp đặt và kiểm tra hoạt động hệ thống xử lý cáu cặn ống nước bằng từ trường tại một nhà máy năm 2019. Ảnh: NVCC

Không chỉ ứng dụng trong công nghiệp, công nghệ từ trường được anh Hiếu phát triển các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp. Anh nhận thấy nước từ trường có chứa ion đồng giúp làm sạch nước và tăng khả năng hút dinh dưỡng của hoa giúp hoa tươi lâu trong khoảng 1 – 2 tuần. Nước ion đồng được tạo ra từ việc dùng hai thanh đồng có nước chạy qua. Hai thành đồng có dòng điện phản ứng điện phân tạo ra ion của chính nó. Nước chứa ion đồng pha với đường glucose thành nước cắm hoa.

Theo anh Hiếu, ion đồng kích thước tính theo nanomet có khả năng diệt khuẩn khi xâm nhập, giảm thối rữa gốc hoa. Đường glucose trong nước được cung cấp chất dinh dưỡng cho cành hoa, giúp tươi lâu. Từ nghiên cứu này, anh pha chế nước ion đồng với các loại màu từ thực vật giúp nhuộm màu hoa.

Nghiên cứu thiết bị phát ion đồng xử lý nước của anh được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn, đang chờ cấp bằng. Hiện các sản phẩm nước dưỡng hoa, nước nhuộm màu hoa của anh đã cung cấp cho gần 100 khách hàng là các doanh nghiệp, chủ shop hoa tươi trong nước. Sản phẩm cũng xuất khẩu sang một số thị trường như Malaysia, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan…

Đam mê đến với nghiên cứu về từ trường của anh Hiếu từ khi mới học lớp 9. Khi đó Hiếu rất thích chế tạo thiết bị điện tử. Không có dụng cụ hàn, cậu dùng thanh sắt nhỏ trên xe đạp, nung nóng làm chảy dây chì dán chiếc transistor vào bảng mạch để chế tạo chiếc radio. Hơn 2 giờ sau, radio tự chế của Hiếu hoạt động, phát âm thanh rộn cả góc phòng. Hết cấp 3, Hiếu học điện tử tại một trường trung cấp ở quận Tân Bình. Mong muốn có kiến thức sâu hơn với nghề điện tử, Hiếu thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật THCM năm 1997. Anh kể, sóng điện từ, từ trường được ứng dụng để truyền tín hiệu, liên lạc vòng quanh trái đất. Sự lý thú này khiến anh say mê và “bén duyên” với từ trường.Kỹ sư Lê Trung Hiếu và các giỏ hoa nhuộm màu, dưỡng hoa tươi lâu dùng công nghệ từ trường do anh nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Kỹ sư Lê Trung Hiếu và các giỏ hoa nhuộm màu, dưỡng hoa tươi lâu dùng công nghệ từ trường do anh nghiên cứu. Ảnh: NVCC

Anh dự định sẽ phát triển tiếp các dạng nước từ trường trong ngành trồng trọt, giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, phân dễ tan khi bón. Nước từ trường có thể ứng dụng trong ngành mỹ phẩm giúp các chất thẩm thấu vào da tốt hơn.

Gần 10 năm khởi nghiệp, anh tâm niệm nghiên cứu cái mình giỏi khó thành công hơn làm sản phẩm thị trường cần. Khi làm nước dưỡng hoa, anh phải tìm hiểu về đặc tính sinh học, cơ chế hút dinh dưỡng của cây… vốn là kiến thức trái chuyên ngành. Làm nhiều thí nghiệm thất bại, khi thành công anh tìm cách lý giải vì sao để rút ra kiến thức lý thuyết. “Thói quen này giúp mình nghĩ ra nhiều điều mới mẻ”, anh đúc kết. Với những thành quả nghiên cứu, anh Hiếu được Chủ tịch UBND TP HCM tặng bằng khen vì có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thành phố năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM), cho biết dự án khởi nghiệp của anh Lê Trung Hiếu là một trong những doanh nghiệp khá thành công khi ươm tạo tại đơn vị. Bà đánh giá, nước dưỡng hoa, nước nhuộm màu hoa do anh nghiên cứu là các sản phẩm khá mới, làm tăng giá trị của hoa. “Chúng tôi tổ chức chương trình tập huấn về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại giúp dự án tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh tiêu thụ”, bà Huệ nói.

Hà An

TP HCM ban hành chiến lược phát triển vi mạch đến 2030

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030 do Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phê duyệt hôm 6/9.

Theo Chiến lược, Khu công nghệ cao TP HCM được chính quyền thành phố định hướng đến năm 2030 trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố sẽ hình thành Trung tâm xuất sắc về vi mạch bán dẫn, cảm biến MEMS (vi cơ điện tử) và Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP HCM. Hai đơn vị này hoạt động hiệu quả tạo ra nền tảng chung để khai thác và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc hình thành nên các sản phẩm thương mại có hàm lượng khoa học cao, góp phần phát huy thế mạnh “ba nhà” (nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) với sự phát triển của TP HCM trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Thành phố hướng đến làm chủ được công nghệ từ thiết kế, chế tạo cảm biến môi trường bằng công nghệ MEMS, ứng dụng xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí dựa trên nền tảng vạn vật kết nối và trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công tác quản lý môi trường trong Khu Công nghệ cao TP HCM. Các đơn vị nghiên cứu tập trung thiết kế và chế tạo thành công loại linh kiện điện tử công suất như Mosfet hoặc Transistor ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển công suất. Đây là cơ sở xây dựng được quy trình và các thông số chế tạo chuẩn làm cơ sở thiết kế và chế tạo các linh kiện vi mạch bán dẫn phức tạp sau này.Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP HCM hồi tháng 2. Ảnh: SHTP

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP HCM hồi tháng 2. Ảnh: SHTP

Hiện Khu công nghệ cao TP HCM đã thành lập Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) thành lập hồi tháng 9/2023 hợp tác cùng doanh nghiệp để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực. ESC đã tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng thiết kế vi mạch cho các sinh viên, giảng viên các trường đại học tại TP HCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương… Trên cơ sở này, Khu công nghệ cao TP HCM sẽ mở rộng quy mô, chất lượng chương trình đào tạo lao động kỹ thuật cao lĩnh vực vi điện tử. Khoảng 120 giảng viên, nhà nghiên cứu sẽ tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu sẽ tập trung các quy trình chế tạo vi mạch bán dẫn.

Để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM) được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Trung tâm có vai trò thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam. Vườn ươm dự kiến thu hút 60 dự án ươm tạo, tốt nghiệp cho 5 doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp điện tử – vi mạch trong nước. Các dự án ươm tạo tập trung vào vi mạch trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu thông minh, truyền thông bảo mật phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Trong quá trình ươm tạo dự án, thành phố đặt mục tiêu phát triển ít nhất 60 sở hữu trí tuệ/lõi IP, định hướng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới. Có ít nhất hai doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm trên các vi mạch Việt có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế nước ngoài.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, trong đó Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đặt tại Khu công nghệ cao TP HCM dự kiến hoạt động vào tháng 9 có vai trò là nền tảng kết nối các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế lớn triển khai các hoạt động thử nghiệm chính sách, thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. C4IR cũng có vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM tiếp cận, hấp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới.

Hà An

Điểm dị thường khiến bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm

Bão Yagi tăng cấp nhanh bất thường và có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua một phần do nhiệt độ nước Biển Đông tăng mạnh.Hình ảnh vệ tinh của bão Yagi hôm 4/9. Ảnh: NOAA

Hình ảnh vệ tinh của bão Yagi hôm 4/9. Ảnh: NOAA

Bão Yagi (còn gọi là bão số 3 hay bão Enteng), là một cơn bão nhiệt đới mạnh đã ảnh hưởng đến Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là cơn bão thứ mười một được đặt tên và là siêu bão đầu tiên trong mùa bão hàng năm. Yagi là một trong 4 siêu bão cấp 5 theo thang bão Saffir – Simpson được ghi nhận trên Biển Đông, sau bão Pamela năm 1954, bão Rammasun năm 2014 và bão Rai năm 2021.

Yagi xuất phát từ một vùng áp thấp hình thành vào ngày 30/8, cách Palau khoảng 540 km về phía tây bắc. Vào ngày 1/9, hệ thống này được phân loại là một cơn bão nhiệt đới và được đặt tên là Yagi bởi Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA).

Sau khi đổ bộ vào Casiguran, Aurora ở Philippines vào ngày 2/9, Yagi suy yếu khi di chuyển vào đất liền qua dãy Cordillera Central hiểm trở ở Luzon. Sau đó, nó tiến vào Biển Đông và hợp nhất với một hệ thống tuần hoàn thứ cấp ở phía tây vịnh Lingayen, khi đó vùng đối lưu sâu bắt đầu xoáy và phát triển các dải mây đối lưu trải dài về phía tây và phía nam.

Vào ngày 5/9, Yagi mạnh lên thành siêu bão cấp 16, giật trên cấp 17, với sức gió từ 184 đến 201 km/h. Sau khi suy yếu trong chu kỳ thay thế hoàn lưu bão, Yagi mạnh trở lại trước khi đổ bộ vào đất liền gần thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 6/9. Yagi đi qua phía bắc đảo Hải Nam và trực tiếp tràn qua thủ phủ Hải Khẩu. Cơn bão đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng hôm 7/9, sau đó di chuyển theo hướng tây nam vào sâu trong đất liền. Sau hơn 15 tiếng vào đất liền Việt Nam, bão Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ.

Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông. Theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam. Chỉ có hai cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt siêu bão, nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đó là bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc. Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Một đặc điểm khác biệt của bão Yagi là quá trình mạnh lên nhanh bất thường. Ngày 2/9, bão mới ở cấp 8, sau hai ngày sau đã mạnh thêm 8 cấp. Đây là điều tương đối hiếm gặp đối với bão trên Biển Đông. Thời gian duy trì cấp 16 hơn một ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão tại khu vực này.

Theo Wired, vùng Tây Bắc Thái Bình Dương là cái nôi của một số cơn bão mạnh nhất trên Trái Đất. Vùng này được gọi là Lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là lưu vực bão nhiệt đới hoạt động nhiều nhất trên trái đất, chiếm gần một phần ba số bão lốc xoáy nhiệt đới hàng năm của thế giới. Siêu bão khá phổ biến ở Tây Thái Bình Dương. Các nhà khí tượng học ghi nhận hàng trăm siêu bão trong vùng từ năm 1945 đến năm 2022. Chỉ riêng năm 2021 đã có 4 siêu bão ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm siêu bão Rai khiến hơn 400 người thiệt mạng khi đổ bộ vào miền bắc Philippines.

Sở dĩ khu vực Tây Thái Bình Dương hình thành nhiều cơn bão mạnh như vậy do bản chất của bão nhiệt đới đòi hỏi một số điều kiện chủ chốt để phát triển. Nước biển ấm là một yếu tố cần thiết. Điều này rất đáng quan tâm bởi tương tự nhiều nơi trên thế giới, Đông Nam Á ghi nhận nhiệt độ mặt biển tăng cao trong 12 tháng qua. Nhiệt độ nước biển từ 29 độ C trở lên có thể cung cấp tất cả năng lượng cần thiết cho cơn giông bão để đạt sức mạnh tối đa. Hiện nay, nước biển quanh Philippines có nhiệt độ trung bình trên 31 độ C.

Độ ẩm cao trong không khí cũng là điều kiện thiết yếu khác để giông bão phát triển. Không khí khô khiến giông bão không thể mạnh lên. Một xoáy thuận nhiệt đới đang phát triển cũng cần gió lặng trong khí quyển xung quanh. Nếu có quá nhiều gió đứt, gió sẽ làm phần trên của cơn giông bão dạt đi, khiến chúng tan biến trước khi phát triển ổn định.

Bão mạnh tương đối hiếm xuất hiện ở Thái Bình Dương do những yếu tố trên hầu như không tồn tại thường xuyên. Ngoài ra, các luồng không khí khô từ sa mạc Sahara ở châu Phi có thể triệt tiêu cơn bão đang thành hình. Khối khí lạnh tràn qua nước Mỹ có thể khiến không khí bên trên Thái Bình Dương hoàn toàn không phù hợp cho bão nhiệt đới phát triển. Tuy nhiên, điều kiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương hoàn toàn khác biệt. Khối khí lạnh, gió đứt mạnh và không khí khô rất hiếm gặp ở vùng biển nhiệt đới này. Nhiệt độ và độ ẩm cao quanh năm ở Đông Nam Á và những quốc đảo như Philippines, điều kiện thuận lợi dọc Tây Thái Bình Dương có thể tạo điều kiện cho hàng chục cơn bão hình thành trong một mùa. Số lượng bão lớn phát triển cũng làm tăng khả năng một số cơn bão trong đó đạt sức mạnh tối đa, trở thành siêu bão gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào đất liền như Yagi.

An Khang (Tổng hợp)

38 nhà khoa học nữ trẻ được kết nối phát triển nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu trẻ được trao Giải khoa học L’Oréal – Unesco “Vì sự phát triển Phụ nữ trong khoa học” được hỗ trợ kinh phí và kết nối quốc tế theo đuổi đề tài đam mê.

Tại lễ kỷ niệm 15 năm Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco tổ chức chiều 9/9, tại Hà Nội, các nhà khoa học nữ trẻ từng được giải trong các năm, có dịp chia sẻ về kết quả nghiên cứu sau khi thắng giải. Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam cho biết, trong 38 nhà khoa học nữ được tôn vinh, có những cá nhân xuất sắc đã tạo ra ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Ông kỳ vọng thông qua chương trình này sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam.Các nhà khoa học nữ

Các nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco giai đoạn 2009 – 2023, cùng Hội đồng Giải thưởng, ngày 9/9. Ảnh: Hà Phương

PGS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa kỹ thuật y sinh, trường Đại học Quốc tế (Đại học quốc gia TP HCM) từng được Giải thưởng L’Oreal năm 2016 với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi. Sau đó năm 2018, chị được vinh danh nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới ở giải thưởng quốc tế L’Oréal – Unesco với công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương.

Chị cho biết, sau khi đoạt giải nhóm nghiên cứu có cơ hội phát triển công trình khoa học thành nhiều loại vật liệu có thể dùng để làm tái tạo mô. Hiện nhóm đi theo hai hướng là tái tạo gan ung thư và tái tạo xương khớp gối bị tổn thương. Theo PGS Hiệp, giải thưởng giúp nhóm nghiên cứu có nhiều cơ hội chia sẻ với giới học thuật, cộng đồng xã hội về hướng nghiên cứu của mình. Hiện, nhóm nghiên cứu của PGS Hiệp mở rộng từ 1 – 2 học viên cao học ban đầu, nay tăng lên với 7 nghiên cứu sinh, hơn 10 học việc cao học và 30 sinh viên tham gia. “Nhóm được kết nối các viện trường trong nước và quốc tế hợp tác nghiên cứu giúp các nhà khoa học nữ thỏa sức sáng tạo phục vụ cộng đồng”, PGS Hiệp nói.

Bác sĩ CK2 Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từng được giải L’Oreal năm 2015 với những nghiên cứu liên quan đến y học chính xác, tận dụng một cấu trúc tích hợp kết hợp giữa hệ gene, dữ liệu lâm sàng, bệnh lý kỹ thuật số và khoa học dữ liệu, hướng đến điều trị các bệnh ung thư, cơ xương và nội tiết.

Chị cho biết, sau khi được vinh danh, nhóm có thêm nguồn kinh phí nghiên cứu, được nhiều đối tác ở Pháp, Australia, Mỹ chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư, bệnh cơ xương khớp của nữ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ung thư vú cho nữ biết đến và hợp tác.

Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco được trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam từ năm 2009. Chủ nhân các giải thưởng được hỗ trợ một phần kinh phí là 150 triệu đồng dùng vào việc nghiên cứu. Trong 38 nhà khoa học nữ đoạt giải, có ba người đã được trao giải Tài năng trẻ triển vọng quốc tế năm 2015, 2018 và 2022 vì những đóng góp nổi bật của họ trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học vật liệu. Tuy nhiên đến nay Việt Nam chưa có nhà khoa học nào đoạt giải xuất sắc quốc tế của giải thưởng L’Oréal-Unesco for Women in Science.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Phó tổng giám đốc L’Oréal Việt Nam, cho biết trong số 38 nhà khoa học trẻ được giải thưởng, sau đó có ba người được phong hàm giáo sư, nằm trong danh sách top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, hai chị được Tạp chí Fobers lựa chọn nhân vật có tầm ảnh hưởng.

Theo bà Trinh, điều quan trọng nhất của giải thưởng là tạo mối liên kết giữa nhà khoa học trong nước với giới nghiên cứu thế giới, đưa công trình nghiên cứu lên tầm cao hơn. Bà mong muốn nhà khoa học nữ Việt Nam trong tương lai nhận được giải thưởng quốc tế cao nhất của chương trình này L’Oréal-Unesco for Women in Science trị giá 100.000 Euro. Nhiều nhà khoa học từng nhận giải thưởng quốc tế đều đồng thời nhận giải Nobel.

Theo bà Trinh, trong thời gian tới, giải thưởng sẽ mở rộng các hạng mục nghiên cứu về STEM như công nghệ, toán học để nhiều nhà khoa học Việt được nhận diện trên thế giới với đa dạng các lĩnh vực. “Chúng tôi tiếp tục nhận diện và vinh danh các nữ nhà khoa học trẻ giúp học có động lực theo đuổi đam mê, gắn bó lâu dài với hoạt động nghiên cứu trong tương lai”, bà Trinh nói.

Vĩnh Hà

Việt Nam có thêm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Chiều 8/9, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Cao Bằng, Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.Đoàn Đại biểu tỉnh Lạng Sơn tham dự Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Đoàn Đại biểu tỉnh Lạng Sơn tham dự Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ tám Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn thành lập từ năm 2021, có phạm vi thuộc các huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích 4.842 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

Công viên gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm: tuyến một “Khám phá thế giới thượng ngàn”; tuyến hai “Hành trình về miền thiên giới”; tuyến ba “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”; tuyến 4 “Đường đến thủy cung”.

Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025 tại Chile.Một số hóa thạch được các chuyên gia phát hiện trong vùng CVĐC Lạng Sơn

Một số hóa thạch được các chuyên gia phát hiện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Ông Lưu Bá Mạc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đánh giá, sự ghi nhận này sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát thực địa nhiều năm, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định tỉnh Lạng Sơn có đầy đủ các giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành một công viên địa chất toàn cầu.

Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện Hồ sơ đề nghị công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó, đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Với sự công nhận này, Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ tư ở Việt Nam sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.

Mộc Trà

Chia sẻ các thực hành tốt trong quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và bền vững

Ngày 04/09/2024 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội CropLife quốc tế (CLI) phối hợp cùng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội CropLife Việt Nam (CLV) tổ chức Hội nghị quốc tế về Quản lý bao gói thuốc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) năm 2024 (CMS 2024). Hội nghị quy tụ sự tham gia của hơn 50 chuyên gia hàng đầu trên thế giới về quản lý bao bì cùng nhiều cán bộ từ các cơ quan quản lý thuốc BVTV và hiệp hội thuốc BVTV tại các nước Đông Nam Á.

CMS 2024 là diễn đàn trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới nhằm mục tiêu thúc đẩy phương thức thực hành quản lý bao gói thuốc BVTV cùng các loại nhựa nông nghiệp khác một cách an toàn và hiệu quả, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Hội nghị kéo dài trong 3 ngày từ 4-6 tháng 9, xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau về thu gom và quản lý bao gói thuốc BVTV cũng như xu hướng quản lý, hỗ trợ cho các hoạt động này trên toàn cầu, trong đó tập trung thảo luận tại khu vực châu Á và Việt Nam.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Cục BVTV đánh giá cao mục tiêu của Hội nghị lần này, đặc biệt trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, nhằm thúc đẩy các phương thức quản lý và thực hành thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV một cách bền vững. Đây là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản lý sản phẩm theo vòng đời của ngành. Từ góc độ quản lý, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt hy vọng các chuyên gia sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm và cơ chế quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các nước để từ đó có thể hướng dẫn và triển khai cách thức quản lý phù hợp tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn hiện nay.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Andrew Ward – Giám đốc Quản lý CLI nhấn mạnh: CropLife cùng các công ty thành viên đã tiên phong trong việc triển khai quản lý nhựa nông nghiệp thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý bao gói thuốc BVTV tại hơn 60 quốc gia. Nhiều hệ thống trong đó không chỉ xử lý bao gói thuốc BVTV mà còn mở rộng quản lý thêm nhiều loại rác thải nông nghiệp khác. Những hệ thống này không chỉ cho thấy tính hiệu quả của việc quản lý rủi ro mà còn tạo ra lợi ích cụ thể đối với môi trường, đặc biệt khi các bình chứa thuốc BVTV đã được tái chế thành nhiều sản phẩm nhựa khác. Chúng tôi tin rằng, việc tập hợp cộng đồng chuyên gia toàn cầu trong Hội nghị lần này tại Việt Nam sẽ tạo ra chất xúc tác cho những tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực này và đây có thể xem là hội nghị chuyên đề của tất cả các bên liên quan.

Tiếp nối phát biểu của ông Andrew Ward, Giám đốc Điều hành Hiệp hội CropLife châu Á Siang Hee Tan đã phân tích vai trò của những hướng dẫn pháp lý trong việc tạo điều kiện triển khai thành công các chương trình quản lý bao gói thuốc BVTV, đặc biệt là ở các nước châu Á. Theo đó, những quy định rõ ràng và tương xứng trên cơ sở chung trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trở nên ngày càng quan trọng. Tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị đều có trách nhiệm quản lý bao gói thuốc BVTV theo hết vòng đời của sản phẩm (cơ chế EPR là một ví dụ). Đây cũng là cơ sở đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất cũng như nhà nhập khẩu. Hiệp hội CropLife châu Á cũng đưa ra khuyến nghị về một số quy định bắt buộc đối với các nhà bán lẻ và nhà phân phối trong việc thu hồi bao gói thuốc cũng như đối với người sử dụng cuối trong việc tráng rửa và xử lý bao gói sau sử dụng.

Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo phát biểu tại Hội nghị.

Theo ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch CLV, trong những năm qua, CLV đã phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV cùng nhiều đối tác ngành nhằm triển khai các mô hình thí điểm về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn  hiệu quả tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như tại tỉnh Sơn La và Đồng Tháp, trong đó bao gồm các hoạt động tập huấn về thu gom và xử lý bao gói. Bằng việc hướng dẫn nông dân xử lý bao gói sau sử dụng, thiết lập bể chứa và tổ chức nhiều phong trào thu gom bao gói, ông Đặng Văn Bảo hy vọng từng bước thay đổi thói quen sử dụng của nông dân một cách bền vững hơn.

Theo Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet, EuroCham đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động bền vững ở Việt Nam, bao gồm việc tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) vào năm 2022 và lên kế hoạch tổ chức tiếp vào tháng 10/2024. Những sự kiện này đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thảo luận về tương lai của sự bền vững từ đó nâng cao vai trò của chúng tôi. EuroCham cam kết hỗ trợ tầm nhìn của Việt Nam về một tương lai bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững rất quan trọng đối với an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế và EuroCham sẵn sàng hợp tác với Chính phủ, các thành viên và các bên liên quan để giải quyết các thách thức trong quản lý rác thải nhựa nông nghiệp.

CMS là một sáng kiến của CLI, trong đó hội nghị chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2018 và Hội nghị thứ hai tổ chức tại Thượng Hải (2019). Sáng kiến ​​này đã được khởi động lại vào năm 2024 tại Việt Nam, thể hiện cam kết của ngành BVTV trong việc quản lý sản phẩm thuốc BVTV theo vòng đời, trong đó có việc thúc đẩy quản lý hợp lý và có trách nhiệm đối với rác thải bao bì ở tất cả các thị trường cho tất cả người dùng chuyên nghiệp. Kể từ năm 2005, CropLife và mạng lưới hiệp hội trên toàn cầu đã triển khai nhiều hoạt động quản lý bao gói thuốc BVTV tại hơn 60 quốc gia; tính đến năm 2022, tổng khối lượng bao bì thu gom được là hơn 1,4 triệu tấn.

CT

Thủy táng có thân thiện với môi trường?

Khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, con người luôn cố gắng đảm bảo rằng mọi thứ đều thân thiện với môi trường. Trong khi hỏa táng truyền thống đốt nhiên liệu hóa thạch và thải ra các chất gây ô nhiễm như CO2, kim loại nặng và bụi mịn, thì thủy táng lại mang đến một giải pháp thay thế rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Thủy táng là gì?

Sơ đồ quá trình thủy táng.

Thủy táng, hay còn được gọi là thủy phân kiềm (aquamation) là quá trình đặt thi thể vào một buồng thép lớn chứa 95% nước và khoảng 5% dung dịch kiềm (kali hydroxit, natri hydroxit hoặc hỗn hợp cả hai) và đun nóng ở khoảng 90oC trong khoảng 10 giờ. Nước và dung dịch kiềm tuần hoàn nhẹ nhàng sẽ phân hủy cơ thể thành các thành phần tự nhiên như amino acid, peptide, muối và đường. Về cơ bản, quá trình này đẩy nhanh và mô phỏng quá trình tự nhiên xảy ra khi cơ thể được chôn cất. Sau quá trình này chỉ còn lại các mảnh xương (canxi phosphate), được làm khô, làm mát và sau đó nghiền thành tro để trả lại cho người thân của người đã khuất giống như với hỏa táng thông thường. Tuy nhiên, thủy táng tạo ra lượng tro nhiều hơn tới 30% và tro cốt sau quá trình này đã được tiệt trùng nên an toàn hơn khi xử lý. Nước còn lại sau hỏa táng không còn chứa kiềm nên an toàn khi thải ra môi trường.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hỏa táng (Anh), năm 2018-2019, tỷ lệ hỏa táng bằng lửa có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới. Nhật Bản có tỷ lệ cao nhất là 99,97%, Úc là 69,23% và Vương quốc Anh là 78,10%. Tại Hoa Kỳ, 54,59% người quá cố được hỏa táng, trong khi tỷ lệ này tại Canada là 73,12%. Có nhiều lý do để lựa chọn việc hỏa táng thay cho chôn cất truyền thống, ví dụ, quá trình phân hủy chậm và kéo dài có thể không được ưa chuộng, hoặc có thể người thân muốn chọn một phương pháp thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và tôn giáo ảnh hưởng nhiều đến những con số này.

Trong khi Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo cho phép hỏa táng thì Do Thái giáo Chính thống và Giáo hội Chính thống Đông phương cấm phương pháp này. Không những vậy, Kitô giáo không khuyến khích hỏa táng vì họ coi đó là sự xúc phạm đến hình ảnh của Thiên Chúa. Những yếu tố về tôn giáo này giải thích cho tỷ lệ hỏa táng thấp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (1,25%), Hy Lạp (3,42%) và Ghana (6,41%). Tuy nhiên, không có số liệu cụ thể về thủy táng. Về mặt pháp lý, thủy phân kiềm cũng được coi là hỏa táng. Hiện tại, ở Mỹ đã có 24 bang cho phép thủy táng là một trong những phương pháp để xử lý hài cốt người. Ở Úc, hiện đã có 2 công ty cung cấp dịch vụ thủy phân kiềm là Aquamation ở New South Wales và Alluvium Water Cremations ở Tasmania.

Thủy táng có thân thiện với môi trường?

Thủy táng có nhiều ưu điểm vượt trội so với hỏa táng và chôn cất.

Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã công bố báo cáo về tác động môi trường của 4 kỹ thuật tang lễ thông dụng hiện nay. Xem xét 11 danh mục tác động môi trường cho từng kỹ thuật, bao gồm sự ấm lên toàn cầu, độc tính đối với con người và cạnh tranh đất đai, các nhà nghiên cứu đã so sánh 4 phương pháp: chôn cất, hỏa táng bằng lửa, cryomation (đóng băng cơ thể bằng nitơ lỏng sau đó làm vỡ nó) và thủy táng. Kết luận cho thấy: cryomation và thủy táng có tác động môi trường thấp nhất trên tất cả các danh mục; chôn cất có tác động môi trường cao nhất trong tất cả các danh mục; hỏa táng bằng lửa có tác động môi trường ở tất cả các danh mục nằm ở mức trung bình so với các lựa chọn khác; tác động của thủy táng (có thể) là thấp nhất trong tất cả các kỹ thuật.

Những phát hiện này phù hợp với các tuyên bố xanh của các công ty cung cấp dịch vụ aquamation. Công ty Resomation cho biết, quá trình này sử dụng ít năng lượng hơn 5 lần so với hỏa táng bằng lửa và giảm phát thải khí nhà kính khoảng 35%. Công ty Alluvium Water Cremations tuyên bố trên trang web của mình rằng, không có khí thải gây hại trực tiếp ra môi trường hoặc thủy ngân thải vào không khí. Quá trình này không đốt cháy bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào. Phương pháp này tiết kiệm năng lượng (hơn 90% năng lượng) so với hỏa táng bằng lửa, với dấu vết carbon chỉ bằng 10%.

Theo một bài báo năm 2012 được đăng tải trên Tạp chí quy hoạch Berkeley, mỗi năm tại Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 30 triệu BF (~70.792 m3) gỗ cứng, 2.700 tấn đồng và đồng thau, 104.272 tấn thép và 1.636.000 tấn bê tông cốt thép. Đó là chưa kể đến khoảng 827.060 gallon (hơn 3,1 triệu lít) dung dịch ướp xác (chủ yếu là formaldehyde) được bơm vào cơ thể người quá cố và chôn cùng với họ. Về hỏa táng, nghiên cứu này cho biết, quá trình này thải carbon monoxide, bụi mịn, sulfur dioxide và kim loại nặng vào không khí. Đặc biệt, khí thải thủy ngân từ hàn răng là mối quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, tro cốt sau hỏa táng đã được tiệt trùng, vì vậy không đóng góp dinh dưỡng vào chu kỳ sinh thái.

Với chi phí ngày càng tăng của các kỹ thuật tang lễ như chôn cất và hỏa táng truyền thống, sự khan hiếm không gian khi chôn cất và tầm quan trọng tương đối của các yếu tố môi trường, thủy táng có thể trở thành lựa chọn thay thế được ưa chuộng trong tương lai.

Xuân Bình (theo Newatlas)