Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có những thay đổi và điều chỉnh lớn, xuất hiện những xu thế mới tạo cơ hội thúc đẩy khả năng tự chủ và phát triển năng lực sản xuất bán dẫn quốc gia. Từ thực tiễn này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024) với mong muốn phát huy lợi thế tiềm năng để Việt Nam có thể tham gia vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tiến tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước hoàn chỉnh.

Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế và xã hội.

Trước đây, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung tại một số ít các quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ; không có quốc gia nào có khả năng tự chủ hoàn toàn trong lĩnh vực bán dẫn. trong những năm gần đây, các quốc gia lớn đã có sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Theo nhận định của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nước ta có lợi thế nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất và có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn; có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm (ước đạt khoảng 20 triệu tấn). đồng thời, Việt Nam là 1/16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, có lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn… Đây là những lợi thế để Việt Nam có thể tham gia vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tiến tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước.

Theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg, Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C = SET + 1. Trong đó, C: Chip (chip bán dẫn), S: Specialized (chuyên dụng, chip chuyên dụng), E: Electronics (điện tử, công nghiệp điện tử); T: Talent (nhân tài, nhân lực); +1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).

Từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ triển khai công thức nêu trên để thực hiện Chiến lược với quan điểm phát triển: đi từ nhân lực tới nghiên cứu, thiết kế, đóng gói, kiểm thử đến sản xuất; thúc đẩy hợp tác mang tính chiến lược với một số quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ, đối tác quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; kết hợp vai trò của Nhà nước trong định hướng dài hạn và sự linh hoạt của thị trường trong ngắn hạn.

Theo đó, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2024-2030): Tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030-2040): Trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Giai đoạn 3 (2040-2050): Trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn được Chiến lược đặt ra như sau:

Giai đoạn 1: Hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực; quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 2: Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng; quy mô doanh thu công nghiệp bán của Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 15-20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 15-20%; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 3: Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn; quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm; giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 20-25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 20-25%…

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, theo Chiến lược cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, phát triển chip chuyên dụng: Theo đó, cần tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới thông qua đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi về bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực như chip AI, chip IoT; phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước, kết nối với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của các đối tác chiến lược; xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, thiết kế, phát triển chip bán dẫn…

Hai là, phát triển công nghiệp điện tử: Tập trung bố trí nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử với trọng tâm là các thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI; có chính sách ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm thiết bị điện tử trong nước nhằm thúc đẩy, phát triển thị trường công nghiệp điện tử; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghệp bán dẫn, điện tử Việt Nam tham gia Chương trình phát triển thương hiệu quốc gia, hướng đến thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp bán dẫn, điện tử tại các thị trường trọng điểm; lựa chọn một số sản phẩm bán dẫn, điện tử vào Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số mở rộng sang đầu tư, sản xuất thiết bị điện tử thế hệ mới…

Ba là, phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn: Theo đó, cần xây dựng và tổ chức triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo, xây dựng giáo trình và nghiên cứu cấp đại học và sau đại học; đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu; phát triển các trung tâm dữ liệu, các hệ thống siêu máy tính phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài để hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn; thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước, để tạo đầu ra đảm bảo cho đào tạo thành công. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, các chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước.

Bốn là, thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn: Theo đó, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn, điện tử từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu; thiết lập cơ chế làn xanh và các cơ chế khác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện liên quan đến công nghiệp bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng số, hạ tầng điện, hạ tầng cấp thoát nước; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, điện tử.

Ngoài các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, trong thời gian tới cần xây dựng/áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn, điện tử; hình thành, công nhận hệ thống các tổ chức đánh giá chất lượng, trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm, dịch vụ bán dẫn, điện tử; nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nghiệp bán dẫn, điện tử.

CT

Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ và các sự kiện liên quan

Với chủ đề “Cởi mở, hợp tác, phát triển và cùng có lợi”, hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ (BRIPCON) và các sự kiện liên quan vừa diễn ra ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Hội nghị đã quy tụ khoảng 450 đại biểu, bao gồm các đại diện các cơ quan sở hữu trí tuệ đến từ 54 quốc gia, chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đại diện của các tổ chức quốc tế có liên quan. Cục Sở hữu trí tuệ đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 3 Vành đai và Con đường về Sở hữu trí tuệ.

Hội nghị BRIPCON nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và bản quyền trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nội dung chính của Hội nghị BRIPCON lần này tập trung vào các vấn đề: (i) Thúc đẩy phát triển chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; (ii) Tăng cường hợp tác khu vực và tạo sự đồng thuận về sở hữu trí tuệ; (iii) Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy phát triển xanh và bền vững; (iv) Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số; (v) Vai trò của sở hữu trí tuệ trong nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo thông qua các phương thức tài trợ thương mại hóa; (vi) Phiên họp bàn tròn đặc biệt dành cho các cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia, đại diện của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và khu vực…

Tại phiên họp bàn tròn về sở hữu trí tuệ “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã thảo luận về định hướng hợp tác với các cơ quan SHTT và các tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia, đồng thời trao đổi quan điểm về 6 chủ đề và gần 20 dự án nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác sở hữu trí tuệ “Vành đai và Con đường”.

L.H

Đoàn khối nhà 70 Trần Hưng Đạo hưởng ứng ngày Chủ nhật xanh lần thứ III năm 2024

Đoàn khối nhà 70 Trần Hưng Đạo hưởng ứng ngày Chủ nhật xanh lần thứ III năm 2024

Thực hiện công văn của Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban chấp hành Chi đoàn Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã khẩn trương lên kế hoạch thực hiện. Theo đó, BCH Chi đoàn Nhà xuất bản đã thống nhất phối hợp với chi đoàn Văn phòng công nhận chất lượng và Chi đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh lần thứ III năm 2024.

Thanh niên đoàn viên khối nhà 70 Trần Hưng Đạo ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh lần thứ III năm 2024”. Ảnh Quốc Khánh.

Chi đoàn đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên chức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, làm vệ sinh sạch đẹp trụ sở nơi làm việc; đồng thời phát động lễ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trong toàn thể đoàn viên của Chi đoàn Nhà xuất bản tuân thủ thực hiện “5K” theo quy định, nhằm đảm bảo mỹ quan môi trường theo tiêu chí “xanh – sạch – sáng”.

Nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi được triển khai vào chiều ngày 20/9 như: Đoàn viên thực hiện dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan môi trường tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc; sắp xếp phòng làm việc; cắt tỉa và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên cơ quan, đơn vị; In decal dán tại các vị trí thu gom rác tại cơ quan nhằm tuyên truyền phân loại rác thải; lập điểm thu gom pin đã qua sử dụng tại vị trí hành lang trước cửa Văn phòng.

                      Cán bộ công nhân viên chức và Đoàn viên thanh niên Chi đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng hưởng ứng thực hiện dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan môi trường tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc từ chiều ngày 20/9. Ảnh Thùy Dương.

            Bên cạnh đó, Chi đoàn NXB đã phối hợp với Chi đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng và Chi đoàn Văn phòng công nhận chất lượng tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh vào sáng ngày 21/09. Hoạt động của lễ ra quân gồm:

+ Quét, lau dọn và thu gom rác thải tại trụ sở tòa nhà 70 Trần Hưng Đạo;

+ Dán decal, poster hướng dẫn phân loại và thu gom xử lý rác đúng quy định tại các vị trí thu gom rác trong tòa nhà.

+ Lập điểm thu gom pin đã qua sử dụng tại sảnh tòa nhà 70 Trần Hưng Đạo;

+ Tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, tuyến đường xung quanh trụ sở cơ quan: Trần Hưng Đạo, Quang Trung,… nhằm lan tỏa hành động có ý nghĩa tích cực trong việc hình thành nếp sống văn minh tại cơ quan đơn vị, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp.

Một số hình ảnh hoạt động hưởng ứng “Chủ nhật xanh lần thứ III năm 2024”:

Quốc Khánh

56 tác giả được chọn ‘nhà khoa học của nhà nông’ năm 2024

Người được lựa chọn danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” có các nghiên cứu, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả cho cộng đồng.

Hội đồng giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V công bố danh sách 56 cá nhân được vinh danh trong năm 2024. Đây là những nhà khoa học, trí thức, các nhà sáng chế và người nông dân có sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu chí xét chọn dựa trên đóng góp công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị cộng đồng.

Trong số 56 nhà khoa học của nhà nông năm nay, người cao tuổi nhất là GS.TS Nguyễn Thơ, 88 tuổi, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam và trẻ tuổi nhất là kỹ sư Lương Văn Trường, 35 tuổi, Giám đốc HTX Thanh Niên Nam Đại Dương, Nam Định.

Giải pháp của kỹ sư Trường là cung cấp hạt giống nảy mầm sẵn giúp bà con nông dân dễ dàng sử dụng hạt giống, không lo bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt truyền thống. Giải pháp của kỹ sư Trường từng nhận giải Ba cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023 do VnExpress tổ chức.Kỹ sư Lương Văn Trường (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người nông dân về giống lúa. Ảnh:NVCC

Kỹ sư Lương Văn Trường (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người nông dân về giống lúa. Ảnh:NVCC

Trong danh sách được giải năm nay có 37 người có học hàm, học vị là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Trong số này có GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, 51 tuổi, Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp. 28 năm qua, GS Thái Hòa theo đuổi hướng nghiên cứu chính là đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Nữ giáo sư tập trung nghiên cứu độ phì đất, xây dựng quy trình sản xuất các loại phân hữu cơ, sử dụng phân bón cho cây trồng. Nghiên cứu mở ra hướng mới trong ứng dụng biện pháp phi hóa học nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

GS Hòa công bố 148 bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, trong đó 19 bài thuộc tạp chí ISI/Scopus. Chị chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao. Trong đó có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.

Hay TS Trần Đức Tường, 53 tuổi, Trường Đại học Đồng Tháp, sở hữu 21 công trình khoa học, chủ nhiệm và tham gia gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, xuất bản 5 giáo trình và bài giảng. Một trong những nghiên cứu của TS Tường là nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ bằng lõi ngô và vỏ trấu, thay vì mùn cưa cao su, cho năng suất cao hơn và hoạt chất sinh học tốt hơn. Hiện quy trình công nghệ đã được ứng dụng tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp và một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhà, đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm.

Trong số các nông dân sáng tạo có ông Võ Văn Út, 63 tuổi, Long An với giải pháp máy gieo hạt bắp có thể gieo được 1 ha trong hai giờ, tiết kiệm chi phí khoảng 20 công lao động so với cách gieo truyền thống. Hay dụng cụ gieo mè sau khi cải tiến giúp tiết kiệm chi phí công lao động hơn 2 triệu đồng/ha; máy nhổ đậu phộng giúp thu hoạch ruộng đậu nhanh trong ngày, trong 3 giờ máy nhổ được 1 ha đậu, tương đương với 30 công lao động thủ công.

Từ khối doanh nghiệp, hợp tác xã, tác giả Ngô Chí Thắng, TP HCM với các giải pháp như thiết bị sản xuất phân compost, hệ thống phân phối sản phẩm phân compost. Các giải pháp tận dụng nguyên liệu sẵn có rác thải hữu cơ; cải thiện chất lượng đất và nông sản do phân compost giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất; giảm chi phí xử lý rác thải.

Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5 sẽ diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện. Kể từ lần đầu tổ chức năm 2018, đến nay đã có 301 cá nhân được vinh danh.

Như Quỳnh

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình nghiên cứu quốc gia

Các chương trình quốc gia cần sự tham gia của doanh nghiệp cùng đầu tư cho hoạt động R&D, thương mại hóa để sản phẩm ứng dụng thực tế.

Quan điểm được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học nêu tại hội thảo “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học” do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM, ngày 20/9.

Ông Lưu Quang Minh, Vụ phó Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2023 đặt mục tiêu đưa Việt Nam có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học thuộc nhóm đầu châu Á. Ngành công nghệ sinh học được chú trọng xây dựng thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành 14 chương trình khoa học công nghệ quốc gia và 20 chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành.

Theo ông Minh, các đề xuất nhiệm vụ được chọn để tiến hành thực hiện chưa cao do chưa đáp ứng tính ứng dụng thực tiễn, yêu cầu về liên kết ngành, vùng. Ông mong muốn được nhận được sự đồng hành của nhà khoa học, doanh nghiệp, để thực hiện thành công mục tiêu của ngành công nghệ sinh học.Ông Lưu Quang Minh, Vụ phó Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Ông Lưu Quang Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2005 – 2020 ngành nông nghiệp thực hiện 279 nhiệm vụ với kinh phí khoảng 36 triệu USD. “Nguồn kinh phí này chưa bằng 1/3 quy mô một tập đoàn đa quốc gia đầu tư nghiên cứu trong một năm”, bà nói, song sự tham gia của các doanh nghiệp vào các đề tài nghiên cứu, phục vụ hoạt động thương mại hóa đang thiếu.

Theo bà Thủy, tại nhiều quốc gia phát triển, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) và các dự án khởi nghiệp. Việc mở rộng tiếp tục đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tiễn phải có sự tham gia của doanh nghiệp, với vai trò đầu tư cho hoạt động thương mại hóa, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, ở Việt Nam “hiện chưa có cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư cho nghiên cứu”. Nhiều doanh nghiệp hạn chế về quy mô nên chưa thể đảm bảo việc đầu tư cho nghiên cứu, vốn mang tính dài hạn.

Ngoài ra, theo bà Thủy hiện hành lang pháp lý cho ngành công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp chưa đồng bộ. Riêng với công nghệ chỉnh sửa gene, hiện mới chỉ quy định cho nhóm cây trồng, còn nhóm vật nuôi, vi sinh vật chưa có quy định cụ thể. Bà đánh giá, vấn đề pháp lý là một trong những trụ cột để nhà khoa học, doanh nghiệp tư duy đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ thông qua việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.

GS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2021 – 2030 (KC.12/21-30) đồng quan điểm hiện doanh nghiệp ít tham gia các đề tài, do họ chưa quan tâm, đầu tư nhiều vào công nghệ. Mặt khác, theo GS Hàm, một số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chủ yếu với mục đích chia sẻ kinh phí nghiên cứu, chưa thật sự nhắm đến việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Do đó, khung chương trình KC.12/21-30 đặt mục tiêu 50% các nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia, trên 20% nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì để thúc đẩy liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.

TS Hoàng Hoa Sơn, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, với các ngành khác, hoạt động R&D có thể phát triển thành sản phẩm thương mại hóa. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong y tế nói chung và thuốc nói riêng cần quá trình đánh giá thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới được cấp phép sản xuất, lưu hành. Riêng với vaccine sau khi cấp phép là tiếp tục theo dõi, kiểm tra đánh giá. Theo TS Sơn nghiên cứu thuốc mất nhiều công đoạn có thể lên tới hàng chục năm, với xác suất thành công rất thấp, chi phí đầu tư lớn. Do đó, các đơn vị nghiên cứu ngoài nguồn ngân sách được cấp, họ phải hợp tác quốc tế đề tăng thêm nguồn tài trợ nghiên cứu.

Hà An

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia trụ/trạm sạc xe điện

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, sáng ngày 20/9/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương để trao đổi, thống nhất nội dung báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xác định phương án phối hợp cụ thể giữa hai Bộ nhằm đẩy mạnh triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về trụ/trạm sạc xe điện.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Tại Việt Nam, xe điện đang trở thành xu hướng phát triển và tiêu dùng mới, mở ra một thị trường tiềm năng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng xe trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong nước đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như VINFAST, HYUNDAI Thành Công, THACO và TMT. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng cộng 17.536 xe ô tô điện đã được tiêu thụ tại Việt Nam, cùng với 2.190 xe ô tô điện được nhập khẩu.

Với sự phát triển nhanh chóng của xe điện trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường cung cấp các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện giao thông điện, đặc biệt là trụ/trạm sạc điện tại Việt Nam. Hiện nay, hệ thống trụ/trạm sạc điện có độ bao phủ lớn nhất tại Việt Nam là của VinFast, được triển khai tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, và trạm xăng dầu dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ. Ngoài ra, một số công ty nhập khẩu và cung cấp trụ/trạm sạc chính hãng từ nước ngoài, như EV One, EverCharge, EverEV, Green Charge, Star Charge, Autel…, chủ yếu lắp đặt trạm sạc tại các đại lý và hộ gia đình cho khách hàng sở hữu xe.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại cuộc họp.

Để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống trụ/trạm sạc xe điện nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan ngành giao thông vận tải, một trong những nhiệm vụ quan trọng là khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN về trụ/trạm sạc xe điện, gắn với quy hoạch quốc gia về lắp đặt, bố trí, kinh doanh trụ/trạm sạc xe điện, kết hợp với kế hoạch tổng thể phát triển hạ tầng kỹ thuật liên quan.

Về hệ thống TCVN, QCVN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 58 TCVN liên quan đến xe điện và hệ thống liên quan, bao gồm: 41 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe điện; 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện; 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện); 05 TCVN về Thiết bị đo điện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có QCVN về trụ/trạm sạc xe điện. Đây là công cụ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật trụ/trạm sạc xe điện, định hướng thị trường cạnh tranh minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch, mua bán điện giữa đơn vị sở hữu trụ/trạm sạc và khách hàng.

 

Nguồn: Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN

Quỹ học bổng Vallet: 25 năm “gieo hạt” hỗ trợ nhiều tài năng khoa học trẻ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Quỹ học bổng Vallet hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến thế hệ trẻ Việt Nam.

Toàn cảnh buổi Lễ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định như trên tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ học bổng Vallet ngày 21/9/2024, tại Hà Nội.

Bộ trưởng cho biết, đến nay Quỹ học bổng Vallet đã trao tặng gần 50.000 suất học bổng với trị giá hơn 500 tỷ đồng cho các em học sinh, sinh viên xuất sắc trên cả nước. Học bổng Vallet giúp các em học sinh, sinh viên tự tin theo đuổi ước mơ, khát vọng của mình.

Chia sẻ về hành trình 25 năm gieo mầm tri thức, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, học bổng Vallet đã phát hiện và hỗ trợ nhiều tài năng trẻ trong các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y khoa, giúp họ phát huy năng lực và trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, và lãnh đạo đóng góp tích cực cho đất nước. Học bổng cũng mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa, và có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ thêm nghị lực vươn lên. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh sự nỗ lực không ngừng của GS. Odon Vallet, GS. Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc, TS. Espéran Padonou – Giám đốc Quỹ Vallet, cùng các cộng sự.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để Quỹ học bổng Vallet hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến thế hệ trẻ Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị cộng đồng cựu học sinh, sinh viên từng nhận học bổng Vallet cùng chung tay tăng cường nguồn lực cho Quỹ, tình nguyện tham gia vào công tác tổ chức, nhằm giúp Quỹ ngày càng lớn mạnh, trở thành biểu tượng của tri thức, lòng nhân ái và sự biết ơn. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn TS. Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet, sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ, giúp thế hệ trẻ Việt Nam phát triển và ươm mầm tài năng thông qua các suất học bổng của Quỹ.

“Quỹ học bổng Vallet sẽ ngày càng phát triển, hoàn thành tốt sứ mệnh ươm mầm tài năng trẻ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của giáo dục và KH&CN Việt Nam.”, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

Để ghi nhận những đóng góp xuất sắc và tích cực cho sự phát triển của Quỹ Vallet và các chương trình của Quỹ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH&CN” cho TS. Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN cho TS. Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, những suất học bổng này không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp các em tự tin theo đuổi ước mơ, khát vọng của mình. GS. Trần Thanh Vân khẳng định, Quỹ học bổng Vallet là một minh chứng sinh động cho sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là tình hữu nghị Pháp – Việt; đồng thời nhấn mạnh, Quỹ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển giáo dục và khoa học của đất nước.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu trực tuyến tại buổi lễ, GS. Odon Vallet, Chủ tịch Quỹ Vallet, cho biết từ năm 2001, ông đã tự nguyện đóng góp vào chương trình học bổng thông qua Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam do GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc sáng lập. Kể từ đó, ông đã đồng hành cùng học sinh và sinh viên Việt Nam. GS. Vallet bày tỏ sự quý trọng tinh thần học tập của các em và cam kết tiếp tục hợp tác với Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời trao học bổng Vallet có giá trị cao hơn trong tương lai.

GS. Odon Vallet, Chủ tịch Quỹ Vallet phát biểu trực tuyến tại buổi Lễ.

TS. Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet bày tỏ lòng biết ơn đến các nhà khoa học, cơ quan ban ngành và toàn xã hội đã chung tay hỗ trợ, giúp lan tỏa tinh thần của Quỹ học bổng và góp phần khuyến khích tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên Việt Nam. Ông cho biết, trong năm 2024, Quỹ Vallet thông qua Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã trao 2.100 suất học bổng cho học sinh và sinh viên xuất sắc trên cả nước, với giá trị 15 triệu đồng/suất cho học sinh phổ thông, 29 triệu đồng/suất cho sinh viên, và 45 triệu đồng/suất cho nghiên cứu sinh..

TS. Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet phát biểu tại buổi Lễ.

Đại diện cựu sinh viên, học sinh nhận học bổng Vallet tặng hoa tri ân GS. Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc và TS. Espéran Padonou.

Quỹ học bổng Vallet được thành lập vào năm 1999 bởi GS. Odon Vallet và anh trai Jean-Daniel với mục tiêu chính là hỗ trợ tài chính cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích học tập xuất sắc, giúp các em được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao. Đây là quỹ học bổng tư nhân được thành lập từ một phần di sản kế thừa của gia đình Vallet; trực thuộc quản lý của Quỹ nước Pháp (Fondation de France). Kể từ khi thành lập tới nay, Quỹ đã trao 68.000 suất học bổng ở Việt Nam, Cộng hoà Benin và Pháp.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Dây thần kinh dài nhất trong cơ thể người

Dây thần kinh phế vị đi từ não đến khắp đầu và thân mình, đưa ra mệnh lệnh cho các cơ quan và tiếp nhận cảm giác từ chúng.[Caption]  . Ảnh: Whistlesforlife

Dây thần kinh phế vị ảnh hưởng đến phản ứng của con người khi sợ hãi. Ảnh: Whistlesforlife

Hãy tưởng tượng, một người đang đi một mình trên đường lúc tối muộn thì nghe thấy tiếng bước chân từ phía sau. Người này sẽ thấy tim đập thình thịch, huyết áp tăng vọt, da gà nổi lên ở cánh tay, lòng bàn tay đổ mồ hôi, bụng cuộn thắt và các cơ bắp co lại, sẵn sàng chạy nước rút hoặc chiến đấu. Những trải nghiệm như vậy cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa não và cơ thể. Vậy sự kết nối này được tổ chức như thế nào?

Câu trả lời liên quan đến dây thần kinh phế vị. Là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, nó đi từ não đến khắp đầu và thân mình, đưa ra mệnh lệnh cho các cơ quan và tiếp nhận cảm giác từ chúng. Phần lớn chức năng mà nó điều chỉnh, ví dụ như tâm trạng, sự học hỏi và nỗi sợ, đều là tự động và vận hành mà không cần sự kiểm soát có ý thức.

Các nhà giải phẫu học thời xưa đã biết về dây thần kinh phế vị, trong đó đáng chú ý là Galen, nhà bác học Hy Lạp qua đời khoảng năm 216. Nhưng giới khoa học phải mất hàng thế kỷ nghiên cứu để hiểu về chức năng và giải phẫu phức tạp của nó. Nỗ lực này ngày nay vẫn đang tiếp diễn.

Dây thần kinh phế vị bắt nguồn từ 4 cụm tế bào thần kinh trong tủy não, nơi thân não gắn vào tủy sống. Đa số dây thần kinh trong cơ thể người đều phân nhánh trực tiếp từ tủy sống, nhưng dây thần kinh phế vị thì không. Đây là một trong 13 dây thần kinh rời khỏi não trực tiếp qua những lỗ đặc biệt trên hộp sọ. Từ đó, nó mọc ra các nhánh vươn tới hầu hết mọi nơi trong đầu và thân mình.

Dây thần kinh phế vị cũng tỏa ra từ hai cụm tế bào thần kinh lớn gọi là hạch, nằm ở những điểm trọng yếu trong cơ thể. Ví dụ, có một cụm lớn các tế bào thần kinh phế vị bám như dây leo vào động mạch cảnh ở cổ. Các sợi thần kinh đi theo mạng lưới mạch máu khắp cơ thể để đến những cơ quan quan trọng như tim, phổi, ruột.

Mọi hệ thống phức tạp trong cơ thể đều cần những bộ phận tương đương phanh và bàn đạp ga để duy trì sự kiểm soát. Dây thần kinh phế vị đóng vai trò như vậy với nhiều phản ứng bẩm sinh của con người. Các tín hiệu giữa thân não và cơ thể truyền lên và xuống dây thần kinh để co bóp ruột khi tiêu hóa, điều khiển hệ thống miễn dịch để ngăn chặn mối đe dọa từ vi khuẩn, điều hòa nhịp tim và tăng, giảm huyết áp. Dây thần kinh phế vị cũng ép ống phế quản để dẫn không khí vào phổi, kích hoạt phản xạ nôn và gây ho.Dây thần kinh phế vị trải dài từ não đến cơ thể, chi phối các cơ quan, kiểm soát sự sống và cảm xúc. Ảnh: Sally Caulwell/Quanta Magazine

Dây thần kinh phế vị vươn dài từ não đến khắp cơ thể và chi phối các cơ quan. Ảnh: Sally Caulwell/Quanta Magazine

Chức năng chính của dây thần kinh phế vị là làm giảm phản ứng của cơ thể. Ví dụ, sau một cơn sợ hãi, phản ứng mạnh mẽ của cơ thể cần được chấm dứt để khôi phục nhịp tim, hô hấp, lưu lượng máu… như bình thường. Ảnh hưởng của dây thần kinh phế vị mạnh đến mức có thể làm ngừng nhịp tim đang đập dồn. Ngược lại, dây thần kinh này cũng có thể kích thích phản ứng cơ thể bằng cách “nhả phanh” để tăng tốc.

Tác dụng “phanh” của dây thần kinh phế vị là cơ sở sinh học cho những liệu pháp mới giúp kích thích dây thần kinh để dập tắt cơn động kinh, làm giảm rối loạn lo âu, làm dịu phản ứng viêm, ngăn chặn cơn đau nửa đầu, và nhiều liệu pháp tiềm năng khác. Khác với phương pháp kích thích não sâu dùng để điều trị một số tình trạng tương tự, việc kích thích dây thần kinh phế vị có thể diễn ra mà không cần phẫu thuật thần kinh.

Ví dụ, có thể kích thích các sợi thần kinh bằng xung điện nhẹ khi đưa điện cực vào ngực hoặc đơn giản hơn là kẹp vào tai. Kỹ thuật này đã được sử dụng để điều trị động kinh và trầm cảm trong nhiều thập kỷ. Năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng chấp thuận việc sử dụng kỹ thuật này để điều trị những vấn đề về vận động do đột quỵ gây ra.

Nếu không có phạm vi rộng lớn và tác động mạnh mẽ của dây thần kinh dài nhất, mối liên kết quan trọng, chặt chẽ giữa não và cơ thể sẽ bị phá vỡ, nhiều cảm xúc và trải nghiệm cốt lõi – sợ hãi, vui sướng, cách phản ứng nhanh với mối đe dọa và lấy lại bình tĩnh sau đó – sẽ bị phá hỏng. Vì vậy, không cần phải là thuốc chữa bách bệnh, dây thần kinh phế vị vẫn rất đáng chú ý.

Thu Thảo (Theo Smithsonian)

Top 20 ứng viên khoa học trẻ giải Quả cầu vàng 2024

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công bố top 20 ứng viên tiêu biểu giải Quả cầu vàng 2024 với thành tích nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Hội đồng Giải thưởng về khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024 đã chọn 20 gương mặt tiêu biểu từ 69 hồ sơ đề cử thuộc 5 lĩnh vực xét giải gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y – dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới. Đây là giải thưởng thường niên, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Theo Ban tổ chức, nhiều ứng viên có thành tích xuất sắc sở hữu bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, đạt nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.Top 20 ứng viên giải thưởng Quả cầu vàng khoa học công nghệ 2024. Ảnh: CYTAST

Top 20 ứng viên giải thưởng Quả cầu vàng khoa học công nghệ 2024. Nguồn: CYTAST

Sau hơn 2 tháng phát động, Giải thưởng nhận 69 hồ sơ đề cử của 39 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu. Theo hội đồng giải thưởng, phần lớn các đề cử là gương mặt nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu học viện, viện nghiên cứu, trường Đại học trong nước. Trong đó có 1 phó giáo sư; 49 tiến sĩ, 14 thạc sĩ và 6 cử nhân, ứng viên nhỏ tuổi nhất 22 tuổi thuộc lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. 12 ứng viên đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Singapore, Đài Loan – Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc).

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết tại phiên họp hội đồng thứ nhất đã định hướng thống nhất phương thức đánh giá để lựa chọn được các ứng viên xuất sắc không chỉ về thành tích khoa học, còn đảm bảo liêm chính khoa học, giúp Giải thưởng nâng cao chất lượng, uy tín, lan tỏa rộng rãi trong xã hội và cộng đồng các nhà khoa học trẻ.

Hội đồng sẽ họp phiên thứ hai dự kiến vào tháng 10 để chọn ra 10 gương mặt xuất sắc đề cử Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao Giải thưởng quả cầu vàng năm 2024.TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2023. Ảnh: Tùng Đinh

TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2023. Ảnh: Tùng Đinh

Giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xét tặng thường niên từ năm 2003. Sau 20 năm tổ chức, đến nay có 204 cá nhân xuất sắc trong và ngoài nước được nhận giải thưởng.

Như Quỳnh

Ứng dụng công nghệ khối phổ MALDI-TOF MS nâng cao chất lượng dịch vụ thử nghiệm trong phân tích vi sinh vật

Nhằm đáp ứng nhu cầu định danh hoặc khẳng định nhanh và chính xác vi sinh vật tạp nhiễm trong thực phẩm, môi trường… phục vụ nhu cầu của cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 ( Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đầu tư, trang bị nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có công nghệ khối phổ MALDI-TOF MS (Matrix Assisted Laser Desorption Ionization-Time of Flight Mass Spectrometry) nhằm nhận diện các vi sinh vật chính xác đến mức loài hoặc chi trong khoảng thời gian rất ngắn, với độ chính xác và tin cậy cao, giúp doanh nghiệp chủ động kiểm soát ô nhiễm vi sinh trong thực phẩm, nguyên liệu, môi trường sản xuất và đánh giá mối nguy do ô nhiễm vi sinh vật gây ra.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), việc loại trừ các tác nhân nguy hại về vật lý, hoá học và sinh học được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tác nhân sinh học được quan tâm hơn cả do khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh chóng khi gặp điều kiện thuận lợi. Chúng không chỉ gây hư hỏng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng. Trong quá trình sản xuất thực phẩm, việc phát hiện hay định danh được vi sinh vật tạp nhiễm trong nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm sẽ cung cấp thông tin quý giá để nhà sản xuất đưa ra phương án xử lý kịp thời. Trong công tác kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay điều tra dịch tễ, giai đoạn khẳng định là một bước then chốt trong việc kết luận sự hiện diện của vi sinh vật gây bệnh trong sản phẩm được kiểm tra. Vì vậy, các quá trình định danh hay khẳng định vi sinh vật luôn đòi hỏi sự chính xác cao và kịp thời để cung cấp các thông tin chính xác, định hướng cho các phương án xử lý.

Công nghệ MALDI-TOF MS là một phương pháp phân tích khối phổ tiên tiến sử dụng tia laser để ion hóa mẫu kết hợp với thời gian bay. Đây là phương pháp sử dụng công nghệ hiện đại, giúp định danh vi sinh vật bằng dấu ấn phân tử, dựa trên sự so sánh độ tương đồng khối phổ Protein ribosome của vi sinh vật mục tiêu với cơ sở dữ liệu khối phổ vi sinh vật chuẩn. Công nghệ MALDI-TOF MS không chỉ giúp các phòng thử nghiệm giảm nhân lực, vật lực, thời gian trả kết quả mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho các đơn vị sản xuất kịp thời cô lập, phân vùng các sản phẩm bị biến tính, xác định nguồn nguyên liệu thô ban đầu đảm bảo an toàn, thu hồi các lô thực phẩm không đạt chất lượng hoặc xuất xưởng các lô thực phẩm an toàn, nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. Công nghệ MALDI-TOF MS không chỉ hỗ trợ mà còn khắc phục được các nhược điểm tồn tại từ lâu đời của các phương pháp phân tích vi sinh truyền thống vốn đòi hỏi nhiều nhân lực và thời gian phân tích kéo dài.

Hệ thống Bruker MALDI Biotyper tại Phòng Thí nghiệm Vi sinh-GMO của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3).

Là thành viên Phòng Thử nghiệm kiểm chứng ASEAN (ASEAN Food Reference Laboratory (AFRL) trong lĩnh vực phân tích vi sinh trong thực phẩm, để đáp ứng yêu cầu phát triển, QUATEST 3 đã đầu tư hệ thống Bruker MALDI Biotyper nhằm giúp định danh và khẳng định vi sinh vật một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Với quy trình phân tích này, tất cả các công đoạn định danh vi sinh, từ chuẩn bị mẫu đến phân tích phổ và xem xét kết quả đều được thực hiện tự động, khép kín, cho kết quả nhanh, chính xác. Với thư viện tham chiếu lớn, cập nhật liên tục, hệ thống này có nhiều ưu điểm vượt trội: kết quả định danh chính xác đến loài hoặc chi, thời gian thử nghiệm nhanh (khoảng 15-30 phút), kỹ thuật thực hiện đơn giản và không bị ảnh hưởng bởi các loại môi trường nuôi cấy khác nhau.

Kết quả định danh một số vi khuẩn được phân tích trên hệ thống Bruker MALDI Biotyper tại QUATEST 3.

Hiện tại, hệ thống trên đã được trang bị cho Phòng Thí nghiệm Vi sinh – GMO của QUATEST 3 để định danh và khẳng định vi sinh vật, giúp việc kiểm soát ô nhiễm vi sinh trong thực phẩm, nguyên liệu, môi trường sản xuất và đánh giá mối nguy do ô nhiễm vi sinh vật gây ra được thuận lợi. Với việc đầu tư hệ thống Bruker MALDI Biotyper, QUATEST 3 đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng định danh nhanh, chính xác nhất các vi sinh vật. Dịch vụ này hoàn toàn có thể thực hiện việc thử nghiệm và trả kết quả trong ngày (trong một số trường hợp, việc định danh này có thể dài hơn một ngày tùy theo tính chất mẫu thử là khuẩn lạc tươi hay phân lập từ mẫu vật).

Phong Vũ