Tham dự buổi khảo sát còn có lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, Viện VKIST, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng đông đảo các hộ dân sản xuất lò than truyền thống.
Làng nghề đốt than truyền thống Xuân Hòa có hơn 200 hộ làm nghề, hiện có 431 lò đang hoạt động, tổng sản lượng gần 34 nghìn tấn/năm. Tổng doanh thu mỗi năm từ làng nghề đạt hơn 51,7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Thành Duy, Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù làng nghề được hình thành, tồn tại trên 50 năm nhưng vẫn chưa đảm bảo về điều kiện môi trường (khói bụi). Mặt khác đa số hộ sản xuất nơi đây còn mang tính tự phát, chưa nắm bắt được thị trường. Do đó, để phát triển làng nghề, trong thời gian tới cần có giải pháp điều tiết mẫu mã, số lượng sản phẩm theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường; cần có tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm làm ra cho địa phương.
Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đề xuất một số nội dung với Đoàn như, hỗ trợ làng nghề truyền thống hầm than trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, nhãn hiệu cũng như nâng cao hiệu suất thu hồi than, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở để tạo việc làm nâng cao thu nhập…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi với người dân địa phương về các nội dung liên quan đến đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý trong sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các hộ sản xuất than cũng kiến nghị với Lãnh đạo Bộ KH&CN về việc hỗ trợ công nghệ xử lý khói bụi từ sản xuất than, chính sách hỗ trợ chủ lò lắp đặt thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và cải tiến quy trình sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Theo PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, các làng nghề thường hoạt động dựa trên kinh nghiệm truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi và có khả năng xuất khẩu, nhưng chất lượng không đồng đều và chưa đạt tiêu chuẩn. Quá trình sản xuất cũng tốn nhiều thời gian và lãng phí nguồn nhiệt lớn.
Với kinh nghiệm của mình, VKIST sẽ phối hợp với một số hộ sản xuất để thử nghiệm giải pháp tận dụng nguồn nhiệt tuần hoàn trong sản xuất than. Cụ thể, nhiệt lượng từ lò thứ nhất có thể được truyền dẫn để làm nguyên liệu nung đốt cho lò thứ hai, và cứ thế tiếp tục. Quá trình này sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, và cải thiện đời sống.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc phát triển làng nghề truyền thống hầm than tại xã Xuân Hòa trong thời gian qua. Thứ trưởng cho biết, buổi khảo sát nhằm mục đích nắm bắt rõ thực trạng sản xuất tại làng nghề, đồng thời lắng nghe ý kiến và kiến nghị từ người dân trực tiếp sản xuất cũng như cư dân sinh sống trong khu vực. Trên cơ sở đó, các chuyên gia và nhà khoa học sẽ vào cuộc để tìm ra những giải pháp khoa học nhằm hướng đến hoạt động sản xuất than truyền thống bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu tác động đến môi trường.
“Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật và các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống cho các hộ sản xuất than tại xã Xuân Hòa. Chúng tôi mong muốn người dân hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng để khắc phục ô nhiễm môi trường, giảm lượng khí thải, và đảm bảo chất lượng cuộc sống”, Thứ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện VKIST tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường cho làng nghề hầm than.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy khảo sát lò hầm than ở xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến thăm và trao tặng Hệ thống lọc nước phèn – mặn sử dụng công nghệ lọc nước tiên tiến được nghiên cứu và phát triển bởi VKIST và Viện KH&CN Hàn Quốc cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề. Việc trao tặng hệ thống lọc nước là mô hình tiêu biểu trong việc đưa KH&CN đi sâu vào phục vụ đời sống, cải thiện chất lượng nước sinh hoạt của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung và người dân vùng thiếu nước sinh hoạt do nhiễm phèn, nhiễm mặn trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đây cũng là tiền đề cho sự hợp tác và cùng phát triển sâu rộng, mạnh mẽ KH&CN nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Sóc Trăng và Bộ KH&CN trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy trao đổi về tính năng của hệ thống lọc nước.
Đại diện VKIST bàn giao Hệ thống lọc nước và tặng quà cho học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Trần Đề.
Tiếp đó, Đoàn đã khảo sát mô hình trồng lúa ST25 tại Hợp tác xã Đông Đầy, xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Hiện hợp tác xã đang triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ và áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn từ làm đất đến thu hoạch. Tại buổi làm việc, các thành viên hợp tác xã đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển chuỗi giá trị từ giống lúa ST25, nghiên cứu các loại chế phẩm nhằm nâng cao năng suất lúa.
Đoàn công tác khảo sát mô hình trồng lúa ST25 tại Sóc Trăng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN