Ông Nguyễn Văn Khanh trồng 120 ha lúa, nhờ ứng dụng công nghệ chỉ cần hai quản lý và hai người vận hành máy, lợi nhuận tăng thêm 30-40%.
Nông dân Nguyễn Văn Khanh, ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đam mê trồng lúa. Hàng chục năm trước ông đã tích góp được 120 ha đất song mặt đất chỗ cao, chỗ thấp, tốn nhiều chi phí, nhân công khi canh tác. Mỗi vụ sau thu hoạch, dù có doanh thu tốt nhưng lợi nhuận không cao do chi phí lớn.
Hơn 4 năm nay, ông mạnh tay đầu tư máy móc, từ máy bay không người lái (drone), tới máy xới, máy trang mặt ruộng bằng laze, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp…
Hệ thống máy làm đất giúp mặt đất bằng phẳng, sử dụng nước hiệu quả, chất lượng nông sản đồng đều, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Việc sử dụng drone cũng đã mang lại hiệu quả đáng kể. Trước đây, mỗi lần sạ lúa ông Khanh phải thuê hàng chục người song chỉ xuống giống được 10 ha/ngày, mất 12 ngày mới xong, trong khi drone chỉ với hai người vận hành máy có thể sạ được 40 ha, rút ngắn 9 ngày. Tương tự, mỗi kỳ phun thuốc, cần 7 người phun bình máy, xoay tua liên tục. Khi dùng drone chỉ cần 2 người, thời gian xoay tua kéo dài lên 10 ngày.
“Máy móc đã làm hết các công đoạn nên làm nông hiện nay rất khỏe. 120 ha lúa chỉ cần hai quản lý và hai người vận hành máy móc. Lợi nhuận có thể tăng thêm 30-40%”, ông Khanh nói. Thêm rằng, mỗi ha lúa ông lãi 20 triệu đồng một vụ, tức việc áp dụng máy móc, công nghệ giúp ông tăng thêm gần một tỷ đồng mỗi vụ. Mỗi năm hơn 70% diện tích của ông canh tác lúa ba vụ, phần còn lại làm hai vụ, xả lũ một vụ.
Từ ngày áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng, kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ ông còn có thêm tiền bán tín chỉ carbon.
Ông Khanh là một trong hàng triệu nông dân hưởng lợi từ cơ giới hóa, áp dụng công nghệ vào sản xuất lúa. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, tỷ lệ sử dụng máy làm đất, máy gieo sạ, thu hoạch trong sản xuất lúa ở ĐBSCL đạt tỷ lệ lần lượt là 92%, 50% và 91%.
Trong thủy sản, tại Cà Mau HTX tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) đã mạnh dạn áp dụng máy móc, công nghệ trong nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ từ 250-300 con mỗi m2, năng suất đạt bình quân 50 tấn mỗi ha/vụ, cao gấp 10 lần so với nuôi công nghiệp truyền thống.
Ông Huỳnh Xuân Diện, giám đốc HTX Tân Hưng, cho biết cứ mỗi ha nuôi tôm siêu thâm canh, chủ ao phải thuê khoảng 10 nhân công, mức lương ít nhất khoảng 6 triệu đồng/người một tháng. Trung bình mỗi vụ nuôi kéo dài 3 tháng, ông phải tốn khoảng 300 triệu đồng tiền thuê nhân công. Chính vì vậy, ông nảy ra ý tưởng lắp ráp bộ thiết bị điện tử điều khiển từ xa.
Ông Diện cùng ông Huỳnh Ngọc Tiễn nghiên cứu lắp ráp bộ thiết bị điện tử điều khiển từ xa vận hành hệ thống tạo oxy trong ao và cho tôm ăn. Cách làm này này thay thế sức người, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Đây là một cụm thiết bị điện tử vận hành tất cả thiết bị điện trong ao tôm nuôi, như điều khiển tốc độ máy cho ăn, thời gian cho ăn và thời gian nghỉ; điều khiển từ xa hệ thống quạt tạo oxy, thời gian chạy và nghỉ. Cụm thiết bị sẽ tự đồng bộ vận hành, ghi nhớ và lặp đi lặp lại, người nuôi tôm không phải canh thời gian, đóng cầu dao như cách làm truyền thống. Hệ thống có thể điều khiển từ xa máy cho tôm ăn và hệ thống quạt tạo oxy mà không phải ra ao, giảm số lao động xuống còn 4 người.
Ông Diện còn chế tạo thành công thiết bị chống điện giật. Từ năm 2017, ông cùng các cộng sự ấp ủ ý tưởng và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ điện DC trong nuôi tôm công nghiệp. Sau gần 3 năm với hàng chục lần thất bại, ông đã hoàn thiện được công nghệ, đưa vào sản xuất, nhân rộng ra các trang trại nuôi trong hợp tác xã.
Theo ông Diện, bản chất của công nghệ này là thay thế dòng điện xoay chiều AC bằng dòng điện một chiều DC. Để thay thế dòng điện, ông dùng nguồn để biến dòng điện xoay chiều thành một chiều, sau đó đưa vào hệ thống ao để vận hành các thiết bị máy móc chạy bằng motor. Motor sử dụng được biến đổi thành motor chạy bằng điện DC 100%. Khi nông dân bước vào hệ thống ao nuôi, điện đã được chuyển đổi thành điện DC 40V, nên không có tình trạng bị giật, không gây tai nạn lao động về điện.
Trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, tôm được nuôi mật độ rất cao nên đòi hỏi lượng oxy, cùng hệ thống máy móc cung cấp, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất cao. Đó cũng là một áp lực cho ngành điện lực. “Khi ứng dụng công nghệ điện DC vào sản xuất, điện năng tiêu thụ giảm 40-50 % so với trước kia, và giá điện phải đóng hàng tháng cũng giảm theo tỷ lệ trên”, ông Diện nói. Ông cho biết nếu dùng điện như cách cũ, ông tốn chi phí khoảng 80 triệu đồng, nay chỉ còn hơn 25 triệu đồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh khoảng 70%. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, sở tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, nâng cao năng suất, chất lượng giống tôm sú, thẻ, các giống thủy sản đặc sản của địa phương như ba khía, cá thòi lòi, sò huyết. Nổi bật trong số đó là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tuần hoàn RAS vào nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tại Cà Mau.
Trên cây ăn quả, trang trại chuối của ông Võ Quan Huy, 69 tuổi, tiên phong áp dụng hệ thống cáp treo dài hơn 100 km để thu hoạch chuối. Hệ thống áp dụng tại 5 tỉnh có vùng trồng, tổng chi phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng.
Theo chủ trang trại, trước khi có cáp treo, mỗi đợt thu hoạch, họ cần hàng chục công nhân khuân vác, sau đó dùng xe công nông chở chuối về xưởng sơ chế. Mùa mưa đường sá sình lầy khiến việc di chuyển khó khăn, tốn nhiều nhân công lẫn thời gian thu hoạch, chuối cũng bị trầy xướt vỏ khá nhiều. Từ khi có hệ thống cáp, trang trại tiết kiệm được khoảng 50% nhân công và thời gian.
Ông Huy học kinh nghiệm này sau chuyến tham quan trang trại chuối ở Philippines 6 năm trước. Tại đó, họ đầu tư hệ thống ròng rọc thu hoạch nên ông về nghiên cứu mô hình, cải tạo lại đôi chút cho phù hợp với điều kiện ở trang trại mình.
Để vận hành, một công nhân có nhiệm vụ kiểm tra các buồng chuối đạt tiêu chuẩn để đốn hạ. Những công nhân khác sẽ dùng tấm mút xốp lót trên vai để chuối không bị dập, sau đó vác chuối di chuyển từ 30 – 50 m đến hệ thống ròng rọc. Tại đây, một công nhân sẽ có nhiệm vụ móc các buồng chuối vào hệ thống. Khi đã đủ khoảng 50 buồng, một người vận hành máy nổ chạy bằng xăng kéo hệ thống di chuyển. Mất khoảng 40 phút để đưa chuối từ điểm xa nhất về đến xưởng sơ chế.
“30 km cáp treo tốn hơn 6 tỷ đồng nhưng vô cùng xứng đáng vì đã tạo ra một cuộc cách mạng. Từ khi có hệ thống cáp treo, lượng công nhân lẫn thời gian thu hoạch chuối giảm một nửa. Chất lượng trái cũng tốt hơn ít bị dập, trầy xướt”, ông Huy cho biết.
Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất với quy mô lớn, trong vòng 10 năm, từ trang trại ban đầu tại Long An 120 ha, hiện ông Huy đã mở rộng diện tích chuối lên 700 ha, sang Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Mỗi năm, chuỗi trang trại thu hoạch khoảng hơn 20.000 tấn, xuất đi Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới.
Chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp được nêu tại Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2022. Chiến lược định hướng phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.
Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030:
– Trồng trọt: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030;
– Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030;
– Thủy sản: Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.
– Lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.
– Diêm nghiệp: Cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 90% năm 2030.
Ngọc Tài – An Minh – Hoàng Nam/VnExpress