Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẵn sàng chuyển giao

Các sản phẩm ứng dụng IoT, công nghệ tuần hoàn… được các nhà khoa học Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM nghiên cứu, triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả, sẵn sàng chuyển giao ra thị trường.

Hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ, kết quả lai tạo giống… được các nhà khoa học Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM (AHTP) giới thiệu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị, sáng 6/8. Theo TS Phạm Đình Dũng, Trưởng ban quản lý AHTP, qua 20 năm xây dựng và phát triển, AHTP đã được đầu tư hạ tầng, từng bước khẳng định vị trí trong ngành nông nghiệp, trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước.

Trong ảnh, các đại biểu thăm quan phòng nuôi cấy mô, nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gene các cây, con giống năng suất, chất lượng cao.

Mô hình trồng tảo xoắn Spirulina trong hệ thống ống kính ứng dụng công nghệ IoT của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc AHTP.

Các nhà khoa học tạo ra môi trường sạch, không gây độc hại với hệ thống ống thủy tinh tuần hoàn nước ngọt đã qua xử lý. Hệ thống đèn được bố trí bên ngoài ống giúp tảo có ánh sáng quang hợp. Trong ống thủy tinh, tảo Spirulina chuyển động theo dòng nước liên tục để phát triển. Sau khoảng 2 tuần, người nuôi sẽ căn cứ bằng màu sắc và đo mật độ tảo để tiến hành thu hoạch bằng cách dừng hệ thống tuần hoàn. Khi đó tảo sẽ lắng xuống đáy ống thủy tinh.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện nhóm nghiên cứu, tảo sau thu hoạch được xấy thăng hoa thành dạng rắn, có thể phối trộn với các nguyên liệu khác làm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… giúp tăng giá trị của tảo thay vì làm thực phẩm ăn thông thường.

Hệ thống trồng rau ăn lá theo mô hình khí canh trụ đứng. Mỗi trụ có khoảng 60 lỗ trồng tương ứng 60 cây, trọng lượng mỗi cây khoảng 90 – 100 gam khi thu hoạch. Giá thể trồng chủ yếu dùng xơ dừa với ưu điểm khả năng giữ ẩm. Bên trong trụ, máy hơm sẽ đưa chất dinh dưỡng phun sương lên các lỗ trồng thông qua các béc phun. Mô hình phù hợp với gia đình không có nhiều không gian nhưng muốn trồng rau, trải nghiệm làm nông nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu, chi phí đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng cho hai trụ trồng rau. Hệ thống điện, điều khiển phun sương có khi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Mô hình có thể trồng các loại rau ăn lá như cải, xà lách, rau muống hay các loại rau thơm…

Giống cà chua bi năng suất đạt 6 – 8 tấn mỗi vụ trên diện tích 1.000 m2 do nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, thuộc AHTP lai tạo. Để đạt năng suất cao, nhóm nghiên cứu đã lai tạo cà chua với thời gian thu hoạch 5 – 6 tháng hoặc lâu hơn thay vì 2 – 3 tháng. Ngoài ra, giống cà chua này có khả năng chống chịu bệnh héo xanh, loại bệnh phổ biến gây hại cho cây.

Giống khổ qua có khả năng phòng chống các loại sâu, bọ phấn… giúp giảm rủi ro dịch bệnh cho nông dân.

Mô hình nuôi ba ba trơn bằng bể sử dụng nước tuần hoàn. Anh Tăng Minh Trí, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết do sử dụng hệ thống tuần hoàn nên người nuôi kiểm soát được môi trường sống của ba ba, giúp phòng chống dịch bệnh. Điều này giúp ba ba lớn nhanh, tránh hao hụt. Trong quá trình chăm sóc, người nuôi cần định kỳ tắm diệt khuẩn cho ba ba, tạo bè để chúng tắm nắng. Thức ăn ba ba trơn chủ yếu là cám công nghiệp giai đoạn còn nhỏ và cá tạp, phụ phẩm nông nghiệp ở giai đoạn lớn.

Theo tính toán, chi phí nuôi 1 kg ba ba trơn khoảng 170.000 đồng (chưa tính chi phí đầu tư hệ thống tuần hoàn). Sau thời gian nuôi từ 10 tháng – 1,5 năm sẽ thu hoạch, thu lãi khoảng 40 – 50.000 đồng mỗi kg sau khi trừ chi phí.

Hệ thống nuôi cua lột trong hộp nhựa tuần hoàn nước. Do sử dụng hệ thống tuần hoàn nên người nuôi không tốn nhiều nước, kiểm soát được môi trường và ít tốn không gian, phù hợp với nông nghiệp đô thị. Mô hình trình diễn quy mô 36 nộp nuôi, có giá khoảng 25 – 30 triệu đồng.

Thành lập năm 2004, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM có quy mô 88,17 ha thuộc xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km về phía Tây Bắc. Đơn vị được đầu tư ban đầu hơn 152 tỷ đồng từ ngân sách nhằm xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mục tiêu đến năm 2030, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM là nơi nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của thành phố và khu vực theo hướng hiện đại.

 

Hà An