Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ

Do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ.

Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ- Ảnh 1.

PGS.TS Hồ Xuân Năng: Bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam – Ảnh: VGP/NN

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Sự kiện do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona của Hoa Kỳ, tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Hội thảo đã đặt ra những vấn đề quan trọng về nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới…

Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

Ông Năng cho rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Ông Hồ Xuân Năng chia sẻ, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Phenikaa chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược gồm: Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng.

“Mục tiêu đến năm 2030, Phenikaa sẽ đào tạo ra tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, công nhân bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành” – ông Năng nhấn mạnh.

Nguồn nhân lực bán dẫn: Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện đơn lẻ- Ảnh 7.

Nhiều ký kết hợp tác về ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra tại Hội thảo – Ảnh: VGP/NN

Ra mắt Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới; cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng….

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Phenikaa với các trường đại học: Arizona State University-Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài Loan (Trung Quốc), các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holding… nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA cũng chính thức ra mắt tại hội thảo. Liên minh này được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa và TP. Đà Nẵng theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Liên minh sẽ tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, đào tạo nâng cao kĩ năng với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Phương Liên – baochinhphu.vn