Việt Nam hướng tới kinh doanh tín chỉ cácbon

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.
 
Đây là một trong 9 nhiệm vụ được đặt ra tại cuộc họp lần thứ VII Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) sáng 19/4, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia tư vấn. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Thứ trưởng Phạm Công Tạc tham dự.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp về biến đổi khí hậu sáng 19/4.Ảnh: TTXVN
Năm 2015, thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng do BĐKH
 
Báo cáo tại phiên họp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, năm 2015 tình hình BĐKH tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều nơi nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 400C. Đây là mức nhiệt chưa từng xảy ra suốt vài thập kỷ trở lại đây. Ở nhiều địa phương (như Sa Pa), nhiệt độ đột ngột giảm sâu còn 12,60C vào giữa mùa hè.
 
“Ảnh hưởng của BĐKH đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Năm 2015, ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445.000ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải gắn việc ứng phó BĐKH với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng; từng bước tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính; cần tập trung đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng kinh tế trọng điểm để có thể phân bổ nguồn lực ứng phó một cách hiệu quả.
 
Phó Thủ tướng lưu ý việc phối hợp liên vùng trong ứng phó BĐKH và phải gắn nội dung này vào các chiến lược, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và đến từng dự án. “Bởi dự án là hiện thực hóa của các chiến lược, kế hoạch, là sản phẩm cuối cùng tạo ra sản phẩm cho xã hội. Cần coi vấn đề BĐKH là một tiêu chí trong thẩm định dự án” – Phó Thủ tướng nói.
 
Bán tín chỉ cácbon, tăng năng lực cảnh báo thiên tai
 
Theo Bộ TN&MT, thực tế giai đoạn 2011-2015 năng lực dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tăng cường. Đặc biệt, chương trình KH&CN phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã được triển khai từ năm 2011 đến nay.
 
Chương trình tập trung làm rõ bản chất, cơ sở khoa học, thực tiễn của vấn đề BĐKH, tạo cơ sở đề ra các định hướng công nghệ, chính sách và giải pháp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH tại nước ta. Đến nay, hầu hết các đề tài của chương trình được nghiệm thu theo đúng tiến độ, nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn được chuyển giao ứng dụng, góp phần nâng cao khả năng chủ động ứng phó với BĐKH tại nước ta.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Bộ TN&MT nêu 9 nhiệm vụ, trong đó có nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác ứng phó BĐKH ở Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình, dự án về ứng phó BĐKH được triển khai bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập, một số dự án đầu tư chưa hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cơ chế điều phối giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập. Nguồn lực cho ứng phó BĐKH hạn chế, phân tán, dàn trải, còn tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
 
Thủ tướng yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó BĐKH, ưu tiên cho các dự án, công trình trọng tâm như xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, củng cố nâng cấp đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, khu vực xung yếu. Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh, nâng cao công tác dự báo, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Ngoài ra, cần chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH.
 
Lâm Bình
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *