Tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ
Năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/1 năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Chương trình).
Sẽ tăng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ
Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/1 năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.
Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến.
Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/1 năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 8 đến 10 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất hai lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.
Khoảng 1.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 15 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến.
Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất hai mô hình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ
Quyết định nêu rõ có 7 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Doanh nghiệp cần đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm chủ lực
Cụ thể, hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ gồm: Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và thúc đẩy hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá việc thực hiện đổi mới công nghệ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp: bổ sung các hệ thống thống kê, chỉ tiêu đánh giá hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội, tổ chức và doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới công nghệ; triển khai các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đổi mới công nghệ là một trong những nội dung để xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. Cùng với đó là: xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ phục vụ doanh nghiệp khai thác sử dụng và đổi mới công nghệ…
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm cần thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến.
Tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình công tác nông nghiệp thông minh trong các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó là cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và cạnh tranh được với giống nhập khẩu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn…
Bài, ảnh: Lê Hà