Nghiên cứu sinh trắc học mống mắt của sinh viên Việt

Mặc dù mới chỉ một phần nhỏ trong kết quả nghiên cứu được công nhận nhưng đây cũng là nguồn động viên vô hạn cho những người làm khoa học trẻ ở nước ta hiện nay.
 
Sinh trắc học mống mắt – xu hướng bảo mật thời hiện đại
 
Hiện nay trên thế giới, thẻ ATM của Citibank và một số smartphone của Fujitsu hay Microsoft đã sử dụng mống mắt để bảo vệ thông tin người sử dụng thay vì mã PIN.
 
Tuy nhiên tại Việt Nam, công nghệ này chưa được phổ biến vì người dùng vẫn quen sử dụng mật khẩu, mã PIN, thẻ từ hay sinh trắc học vân tay.
 
Một thông tin không vui là mật khẩu, mã pin, hay sinh trắc học vân tay vẫn không thể đảm bảo bảo mật hoàn toàn. Mới đây một nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan và công ty Vkansee thông báo họ có thể giả vân tay để mở khóa iPhone. Điều này khiến sinh trắc học mống mắt chắc chắn sẽ trở thành một trong những xu hướng ứng dụng bảo mật hiện đại.
 
 
Hai thành viên nhóm nghiên cứu(từ trái sang) Nguyễn Hải Dương, Ung Quang Huy- Ảnh nhóm cung cấp.
Kết quả nghiên cứu được tạp chí khoa học quốc tế công nhận
 
Nắm bắt được những đòi hỏi về bảo mật trong thời giantới, vào đầu năm 2014, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm Thế Bảo (bộ môn Ứng Dụng Tin Học, khoa Toán-Tin học, ĐH KHTN TPHCM) đã hợp tác với công ty IriTech, Inc. (một công ty chuyên về bảo mật mống mắt tại Hàn Quốc) thực hiện đề tài nâng cao tính an toàn cho các hệ thống sinh trắc học mống mắt.
 
Trong đề tài"Xác thực mống mắt thật theo thời gian thực thông qua chuyển động mắt trên thiết bị quét mống mắt", nhóm tự xây dựng cũng như sử dụng lại một số thuật toán xử lý ảnh số và trí tuệ nhân tạo để tạo ra một hệ thống nhằm nâng cao độ an toàn cho sinh trắc học mống mắt. Nhờ đó, hệ thống có thể thực thi nhiệm vụ một cách tự động mà không cần can thiệp từ con người.
 
Khi thu nhận ảnh mắt, hệ thống tự động phát hiện vị trí của mắt trong ảnh và kiểm tra mắt trong ảnh là mắt thật hay mắt giả.
 
“Ảnh mắt thật là ảnh mắt được chụp trực tiếp từ mắt của người (còn sống), ảnh mắt giả là ảnh mắt chụp thông qua bản sao ảnh mắt in trên giấy, mô hình mắt bằng nhựa,…” – Nguyễn Hải Dương, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
 
Ngoài ra, mục tiêu của đề tài mà nhóm xây dựng là phát hiện hành vi làm giả ảnh mắt như: Chụp lại ảnh mắt của ai đó, in ảnh ra giấy và sử dụng để mở khóa thiết bị cầm tay có sinh trắc học mống mắt của người đó; tự chụp ảnh mắt của mình, in ảnh ra giấy và nhờ người khác dùng ảnh đó để chấm công thay mình tại công ty…
 
Công nghệ sinh trắc học bằng mống mắt là một lĩnh vực hoàn toàn mới, trên thế giới cũng không nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp này. Vì vậy, nhóm đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu để xây dựng và kiểm định phương pháp.
 
Kể về quá trình thực hiện đề tài, Nguyễn Hải Dương trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ sinh trắc học, trường ĐH KHTN TP.HCM cho biết, nhóm gặp vô vàn khó khăn.
 
Dương chia sẻ, họp nhau làm việc tại thư viện trường, nhóm thường bị đuổi về vì quá giờ làm việc. Nhiều đêm, các thành viên chỉ ngủ chưa đến 2 tiếng để hoàn thành công việc đã đặt ra bởi sáng hôm sau phải đến trường để học.
 
Đặc biệt, nhóm đã mất rất nhiều thời gian để chụp ảnh mắt của các bạn sinh viên trong trường ĐH KHTN để làm dữ liệu. Sinh trắc học mống mắt chưa phổ biến ở Việt Nam, nên nhiều bạn sinh viên tỏ ra lo sợ và không sẵn sàng hỗ trợ nhóm chụp ảnh mắt của mình. Nhóm phải tiếp cận nhiều người và giải thích cẩn thận để có thể nhận được giúp đỡ của các bạn.
 
 
Giao diện khi người dùng sử dụng IriShield (camera lấy ảnh mắt) đưa gần mắt, ứng dụng lấy ảnh mắt và phân tích dữ liệu có được. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Ngoài ra, vì đây là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, đôi khi kết quả không như mong đợi đã khiến 2 thành viên nhóm cảm thấy thất vọng và lo lắng về hướng giải quyết mà mình đã chọn. Nhưng với sự quyết tâm không đầu hàng khó khăn, đề tài của nhóm đã thu được những kết quả khả quan.
Cụ thể, qua thực nghiệm, phương pháp của nhóm đã phát hiện hành vi làm giả ảnh mắt với độ chính xác khoảng 95%. Đó là thành quả nhỏ trong phương pháp nghiên cứu và được công nhận trên tạp chí khoa học quốc tế Journal of KIIT vào tháng 9 năm 2014. Báo cáo về các kết quả còn lại đang được nhóm hoàn thiện và sẽ gửi nộp tại một tạp chí khoa học quốc tế cùng chuyên ngành.
 
“Một trong những bài học mà nhóm có được khi thực hiện đề tài là mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tế. Đôi khi kết quả thực nghiệm không đúng như những gì nhóm mong đợi. Tuy nhiên, nếu những phân tích ban đầu hợp lý, thành quả sẽ đến khi nhóm thật sự quyết tâm trong công việc của mình”- Ung Quang Huy, thành viên nhóm chia sẻ.
 
Với những ưu điểm của sinh trắc học mống mắt: Ổn định do được bảo vệ bởi phản xạ mắt, tự mất khi con người qua đời,… nhóm hy vọng sinh trắc học mống mắt sẽ được tích hợp nhiều hơn trên các thiết bị cầm tay cũng như những dịch vụ đòi hỏi tính an toàn khác như ATM,…
 
Theo Khám Phá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *