Khởi nghiệp công nghệ: Chất xám Việt xuất cảnh… vì thiếu vốn

(PCWorldVN) Thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp và nhà sáng chế Việt Nam chọn giải pháp 'bán lúa non' toàn bộ ý tưởng cũng như sản phẩm sáng tạo đang thai nghén cho đối tác hay vườn ươm nước ngoài.
 
Để minh chứng điều này, ông Đoàn Hữu Đức – Chủ tịch tập đoàn tư vấn Việt Nam (Viet Nam Consulting Group) dẫn số liệu thống kê từ một khảo sát được Ngân hàng phát triển châu Á thực hiện hồi tháng 9/2015 tại 143 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết mục tiêu của việc đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp này về cơ bản chỉ nhằm đạt/hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn, và đáng báo động nhất chính là một số doanh nghiệp được phỏng vấn khẳng định họ chọn giải pháp hợp tác hay bán một phần cổ phần cho đối tác nước ngoài để qua đó tiếp cận được nguồn cung cấp vốn cũng như công nghệ mới.
 
Cũng theo báo cáo này của ADB, trong 143 doanh nghiệp ở 4 địa phương có TP.HCM tham gia cuộc khảo sát thì chỉ có 42% trong số này cho biết có đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), 39,7% đầu tư vào mua sắm hay cải tiến trang thiết bị, 39% đầu tư vào cải thiện quy trình.
 
Theo ông Đức, đầu tư cho đổi mới sáng tạo của nhóm DNNVV đang ở mức thấp.
 
 
Buổi tọa đàm về khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vừa được Sở KHCN TP.HCM phối hợp tổ chức cùng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào sáng 10/3.
"Nhiều DNNVV ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn hạn chế trong khả năng tiếp thu và tối ưu hóa đổi mới sáng tạo. Cụ thể, việc thay đổi thiết bị và sản phẩm mới lại không đồng nhịp với việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, truyền thông tiếp thị, từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp không tận dụng được công suất tối đa của công nghệ, tức hiệu suất đầu tư thấp", ông Đức chia sẻ.
 
Vẫn theo ông Đức, các DNNVV tại TP.HCM đang tự tìm cách đổi sáng tạo bởi họ ít nhận được sự dẫn dắt và hỗ trợ chuyên nghiệp từ các tổ chức R&D hay vườn ươm công nghệ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như các tổ chức dịch vụ hỗ trợ.
 
Không có vốn… thì bán
 
Bạn Hoàng Linh – Nhà sáng lập và điều hành Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneurs) cho biết, đã có không ít thành viên VYE ngậm ngùi mang ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ của mình ra nước ngoài để khởi nghiệp, chủ yếu là sang Singapore.
 
Lý do của thực trạng này không gì khác ngoài khó khăn trong khâu kêu gọi vốn đầu tư hay gây quỹ tài trợ, song hơn hết là Việt Nam rõ ràng là quá thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu như phòng thí nghiệm, không gian làm việc và máy móc công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu lẫn hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
 
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Hoàng Linh, rào cản trước tiên mà các bạn trẻ thường gặp phải ngay khi vừa có ý định khởi nghiệp chính là vấn đề thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế và công tác truyền thông tiếp thị các sản phẩm khi đã có thể thương mại hóa.
 
 
Bạn Hoàng Linh cho biết việc gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do vướng chính sách, quy định pháp luật, bên cạnh đó là thiếu vốn và cơ sở hạ tầng.
 
"Tuy nhiên, nếu mang các ý tưởng này ra nước ngoài gọi vốn đầu tư hay tìm kiếm vườm ươm để triển khai, tất cả những gì mà các bạn trẻ, nhà khoa học Việt Nam cần thực hiện là nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm", Linh nói, "Hay nói cách khác, sản phẩm hay ý tưởng chỉ còn là do người Việt viết, còn sở hữu thì đã là của đối tác nước ngoài.
 
Bà Lerwen Liu – chuyên gia do ADB mời đến hội thảo hôm 10/3 chia sẻ với đại diện Sở KHCN Thành phố và giới khoa học tại TP.HCM rằng, tại một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore, chính phủ thường xuyên có các chính sách trợ vốn cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng như triển khai các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho lĩnh vực khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, tùy thời điểm và tùy trường hợp dự án cụ thể, mà quỹ đầu tư tham gia sẽ là quỹ đầu tư công hay quỹ đầu tư tư nhân.
 
"Đôi khi, việc hiện thực hóa các sản phẩm ý tưởng là do một bên thứ 3 triển khai", bà Liu nói, "Và để có thể thực hiện điều này, cần có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho các đơn vị khởi nghiệp, đó có thể là vườm ươm hay khu nghiên cứu phát triển công nghệ cao".
 
Theo ông Dominic Patrick Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng ADB, sự hỗ trợ vốn và cả chính sách của nhà nước để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp chỉ có thể xem như một liều thuốc kích thích, đó không phải là một khái niệm phải có, thay vào đó là sự hợp lực của mọi nguồn lực xã hội.
 
Hầu hết ý kiến được đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đưa ra tại hội thảo đều xoay quanh câu chuyện về trợ vốn, chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho sản phẩm đầu ra.
 
Vai trò của Nhà nước
 
Chuyên gia Liu đến từ Singapore chia sẻ với phóng viên PC World Vietnam rằng, ở vài quốc gia nước ngoài, chính phủ sẽ cùng với các quỹ đầu tư chủ động trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ mang tính chủ đạo cũng như tính thương mại hóa cao.
 
Song song đó, để tránh tình trạng chảy máu chất xám cũng như tài sản trí tuệ (IP) ra khỏi quốc gia, chính phủ và các quỹ đầu tư mạo hiểm tại các quốc gia này cũng sẵn sàng chi tiền giúp doanh nghiệp khởi nghiệm, vườm ươm đăng ký bản quyền và bảo hộ bằng sáng chế trên phạm vi quốc tế.
 
 
Sở KHCN TP.HCM và đại diện ADB cho biết sẽ sớm có được một chương trình hành động thiết thực nhằm triển khai Đề án hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn Thành phố đổi mới sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020.
 
Ông Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Vườn ươm công nghệ tại Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là hết sức cần thiết cho sáng tạo, đặc biệt là tài chính bởi lẽ vườn ươm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ thường không sinh lợi nhuận, trong khi đó như bản thân Đại học Bách Khoa TP.HCM thì ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu phải "hạn chế" theo đúng quy định của cơ chế.
 
"Không chỉ thiếu kinh phí để vận hành vườn ươm, chưa nói đến tạo ra sản phẩm nghiên cứu, thì chúng ta còn thiếu cả chuyên gia", ông Phong không ngại đặt vấn đề, "Hơn thế nữa, thực tế cho thấy là có phần khó khăn và ít thông tin để các trường, viện tiếp cận các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ".
 
Theo ông Phong, để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đẩy mạnh sáng tạo khoa học công nghệ ở các trường viện cũng như trong cộng đồng thì cần có một nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, và nhận thức ấy phải xuất phát từ cả cộng đồng lẫn chính quyền.
 
An Huy
 
Từ khóa: An Huy, khởi nghiệp công nghệ, Sở KHCN TP.HCM, startup, truyền thông khoa học công nghệ
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *