Ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cho rau màu giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động của nông dân, nâng cao năng suất.
Việc ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến đối với các vùng trồng rau tại một số xã của huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) đã cho thấy hiệu quả bước đầu: giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động của nông dân, nâng cao năng suất trên 1 ha đất nông nghiệp.
Mô hình này đang mở ra một hướng đi mới, hứa hẹn mang lại những tác động tích cực đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp địa phương.
Ứng dụng hệ thống tưới nước tự động giúp nâng cao năng suất
Từ tháng 12/2015, địa phương mạnh dạn thử nghiệm đầu tư công nghệ tưới nước tự động cho vùng rau màu ở các vùng sản xuất tập trung ở thôn Kim Trang Đông (xã Lam Sơn) rộng 30 ha. Đây là một vùng rau màu truyền thống của địa phương; nhưng lâu nay, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chủ yếu là kênh đất, thất thoát và lãng phí nhiều nước, nông dân mất nhiều sức lao động cho việc tưới, chăm sóc rau.
Trước khi đưa hệ thống tưới tự động về ruộng gia đình, bà Lê Thị Mến (thôn Kim Trang Đông) trồng rau rất vất vả. Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời bà Mến cho biết: "Nhà có 7 sào trồng màu. Trước kia việc tưới chăm sóc rau màu cứ ít hôm lại phải dùng máy bơm để bơm nước. Giờ thì chỉ việc ra mở vòi nước, không phải tốn tiền xăng cho máy bơm lại nhàn hơn. Nhiều gia đình cũng muốn làm như vậy để việc tưới đỡ vất vả. Đầu tư ban đầu chỉ mất mấy triệu đồng nhưng dùng lâu dài".
Ông Trần Văn Tuân, Trưởng thôn Kim Trang Đông hồ hởi khoe: “Từ khi triển khai việc lắp đường ống nước về các lô ruộng của từng hộ gia đình đến nay, nhân dân trong thôn làm ruộng nhàn, hiệu quả cao".
Vị trưởng thôn cũng cho rằng do mô hình này mới, người dân còn bỡ ngỡ nên các ban ngành tập trung hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, hỗ trợ thêm về giống cây trồng, đầu tư kinh phí giúp nông dân hăng hái sản xuất.
Hệ thống cấp nước theo công nghệ tiên tiến được vận hành theo quy trình: nước được bơm lên từ trạm bơm đặt cùng trong trạm bơm do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, đẩy vào đường trục chính rồi truyền vào các đường ống nhánh về từng thửa ruộng. Nông dân chủ động việc tưới bằng cách đóng mở các van đầu đường ống tại mỗi thửa ruộng.
Theo ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, việc đưa công nghệ tưới tự động vào sản xuất có giá thành thấp hơn kiên cố hóa kênh mương, tiết kiệm nước tưới, rất phù hợp với trồng cây màu và cây ăn quả. Qua triển khai bước đầu với 30 ha ở xã Lam Sơn cho thấy nhân dân đồng tình, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc tưới được chủ động, năng suất sản lượng rau màu cao hơn so với tưới theo cách thông thường. Công nghệ tưới tự động phù hợp với hướng đi của Thanh Miện trong nông nghiệp, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trước mắt trong năm 2016 dự kiến sẽ chuyển đổi 500 ha đất lúa sang trồng cây hàng năm và cây rau màu có giá trị kinh tế cao.
Theo Vietq.vn