Hải Phòng cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) triển khai các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới ứng dụng trong doanh nghiệp phát triển kinh tế địa phương.
Thông tin được chia sẻ tại lễ ký hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) và Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng chiều 11/6 tại Hà Nội.
Theo thỏa thuận, VKIST hợp tác triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng. Hướng mục tiêu triển khai hoạt động chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến do VKIST phát triển, nhất là công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, công nghệ mới, chia sẻ các định hướng, nhu cầu về khoa học và công nghệ cho Hải Phòng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá Hải Phòng đã kết nối tốt công nghệ, có nhiều hoạt động hợp tác với nước ngoài. Ông kỳ vọng VKIST trở thành đầu mối tiếp nhận công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp tại Hải Phòng.
Thứ trưởng Duy cũng đề nghị Hải Phòng tiếp tục kết nối với VKIST trong tìm kiếm công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, hợp tác chuyển giao. Phía Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết duy trì lấy Hải Phòng làm mô hình điểm cho mọi hoạt động thúc đẩy công nghệ trong doanh nghiệp.
PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST cho biết việc hợp tác hướng tới triển khai nguồn nghiên cứu chung, đào tạo nhân lực, thúc đẩy công nghệ tiên tiến vào thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
VKIST sẽ cung cấp công nghệ mới, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng hỗ trợ nguồn lực, chuyển giao hợp tác phù hợp với lĩnh vực của VKIST tại địa phương. Hai bên kết nối chuyên gia, tham gia thẩm định các dự án lớn, hỗ trợ chuyển giao cho doanh nghiệp của thành phố, cung cấp kết nối cung cầu, ươm tạo khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trước mắt, VKIST sẽ chuyển giao công nghệ plasma lạnh trong thu hoạch và bảo quản sản phẩm trồng trọt, kit test nanoPCR phát hiện virus gây hại cây trồng, kit test nhanh ứng dụng trong phát hiện virus gây bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện và theo dõi khả năng tái phát ung thư, hệ thống đo real-time sử dụng cảm biến quang theo dõi sức khỏe cấu trúc dân dụng…).
Các công nghệ nhận diện khuôn mặt, dựng mô hình/vật thể/không gian ba chiều, quản trị máy tính hiệu năng cao, lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường như hệ thống xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt để phục vụ cho các đảo và khu vực ven biển của Hải Phòng, cùng công nghệ dược phẩm… cũng đủ điều kiện chuyển giao.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết địa phương rất quan tâm nhu cầu công nghệ, tìm kiếm công nghệ và cơ hội mới. Ông đánh giá việc hợp tác sẽ tạo cơ hội kết nối tốt cho thành phố, đặc biệt doanh nghiệp địa phương. Lãnh đạo TP Hải Phòng mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ, lựa chọn Hải Phòng làm nơi phối hợp thúc đẩy thử nghiệm công nghệ, sáng kiến.
Năm 2023 Hải Phòng xếp hạng 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hiện địa phương này có khoảng 57.000 doanh nghiệp, trong đó có 53 doanh nghiệp khoa học công nghệ (đứng thứ 3 toàn quốc, sau TP HCM và Hà Nội). Hải Phòng đặt mục tiêu thành lập 72 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) hình thành và phát triển dựa trên mô hình thành công của KIST (viện khoa học ứng dụng hàng đầu của Hàn Quốc) với sứ mệnh trở thành viện đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại. VKIST có trụ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, tổng kinh phí đầu tư 5 triệu USD.
Như Quỳnh