Tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các nhiệm vụ, đề tài nhằm nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp.
Thông tin được nêu tại buổi làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với UBND tỉnh Gia Lai, ngày 8/5. Buổi làm việc nhằm trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai, đưa ra giải pháp phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ông Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thông qua chương trình ký kết, huyện Kông Chro nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong khai thác đề tài, đề án, công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Ông nhìn nhận, Gia Lai là tỉnh gắn với nông nghiệp, do đó triển khai các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ từ ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao đều hướng tới hỗ trợ người dân trong canh tác, trồng trọt, chế biến.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn ứng dụng khoa học để tạo khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt trong thời điểm biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra. Một trong nhiệm vụ được đề xuất là nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp tại Gia Lai.
Tại Việt Nam, hàng nghìn hecta rừng khộp tự nhiên – kiểu rừng thưa cây lá rộng đặc trưng chỉ có ở các tỉnh Tây Nguyên, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, góp phần duy trì cân bằng sinh thái. Hệ sinh thái khộp là nơi cư trú của nhiều loài thú lớn như voi, bò rừng, bò tót, nhiều loài chim quý như công, gà lôi.
Theo báo cáo nghiên cứu từ Tổng cục Lâm nghiệp và Trường Đại học Lâm nghiệp, những năm qua hệ sinh thái rừng khộp khai thác chưa hợp lý và khoa học gây suy giảm mạnh về diện tích. Vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2015-2020, diện tích rừng khộp năm 2020 ở mức 305.651,69 ha, giảm so với năm 2015 là 355.223,52 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai giảm mạnh nhất với tổng diện tích giảm lần lượt là 15.642,12 ha và 33.572,30 ha. Bình quân hàng năm ở hai tỉnh này giảm 3.100 – 6.700 ha/năm. Bên cạnh đó hiểu biết về điều kiện sinh thái, xã hội của hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên vẫn còn hạn chế dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng khộp chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài nhiệm vụ phục hồi rừng khộp, Gia Lai cũng đưa ra đề xuất khác như khai quật, nghiên cứu, tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, Triển khai các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc chương trình quốc gia, nâng cao năng lực và tiềm lực địa phương.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai Nguyễn Nam Hải cho hay, giai đoạn 2020-2024, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực như cà phê, hạt điều, mắc ca, hồ tiêu, rau quả. Ngành khoa học công nghệ cũng triển khai thực hiện 41 nhiệm vụ, hầu hết theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả.
Tỉnh Gia Lai hiện có 1.516 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó có 693 nhãn hiệu đã có văn bằng bảo hộ, 3 chỉ dẫn địa lý, 5 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích, 27 kiểu dáng công nghiệp.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao kết quả tỉnh Gia Lai đạt được. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục bám sát, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư kinh phí, nhân lực khoa học công nghệ, phấn đấu đạt tỷ lệ đầu tư hơn 1,5% tiệm cận dần đến 2% ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo Gia Lai tập trung các nguồn lực triển khai định hướng nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển giao công nghệ nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ địa phương đề xuất, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ các địa phương trong tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ.
Nguồn Vnexpress.net