Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt hàng các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ

Trường đại học Cần Thơ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem trường như là đơn vị thuộc bộ; còn Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đặt hàng nhiều vấn đề với các nhà khoa học của trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc chiều 11-6 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc chiều 11-6 – Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 11-6, tại Trường đại học Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có buổi làm việc với ban giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường đại học Cần Thơ.

Xem Trường đại học Cần Thơ là đơn vị của bộ mình

Tại buổi làm việc, đại diện Trường đại học Cần Thơ cho biết trường đang có 1.800 viên chức, người lao động, trong đó có 1.000 cán bộ giảng dạy. Đây là trường đào tạo đa ngành với 106 ngành bậc đại học, tổng số 45.000 sinh viên. Riêng ngành nông nghiệp, thủy sản hằng năm trường tuyển sinh khoảng 1.500 – 2.000 sinh viên.

Đến nay trường đã đào tạo 17.500 kỹ sư, cử nhân, 3.891 thạc sĩ và 131 tiến sĩ liên quan ngành nông nghiệp, thủy sản, chiếm 60% tổng số người học trong lĩnh vực này tại các trường đại học trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trường kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ cho trường tham gia các chương trình, dự án trọng điểm quốc tế và quốc gia, đặc biệt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ cũng tạo điều kiện cho trường là vệ tinh, kết nối thông tin trong hệ thống cơ sở nông nghiệp của quốc gia và của vùng.

Đặc biệt hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường hình thành Trung tâm đào tạo, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm đào tạo và tri thức hóa người làm nông chuyên nghiệp…

GS Nguyễn Thanh Phương – chủ tịch hội đồng Trường đại học Cần Thơ – đề xuất thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem trường như đơn vị của bộ mình để từ đó giao nhiệm vụ, đặt hàng các vấn đề nghiên cứu, vấn đề mới nổi trong ngành nông nghiệp như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; công nghệ hóa trong lĩnh vực nông nghiệp hay giải quyết bài toán môi trường trong sản xuất.

“Nếu làm được cái này thì rất tốt cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.

Biến đề tài tốt nghiệp của sinh viên thành “cái gì đó ở địa phương”

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý giải pháp biến đề tài tốt nghiệp của các sinh viên thành "cái gì đó ở các địa phương" tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý giải pháp biến đề tài tốt nghiệp của các sinh viên thành “cái gì đó ở các địa phương” tại Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng có những đặt hàng ngược lại với các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ.

“Tôi có suy nghĩ và trao đổi với đồng chí Bí thư Đồng Tháp Lê Quốc Phong là Trường đại học Cần Thơ hay các trường khác ở Đồng bằng sông Cửu Long khi các em sinh viên chọn đề tài tốt nghiệp ra trường thì khuyến khích, định hướng chọn đề tài gắn với địa phương.

Quê sinh viên ở đâu thì hướng cho các em ở đó để sau này từ luận văn tốt nghiệp trở thành đề tài nghiên cứu, về địa phương biến ý tưởng luận văn tốt nghiệp thành cái gì đó ở địa phương.

Đồng chí Lê Quốc Phong nói nếu làm được cái này thì quá hay, tỉnh sẵn sàng lấy kinh phí khoa học 2% ra để tài trợ. Có cái này khoa, trường sẽ nâng tầm, đề tài nghiên cứu cũng sẽ chỉn chu hơn.

Nó sẽ giải phóng được câu chuyện đưa ý tưởng từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường, vừa tạo nguồn thu cho các trường, cho thầy cô và quan trọng là phát huy liền cho địa phương ở các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí nông nghiệp…”, ông Hoan gợi ý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kể lại câu chuyện ông đi công tác ở Úc thấy thực tế nông trại bên đó thực hiện giảm phát thải từ nuôi bò chỉ với 10% vốn từ chính phủ, còn lại huy động từ những người cùng làm nông trại rồi lấy kết quả chia ngược lại những người đã góp vốn này.

“Nghiên cứu tôm thẻ cân trắng cũng nên như vậy. Trường đại học Cần Thơ cần kết nối làm, gom các doanh nghiệp lại. Tất nhiên là khó, thuyết phục được họ không phải dễ”, ông Hoan nói thêm.

Ngoài ra, ông Hoan còn cho rằng “người ta bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai hết mà mình ít khi nào nghiên cứu, trong khi việc làm ở nông thôn rất quan trọng”. Do đó ông Hoan đề nghị Trường đại học Cần Thơ nên làm đề tài nghiên cứu đâu là lực đẩy, đâu là lực kéo của nông dân trong tiến trình thay đổi nông nghiệp.

CHÍ QUỐC