30 đội tranh tài tại chung kết Sáng kiến Khoa học 2024

Các đội thi vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến Khoa học thuyết trình về quá trình nghiên cứu sản phẩm, điểm mạnh trong giải pháp công nghệ.

Cuộc tranh tài giữa các nhóm dự thi diễn ra sôi nổi xuyên suốt cả ngày 7/5. Đây là 30 giải pháp, sản phẩm được sàng lọc bởi Ban giám khảo và bình chọn của độc giả VnExpress từ 124 hồ sơ ở vòng loại.

Mỗi đội thi có 5-7 phút trình bày kết quả nghiên cứu. Nhiều nhóm tận dụng tối đa thời gian để chỉ rõ các điểm mới, khác biệt so với các công nghệ hiện có, tính khả thi và khả năng thương mại hóa của dự án. Giải pháp các đội đưa ra hướng sự quan tâm đến chủ đề về bảo vệ môi trường, chẩn đoán bệnh, những cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, sản phẩm mới công nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương.

Thí sinh thuyết trình online trước thành viên Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức. Ảnh: NQ

Thí sinh thuyết trình online trước thành viên Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức. Ảnh: NQ

Trong số này, nhóm tác giả Cao Đức Tâm, Đỗ Văn Hùng (Hà Nội) chia sẻ về sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có tính chất chống cháy, cách âm. Nhóm cho biết vật liệu sử dụng 70% là phế thải từ nông nghiệp (bã mía, rơm rạ…) và công nghiệp (Gypsum trong quá trình sản xuất phân bón) cùng nhựa PU 2 thành phần và một số phụ gia. Với công nghệ sản xuất đơn giản, nhóm mong muốn loại vật liệu mới được ứng dụng trong tòa nhà cao tầng, tạo ra tấm thạch cao vân đá, thạch cao chống cháy sử dụng trong quán karaoke, làm vách nhà xưởng để chống gây tiếng ồn.

Dự án “Ô cửa học tập thông minh cho học sinh mầm non miền núi” được các thầy cô Trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) trình bày sinh động với phần minh họa của những “trợ thủ nhí”. Sản phẩm hỗ trợ các thầy cô giáo trong các bài học chương trình giáo dục mầm non như trò chơi toán học, kể chuyện, phát triển ngôn ngữ và khám phá môi trường, giúp các bé mầm non phát triển tư duy thông qua bài học tập sáng tạo.

Theo Ban giám khảo mặc dù có hạn chế kích thước nhỏ, mô hình còn thô sơ nhưng ý tưởng sáng tạo trong xây dựng mô hình STEM, đồ chơi thân thiện, tính khả thi và dễ dàng tự lắp đặt. Thông qua góp ý chuyên môn, nhóm cho biết sẽ tiếp tục cải thiện tốc độ máy tính và tính năng học chữ, học số cho học sinh.

Là dự án tiềm năng ứng dụng lĩnh vực sức khỏe, nhóm của ThS Bùi Thị Phường cùng cộng sự đã chứng minh được F12 là một chỉ thị có thể giúp chẩn đoán ung thư gan. Dự án sử dụng phương pháp Kaplan-Meier và kiểm nghiệm log-rank, nhằm dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng của người đó ra sao. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng và thực hành lâm sàng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và điều trị bệnh nhân ung thư gan.

PGS.TS Hà Phương Thư, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét về đề tài của thí sinh. Ảnh: NQ

PGS.TS Hà Phương Thư, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét về đề tài của thí sinh. Ảnh: NQ

Năm nay, nhiều giải pháp sáng tạo đến từ các tác giả trẻ, độ tuổi từ 16 đến 20 từ các trường THCS, THPT cùng các “nhà nghiên cứu chân đất” mang đến những ý tưởng thú vị phục vụ vùng sâu, vùng xa.

Trong số này, ý tưởng tận dụng lượng nhiệt thừa của bếp củi để tạo nước nóng, lưu trữ và sử dụng do nhóm Thủy Sơn Năng (Quảng Nam) phát triển, thu hút sự chú ý. Nhóm trình bày cơ chế vận hành hệ thống dựa trên đối lưu nhiệt, kết hợp nhiều chức năng để tạo thành một hệ thống nước nóng hoàn chỉnh, không phát sinh chi phí lắp đặt và bảo trì. Sau gần 5 năm lắp đặt hệ thống tại các điểm trường, các hộ làm vườn dược liệu, hệ thống mang lại giá trị thiết thực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống vùng núi. Nhóm đã tiến hành nộp đăng ký bản quyền sáng chế vào tháng 6/2022.

Sản phẩm “Mũ bảo hiểm thông minh sử dụng cho xe máy và xe điện” là sáng kiến từ nhóm học sinh trường THPT Sơn Dương (Tuyên Quang). Nhóm kỳ vọng tìm ra giải pháp kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ cải tiến mũ bảo hiểm và định vị được mũ khi bị thất lạc, giúp người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Đánh giá ý tưởng tốt, song ban giám khảo nhìn nhận dự án khó thuyết phục được nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng do còn hạn chế về tính năng mũ, khối lượng. Việc can thiệp mạch an toàn có thể gây khó trong việc sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

PGS. TS Đào Văn Dương, hiện là Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa.

PGS. TS Đào Văn Dương, hiện là Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa, thành viên Ban giám khảo. Ảnh: NQ

Ở mỗi phần trình bày, Hội đồng giám khảo đặt câu hỏi với đại diện nhóm thi để thảo luận về tính sáng tạo, mô hình và phát triển công nghệ trong tương lai. Các thành viên ban giám khảo cũng đưa ra ý kiến phản biện để các tác giả chứng minh được tính mới, ưu việt sản phẩm của mình.

Ngoài nhận xét mặt chuyên môn, các gợi ý phát triển hướng nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm và khả năng thương mại hóa ra thị trường cũng được thảo luận.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng ban giám khảo, đánh giá cuộc thi năm nay thu hút lượng hồ sơ tăng với chủ đề ý tưởng tập trung vào nhu cầu thực tế tại địa phương, từ ngành và lĩnh vực, bám sát với tiêu chí. Ông cho hay do thời gian thuyết trình ngắn một số đội chơi được yêu cầu cung cấp thêm thông tin liên quan công nghệ, kết quả khảo sát cũng như các đánh giá từ Hội đồng Y đức đối với lĩnh vực sức khỏe, giúp Ban giám khảo nắm đầy đủ, bao quát về bài thi.

PGS Anh Tuấn đánh giá năm nay có nhiều đội chơi đến từ các trường đại học tham gia là “tín hiệu đáng mừng”. Các nghiên cứu từ các trường đại học cho thấy sự liền mạch giữa pha nghiên cứu cơ bản, chủ yếu bài báo khoa học sáng chế giờ đây đã đưa ra thành sản phẩm tiếp cận thị trường, được sản xuất thực nghiệm và đầu tư chuyển giao.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng ban giám khảo.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban giám khảo. Ảnh: NQ

PGS Tuấn cũng đánh giá các đội thi chuẩn bị tốt, trình bày mạch lạc. Hội đồng giám khảo áp dụng khung thời gian có hạn đòi hỏi các đội lựa chọn thông tin chắt lọc nhất.

Ông ấn tượng với sự sáng tạo không phân biệt lứa tuổi, ngành nghề như có những thầy giáo dạy nghệ thuật, ngành không liên quan khoa học kỹ thuật nhưng đã có mong muốn cải tiến đưa ra giải pháp công nghệ phục vụ học sinh. Ông cũng đánh giá cao nhiều ý tưởng thiết thực có thể phục vụ đồng bào vùng cao, học sinh miền núi góp phần truyền cảm hứng cho đội chơi mùa sau.

PGS. TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI).

PGS. TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI), thành viên Ban giám khảo. Ảnh: NQ

Sau phần thi, Ban tổ chức sẽ tìm ra dự án xuất sắc, trao giải vào ngày 16/5. Tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng và hai giải khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, CSC có hạng mục sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.

Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội – từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

Như Quỳnh – VNexpress.net