Những năm gần đây, xuất bản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, xu hướng phát triển cũng đang đặt ra các vấn đề về thẩm định, quản lý nội dung dòng sách này.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu tìm hiểu, cập nhật kiến thức, thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia ngày càng tăng cao, sách ngoại văn được coi là cầu nối để quá trình giao lưu đạt hiệu quả hơn.
Xuất bản bản số song song bản giấy
Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012 vừa diễn ra mới đây, bà Trần Thị Bạch Dương, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa (CDIMEX) cho rằng: Các sách nhập khẩu về Việt Nam có thể chia ra một số loại chính, trong đó nhiều nhất là dòng sách phục vụ nhu cầu học tập như các loại sách học ngoại ngữ, sách cho các trường quốc tế, tiểu học…
Bên cạnh đó là dòng sách văn học được đông đảo bạn trẻ quan tâm lựa chọn. Đa dạng nhất là các loại sách dành cho trẻ em, được các nhà xuất bản chăm chút và luôn có những cải tiến mới mẻ để phục vụ độc giả nhí. Sách khoa học kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế, kỹ năng… có giá trị cao và kén người đọc vì tính chuyên môn đặc thù, đòi hỏi người đọc phải có khả năng hiểu tiếng Anh học thuật, vì thế không được nhập nhiều vì đối tượng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.
Để đáp ứng thị hiếu đọc sách ngoại ngày càng tăng, nhiều đơn vị kinh doanh đã mở rộng các mạng lưới nhà sách; mở nhiều kênh bán sách trực tuyến (Tiki, Lazada, Bookmedi)… Trên thực tế, xu hướng phát triển của thị trường kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu hiện nay là các nhà xuất bản luôn phát hành xuất bản số song song với bản giấy.
Nhiều bộ sách học tiếng Anh cũng đã được chuyển hẳn sang hình thức số và chỉ in sách giấy cho các thị trường vẫn còn nhu cầu sử dụng… Nhu cầu học khi giãn cách xã hội, học từ xa, học áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, sử dụng công nghệ 4.0, 5.0 đã mang lại cho ngành xuất bản phẩm một cánh cửa mới.
Hàng nghìn tựa sách, tựa tạp chí không cần phải vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, tất cả được tích hợp trên website hoặc trong một bộ cơ sở dữ liệu.
Cần quy định phù hợp với xuất bản phẩm nhập khẩu
Theo Điều 10 của Luật Xuất bản 2012, các đơn vị nhập khẩu sách ngoại văn trước khi đưa sách vào lưu hành tại Việt Nam phải tiến hành thẩm định, kiểm tra nội dung. Bà Trần Thị Bạch Dương cho biết: “Trong quá trình thẩm định, chúng tôi đã phát hiện và cho lập biên bản, tiêu hủy rất nhiều đầu sách có nội dung vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Số sách này được đưa vào nước ta dưới danh nghĩa phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy ở các trường từ phổ thông đến đại học. Nếu không phát hiện và tiêu hủy thì những nội dung này sẽ được truyền đạt cho hàng triệu học sinh, sinh viên. Hệ lụy khó mà lường được”.
Đó là với sách giấy, còn đối với các sách điện tử nằm trong bộ cơ sở dữ liệu, hiện nay Luật không có quy định nào. Nếu không có chế tài cho việc sử dụng bản điện tử thì khó có thể kiểm soát được về mặt nội dung của xuất bản phẩm.
Bà Trần Thị Bạch Dương cũng góp ý khi sửa đổi Luật Xuất bản, cần sửa đổi điều kiện về cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm: Mục C, Khoản 4, Điều 38 về điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm chỉ quy định chung là phải có đội ngũ nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách trong trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách. Quy định này là chưa cụ thể, do đó kiến nghị bổ sung: “Có ít nhất 5 nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách trong trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách”.
TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định: Điểm a, Khoản 6, Điều 41 quy định cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu thành lập Hội đồng thẩm định đối với từng xuất bản phẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được xuất bản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản, đơn vị quản lý Nhà nước chưa quy định cụ thể mức tiền thuê chuyên gia thẩm định nội dung là bao nhiêu; đơn vị nào phải chi trả số tiền này; trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị nhập khẩu nằm ở đâu?…
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (FAHASA), doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, cho rằng: Chi phí để thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu nên quy định rõ ràng và thuận tiện cho doanh nghiệp nhập khẩu. Về thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, đề nghị rút ngắn thời hạn là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Xuất bản…
Có thể thấy, những thay đổi về xuất bản đòi hỏi phải có các quy định phù hợp, quá trình quản lý, điều hành phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
Nguồn: Zingnews.vn