Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực khoa học rộng lớn và là khoa học tích hợp, được hình thành giữa thế kỷ XX. Cuốn sách này trình bày trí tuệ nhân tạo theo quan điểm hiện đại, xem trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu thiết kế các tác tử thông minh (Artificial Intelligence is the study of the design of intelligent agents), tác tử thông minh được xem là bất cứ cái gì hoạt động trong một môi trường, có thể nhận thức được môi trường và hành động một cách thông minh, con người là ví dụ điển hình về tác tử thông minh.
Nội dung của cuốn sách gồm năm phần. Phần 1: Trí tuệ nhân tạo và tác tử thông minh, trình bày một cách nhìn tổng quan về trí tuệ nhân tạo, nhằm giải thích trí tuệ nhân tạo là gì và xác định khái niệm tác tử thông minh (intelligent agent). Bốn phần còn lại trình bày các phương pháp cơ bản của bốn lĩnh vực có thể xem như bốn trụ cột của trí tuệ nhân tạo. Phần 2: Giải quyết vấn đề bằng tìm kiếm, trình bày các kỹ thuật tìm kiếm nhằm trả lời cho câu hỏi: tác tử cần thực hiện các hành động như thế nào để đạt được mục tiêu, khi tác tử hoạt động trong môi trường và có đích cần đạt tới. Khi hoạt động trong môi trường, để có thể đưa ra hành động thích ứng với môi trường, hoặc để đạt được mong muốn nào đó, tác tử cần phải có hiểu biết (tri thức) về môi trường, và từ tri thức về thế giới đó, tác tử cần phải biết sử dụng lập luận để suy ra cách ứng xử hợp lý. Do đó, phần 3: Biểu diễn tri thức và lập luận, trình bày các mô hình biểu diễn tri thức về thế giới và các phương pháp lập luận trong từng mô hình đó. Lập kế hoạch hành động để đạt mục đích, hoặc đề ra chiến lược hành động để đạt được các mong muốn là nội dung của phần 4: Lập kế hoạch. Con người có khả năng kỳ diệu là khả năng học qua trải nghiệm thực tế để rút ra các quy luật (của tự nhiên, của xã hội), hoặc để hành động tốt hơn trong tương lai. Để tác tử cũng có khả năng học, phần 5: Học máy, sẽ đề cập đến các phương pháp học cơ bản.