Cơ học kết cấu là môn học cơ sở ngành dành cho việc đào tạo sinh viên bậc đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng cơ bản. Môn học này được thiết kế trong các chương trình đào tạo của nhiều trường đại học có
các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình như: xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; xây dựng công trình giao thông, bến cảng và thủy lợi; xây dựng công trình biển; xây dựng công trình quân sự; xây dựng công trình mỏ địa chất; sản xuất cấu kiện và vật liệu xây dựng;
và tin học xây dựng.
Cơ học kết cấu bao gồm hai học phần: (1) Cơ học kết cấu – Hệ tĩnh định và (2) Cơ học kết cấu – Hệ siêu tĩnh. Trong đó, học phần 1 liên quan đến các phương pháp phân tích, tính toán nội lực và chuyển vị trong hệ tĩnh định chịu tác dụng của các nguyên nhân như tải trọng, thay đổi nhiệt độ của môi trường, chuyển vị cưỡng bức của gối tựa và việc chế tạo không chính xác các cấu kiện lắp ghép gây ra được trình bày chi tiết, đầy đủ trong giáo trình này. Học phần 2 liên quan đến các phương pháp phân tích, tính toán nội lực và chuyển vị trong hệ siêu tĩnh chịu tác dụng của các nguyên nhân bên ngoài như đã đề cập ở trên được trình bày trong giáo trình khác.
Giáo trình Cơ học kết cấu – Hệ tĩnh định gồm có năm chương được phân công biên soạn như sau:
Chương 1 Tổng quan về Cơ học kết cấu;
Chương 2 Phân tích cấu tạo hình học của hệ phẳng;
Chương 3 Nội lực trong hệ phẳng tĩnh định chịu tải trọng bất động;
Chương 4 Nội lực trong hệ phẳng tĩnh định chịu tải trọng di động;
Chương 5 Chuyển vị trong hệ thanh phẳng.