GT Điều khiển logic và PLC
Điều khiển logic và PLC là môn khoa học nghiên cứu về điều khiển logic và bộ điều khiển logic lập trình được hay là PLC trong điều khiển và tự động hóa, phục vụ cho việc thiết kế và phân tích hệ thống tự động hóa dùng điều khiển logic. Nghiên cứu về điều khiển logic tập trung chủ yếu vào hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự với hai bài toán thiết kế và phân tích.
“Giáo trình Điều khiển logic và PLC” được biên soạn với mục đích làm tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện, đồng thời có thể làm tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu cho học viên cao học và sinh viên trong các trường kỹ thuật.
Nội dung giáo trình cung cấp cho người đọc phương pháp luận nghiên cứu điều khiển logic để thiết kế, phân tích các hệ thống điều khiển và tự động hóa từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời giáo trình cũng đề cập một cách cơ bản và đầy đủ thiết bị đo, cảm biến, cơ cấu chấp hành và PLC gắn với hệ điều khiển logic thường được sử dụng trong công nghiệp, các ví dụ minh họa trong giáo trình bám sát yêu cầu công nghệ thực tiễn. Nội dung giáo trình được biên soạn trong bốn chương.
Chương 1 trình bày “Cơ sở lý thuyết” trong đó trình bày các khái niệm, định nghĩa về biến logic và hàm logic. Các định luật và tính chất của biến logic. Trình bày các phương pháp biểu diễn và tối giản hàm logic.
Chương 2 nói về “Hệ điều khiển logic” trình bày về hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự. Cấu trúc, biểu diễn, thiết kế và phân tích hệ điều khiển logic tổ hợp và hệ điều khiển logic trình tự. Các ứng dụng của hệ điều khiển logic.
Chương 3 giới thiệu “Cảm biến và cơ cấu chấp hành” trình bày các cảm biến và cơ cấu chấp hành cho hệ điều khiển logic.
Chương 4 nói về “PLC và lập trình điều khiển” ứng dụng điều khiển logic. Chương này giới thiệu về PLC, ngôn ngữ lập trình và kỹ thuật lập trình.
Tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ thực phẩm
Cuốn sách “Tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm – The Language of Techno-Food Processing in English” (Song ngữ Anh – Việt) được biên soạn để cung cấp những kiến thức cơ bản thuộc chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm. Cuốn sách này có thể dùng làm tài liệu cho sinh viên và bạn đọc quan tâm đến chuyên ngành trên. Cuốn sách được biên soạn dựa trên cuốn “The Language of Chemistry – Food and Biological in English” đã dùng để giảng dạy cho sinh viên các trường Đại học Kỹ thuật Hóa – Thực phẩm Praha Tiệp Khắc (cũ), Ba Lan, Nga, Úc, Anh. Với thời gian nghiên cứu gần 30 năm và được đưa vào giảng dạy cho sinh viên hơn 10 năm qua ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường khác có đào tạo hệ cao đẳng và đại học khá hiệu quả. Trong cuốn sách này các tác giả đã dịch các bài khóa ra tiếng Việt và chuyển thành song ngữ để hỗ trợ cho sinh viên và đồng nghiệp tự học, tự đọc hiệu quả nhất. Cuốn sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuốn sách gồm những nội dung dưới đây.
Phần 1. Giáo trình cơ bản bằng tiếng Anh có giải thích ngữ pháp thêm bằng tiếng Việt Các tác giả đã chọn 40 bài khóa gồm các kiến thức tổng hợp nhất, có kết cấu khoa học, thường gặp với nội dung chính của ngành Chế biến Thực phẩm.
Mỗi bài ở Phần 1 có kết cấu như sau:
- Bài khóa giới thiệu chủ đề từng phần cơ sở và chuyên môn của ngành Chế biến Thực phẩm tương ứng.
- Phần từ vựng của bài khóa có cả phần phiên âm quốc tế kèm theo để dễ dàng cho người học cần dịch, đọc và hiểu bài khóa.
- Phần ngữ pháp hay gặp và nhắc lại phần chủ yếu dùng trong văn phong khoa học để học viên nhớ lại và vận dụng dịch hiểu cụ thể hơn vào chuyên ngành.
Bài tập: để củng cố bài học và làm ở nhà.
- Đọc và dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt các từ mới của bài khóa.
- Trả lời câu hỏi theo nội dung bài khóa.
- Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
- Bài tập ngữ pháp tương ứng nếu cần thiết cho vận dụng.
Các câu hỏi theo nội dung bài học nhằm giúp người học phát triển kỹ năng nghe, nói nếu có thời gian ôn luyện đầy đủ theo bài tập đưa ra. Các câu dịch bước đầu chuẩn bị cho người học hình thành kỹ năng viết theo văn phong khoa học của ngành.
Phần 2. Các bài khóa đã được dịch ra tiếng Việt để hỗ trợ tốt nhất cho người học.
Cuốn sách “The Language of Techno-Food Processing in English” biên soạn mới này gồm 40 bài khóa và được dịch ra tiếng Việt theo văn phong ngành Công nghệ Thực phẩm của từng bài.