Ngày 30/07/2024, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam. Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về EUDR và thảo luận về kết quả rà soát, đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
EUDR có hiệu lực từ ngày 29/06/2023, trong đó có quy định, các sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường châu Âu phải có thể truy xuất được nguồn gốc, không phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Các công ty lớn hơn nhập khẩu các mặt hàng này vào châu Âu phải tuân thủ EUDR từ ngày 30/12/2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải tuân thủ từ ngày ngày 30/06/2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bên liên quan tại Việt Nam đã chủ động thích ứng với EUDR thông qua xây dựng và ban hành Khung kế hoạch hành động nhằm tuân thủ quy định này. Khung kế hoạch này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định. Hội thảo nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình thực hiện EUDR, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê và gỗ, đồng thời cung cấp những thông tin thực tế hỗ trợ cho các kế hoạch hành động theo các yêu cầu của EUDR.
Ông Patrick Haverman – Phó Đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, cho biết: Những phát hiện của đánh giá độ sẵn sàng sẽ cung cấp thông tin cho các chiến lược và hành động đảm bảo rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia đi đầu trong sản xuất bền vững và không gây mất rừng. Ông cũng nhấn mạnh rằng, trước hết, việc chia sẻ dữ liệu và bản đồ là điều cần thiết. Cần thiết lập các giao thức rõ ràng về cách Chính phủ sẽ chia sẻ dữ liệu và bản đồ với các bên, bao gồm các nền tảng sẽ được sử dụng và các loại dữ liệu có thể được chia sẻ. Đồng thời cần phát triển các phương pháp phân tích định nghĩa rừng, không mất rừng và phân tích rủi ro…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia. Theo đó, hệ thống mã nông hộ quốc gia của Peru bao gồm các điểm GPS cho hơn 2 triệu nông dân đã đăng ký với mục tiêu thu thập 500.000 định vị đa giác vào tháng 12/2024 cho các nhà sản xuất cà phê và ca cao. Nông dân sử dụng ứng dụng tự mô tả để thêm thông tin về quyền sử dụng đất, năm trồng và dữ liệu sản xuất, hỗ trợ các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong tương lai. Nền tảng quốc gia SatuData của Indonesia cung cấp nhiều bản đồ sử dụng đất và sự thay đổi của đất, được liên kết với một trang web truy xuất nguồn gốc mới cho dầu cọ, giúp các bên truy cập dữ liệu và phương pháp này cho mục đích giải trình. Bờ Biển Ngà và Ghana đều đã thiết lập các hệ thống truy xuất nguồn gốc ca cao quốc gia với mã nông hộ và định vị đa giác các vườn ca cao, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, dịch vụ khuyến nông và kiểm tra tuân thủ thông qua thông tin chuỗi lưu ký được số hóa.
Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông của Việt Nam” (gọi tắt là dự án iLandscape) do Liên minh châu Âu tài trợ.
VH