Những đóng góp quan trọng của hoạt động xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam

Đường sách Nguyễn Văn Bình, một dấu ấn văn hóa đặc sắc của TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) – Cả nước đang kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL quyết định thành lập Nhà in Quốc gia với nhiệm vụ thống nhất tổ chức và quản lý nhà in Chính phủ, đánh dấu bước phát triển mới của Ngành Xuất bản, In, Phát hành sách cách mạng nước ta. Từ đó, ngày 10/10 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

Mới đây, trong Thư chúc mừng ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác xuất bản, in và phát hành sách đã luôn luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã tặng nhiều phần thưởng cao quý”.

Nhìn lại 70 năm hình thành và phát triển của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy những đóng góp hết sức to lớn và quan trọng của Ngành.

Đó là đã phục vụ đắc lực vào hoạt động kháng chiến và góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, những nhà in ty pô đầu tiên được xây dựng như Phan Đình Phùng, Tiến bộ, Lao động, Việt Nam Quốc gia ấn thư cục… Công tác phát hành dần hình thành nên cơ quan Tổng Phát hành Sách báo Cứu quốc. Trong kháng Pháp, hoạt động xuất bản vẫn được duy trì và trong những năm 1948 – 1950, ngoài những nhà xuất bản đã có, một số đơn vị mới ra đời như: Văn nghệ, Vệ quốc quân, Quân du kích… Nhiều ngành, đoàn thể cũng ra các loại sách chuyên ngành, như sách giáo dục, nông nghiệp, thanh niên, phụ nữ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, diễn biến các chiến trường, phản ánh kịp thời, sinh động và trung thực cuộc kháng chiến oanh liệt của quân dân ta. Các tập sách tiêu biểu được phát hành rộng rãi lúc đó như Sống như anh, Bất khuất, Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc, Người mẹ cầm súng, Đất nước đứng lên… đã làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt, thúc đẩy tinh thần hăng hái tham gia kháng chiến của nhân dân ta.

Tại miền Bắc, theo sáng kiến của Bác Hồ, loại sách “Người tốt việc tốt” được xuất bản đã kịp thời biểu dương những gương sáng trên nhiều lĩnh vực, có tác dụng lớn động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tự giác đóng góp sức mình cho kháng chiến.

Đó là đã tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội VI của Đảng đến nay. Hiện nay, toàn ngành có 57 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách, trung tâm phát hành sách với 70.000 cán bộ, công nhân viên thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhiều bộ sách có giá trị cao, các công trình nghiên cứu về chính trị, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, quản lý kinh tế… đã được xuất bản. Bản thân Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách hiện là một hoạt động kinh tế có giá trị đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước.

Đặc biệt, trong gần 40 năm qua, nhiều tác phẩm là công trình nghiên cứu, tư vấn, hướng dẫn… về hoạt động kinh tế hoặc có liên quan đến hoạt động kinh tế đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, từ hoạt động sản xuất của nông dân cho đến công tác quản lý của doanh nghiệp, từ việc tổ chức công việc làm ăn của gia đình cho đến các gợi ý về chính sách vĩ mô, từ việc tư vấn để tổ chức hoạt động của doanh nghiệp cho đến giới thiệu mô hình hoạt động của các tập đoàn kinh tế nước ngoài… Từ đó có thể thấy, giá trị kinh tế của hoạt động Ngành Xuất bản, In và Phát hành không thể đong đo bằng các con số cụ thể.

Nhà xuất bản Âm nhạc Giải phóng chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất (năm 1976). (Ảnh tư liệu)Nhà xuất bản Âm nhạc Giải phóng chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất (năm 1976). (Ảnh tư liệu)

Trong năm 2020 – 2021, nhiều ấn phẩm tuyên truyền về kiến thức phòng chống dịch Covid-19 hay sách kỹ năng sống được xuất bản và phát hành bằng nhiều hình thức phù hợp đã kịp thời trở thành món ăn “an sinh tinh thần” cho người dân trong những ngày diễn ra đại dịch.

Đó là trở thành một trong những công cụ sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tham gia tích cực trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; giới thiệu một số ấn phẩm tiêu biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm 2021, góp phần vào việc đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc ban hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, Ngành đã xuất bản được nhiều tác phẩm đáp ứng đồng thời tính định hướng, tính chiến đấu và sự hấp dẫn, có tác dụng lan tỏa trong đời sống xã hội, giải đáp nhiều vấn đề quan trọng về lý luận chính trị, cung cấp thông tin, kiến thức, luận điểm về chủ quyền và đấu tranh về chủ quyền, biển đảo. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Hồ Chí Minh toàn tập, Tuyển tập văn học Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, bộ sách Tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Tủ sách 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Về vấn đề biển Đông, Giới thiệu về biển, đảo Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam, 100 câu Hỏi – Đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông, Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài

Đó là đã không ngừng góp phần nâng cao trình độ văn hóa, tri thức cho người dân Việt Nam. Trong số 57 nhà xuất bản, có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến cuối năm 2021, toàn Ngành nộp lưu chiểu 32.948 xuất bản phẩm với 400.610.118 bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29.274 cuốn với 350.000.000 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 với  khoảng 25 triệu bản; xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch…) đạt 1.374 xuất bản phẩm với 25.610.118 bản. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/người/năm. Với các số liệu đó, người dân trong nước đã được tạo điều kiện để nâng cao trình độ, hiểu biết, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giải trí, học tập bằng nhiều hình thức đa dạng (đọc, nghe, xem, nhìn…).

Bên cạnh đó, việc ra đời các tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm xuất bản, in, phát hành sách cũng góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động này. Tháng 10/2001, Hội Xuất bản – In – Phát hành sách Việt Nam được thành lập (năm 2006 đổi tên là Hội Xuất bản Việt Nam) đáp ứng nguyện vọng của lực lượng cán bộ quản lý và người lao động toàn ngành. Năm 2005, Hiệp hội In Việt Nam được thành lập (tách ra từ Hội Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam), tập hợp các doanh nghiệp in trong một tổ chức có tính nghề nghiệp hơn.

Đồng thời, từ năm 2005 đến nay, Hội Xuất bản Việt Nam được Chính phủ giao tổ chức xét tặng Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm tôn vinh các tác giả, nhà xuất bản và tác phẩm có giá trị cao về nội dung, trình bày đẹp và kỹ thuật in tốt.

Đó là góp phần giới thiệu, lan tỏa các tác phẩm xuất sắc của nhân loại đến với công chúng trong nước và quảng bá các tác phẩm xuất sắc của Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian qua, nhiều tác phẩm nổi tiếng của thế giới đã được chuyển ngữ, in và phát hành đến công chúng Việt Nam nhanh chóng, góp phần giúp người đọc sớm tiếp cận với các tác phẩm tiêu biểu của các nước. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ở nước ngoài, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Hồ Chí Minh toàn tập…, cùng với những tác phẩm thơ văn đương đại với những tên tuổi như Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh… Cá biệt, một số tác phẩm như Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh, Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… được xuất bản, phát hành rộng rãi và được dịch ra gần 20 thứ tiếng trên thế giới.

Hiện Ngành đã có mối quan hệ hợp tác xuất bản toàn diện với Lào; mở rộng hợp tác với Cuba, Trung Quốc; phát triển quan hệ với Nga và các nước ASEAN, Pháp, Nhật… Ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á – Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN (ABPA), góp phần tích cực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đưa sách báo Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Nguồn:https://www.hcmcpv.org.vn/