Ngày 12/8/2024 tại Đà Nẵng, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia mã số KX.01/21-30, KX.06/21-30, KX.07/21-30 và Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Một số Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia phục vụ mục tiêu đổi mới, hội nhập và phát triển”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, Phó chủ nhiệm Chương trình KX.06/21-30, đại diện 03 Chương trình cho biết, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia. Trong đó, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mang tính dẫn dắt, định hướng, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Chương trình “Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, mã số KX.01/21-30; Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, mã số KX.06/21-30 và Chương trình “Đổi mới quản lý KH,CN&ĐMST tại Việt Nam”, mã số KX.07/21-30 là 3 trong số 7 Chương trình khoa học xã hội và nhân văn được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 20121-2030.
Kể từ khi 03 Chương trình được phê duyệt đến nay, các Ban chủ nhiệm Chương trình và Bộ KH&CN đã nhận được gần 200 đề xuất từ các viện, trường trên cả nước. Đợt tuyển chọn đầu tiên, Chương trình KX.01và KX.06 đã tuyển chọn được 28 hồ sơ. Hiện nay 3 Chương trình đang thực hiện tư vấn cho các đề xuất nộp năm 2024, thực hiện từ 2025, tuy nhiên, còn thiếu vắng các đề xuất của khu vực Đà Nẵng và miền Nam Trung Bộ.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.06/21-30, đại diện 03 Chương trình, phát biểu khai mạc Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, Hội thảo cung cấp đầy đủ thông tin về mục tiêu, nội dung của Chương trình, đồng thời chia sẻ một số quy định mới của Bộ cũng như kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia và bàn luận một số vấn đề đổi mới, phát triển, hội nhập của Đà Nẵng và khu vực Nam Trung Bộ. Thông qua Hội thảo, Ban chủ nhiệm hy vọng, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học ở khu vực này sẽ tích cực gửi các đề xuất để đảm bảo độ bao phủ ở các vùng miền và 03 Chương trình có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và hội nhập của Đà Nẵng và khu vực miền Nam Trung Bộ.
Hội thảo được chia làm 2 phiên: Phiên thứ nhất trao đổi về các vấn đề liên quan đến các Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia giai đoạn đến 2030 như: Quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Một số kinh nghiệm trong việc đề xuất và xây dựng hồ sơ tuyển chọn nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn hiện nay; Khung 03 Chương trình KX và tình hình triển khai. Phiên thứ 2 tập trung thảo luận một số vấn đề nghiên cứu trong khung 03 Chương trình gắn với Đà Nẵng và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ như: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong bối cảnh mới hiện nay; Hội nhập quốc tế và khu vực: cơ hội, thách thức và một số vấn đề đặt ra cho khu vực Nam Trung Bộ; Đổi mới quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST: Góc nhìn từ các địa phương vùng Nam Trung Bộ…
GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.07/21-30, trình bày báo cáo tham luận “Khung Chương trình KX.07/21-30 và tình hình triển khai”.
Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước trình bày tham luận “Quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia”.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng trình bày báo cáo tham luận “Đổi mới quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST: Góc nhìn từ các địa phương vùng Nam Trung Bộ”.
Các đại biểu trao đổi tại Phiên thảo luận.
Để tổ chức thực hiện các Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia có hiệu quả, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng, ban hành mới hệ thống các văn bản quản lý trong tất cả các khâu như: xác định nhiệm vụ, tuyển chọn đề tài, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu… Các đại biểu hy vọng, các quy định mới này sẽ có bước thay đổi lớn, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, đơn giản hơn về thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các nhà khoa học khi tham gia thực hiện đề tài.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước