Mạnh tay với sách giả, sách lậu

Một trong những mục tiêu trong nhiệm kỳ mới mà Hội Xuất bản Việt Nam chú trọng, là mạnh tay hơn với sách giả, sách lậu, bằng những chế tài và biện pháp chặt chẽ hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm sách, đưa tới cho bạn đọc những tri thức thật, tử tế.
Độc giả hiện nay tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn mua sách tại những địa chỉ uy tín.
Độc giả hiện nay tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn mua sách tại những địa chỉ uy tín.

Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ kiến nghị những giải pháp liên quan đến hoàn thiện chế tài để xử lý vấn đề sách giả, sách lậu, vi phạm bản quyền.

Một trong những đơn vị nhiều năm nay luôn phải đối phó và xử lý với các vụ việc làm sách giả, sách lậu là First News. Ông Nguyễn Văn Phước, CEO của First News – Trí Việt cho biết, đơn vị đã có hành trình 26 năm tuyên chiến với vấn nạn sách giả.

Mạnh tay với sách giả, sách lậu ảnh 1
Sách giả được làm tinh vi, khó phân biệt được với sách thật.

First News cũng từng hai lần khởi kiện các bên sản xuất và bán sách lậu, tuy nhiên cả hai đều đi vào “ngõ cụt”, cũng do những lỗ hổng trong chế tài dẫn đến phía sản xuất và tiêu thụ sách giả, sách lậu thì không bị xử phạt, trong khi đơn vị xuất bản chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Sách giả, sách lậu hiện nay được rao bán, quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Các đối tượng bán sách giả, sách lậu thường lựa chọn những đầu sách được in ấn đơn giản, không công phu, ít ảnh bên trong. Các thể loại sách được in lậu thường là sách kinh tế, tâm lý, self-help… Trước đây, sách lậu thường được rao bán thông qua các hình thức “kho sách”, “sách xả kho”, “sách thanh lý”… Hiện nay, sách lậu lại được rao bán nhiều theo kiểu trao tay giữa người đọc với nhau, với nhiều lý do như “đọc rồi muốn thanh lý bớt”, “chuyển chỗ ở”, “muốn bán bớt để mua sách mới”…

Theo ông Nguyễn Văn Phước, các thủ đoạn in sách lậu, sách giả đã tinh vi hơn rất nhiều, như thuê kho tại các địa điểm có nhiều lối ra vào, đóng gói, vận chuyển sách vào ban đêm để tránh bị phát hiện…

Sách giả, sách lậu cũng được in ấn tinh vi hơn, với mức độ giống sách thật có khi lên tới 95%, ngay cả người làm sách cũng khó có thể phát hiện sự khác nhau. Những điều này đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng, các nhà xuất bản và người làm sách.

Mạnh tay với sách giả, sách lậu ảnh 2
Hai trong số những cuốn sách bị làm giả nhiều nhất của Nhã Nam.

Hầu hết các đơn vị làm sách đều phải đối phó với tình trạng sách giả, sách lậu đang ngày càng trở nên công khai hơn. Nhã Nam, Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam, AZ Books, Tuổi trẻ… đều có sản phẩm bị in giả, in lậu, đặc biệt là những cuốn ăn khách, như “Cây cam ngọt của tôi”, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, “Nhà giả kim”, “Để yên cho bác sĩ hiền”, “Con mèo dạy hải âu bay”, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”…

Mạnh tay với sách giả, sách lậu ảnh 3
Bộ “Muôn kiếp nhân sinh” bị làm giả.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, việc xử phạt đối với các hành vi làm và tiêu thụ sách giả, sách lậu hầu hết chỉ là xử phạt hành chính chứ chưa có biện pháp răn đe mạnh mẽ. Hành vi in lậu chỉ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc tiêu thụ sách giả, sách lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Sách lậu, sách giả thiên biến vạn hóa, số tiền phạt lại quá nhỏ so với lợi nhuận thu về cho nên nạn sách giả, sách lậu vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài.

Mạnh tay với sách giả, sách lậu ảnh 4
Bộ “Kính vạn hoa” của Kim Đồng bị làm giả, làm nhái.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, câu chuyện “sách giả, sách lậu” đã tồn tại hơn 30 năm nay. Tuy nhiên thời gian gần đây, dựa trên công nghệ và các nền tảng xuyên quốc gia, ngành xuất bản vẫn tiếp tục đau đầu với thực trạng sách giả, sách lậu.

Theo ông Nguyễn Nguyên, hiện nay, rõ ràng đang có khoảng trống nhất định về mặt pháp lý, thêm vào đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng đấu tranh với sách giả, sách lậu. Hiện nay, Bộ Thông tin Truyền thông đang áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ bản quyền, như sử dụng công nghệ, thiết lập nhiều kênh kết nối trực tiếp với các nền tảng để khi có những dấu hiệu của việc vi phạm bản quyền, sẽ rút các cửa hàng, cá nhân bán sản phẩm đó khỏi các nền tảng. Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị liên quan đến thương mại điện tử có liên quan đến việc bán sách.

Trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1, chắc chắn Hội Xuất bản Việt Nam sẽ là một trong những thành viên tích cực để tiến tới sửa đổi Luật Xuất bản.

Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông lập hồ sơ để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thiện bước 1, sang năm sẽ triển khai các bước tiếp theo và dự kiến hoàn thiện kịp để đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp năm 2024 và 2025.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành

Trong nhiệm kỳ mới của Hội Xuất bản Việt Nam, bảo vệ bản quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ông Nguyễn Nguyên cho biết, đây là công việc đòi hỏi sự tập trung rất lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương tới địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành.

“Hiện nay trong các quy định của xuất bản có những chế định vẫn chưa hoàn thiện, dẫn đến việc chúng ta chưa xác định được những chế tài xử lý phù hợp, nhất là trên không gian mạng, do đó chúng ta đang xử lý một cách hết sức lúng túng và khó khăn” – ông Nguyễn Nguyên nói.

Một vấn đề nữa mà người đứng đầu Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, là xây dựng, hoàn thiện các thiết chế bảo vệ bản quyền trong xuất bản. Hiện nay, thực tế ngành xuất bản đang thiếu những thiết chế rất quan trọng liên quan đến bảo vệ bản quyền.

Ông Nguyễn Nguyên khẳng định, sắp tới, Hội Xuất bản Việt Nam với vai trò và trách nhiệm của mình, cùng với các thiết chế hiện có, sẽ hướng tới việc xây dựng một thiết chế mới. Đó là một trung tâm bảo vệ bản quyền, sau này sẽ đứng ra thay mặt cho các hội viên cũng như các đơn vị, các tác giả để bảo vệ bản quyền, trong đó có những vấn đề bản quyền liên quan đến không gian mạng.

Một trong những lý do khiến sách lậu ngày càng hoành hành như hiện nay cũng xuất phát từ việc có những đơn vị xuất bản chưa có ý thức bảo vệ bản quyền, trong đó, theo ông Nguyễn Nguyên, có cả những hội viên của Hội Xuất bản. Do đó, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được nhấn mạnh và chú trọng hơn.

Ông Nguyễn Nguyên cho biết, trong thời gian tới, Ban truyền thông của Hội đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phải góp phần tuyên truyền pháp luật về nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền. Ngoài ra, phía Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang áp dụng một số giải pháp khác như kỹ thuật, ngăn chặn xâm phạm bản quyền tại các nền tảng số.

Ngăn chặn triệt để sách giả, sách lậu là điều mà những người làm sách mong mỏi bấy lâu nay. Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành, những người làm sách có thể yên tâm mang đến cho người đọc những cuốn sách hay, đẹp và chất lượng mà không sợ bị ăn cắp chất xám trắng trợn nữa.

Nguồn: Nhandan.vn