Xuất bản sách khoa học thiếu niên: Vạn dặm gian nan

 


Ở nước ta, sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho thiếu niên (10-15 tuổi) đang rất trống vắng.


Các học sinh tiểu học ở TP.HCM tham gia chương trình Thí nghiệm cho bé (BASF Kids' lab) do Công ty BASF (Đức) tổ chức. Đây là chương trình giúp các em tìm hiểu khoa học bằng những thí nghiệm đơn giản – Ảnh: Đỗ Kim Chung
Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, có thể nói vanh vách về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, được trang bị những kiến thức ứng dụng trong đời sống thông qua nhiều cuốn sách trình bày đẹp, hình ảnh bắt mắt, giảng giải tường tận các kiến thức khoa học phù hợp với lứa tuổi (từ ôtô, máy bay, vũ trụ, đến cơ thể người, cách thức làm ra đồ ăn, đồ dùng…) thì các học sinh ở Việt Nam chủ yếu phải lo học thêm, lo giải bài tập mà thiếu hẳn những kiến thức đa dạng khác.
Thế là các giá sách, kệ sách tại các cửa hàng bán sách cũng lo đáp ứng nhu cầu đó cho các em, mảng sách phổ biến khoa học dành cho các em đã gặp khó lại càng thêm khó.
Có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng và trầy trật này của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản (NXB) như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch.
Ở mảng dành cho lứa tuổi nhi đồng, lực lượng làm sách đông hơn, phần vì dễ làm, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn, đầu tư ít hơn, phần cũng dễ bán hơn.
Để có thể định lượng về sự khó khăn này, có thể dùng đến con số mới nhất từ Hội sách Hà Nội (diễn ra đầu tháng 10-2014), theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỉ đồng, còn tổng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Vì sao có con số buồn bã đó?
Yếu, mỏng và khó
Trái ngược với cảnh tấp nập của các gian hàng bán sách văn học, sách tâm lý, truyện tranh, các gian sách phổ biến khoa học vắng vẻ, đìu hiu, khách ghé thăm chủ yếu là những người yêu thích, hiểu biết về khoa học hoặc làm việc trong các lĩnh vực khoa học đến chọn sách cho bản thân hoặc cho con em mình.
Ngành giáo dục có đến hơn 1 triệu giáo viên nhưng lượng sách phổ biến khoa học tiêu thụ mỗi năm không nhiều, chứng tỏ nhiều giáo viên không hay mua loại sách này. Học sinh thường chỉ quan tâm nhiều đến sách giải bài tập hay sách tham khảo.
Số phụ huynh đi tìm mua sách khoa học vì mục đích nuôi dưỡng đam mê tìm hiểu thế giới sinh động xung quanh và nâng cao khả năng tìm tòi, nghiên cứu cho các em… lại quá ít.
Cái sự “mỏng” đó còn thể hiện trên lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay, vốn có thể kể ra trên đầu ngón tay. Hiện nay, nổi bật nhất là nhóm cộng tác viên chủ biên tủ sách Khoa học và khám phá cho cả thiếu niên và người lớn của NXB Trẻ, gồm dịch giả Phạm Văn Thiều, GS.TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS Vũ Công Lập.
Nhóm thành lập được hơn 10 năm, đã mời các nhà khoa học có uy tín, những nghiên cứu sinh Việt Nam ở ngoài nước tham gia dịch thuật, đến nay đã cho ra đời khoảng 25 đầu sách, như Định lý cuối cùng của Ferma, Mật mã, Bảy nàng con gái của Eva, Cuộc chiến lỗ đen, Bản thiết kế vĩ đại… Trung bình mỗi năm nhóm này dịch được ba quyển sách.
NXB Kim Đồng có ban sách khoa học do dịch giả Hoàng Thanh Thủy làm trưởng ban, dưới sự chỉ đạo của tổng biên tập Nguyễn Huy Thắng, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm sách khoa học.
Ban khoa học của NXB Kim Đồng kiên trì duy trì các tủ sách khoa học, tiêu biểu là Kiến thức thế hệ mới – tủ sách phổ biến kiến thức, trong đó có hàng chục đầu sách về khoa học và công nghệ được các em nhỏ yêu thích.
Đối với lứa tuổi thiếu niên, có nhóm làm sách phổ biến khoa học của Công ty Long Minh do dịch giả Nguyễn Việt Long đứng đầu. Trong những năm gần đây, nhóm đã xuất bản 26 quyển sách về khoa học, trong đó đáng kể nhất là tủ sách Đam mê toán học (gồm 6 quyển) và tủ sách Tập làm nhà phát minh (gồm 12 quyển).
Tập làm nhà phát minh đã bước thêm một bước thông qua các cuộc thi tự làm đồ chơi (tên lửa, máy bay…) tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và một số trường khác, lôi cuốn nhiều học sinh tham gia và gieo mầm say mê sáng tạo khoa học cho các em.
Vậy còn số tác giả viết sách phổ biến khoa học của Việt Nam? Câu trả lời là: cực ít, nếu không muốn nói là không có ai. Trên thị trường có một số sách viết về cuộc đời các nhà khoa học, nhưng trong đó chưa có nhiều kiến thức khoa học, một số sách nửa dịch thuật, nửa phóng tác từ nguồn sách tiếng Anh và tiếng Trung, chủ yếu dành cho lứa tuổi nhỏ.
Các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học.
Một số GS, PGS, TS là giảng viên đại học cũng bận bịu giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm cũng chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam cũng thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy.
Mà sách khoa học thì không thể thiếu phần hình ảnh minh họa. Vì thế, tổ chức dịch sách phổ biến khoa học của nước ngoài dù vất vả nhưng vẫn có hiệu quả và đỡ tốn kém cả về thời gian, đầu tư lẫn công sức hơn việc tự viết sách phổ biến khoa học.
Độ khó của sách phổ biến khoa học nói chung, sách phổ biến khoa học cho lứa tuổi thiếu niên nói riêng, nhất là để tránh được sai sót về kiến thức hay thuật ngữ khiến công tác dịch thuật và biên tập khá vất vả.
Ngoài việc yêu thích và hiểu rõ nội dung khoa học trong quyển sách thì để có được bản dịch chính xác và dễ hiểu, công tác hiệu đính bản dịch cũng tốn rất nhiều công sức vì hiếm người làm có trình độ khoa học tốt kết hợp với sự am hiểu về thuật ngữ. Hiện rất ít NXB của Việt Nam có biên tập viên “có nghề” cho mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, chủ yếu vẫn dùng người biết ngoại ngữ.
Nhưng quy trình chuẩn để một cuốn sách phổ biến khoa học ra đời cần ít nhất 2-3 biên tập viên có kinh nghiệm đọc và biên tập, nếu cần, bản thảo phải được các chuyên gia trong lĩnh vực đó đọc phản biện để nhận xét, góp ý. Đó là chưa kể việc cần đến những lời giới thiệu xác thực và lôi cuốn của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học.
Ngôn ngữ là một trở ngại khác. Hệ thống thuật ngữ tiếng Việt – ngay cả với một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông – còn thiếu hoặc chưa được cập nhật một cách có hệ thống, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải cân nhắc, khai phá đặt ra từ mới.
Cuối cùng, với thời gian làm ra quyển sách lâu (có cuốn đến vài ba năm), in số lượng ít (chỉ 1.000-1.500 bản) dẫn đến giá bán một quyển sách phổ biến khoa học khá cao khiến độc giả phải nâng lên đặt xuống nhiều lần khi mua.
Những rào cản khác
Không nói đến những hiệu sách nhỏ hoàn toàn không có loại sách này, nhiều hiệu sách lớn hiện nay không có khu vực bán sách khoa học riêng, nếu có cũng “trộn lẫn” sách lịch sử, sách kỹ năng sống… Nhưng đó mới chỉ là rào cản đầu tiên cho các đơn vị có định hướng làm sách khoa học.
Kênh phân phối sách đến nhà trường cũng “chật hẹp” không kém kênh ra thị trường, thư viện nhà trường không quan tâm lắm đến mảng sách này. Những năm gần đây, vì có các cuộc thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức như Hội thi khoa học và kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia, tình hình có chuyển biến chút đỉnh.
Mỗi năm, hàng nghìn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong hội thi này nhưng chỉ dừng ở mức ngoại khóa, các tiết học định hướng thẳng vào khoa học trong nhà trường vẫn “mơ về nơi xa lắm”.
Truyền thông cho sách khoa học là vấn đề nan giải, không chỉ ở độ khó của sách mà ngay cả các giải thưởng về sách cũng không có hạng mục sách phổ biến khoa học. Những trường hợp thành công, có tiếng, như tủ sách Khoa học và khám phá là nhờ đóng góp không nhỏ của nhà báo Vũ Công Lập – một chuyên gia truyền thông kỳ cựu và đầy tài năng.
Trước những khó khăn chồng chất này, phổ biến sách khoa học không phải là việc ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài và cần đến sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam từng nhận định: “Trong những người trẻ tuổi, không có ai dám dấn thân 100% cho việc dịch sách khoa học”.
Nhật Bản đã tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thành công từ thế kỷ 19 để trở thành một cường quốc, trong đó phần dịch thuật sách báo khoa học kỹ thuật phương Tây đóng vai trò quan trọng.
Nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Nhật Bản cận hiện đại, người làm nên cuộc canh tân minh trị – Fukuzawa Yukichi – kể lại trong cuốn tự truyện của ông (*) chuyện sao trộm sách.
Vào cái thời cả nước Nhật đang xôn xao chuyện một đội tàu của Perry cập cảng và bàn chuyện phòng bị cho hải quân, Fukuzawa được xem một cuốn sách dạy về kỹ thuật xây thành mới xuất bản ở Hà Lan mà một người quen vừa mang về.
Cuốn sách dày chừng 200 trang, đắt bằng cả gia tài nên cậu học trò nghèo Fukuzawa đánh bạo hỏi mượn để… chép trộm. Ông chỉ dám chép vào ban đêm vì sợ bị phát hiện, trong tâm trạng vô cùng căng thẳng, lo lắng của người biết mình đang làm việc của “tên ăn cắp” nên mất gần 30 ngày mới chép xong.
Về sau, khi ông học trường Ogata, toàn trường chỉ có 10 bộ sách ngành vật lý và y được chở từ Hà Lan về, học trò trong trường phải tự sao chép sách bằng bút lông ngỗng, trên giấy được gột hồ từng tờ.
Chuyện chép sách, đặc biệt các cuốn sách mới về kỹ thuật, trở thành một hoạt động tập trung trí lực của học sinh toàn trường, điều về sau khiến họ trở nên khác biệt hoàn toàn với người dân trong toàn nước Nhật bấy giờ: họ đọc được những sách vở tiến bộ của phương Tây, làm được những kỹ thuật mà người thường lúc bấy giờ không hiểu, không làm nổi.
Và vì thế “dù có bần hàn, có nguy nan, quần áo có giản dị, ăn uống có đạm bạc, nhìn qua tưởng như bọn họ là một lũ học trò khố rách áo ôm, nhưng sự cao thượng, linh hoạt về trí lực, tư tưởng lại là điều mà vương gia quý tộc cũng phải cúi đầu”.

(*): Phúc ông tự truyện, NXB Thanh Niên và Alpha Books, 2013.
Đỗ Hoàng Sơn
Nguồn: Tuổi Trẻ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *