Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia Hoàng Văn Phong phát biểu tại Hội thảo.
Việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ được coi là lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển năng lực của mình.
Đây là quan điểm chung của các đại biểu tham dự Hội thảo “Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam” do Văn phòng Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia tổ chức ngày 21/8, tại Hà Nội.
Hội thảo là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề cần thiết để áp dụng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực hiện nay cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển, đổi mới công nghệ.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong; các Ủy viên và chuyên gia cao cấp của Hội đồng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; Ban chủ nhiệm các chương trình quốc gia về KH&CN; đại diện đơn vị chức năng của các Bộ Công thương, Quốc Phòng, Giao Thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư,…; lãnh đạo các Hiệp hội, các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học.
Các tham luận tại hội thảo tập trung nêu bật vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam; đặc thù và khó khăn trong việc thực hiện xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ;…
Theo đó, việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với việc xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ phát triển cho các ngành, lĩnh vực, qua đó đánh giá được hiệu quả của các chiến lược, chính sách, các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ trong từng giai đoạn. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhận diện các công nghệ quan trọng và công nghệ sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai; giúp xác định những công việc bị trùng lặp trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển; cho phép chính phủ tham gia tốt hơn vào các hợp đồng nghiên cứu và phát triển với các ngành công nghiệp cụ thể bằng việc xác định tốt hơn chương trình nghiên cứu, kế hoạch thực hiện.
Toàn cảnh hội thảo
Lộ trình công nghệ được nghiên cứu từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, và bắt đầu thành công ở Motorola khi áp dụng năm 1997. Trong 20 năm qua, hàng nghìn lộ trình công nghệ đã được xây dựng ở hàng chục quốc gia trên thế giới trong nhiều ngành, lĩnh vực cũng như doanh nghiệp với nhiều cách tiếp cận khác nhau được phát triển phù hợp với đặc thù của từng quốc gia. Đã có nhiều bài học thành công từ việc sử dụng lộ trình công nghệ như một công cụ hỗ trợ quá trình quản lý công nghệ ở các nước cũng như các doanh nghiệp trong việc đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên thị trường thế giới như Hàn quốc, Thái Lan, Singapore…
Tại Việt Nam, việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ còn khá mới mẻ và theo nhiều đại biểu tại hội thảo, công việc này đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các thông tin về hiện trạng của các ngành công nghiệp, khoảng cách công nghệ, năng lực nghiên cứu và phát triển,…; việc huy động nguồn lực và sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp;…
Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa quan trọng và là bước khởi động để xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Từ việc nhận thấy được nhu cầu, tính cấp thiết của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp sẽ đánh giá được thực trạng công nghệ của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Từ đó có kế hoạch phát triển và đổi mới công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Trên cơ sở ý kiến đồng thuận từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp, Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phương pháp luận cũng như các điều kiện đặc thù để báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành về cơ chế cần thiết để hỗ trợ quá trình xây dựng Bản đồ công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng công nghệ, xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ cho các ngành, lĩnh vực cũng như hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng lộ trình công nghệ cho các doanh nghiệp.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên