Đó là nhận định của Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 diễn ra vào sáng nay.
Sáng 30/3, phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân”, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa được xây dựng do chưa có sự liên thông, kết nối dù đã triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin nhiều và mạnh”.
Theo ông Hà, để xây dựng được chính phủ điện tử, trong thời gian tới, cần thực hiện 3 nhiệm vụ chính mà Nghị quyết 36a của Chính phủ đã nêu: liên thông các văn bản điện tử từ xã, huyện, tỉnh, cho tới trung ương; thu hút người dân và các doanh nghiệp tới các dịch vụ công, được tích hợp lên 1 cổng quốc gia và cuối cùng là cần tìm nguồn vốn và có cơ chế thích hợp để xây dựng hệ thống phục vụ nội bộ chính phủ cũng như hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ phát biểu trong hội thảo sáng 30/3. Ảnh: Lê Loan
Đồng ý kiến với ông Lê Mạnh Hà, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục tin học hoá, Bộ Thông tin Truyền Thông cho rằng, Việt Nam đã có môi trường pháp lý với các nghị quyết, quyết định của Chính phủ về vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng đang từng bước được cải thiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước phục vụ người dân ngày càng được mở rộng; tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật của ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử do thiếu kinh phí. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn ở quy mô nhỏ, xử lý công việc qua mạng còn chưa được nhiều, dịch vụ công ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao (3,4) cũng còn ít.
Khi nói về các thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT IS nêu ra 5 ý. “Thứ nhất liên quan tới vấn đề ngân sách dành cho công nghệ thông tin khi nó còn bị xếp “chiếu dưới” sau y tế, giao thông…. Chính vì thiếu vốn nên dẫn tới nhiều hệ luỵ: vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn manh mún, chúng ta cũng không có tiền duy tu, bảo dưỡng hệ thống dẫn tới hệ thống bị mai một, lạc hậu. Quy trình dùng vốn ngân sách còn khó khăn.
Vấn đề thứ hai còn tồn tại là quyết tâm của lãnh đạo. Thứ ba là phương pháp triển khai còn gặp nhiều vướng mắc. Ở Việt Nam, để triển khai một hệ thống thường mất nhiều thời gian hơn so với các quốc gia khác. Vấn đề thứ tư là Việt Nam thường bỏ qua nền tảng khi bắt tay giải quyết vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, trong xây dựng thành phố thông minh, nền tảng là vô cùng quan trọng bởi nó liên quan tới vấn đề bảo mật, xử lý giao diện tốc độ cao, vấn đề liên thông, kết nối và tương tác với người dân.
Cuối cùng là vấn đề nguồn lực: chúng ta cần đào tạo những người vận hành hệ thống đủ năng lực”.
Hiền Thảo