Chiều ngày 03/6/2015 tại Sở KH&CN TP. Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng đề án liên doanh, liên kết, kêu gọi đầu tư mở các cơ sở đào tạo trình độ trên đại học giữa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế, các Viện nghiên cứu KH&CN đầu ngành của quốc gia”.
(Ảnh minh họa)
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay Trường Đại học Hàng hải đang đào tạo 34 chuyên ngành đại học, 11 chuyên ngành cao học và 8 chuyên ngành tiến sỹ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế biển. Đối với việc liên doanh, liên kết đào tạo trình độ trên đại học, nhà trường áp dụng hình thức liên doanh, liên kết đào tạo với các trường đại học hay các tổ chức giáo dục trong nước và thế giới. Các khoá đào tạo cao học theo hình thức liên doanh, liên kết trong nước được tổ chức ngay trên địa bàn thành phố với 4 chuyên ngành: quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, công nghệ thông tin và ngôn ngữ Anh, tuy nhiên hiệu quả không cao. Hình thức liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ khoa học, tiến sỹ chuyên ngành, tiến sỹ khoa học với nhiều trường đại học, học viện lớn trên thế giới đã góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao cho thành phố và đất nước. Tuy nhiên, điểm hạn chế chung của các chương trình này là ngành nghề đào tạo còn bị giới hạn; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu.
Đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, học viên gặp phải rào cản ngôn ngữ và khó khăn về chi phí đi lại do phải bảo vệ tốt nghiệp tại nước đối tác. Việc nghiên cứu xây dựng đề án góp phần đưa ra lời giải cho những vấn đề trên.
Theo kế hoạch đưa ra, nhà trường sẽ liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ ngay tại trường với 5 nước Bỉ, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ và Áo. 5 chuyên ngành đào tạo liên kết tương ứng với 5 nước là: đóng tàu, công nghệ thông tin, kỹ thuật tàu thuỷ, kinh tế hàng hải và toàn cầu hoá, quản lý kinh tế. Đây là những chuyên ngành đào tạo thuộc thế mạnh của nhà trường. Học viên tham gia chương trình đào tạo phải vượt qua vòng thi tuyển và đảm bảo các tiêu chí: tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, tuổi không quá 45, đảm bảo trình độ tiếng Anh đầu vào tương đương trình độ tuyển sinh. Thời gian đào tạo từ 18-24 tháng. Giảng viên là các giáo sư, tiến sỹ của các trường đại học trong nước đã được bên đối tác kiểm định chọn lựa và các giáo sư, tiến sỹ của phía đối tác. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên được cấp bằng chính quy theo sự thoả thuận của 2 cơ sở đào tạo. Nguồn tài chính phục vụ việc mở và duy trì các ngành đào tạo được huy động từ công tác xã hội hoá, từ nhà trường và đóng góp của các học viên.
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN, đề án đã xác định được chuyên ngành đào tạo sát với thực tế, khách quan và phù hợp với nhu cầu của thành phố. Tuy nhiên, đề án cũng cần xác định rõ đối tác liên doanh, liên kết đào tạo là trường nào hay tổ chức nào.
Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng