Gương mặt Đại sứ truyền thông khoa học FameLab Việt Nam 2016 đã thuộc về thí sinh Phạm Tuấn Thạch với chủ đề "Ứng dụng của tế bào gốc máu".
Cuộc thi do Hội đồng Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. Buổi chung kết FameLab 2016 diễn ra vào tối 26/4 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Tại đêm chung kết, với sự hóm hỉnh và thông minh của mình, thí sinh Phạm Tuấn Thạch đã có bài thuyết trình hấp dẫn người xem. Bài thuyết trình nói về tế bào gốc máu và một số ứng dụng của tế bào gốc máu. Qua đó Thạch muốn cung cấp một số thông tin về tế bào gốc máu đến khán giả như chúng có tính gốc nên có thể phân chia tạo thành các tế bào gốc khác. Tế bào gốc máu có thể biệt hóa tạo ra các tế bào máu trưởng thành như hồng cầu, bạch cầu… Các tế bào gốc máu thường cư trú ở tủy xương hoặc một phần nhỏ ở máu ngoại vi trong các mạch máu.
Tế bào gốc máu ứng dụng trong chữa HIV, ứng dụng trong chữa ung thư. Việc nghiên cứu, biến đổi và ứng dụng tế bào gốc máu đang mang đến những tiềm năng mới trong chữa trị những căn bệnh nguy hiểm của thế giới và rất cần được mở rộng và phát triển.
Phần trình bày của Phạm Tuấn Thạch được cho rằng đạt được cả ba tiêu chí của cuộc thi là: nội dung khoa học, trình bày logic và cuốn hút. Thạch đưa cả hình ảnh thú cưng ví von với các tế bào gốc máu như là thú cưng của các nhà khoa học.
Ban giám khảo đã chọn ra thí sinh Phạm Tuấn Thạch là thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi FameLab VN và trở thành đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết toàn cầu FameLab International Final tại Liên hoan Khoa học Cheltenham được tổ chức tại Vương Quốc Anh vào đầu tháng 6/2015.
Thạch chia sẻ: " Em rất vui khi được giải cao nhất trong cuộc thi. Tới đây đại diện Việt Nam tham dự FameLab ở Vương quốc Anh, tuy không phải là ngôn ngữ của mình nhưng em sẽ cố gắng hết mình để tạo ra những nội dung liên quan nhất đến với bạn bè quốc tế và những ngôn ngữ thân thuộc, dễ hiểu với họ".
Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever trao giải nhất cho thí sinh Phạm Tuấn Thạch.
Giải nhì thuộc về thí sinh Phạm Hồng Chất, Đại học Y Dược Thái Nguyên, với chủ đề "Ung thư và niềm hy vọng mới". Trao giải ba cho thí sinh Vũ Phương Thảo, Đại học Hàng hải, với chủ đề "Trái đất nóng lên – Cơ hội và thách thức".
Bà Cherry Gough – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam trao giải nhì cho thí sinh Phạm Hồng Chất, Đại học Y Dược Thái Nguyên, chủ đề "Ung thư và niềm hy vọng mới".
Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường & Doanh nghiệp (Bộ Khoa học & Công nghệ), Phạm Hồng Quất trao giải ba cho thí sinh Vũ Phương Thảo, Đại học Hàng hải, chủ đề "Trái đất nóng lên – Cơ hội và thách thức".
FameLab là một cuộc thi thuyết trình về khoa học, được bắt đầu từ năm 2005 tại Liên Hiệp Vương quốc Anh trong liên hoan khoa học Cheltenham Science Festival. Kể từ đó FameLab nhanh chóng trở thành mô hình phát hiện, đào tạo và tư vấn cho các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ trong việc chia sẻ tình yêu khoa học và đam mê sáng tạo với cộng đồng, biến các vấn đề khoa học vốn rất hàn lâm trở nên gần gũi, dễ hiểu, thú vị như khoa học thường thức với mọi người dân khán giả không chuyên. Người tham dự FameLab trình bày một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và cuốn hút người nghe trong tối đa 3 phút.
Năm 2016, cuộc thi FameLab được phát động từ tháng 1 và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người đam mê khoa học từ các bạn sinh viên. Đã có 12 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tham dự đêm chung kết.
Loan Lê