Tọa đàm giới thiệu sách “AN TOÀN ĐIỆN HẠT NHÂN” – GS. Phạm Duy Hiển

Hòa chung không khí sôi động của các hoạt động kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ hai, 18 tháng 5 năm 2015, đúng 16h ngày 15/5/2015 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức, đã diễn ra buổi tọa đàm Giới thiệu sách “An toàn điện hạt nhân” của GS. Phạm Duy Hiển.

 

 
 
Tham dự buổi giới thiệu sách có GS. Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách; Lãnh đạo và cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử; Đại diện Viện Vật lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội; cũng như sư có mặt của giới báo chí, truyền hình, các chuyên gia, nhà giáo dục, giới văn nghệ sỹ, bạn bè, đồng nghiệp của tác giả, cùng đông đảo sinh viên các Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, trường Đại học Điện lực, đối tác và bạn đọc.
Buổi tọa đàm có hai phần chính:
1) Phần trình bày của GS giới thiệu về cuốn sách; 
2) Phần đàm thoại giữa GS. Phạm Duy Hiển – tác giả cuốn sách, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, PGS. Vương Hữu Tấn, Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đại diện cho giới chuyên gia; Nhà Quản lý Khoa học trả lời độc giả những câu hỏi xoay quanh về an toàn điện hạt nhân.
Chương trình có sự góp mặt của MC Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Với cái nhìn sắc sảo, nhạy bén, sự xuất hiện của ông đã dẫn dắt câu chuyện an toàn điện hạt nhân thành đề tài thú vị, có sức hút mạnh mẽ tới số đông độc giả, với phong cách nhẹ nhàng, hài hước đủ độ và khả năng dẫn dắt, “nắn dòng” linh hoạt trước mọi tình huống ông đã làm cho buổi đối thoại thêm sôi nổi đến giờ phút cuối cùng.
 
  
PGS. Vương Hữu Tấn, GS. Phạm Duy Hiển, TS. Trần Chí Thành, 
và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (từ bên trái sang)
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng điện hạt nhân là lĩnh vực khoa học đa ngành, một quốc gia muốn thực hiện chương trình hạt nhân thì cần phải thúc đẩy được khoa học công nghệ tiên tiến, trên thế giới không có nước nào thịnh vượng mà không thông qua con đường phát triển khoa học và công nghệ. Sự ra đời của cuốn sách An toàn điện hạt nhân góp phần bổ sung nguồn tài liệu còn rất thiếu ở Việt Nam về lĩnh vực này. Các sách trình bày cơ sở khoa học về an toàn điện hạt nhân lại thiếu hẳn.
Với kinh nghiệm, tâm huyết, trí tuệ trong suốt quãng đời làm khoa học của mình, GS. Phạm Duy Hiển luôn luôn có mong muốn một đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử. Tác giả nhấn mạnh “Mỗi lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân chứa trong vùng hoạt hàng tỷ cu ri chất phóng xạ, sản phẩm phân hạch dây chuyền neutron với hạt nhân uranium. Tai nạn điện hạt nhân xảy ra nếu khối phóng xạ này bị tan chảy do nhiệt độ tăng lên quá cao khi phản ứng dây chuyền tăng tốc không kiểm soát được, hoặc do mất nước tải nhiệt. Khi ấy, nhân viên vận hành có thể bị chiếu xạ, nhà máy sẽ bị hư hỏng hoàn toàn, xác phóng xạ phải được tháo dỡ và chôn cất rất tốn kém. Tệ hại hơn, dân chúng sẽ bị nhiễm xạ, môi trường bị hoang phế một khi chất phóng xạ thoát được ra khỏi nhà lò. 
Ở nhiều cấp độ thấp hơn, sự cố điện hạt nhân có thể gây hậu quả về mặt kinh tế xã hội. Đơn giản nhất là lò phản ứng phải ngừng hoạt động do một thông số kỹ thuật nào đó bị lêch lạc, từ đó phát ra tín hiệu dập lò khẩn cấp. Phải mất vài ngày để lò hoạt động trở lại, mà cứ mỗi ngày lò ngưng hoạt động không theo kế hoạch, doanh thu nhà máy mất đi hàng triệu đôla. 
Các sự cố và tai nạn điện hạt nhân thường khởi nguồn từ những sai lệch trong hệ thống công nghệ, sai sót con người và những hiện tượng thiên nhiên cực đoan. Tai nạn càng nghiêm trọng khi các yếu tố này ập đến cùng một lúc, tuy hãn hữu theo lý thuyết xác suất, song lại chính là những kịch bản của ba tai nạn lớn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima đã từng xảy ra. Công nghệ và thiết bị rất quan trọng, song yếu tố con người bao gồm đội ngũ vận hành, quản lý, hệ thống pháp lý và văn hóa an toàn luôn đóng vai trò quyết định. AN TOÀN ĐIỆN HẠT NHÂN KHÔNG HỀ ĐƯỢC CÀI ĐẶT SẴN TRONG CÔNG NGHỆ MÀ CHỈ NÊN XEM LÀ THÀNH TÍCH CỦA ĐỘI NGŨ, là một tổng kết chí lý của nhóm chuyên gia điện hạt nhân đăng trên The Economist nhân dịp tròn một năm thảm họa Fukushima. Ỷ lại vào công nghệ mà thiếu đội ngũ chuyên nghiệp chính là gieo mầm cho điện hạt nhân mất an toàn. Ngược lại, tai nạn điện hạt nhân rất khó xảy ra nếu đất nước sở hữu được một đội ngũ chuyên gia hùng hậu, và đây chính là hiện thực ở hàng trăm lò phản ứng được thiết kế hơn 40 năm trước đây nhưng vẫn được vận hành an toàn ở các nước tiên tiến. 
Với phần thuyết trình của mình, tác giả dẫn dắt cuốn sách từ lịch sử phát triển vật lý hạt nhân bắt nguồn từ phát minh ra hiện tượng phóng xạ trong khoáng uranium từ đầu thế kỷ XX (chương 1), nguồn gốc phóng xạ trong tự nhiên (chương 2) và nền phông phóng xạ nhân tạo còn lưu tại từ các cuộc thử vũ khí hạt nhân ào ạt trong khí quyển hồi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX (chương 3), cấu trúc lò phản ứng năng lượng và cơ chế vật lý dẫn đến tai nạn điện hạt nhân cũng như hậu quả thoát chất phóng xạ ra môi trường (chương 4, 5). Phân tích an toàn điện hạt nhân theo phương pháp tất định và xác xuất (chương 6) là hai phương pháp luận cơ bản trong an toàn điện hạt nhân. Tiếp theo, ba tai nạn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima (chương 7, 8, 9) được minh họa tương đối chi tiết. Cuối cùng là câu chuyện hậu Fukushima (chương 10) trình bày hiện trạng điện hạt nhân trên thế giới và triển vọng của các lò thế hệ mới có khả năng sử dụng phế thải hạt nhân ngay trong lò, và có thể được thương mại hóa trong vài thập kỷ tới.
Cuốn sách được GS. Hồ Ngọc Đại, nhà giáo Phạm Toàn, đánh giá đáng tin cậy. Nó là cuốn sách mở đầu cho những sinh viên, người làm khoa học ngành năng lượng “hớp ngụm nước đầu tiên” trong quá trình học tập và làm việc của mình. Sự ra đời của cuốn sách trong bối cảnh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, khi Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị các nguồn lực cho dự án Điện hạt nhân đầu tiên, đặc biệt là nguồn nhân lực. Hiện nay, Việt Nam không chỉ thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi có kinh nghiệm mà còn thiếu tài liệu tham khảo và giảng dạy bằng tiếng Việt liên quan đến chuyên ngành Điện hạt nhân, cụ thể là an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. 
Cuốn sách có thể sử dụng làm tài liệu tham chiếu trong giảng dạy chuyên ngành hạt nhân ở trường đại học. Những người hoạt động trong ngành, kể cả giới quản lý và hoạch đinh chính sách, có thể tìm thấy ở đây những kiến thức cơ bản, có hệ thống và hữu ích cho công việc của mình. Đặc biệt, sách “An toàn điện hạt nhân” còn hy vọng được làm cầu nối giữa các ngành trong công nghệ điện hạt nhân đa ngành, giúp chuyên gia thuộc các chuyên môn khác nhanh chóng có được hành trang cần thiết để rẽ sang cống hiến trong lãnh vực điện hạt nhân. 
Ngoài ra, trong buổi đàm thoại đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ “cuốn sách đã xóa mù cho tôi về hạt nhân” trong sách vẫn có nhiều chỗ dành cho giới văn nghệ sỹ có những cảm hứng về đề tài trong quá trình khai thác tư liệu cho phim tài liệu, giới truyền thông thường xuyên tác nghiệp về điện hạt nhân nhưng chưa được trang bị kiến thức nền về chuyên môn này.
Một vài hình ảnh của buổi tọa đàm
 
 
 
Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tặng hoa và chúc mừng tác giả
 
 
 
 
Ban tổ chức buổi tọa đàm
Với sự ra mắt của cuốn sách, cùng chuỗi hoạt động hướng về kỷ niệm Ngày Khoa học Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật mong muốn truyền bá các tri thức khoa học và công nghệ đến với đông đảo bạn đọc cũng như có được sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đội ngũ cộng tác viên để cho ra đời những cuốn sách, bộ sách khoa học và công nghệ hạt nhân có chất lượng phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân trong những năm tới.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *