TTO – “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà”. Đó là thông tin được đưa ra trong cuốn sách "Mười vạn câu hỏi vì sao?", khiến nhiều người ngạc nhiên.
Sách Mười vạn câu hỏi vì sao do NXB Hồng Đức ấn hành – Ảnh: V.V.TUÂN
Sách Mười vạn câu hỏi vì sao của tác giả Đức Thành, do NXB Hồng Đức ấn hành tháng 9-2015, với đối tác liên kết xuất bản là công ty TNHH văn hoá Minh Tân – nhà sách Minh Thắng, in 2000 cuốn.
Chiều ngày 8-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Việt Bắc – giám đốc NXB Hồng Đức thừa nhận cuốn sách Mười vạn câu hỏi vì sao do NXB Hồng Đức ấn hành, đồng thời nói rằng: việc sách viết lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới là do có sự nhẫm lẫn.
“Chúng tôi đã dừng phát hành cuốn sách này từ ngày 7-4, đồng thời yêu cầu các nhà sách thu hồi được 1.600 cuốn (trên tổng số 2000 cuốn) để sửa chữa chi tiết này. Trong những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu hồi sách” – ông Bắc nói.
Nhầm lẫn này được các facebooker phát hiện từ sáng 7-4 và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Trang sách viết lạc đà là loài chim lớn nhất trên thế giới – Ảnh: V.V.TUÂN
Tại trang 71, trả lời câu hỏi "Loài chim lớn nhất trên thế giới là loài nào?", cuốn sách viết: “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh. Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hoá rồi”.
Sách cũng giải thích thêm về loài “chim lạc đà”: “Trong các loài lạc đà, lạc đà châu Phi là nổi tiếng nhất, hơn cả lạc đà châu Mỹ và lạc đà châu Úc. Lạc đà châu Phi có thân thể cao lớn, giỏi chạy, thích hợp sống ở sa mạc và các vùng hoang dã, trong đó lạc đà đực lớn nhất cao tới 2,75 mét, dài khoảng 2 mét, nặng 160kg.
Lông cánh và lông đuôi của lạc đà châu Phi đều màu trắng, màu long của các bộ phận khác thì không hề giống nhau. Lông của phần đầu thưa, còn của phần cổ thì đa phần là trơ trụi, vẻ ngoài trông rất xấu.
Hai chân của lạc đà rất dài, to khoẻ, tuy hai cánh bị thoái hoá nhưng chạy nhanh như bay, lại thêm lông phụ phát triển có thể đập vỗ để trợ lực cho cánh, cho nên mỗi bước chạy có thể dài tới 8 mét, trong 15 phút hoặc chưa đầy nửa tiếng đồng hồ có thể chạy xa 50km, mỗi giờ có thể chạy được 70km”.
Kết thúc phần này, sách một lần nữa khẳng định lạc đà là loài chim:
“Lạc đà quen sống thành bầy, bốn năm chục con cùng chung sống. Khi sinh sản luôn luôn là một con đực và nhiều con cái, đồng thời để trứng trong một tổ, thông thường một con cái mỗi lần đẻ được 8 trứng, mỗi trứng nặng khoảng 1300g.
Chim cái sau khi đẻ trứng xong thì đã hoàn thành nhiệm vụ của người mẹ, còn các công việc khác như ấp trứng, nuôi dưỡng chim non sẽ do chim đực đảm nhiệm”.
V.V.TUÂN