Sửa luật để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ

Dự thảo Luật lần này cần tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; về chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước.
 
Nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiệnDự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, sáng 29/3, tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ với sự chủ trì của Thứ trưởng Chu Ngọc Anh.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng: “Luật Chuyển giao công nghệ đã ra đời từ cách đây 10 năm. Sự ra đời của Luật ở thời điểm đó là rất kịp thời, tuy nhiên do nhận thức của chúng ta lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại nên Luật còn nhiều bất cập”.
 
Thứ trưởng cũng nêu một số vấn đề nổi cộm trong chuyển giao công nghệ tại nước ta. Cụ thể là các tổ chức trung gian chưa thực sự phát triển; vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, vệ tinh và vai trò quản lý của cơ quan nhà nước với các dòng chuyển giao công nghệ vào Việt Nam; vai trò đầu tư, hỗ trợ của nhà nước trong quá trình chuyển giao công nghệ; tỉ lệ, tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tương đối chậm; vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu và cuối cùng là cơ hội chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư.
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ngũ Hiệp
Từ thực tế này dự thảo Luật cần tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; về chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; về thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; về các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ; về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và một số vấn đề khác.
 
Góp ý cho Dự thảo Luật, TS Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng dự thảo chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong chuyển giao công nghệ. Ví dụ một công ty cung cấp hạt giống nói đây là hạt giống cho năng suất cao, nhưng kết quả cho toàn hạt lép. Vậy khi đó xử phạt thế nào, ai xử phạt họ? Bên cạnh đó, luật 2006 và dự thảo luật bản đầu tiên cũng đi theo hướng quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ bằng việc cấp giấy phép. Điều này vô cùng bất cập bởi hoạt động chuyển giao công nghệ thể hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ thụ tinh nhân tạo, cấy ghép nội tạng… là những công nghệ được chuyển giao nhưng không thông qua việc cấp giấy phép.
 
TS Hùng cũng đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật chế độ hỗ trợ và khuyến khích trong chuyển giao công nghệ. Theo ông Hùng, nếu không có, Luật rất dễ rơi vào tình trạng chết yểu. 
 
GS Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam thì cho rằng: cần phát triển dịch vụ chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sản xuất. Về vấn đề khuyến khích ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, cần có cách thức tiếp cận riêng với từng loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ nên có bộ phận Innovation, được sự cho phép của Chính phủ, của Quốc hội, đầu tư rất nhiều tiền để đưa các công nghệ mới vào một lĩnh vực nào đó, làm đầu tàu cho các doanh nghiệp khác noi theo.
 
Bên cạnh đó, có khá nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề sử dụng thuật ngữ cũng như cách thức trình bày các điều luật trong Dự thảo luật sao cho dễ hiểu, có tính quy định hơn.
 
Hiền Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *