TTO – Thế giới ngày nay có thể đang ngày càng “số hóa”, song có một địa hạt vẫn đủ sức chống chọi để giữ bản sắc và đó chính là thói quen đọc sách in.
92% số sinh viên được khảo sát khẳng định rằng việc đọc sách sẽ tập trung hơn khi họ đọc với sách in – Ảnh: Mashable
Trong một khảo cứu gần đây do giáo sư Naomi Baron thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học của Đại học American University tiến hành đã có kết luận rằng đa số sinh viên, những người được cho là bắt nhịp rất nhanh các xu hướng của nhịp sống hiện đại, vẫn ưa chuộng đọc sách in với bìa và giấy truyền thống hơn là các tập tin e-book (sách điện tử) trên các thiết bị di động đối với các đề tài và nội dung mang tính nghiêm túc.
Để thực hiện khảo cứu, giáo sư Baron đã tiếp xúc với hơn 300 sinh viên đại học đến từ các quốc gia gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Slovakia để thăm dò các sở thích đọc sách của họ.
Khi nêu ra hai lựa chọn giữa đọc sách truyền thống và đọc sách điện tử trên các thiết bị di động, 92% số sinh viên khẳng định rằng việc đọc sách sẽ tập trung hơn khi họ đọc với sách in.
"Có hai lý do lớn khiến sách in thắng thế: đầu tiên là việc dùng thiết bị điện tử dễ gây phân tâm, chuyển hướng sang các hoạt động lan man khác trên máy thay vì chăm chú đọc" – giáo sư Baron cho trang tin New Republic biết. "Lý do thứ hai là tình trạng mỏi mắt, đau đầu kèm theo các cảm giác không thoải mái khác khi một người nào đó dán mắt quá lâu vào màn hình điện tử".
Việc dùng thiết bị điện tử dễ gây phân tâm, chuyển hướng sang các hoạt động lan man khác trên máy thay vì chăm chú đọc
Ngoài ra, những trải nghiệm về xúc giác và khứu giác cũng là nhân tố quan trọng hình thành nên tình yêu đọc sách in.
"Khi hỏi các sinh viên người Slovakia về điều gì mà họ cảm thấy thích nhất khi đọc sách truyền thống, thì cứ mười người sẽ có một mô tả về mùi giấy in, những cảm xúc gợi nhớ khó tả khi lần giở từng trang sách" – giáo sư Baron cho biết.
Tuy nhiên, đối với các phiên đọc hiểu ngắn thì nhóm khảo cứu của giáo sư Baron nhận thấy không có nhiều khác biệt giữa các phương tiện cung cấp nội dung.
HOÀI CHI (Theo Mashable)