Phó Thủ tướng: Mỗi trường đại học nên có không gian riêng cho startup

Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về công nghệ thông tin Vũ Đức Đam cho rằng điều quan trọng là làm sao mỗi trường đại học đều có không gian cho cộng đồng startup làm việc.
 
Ý kiến trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong bài phát biểu tại Đại hội IV của Hiệp hội VINASA diễn ra sáng 24/4 tại Hà Nội.
 
Theo Phó Thủ tướng, nếu muốn đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực thì chỉ riêng tốc độ tăng trưởng, Việt Nam phải tăng liên tục 9% trong 20 năm tới. 
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng doanh nghiệp của VINASA sẽ tiên phong đầu tư cho cộng đồng startup. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)
Thế nhưng, theo Phó Thủ tướng, nếu chỉ tăng trưởng mà không chú ý các vấn đề môi trường xã hội thì việc tăng trưởng có thể sẽ bị kéo lùi lại. Bởi vậy, cần phải phát triển khoa học công nghệ mà rõ ràng công nghệ thông tin, trong đó có có phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin phải được đẩy mạnh.
 
Về cộng đồng khởi nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng điều cần nhất là cơ chế để có vốn đầu tư ban đầu. Về nhà nước, chính sách suy cho cùng thì thuế vẫn là vấn đề lớn nhất chứ không cần nhiều lắm đến đầu tư tín dụng, đất đai.
 
Đề nghị hiểu đúng về khởi nghiệp, Phó Thủ tướng nói quan trọng nhất là làm sao các trường đại học đều có không gian cho cộng đồng khởi nghiệp (startup) làm. Ví dụ như mỗi trường dành 1.000m2 để startup vào đó bởi thực tế cho thấy starup luôn gắn với sinh viên-những người mơ mộng, hoài bão, nhiều ý tưởng, có khả năng sáng tạo nhưng lại không có tiền.
 
“Nếu làm được điều này có thể sẽ thay đổi cách học trong trường đại học, hình thành cho sinh viên tinh thần lập nghiệp” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, cộng đồng khởi nghiệp rất cần nguồn đầu tư mạo hiểm ban đầu dưỡi hình thức các quỹ. Chính phủ đã bàn và sẽ có một số chính sách tham gia cùng với cộng đồng doanh nghiệp, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến nghị các doanh nghiệp trong VINASA, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, nòng cốt phải tham gia tích cực vấn đề này. 
 
Đào tạo công nghệ cho cử nhân thất nghiệp
 
Một trong những vấn đề “đau đầu” nhiều doanh nghiệp công nghệ chính là bài toán thiếu nhân lực. Báo cáo của VINASA cũng cho thấy đây là 1 trong 3 hạn chế cản trở sự phát triển của ngành với việc dự tính nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 400.000 người nhưng toàn hệ thống mới chỉ đủ khả năng cung ứng 250.000 người. Đấy là chưa kể kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ của sinh viên rất hạn chế và các doanh nghiệp phải mất 3-6 tháng để đào tạo lại.
 
Một ví dụ về sự thiếu hụt nhân lực, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho rằng hiện đơn vị này có khoảng 4.000 nhân lực, doanh thu gần 100 triệu USD tại thị trường Nhật Bản và sẽ phát triển liên tục trong thời gian tới. FPT Software cũng đặt mục tiêu tới 2020 là 15.000 người và doanh thu 500 triệu USD và doanh nghiệp này rất cần nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin được đào tạo tiếng Nhật.
 
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết so với các ngành khác, công nghệ thông tin ít cần đất, tín dụng hơn nhưng nhân lực là vấn đề quan trọng. Ông đặt câu hỏi tại sao chúng ta có hàng trăm nghìn cử nhân cao đẳng thất nghiệp, hơn 100.000 cử nhân đại học, kỹ sư thất nghiệp nhưng công nghệ thông tin thì lại thiếu. Có những thứ học ra không xin được việc, còn có những thứ thiếu thì lại không đào tạo được và đây là câu hỏi rất lớn mà VINASA nên tập trung giải quyết. 
 
“Hiện có nhiều mô hình đào tạo mới, học liệu mở, đào tạo từ xa… tại sao mình không tập trung phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng để làm. Ví dụ như tại sao không nghĩ tới chuyện đào tạo hơn 100.000 kỹ sư cử nhân thất nghiệp về công nghệ thông tin? Chúng ta nhắc đến nhưng chưa làm đến cùng và tôi mong muốn VINASA làm cái này,” Phó Thủ tướng chốt lại.
 
Theo Vietnamplus
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *