Năm nay, trong nhẩm tính hao hụt tiền nong của bao người, hẳn có một khoản kha khá gọi là mua sách. Và rất có thể, sau khi gộp hết các chi phí cho hiếu hỉ, cho giá điện tăng, giá sữa ngất ngưởng, giá vé xem phim trên trời, nhiều người vẫn giật mình vì hóa ra sách mới là thứ khiến họ thâm hụt hầu bao nhất và hội sách là nơi họ lân la hơn cả so với cửa hàng BBQ, KFC, chả cá Lã Vọng, lẩu Thái, Tràng Tiền Plaza, xông hơi tắm lá người Dao…
Chưa khi nào các hội sách dày đặc như năm 2015. Tôi không biết ngoài chuyện muốn mua sách, người khác đến hội sách còn để làm gì. Gặp gỡ, tán chuyện, hay, như dân làng Phú Đôi ngày xưa, đem những cuốn sách cũ của mình ra trao đi đổi lại1. Cũng có thể đến hội sách bởi hiệu ứng tâm lí đám đông, thấy rồng rắn đoàn nọ nhóm kia chen chúc trước “giờ G” khai mạc thì sốt ruột, tưởng là nơi quần anh tụ hội, liền cất bước vội vàng. Rất nhiều “lực lượng” khác, đến hội sách còn để chụp ảnh selfie quẳng nhanh lên facebook, hoặc ăn xúc xích rán, xem bói, uống café miễn phí… Chẳng khó như đi nghe hòa nhạc, chẳng bực tức như đi xem bóng đá, chẳng phải trèo rào tuột quần rách áo như đi tắm miễn phí ở công viên nước hồ Tây, đi hội sách là cơ may thư giãn, vừa có hương thơm trí tuệ vừa luyện đôi chân dẻo dai.
Nhưng, càng ngày, tôi càng không dám đặt cược rằng hội sách diễn ra quanh năm là dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc thực sự khởi sắc và dân trí đang vào độ tăng cao. Chưa có một báo cáo nào thật chi tiết, chân xác về việc những ai mua sách và đọc sách gì, song từ quan sát của tôi, tôi không vội tin hàng ngàn lượt người đến hội sách sẽ quyết định chất lượng của việc đọc, và từ đó, biểu thị trình độ dân trí thay đổi. Nếu để ý, ta thấy rằng, một phần kịch tính của hội sách thường rơi vào các loại sách kĩ năng, dạy con học, dạy con làm giàu, dạy làm bánh; một phần sôi động dành cho các sách phong thủy, bói toán; một phần náo nhiệt và luôn náo nhiệt một cách dai dẳng, bất kể địa điểm ở đâu và thời tiết thế nào, là loại sách văn chương ngôn tình, du kí, tản mạn, phiếm đàm, thơ tình và phỏng vấn người nổi tiếng. Tôi không nói đọc các loại sách đó là vô ích, vô bổ. Chúng xứng đáng tồn tại và đón nhận hơn nhiều loại sách khác. Song, nếu nhường lại sân khấu đọc cho các loại sách khoa học, các đầu sách mà giới học giả vẫn coi là gối đầu giường, các sách mà nhiều tấc lòng hiếu tri đã cố công viết, chuyển ngữ ngõ hầu làm giàu vốn tri thức quốc dân… thì sẽ thật ít ỏi người chen chân. Không gì cám cảnh hơn ở các hội sách cho bằng gian hàng bày bán sách khoa học xã hội nhân văn. Mẹo làm ăn kinh tế, kinh nghiệm chính trị, bí kíp luyện ngoại ngữ áp đảo những không gian của triết học, tư tưởng, của danh mục “khai sáng”, “tinh hoa”. Lí do ngậm ngùi nhưng có vẻ được ưa dùng là vì chúng kén độc giả. Độc giả yêu thích, đọc được chúng chắc không nằm trong số thực khách xô đẩy ăn sushi miễn phí, trong số 7000 ngàn người làm tan hoang thung lũng hoa2. Độc giả của chúng chắc cũng khó thuộc về số người chọn Google để tìm kiếm những Vợ người ta, Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu… như một nhu cầu thưởng thức ca hát bất tận3. Vậy sẽ còn lại những ai để tâm đến các trước tác kinh điển, như trường hợp cuốn Bàn về tự do mà nhà văn Nguyên Ngọc có lần lấy ra làm ví dụ: Cuốn sách kinh điển Bàn về tự do của John Stuart Mill mãi đến năm 2004 mới được dịch lần đầu tiên ở ta, và cũng chỉ in lèo tèo có 1.000 bản, tức chậm hơn Nhật 150 năm và số lượng in thì ít hơn họ 2.000 lần!4 Cơ hội của sách như một công cụ đắc lực hỗ trợ quá trình tạo dựng xã hội tiến bộ và nhân văn, thiển nghĩ, không quá sáng rõ như chúng ta hằng kì vọng nếu nhìn thân phận giảm giá (sale off) những cuốn sách kinh điển trong các hội sách. Chúng còn biết gây chú ý gì hơn ngoài cái tên tác giả – tác phẩm trên bìa, thứ có thể khiến đôi người, vốn hiếu đọc nhưng luôn túng thiếu, xúc động vì rằng, cuối cùng họ cũng đã ra được sách hoặc được trở lại, hoặc xuất hiện lần đầu ở Việt Nam.
***
Hội sách bớt đi phần “hội” thì vẫn có thể xem là một phiên chợ mua bán đúng nghĩa. Nếu đem so sánh việc những bộ phim đặt hàng của nhà nước, chẳng hạn Sống cùng lịch sử, tốn tiền tỉ nhưng đem ra rạp chỉ thu vé chưa quá chục bát phở Thìn, thì việc một chủ hiệu sách thu được cả chục triệu đồng trong phiên chợ sách cũ có lẽ là thực tế gây ngạc nhiên. Những cuốn sách cũ mà dân trong nghề hay gọi chung là đồng nát ấy, liệu có thể chứng thực khúc ngoặt văn hóa rằng, những người Việt khá giả hiện nay đã để mắt đến sách, coi đó là thứ đồ trang sức sang trọng, thà mua sách còn hơn đầu tư vào chăm sóc sắc đẹp hay sở hữu chiếc túi Louis Vuitton hàng nhái ? Cứ như những phiên chợ sách cũ ở Hà Nội mà tôi đến thì thật tình, mùi nước hoa Calvin Klein bình dân không át được mùi giấy ẩm mốc và mùi những tờ tiền nhỏ/lẻ . Nói khác đi, kẻ bán người mua trong các phiên chợ ấy vẫn thường là tầng lớp dân nghèo thành thị, từ học sinh sinh viên, viên chức, đến cán bộ về hưu, các phụ huynh tận tụy đọc sách cùng con và đều đặn nhất là mấy kẻ si thư đích thực. Lời quảng cáo cho hội/phiên chợ sách nào cũng nặng tình cảo thơm nhưng sâu xa thì nặng lòng cơm áo mưu sinh. Bán được nhiều sách cũng hạnh phúc như mua được sách rẻ. Tôi cộng sinh, vậy tôi tồn tại. Bởi thế, dù việc tổ chức hội sách đã nhang nhác tính chất phong trào, a dua trên khắp mọi miền thì người ta vẫn có thể cảm thông vì đấy không phải là sân golf, quán bar, vũ trường để mà khoe mẽ kĩ năng gì quá đặc biệt. Đơn giản chỉ là lục tìm, nhặt nhạnh, kì kèo trả giá và tay xách nách mang như một Alibaba thực thụ! Tất nhiên một Alibaba thông minh không có nghĩa là khuân tất cả mà phải chọn được sách hay. Loại trừ người không biết sách hay mà vẫn mua sách, thì như những gì tôi thấy, một cuốn sách hay bao giờ cũng mời gọi được ai đó tìm đến, rước về.
***
Tôi đến hội sách, đôi khi, với một lí do rất lẩn thẩn, là được tìm đọc những dòng chữ của người chủ (có thể) cuốn sách. Họ hay viết ở trang đầu hoặc ở một khoảng trắng bất kì hoặc trên mẩu giấy gài vào. Đề tặng, chép thơ, ghi vài câu cảm nghĩ như tự nói với chính mình. Nó là những câu chuyện làm tôi suy nghĩ dù không thật hiểu hết. Ví như, ở đây, trên trang đầu cuốn Suy tưởng, hẳn là lời của một cô gái: “Anh thân yêu! Trong cuốn “Tìm hiểu các nền văn minh trên thế giới”, tác giả Fernand Braudel cho rằng, khi đến tuổi 18, trước lúc chuẩn bị bước vào ngành nghề nào, thì những thanh niên của chúng ta phải làm quen với những vấn đề hiện nay về kinh tế, xã hội, với các cuộc xung đột lớn về văn hóa trên thế giới, với tính đa nguyên của các nền văn minh. Vậy mà chúng ta đã 22, 23 tuổi rồi đấy. Đây thực sự là cái tuổi chúng ta cần phải nhìn nhận về thời đại và cuộc sống của mình”. Chính tôi, tôi đã không ý thức được điều đó cho đến khi mình qua thời đầu xanh tuổi trẻ. Còn đây, chắc là của một người yêu văn chương: “Mình thấy tiếc thời gian quá. Mà vẫn không làm được gì cả. Có lẽ, với gia đình, mình vẫn là một người ích kỉ. Như mẹ nói, là người vô tích sự nhất nhà. Mình cần phải tự và từ từ thực hiện ước muốn của mình mà không gây thiệt hại cho ai. Cũng chẳng mong ai hiểu và động viên cả. Con đường của văn chương nghệ thuật hay đơn giản hơn, con đường để được sống là mình, là con đường của sự cô đơn. Cần biết mấy sự can đảm và chấp nhận tất cả”. Chính tôi, rất nhiều khi thấy hoang mang, đơn độc và thậm chí tuyệt vọng vì không xác thực được sự lựa chọn hay cách sống của mình. Và đây nữa, một lời cảm ơn rất sâu lắng: “Về quê. Ba nhìn cái ví đựng bút của con mà bảo “Dạo này trông hoàn cảnh quá!” Ba lại cho con tiền đi ô tô. Mà một khi ba làm như vậy thì thể nào từ đó con cũng mua được một quyển sách nhỏ. Cám ơn ba!”. Tôi ước nhiều bạn sinh viên có được tình cảm này.
Tôi hay rước một cuốn sách về nhà còn vì có vài dòng viết như trên. Ở đâu đó trong một cuốn sách là nấm mộ gió của những tâm tư bất chợt nhưng khiến ta trưởng thành hơn.
Mai Anh Tuấn.