Nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như từng địa phương trong vùng giai đoạn 2012 – 2014. Ngày 4/7 tại tỉnh Bắc Kạn, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc lần thứ XV.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Nông Văn Chí; đại diện lãnh các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo và cán bộ của các sở KH&CN thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao các thành tựu của vùng trong thời gian qua, đặc biệt là việc cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ vào phát triển nông lâm nghiệp.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương Hồ Ngọc Luật cho biết, giai đoạn 2012-2014, các tỉnh trong vùng đã thực hiện 878 nhiệm vụ KH&CN. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của vùng vẫn còn một số tồn tại cần có giải pháp khắc phục: việc bố trí kinh phí ở một số địa phương; công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm có thế mạnh của vùng chưa được đầu tư phát triển một cách thỏa đáng,…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả các hoạt động KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động KH&CN,…
Về một số ứng dụng KH&CN thành công của tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch Nông Văn Chí cho biết, Bắc Kạn đã tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, triển khai các đề tài, dự án, phát triển cây trồng vật nuôi, vật nuôi bản địa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Một số dự án nhằm duy trì và phát huy một số vật nuôi bản địa như: Ngan, Gà của đồng bào Mông.
Dự án chăn nuôi lợn bán hoang dã tại Thị xã Bắc Kạn.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ nuôi cấy invitro để nhân giống cây khoai môn phục vụ sản xuất.
Triển khai và nhân rộng một số loại nấm. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho một số sản phẩm gồm: Hồng không hạt, Quýt Bắc Kạn, Gạo Bao Thai Chợ Đồn, Miến dong Bắc Kạn,…
Với sự chứng kiến của các đại biểu, Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình đã nhận lẵng hoa tượng trưng từ Lãnh đạo Sở KH&CN Bắc Kạn, đảm nhận vai trò tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh trung du miền núi phía Bắc lần thứ XVI tại Hòa Bình vào năm 2016.
Trước đó, vào ngày 3/7 cũng tại Bắc Kạn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp với Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” tại tỉnh Bắc Kạn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển vùng Tây Bắc là một trong những chương trình KH&CN cấp Quốc gia nhằm thực hiện Quyết định số 1244/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2011 – 2015.
Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 14 tỉnh Tây Bắc và vùng phụ cận có những nét chung, các địa phương cần, chia sẻ, tích hợp các đề xuất, nhiệm vụ để triển khai, tránh trùng lặp. Ngoài ra, Chương trình mong muốn nhận được các trao đổi, đề xuất các giải pháp…, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững ở các địa phương vùng Tây Bắc
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Sở KH&CN các địa phương đã trao đổi và đưa ra nhiều đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN trực tiếp hướng tới việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn phát triển của vùng Tây Bắc, như: Công nghệ tiết kiệm nước cho cây trồng và cho sinh hoạt của người dân.
Công nghệ bảo quản nông – lâm sản sau thu hoạch; Nâng cao năng xuất và tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho một số cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao; Nghiên cứu sản xuất tấm lợp cho đồng bào nghèo,…
Ngũ Hiệp – Bùi Hiếu