TT – Tô Hải Vân là giảng viên, nhà khoa học, từng giữ chức giám đốc NXB Khoa Học Kỹ Thuật đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông đã có tập truyện đầu tiên được in từ năm 1974 Chiều dài của một ngày.
Sách do NXB Trẻ ấn hành
Suốt hơn 40 năm cầm bút gần như liên tục, Tô Hải Vân cho xuất bản hầu hết là truyện ngắn. Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, ý thức đổi mới đã thôi thúc ông đầy mạnh mẽ, với những thủ pháp khác lạ mà bạn viết cùng thuở ông khi ấy giờ còn nhắc lại.
Sang đến tuổi trên 60, ông vẫn thường xuyên hiện diện cùng tủ sách Văn Mới, nơi quy tụ những cây bút có lối viết thật “trẻ”.
Và đến tuổi xấp xỉ tri thiên mệnh, Tô Hải Vân cho trình làng tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp gần mười đầu sách: Người thứ hai (NXB Trẻ).
Người thứ hai mang cấu trúc thường chỉ xuất hiện ở những nhà văn ưa thích tìm lối mới. Mạch truyện song song tồn tại hai văn bản, một hiện thực, một “biểu tượng”.
Ở phía hiện thực, đó là một nhân vật trẻ bắt đầu dấn thân vào cuộc đời, từ giảng đường đại học bước chân vào một viện nghiên cứu. Độc giả sẽ hiểu rõ hơn những gì chỉ thấy như hiện tượng về học hàm, học vị, nghiên cứu khoa học… Có ê chề, đắng đót, có cả những hài hước bất ngờ với hiện thực, có thể phóng chiếu thêm từ một góc cuộc sống.
Ở mạch “biểu tượng” – mà thật sự rất khó định danh loại thể cho nó, đó là một chuyến tàu, trên ấy vị lữ khách loay hoay tìm một chỗ ngồi cho mình, dù có vé nhưng đã bị cưỡng đoạt ghế ngồi, để rồi chẳng biết tiếp tục hành trình ra sao, lên hay xuống. Trên chuyến tàu ấy, những nhân vật thực hư, tồn tại đó mà phi lý đó… song hành dẫn đưa nhân vật vào một cõi mông lung, đầy hẫng hụt…
Cuốn tiểu thuyết gọn gàng, chỉ hơn 200 trang, chừng như dồn chứa cả một nghiệp đời, nghiệp viết. Song bằng vào những gì đã thể hiện, Tô Hải Vân cho thấy “sức chơi” cùng chữ, cùng văn của ông sẽ không bao giờ dừng lại, vẫn trẻ nguyên như những truyện ngắn “quẫy đạp” thuở nào.
NGUYỄN DANH LAM