Người đóng sách cũ cuối cùng còn sót lại ở Sài thành

Tỉ mỉ với từng công đoạn để phục chế những quyển sách, suốt 37 năm qua, ông Võ Văn Rạng vẫn trung thành với nghề đóng sách cũ này. 

Trong căn nhà nhỏ cuối con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM, người ta thường thấy một người đàn ông trung niên cẩn thận dùng kéo cắt chỉ, tháo rời cuốn sách rồi xếp lại thành từng trang theo số thứ tự. Ông luôn nâng niu và trân trọng từng quyển sách cũ.
 
Nhiều người ví ông Rạng như bác sĩ của những cuốn sách. Ông tái tạo những quyển sách đã ngả màu, mất bìa, bị mối mọt ăn bằng những công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nhiều quyển bị long sờn, gần như mất bìa, từng trang sách bị rời ra nhưng khi qua tay ông nó lại tinh tươm, tươi mới nhưng vẫn giữ được nét tinh nguyên ban đầu.
 
Để hoàn thành việc “phục chế” một quyển sách, ông Rạng nâng niu và nhẹ nhàng trong từng động tác. “Ông không dám gỡ mạnh vì sợ quyển sách sẽ rách. Có nhiều quyển từ những năm 80, họ quý trọng nên mới nhờ mình đóng lại. Nên mình cũng phải trân quý sách của họ như chính họ vậy”, ông Rạng tâm sự.
 
Ông bắt đầu làm nghề từ năm 1978 đến nay. Thời trước, rất nhiều người chơi sách cũ nên nghề này khá thịnh vượng. Nhiều khách hàng sưu tầm những quyển sách hơn mấy thập kỷ đến nhờ ông Rạng đóng lại cho mới để họ khoe mấy ông bạn già.
 
Qua thăng trầm của thời gian, đến nay, chỉ còn những cụ già muốn gìn giữ lại những hoài niệm xưa cũ mới có nhu cầu đóng sách. “Giờ công nghệ phát triển rồi, muốn đọc gì thì người ta lên Internet còn mấy ông già thì cầm mấy tờ báo đọc để cập nhật tin tức, thời sự. Mấy ai còn đọc sách cũ nữa. Có cũng chỉ là số ít, âu là mấy ông già ở tuổi thất thập thôi”, ông Rạng trầm ngâm.
 
 
Mỗi ngày, ông Rạng mở rộng cánh cửa sắt hoen rỉ, với tay uống một ngụm nước đựng trong một chiếc cốc không thể cũ hơn rồi ngồi vào chiếc bàn gỗ chắn ngang cửa ra vào. Trên bàn là những chồng sách cũ xếp ngổn ngang, cuốn long gáy, cuốn rách bìa… toàn những sách xuất bản từ những năm 1930 cho đến những năm 1980.
 
 
 
Ông Rạng cẩn thận tháo rời từng trang sách.
 
 
 
Với sách bị long gáy, ông Rạng dùng chỉ nilon (loại chỉ thường dùng để khâu bao bố) khâu gáy chừng 20 trang sách thành một tệp. Cùng đường khâu đó, ông tiếp tục kết nối những trang sách khác theo số thứ tự trang cho đến khi khâu hết cả quyển sách.
 
 
 
Xong công đoạn khâu, người thợ đóng sách dùng một chiếc chổi nhỏ, quệt hồ vào gáy sách.
 
 
Để chừng 30 phút chờ hồ khô, ông tiếp tục phết thêm một lớp hồ nữa rồi dán bìa phụ bằng giấy cạc tông mỏng lên.
 
 
Tỉ mẩn như một nghệ sĩ điêu khắc, ông Rạng dùng cặp kính lão, soi qua một chiếc kính lúp vào những mảnh vụn của trang sách cũ, cẩn thận dùng nhíp gắp từng mảnh và đính lại với nhau.
 
 
Chồng sách cũ đã ngả màu theo năm tháng. Có những cuốn không còn rõ chữ nhưng khách hàng vẫn đem tới cho ông đóng lại.
 
 
Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông vẫn ngồi đó, cặm cuội phục chế cho từng cuốn sách như cố níu giữ hoài niệm xưa cũ.
 
 
Trong góc phòng khách căn nhà, ông đặt chiếc máy nén bìa, cắt bìa thô sơ, hoàn toàn khởi động bằng tay. Sau khi dán bìa, cuốn sách sẽ được đưa vào máy, dùng lực lò xo quay tay để ép cho bìa và các trang sách dính lại với nhau một cách chắc chắn ở phần gáy sách. Chiếc máy này đã theo ông suốt 37 năm qua. Nó như người bạn đồng hành, cùng ông chứng kiến biết bao thăng trầm của nghề đóng sách cũ này.
 
 
Có những trang mảnh rách còn dính vào sách nhưng có những trang long khỏi bìa sách thành từng mảnh vụn, ông Rạng cần mẫn vuốt phẳng phiu, hong khô rồi dính từng mảnh vụn đó lại với nhau thành một trang sách hoàn chỉnh.
 
 
Ông đang kiểm tra lại những cuốn sách sau khi đóng lại hoàn chỉnh.
 
 
Cuộn chỉ để khâu và loại bột dán này được ông làm tại nhà.
 
 Khánh Phương
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *