Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: NH
Rất nhiều người đã thương mại hóa sản phẩm thành công, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt và giàu có nhờ sức sáng tạo của mình. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mong nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, cũng như từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" tối 17/5 mới đây. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho những nhà sáng chế không chuyên và cùng các Bộ, ngành ban hành trong thời gian sớm nhất.
– Thưa Bộ trưởng, được biết ngày 12/5 vừa qua, Bộ KH&CN đã lần đầu tiên tổ chức chương trình gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp. Đây là một sự kiện rất đáng chú ý vì lần đầu tiên ở Việt Nam có một sự trọng thị đến như vậy đối với các nhà sáng chế không chuyên. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của lực lượng này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trước hết, nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/5, tôi xin gửi đến các nhà khoa học, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, cũng như từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Nói về vai trò của các nhà khoa học không chuyên, Đảng và Nhà nước luôn luôn tôn trọng và đánh giá rất cao những sáng kiến của người dân. Trong chiến tranh chúng ta có chiến tranh nhân dân, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong khoa học chúng tôi cũng có quan điểm như vậy. Các nhà khoa học từ các viện, các trường họ giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, mang tầm vĩ mô, mang tính then chốt. Nhưng những nhà khoa học không chuyên là những người trực tiếp lao động sản xuất hằng ngày, họ thấy được cái gì cần cho họ, cái gì tốt nhất cho họ.
Ngay cả máy móc của các nước tiên tiến đưa sang Việt Nam không phải cái nào cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Người dân Việt Nam cũng cải tiến những máy gieo hạt của nước ngoài trở thành sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, có thể được thương mại hóa rất tốt trên thị trường.
Chính vì thế, những người có sáng kiến cải tiến, những người làm khoa học không chuyên làm ra những sản phẩm trước hết là phục vụ cuộc sống của chính họ và gia đình, rồi phục vụ cho cộng đồng xung quanh. Rất nhiều người cũng đã thương mại hóa thành công, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt, giàu có nhờ sức sáng tạo của mình.
– Hiện đã có thống kê nào về đóng góp của các nhà khoa học không chuyên trong sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Như ví dụ nêu trên, máy gieo hạt của nhà sáng chế không chuyên ở phía Nam đã được sản xuất, tiêu thụ ra thị trường nửa triệu sản phẩm. Điều này có nghĩa là nửa triệu gia đình hộ nông dân đang sử dụng máy gieo hạt này. Tính phổ biến của nó rất lớn vì có tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý thì nông dân mới có thể tiêu thụ nhiều như thế.
Nếu đánh giá từng trường hợp như vậy chúng ta có thể thấy hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn. Tuy nhiên, để đánh giá ở mức độ tổng thể mang tầm quốc gia về đóng góp của những người không chuyên vào toàn bộ các sản phẩm KH&CN của một quốc gia, chúng tôi sẽ phải tiến hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Rất nhiều người đã thương mại hóa sản phẩm thành công, trở nên thành đạt, giàu có nhờ sức sáng tạo của mình. Ảnh: NH
– Thưa Bộ trưởng, cũng trong cuộc gặp mặt với các nhà sáng chế không chuyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn xem trọng những chính sách để khuyến khích thúc đẩy phong trào sáng kiến và cải tiến kỹ thuật trong quần chúng nhân dân. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết kỳ vọng và chủ trương của Chính phủ vào lực lượng sáng chế không chuyên này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ là một nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ làm khoa học không chuyên. Trong cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành, cơ quan của chính phủ phải hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho bà con nông dân nói riêng và những người làm sáng chế không chuyên nói chung.
Điều quan trọng nhất, chúng ta phải có căn cứ pháp lý, hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ. Có thể nói, đến giờ phút này chúng tôi phải nhận khuyết điểm là chúng ta chưa làm tốt việc này. Vì thế, sau Nghị định về Ban hành điều lệ sáng kiến năm 2012, việc xây dựng một thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính để hỗ trợ cho bà con bị kéo dài và cho đến nay vẫn chưa ban hành được.
Tuy nhiên, ngay tại cuộc gặp này chúng tôi đã gửi đến 63 nhà sáng chế không chuyên dự thảo cuối cùng của thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho bà con. Trên cơ sở ý kiến của 63 nhà sáng chế, chúng tôi sẽ hoàn thiện thông tư và cùng các Bộ, ngành ban hành trong thời gian sớm nhất để bà con có thể phát huy tối đa sức sáng tạo của mình.
– Đối với các nhà sáng chế không chuyên, rõ ràng khó khăn lớn nhất của họ là vốn. Một bức thư từ một 'nhà khoa học nông dân' gửi tới chương trình: "Nông dân chúng tôi làm khoa học thực sự là tay không bắt giặc, nên đi vay ngân hàng để mở rộng sản xuất thì không có gì để thế chấp. Tôi theo dõi trong các chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trước, Bộ trưởng có thể hiện quan điểm rất ủng hộ người làm khoa học nghiệp dư. Vậy đến thời điểm này, Bộ KHCN có chính sách nào để hỗ trợ vốn cho người làm khoa học tay ngang như chúng tôi không"?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chắc chắn trong thông tư hướng dẫn về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bà con nông dân chúng tôi đã có đề cập tới nội dung này. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lệ thuộc vào một nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước vì chi tiêu ngân sách nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì thế, chúng tôi sẽ phải huy động các nguồn đầu tư của xã hội, chủ yếu là của doanh nghiệp.
Tuy nhiên doanh nghiệp họ chỉ có thể đầu tư khi họ nhìn thấy lợi nhuận. Như vậy, những sáng kiến cải tiến của người dân phải làm sao xuất phát từ thực tiễn của sản xuất, đồng thời cũng phải đáp ứng lợi nhuận của doanh nghiệp thì họ sẵn sàng đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập các quỹ phát triển KH&CN của các địa phương, các Bộ, ngành; quan trọng hơn cả là quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghệp.
Chúng tôi cũng mong bà con nông dân khi có sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phải nghiên cứu ngay nó sử dụng để làm gì, có đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương hay không. Yếu tố quan trọng không kém là phải làm sao để mẫu mã phong phú, hấp dẫn, giá thành hợp lý. Đảm bảo hài hòa cả 3 yếu tố đó tôi tin các sáng chế của người dân sẽ được doanh nghiệp đón nhận, đầu tư và trở thành sản phẩm của xã hội.
– Vào thời điểm này của năm trước khi mùa vải chuẩn bị tới, chúng ta cũng đã từng nói đến việc ứng dụng KH&CN trong bảo quản nông sản cho nông dân, giúp họ có kết quả kinh tế tốt hơn. Sau 1 năm, chúng ta đã có những bước tiến nào, sáng kiến nào đáng kể để mùa nông sản năm nay có kết quả tốt hơn không, thưa Bộ trưởng?
Một năm qua cũng chưa đủ dài, nhưng có thể nói Chính phủ đã nỗ lực giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Riêng đối với quả vải thiều của Bắc Giang, chúng tôi đã giới thiệu tới bà con nông dân 03 công nghệ của nước ngoài mà họ đã rất thành công: Công nghệ CAS của Nhật Bản, Công nghệ Juran của Isarel, Công nghệ chiếu xạ của Châu Âu.
Chúng ta đã thí điểm xuất khẩu 1 container 10 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản chào hàng và được Nhật Bản rất hoan nghênh, người dân Nhật Bản rất ưa chuộng. Khi thị trường Nhật Bản chấp nhận, chúng ta mới có thể triển khai trên quy mô lớn để đưa vào thị trường này. Đồng thời, Chính phủ đã đàm phán với rất nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định tự do thương mại như thị trường Hàn Quốc, Úc, Châu Âu, Hoa Kỳ. Vấn đề quan trọng phải đáp ứng được công nghệ bảo quản.
Năm nay, chúng tôi đang cố gắng đầu tư cho các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Phú Yên công nghệ bảo quản của Nhật Bản để các sản phẩm nông sản, thủy hải sản của chúng ta tới được những thị trường "khó tính" nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Hạnh Nguyên (lược ghi)